Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Công tác hoằng pháp – Từ truyền thống đến hiện đại

Công tác hoằng pháp – Từ truyền thống đến hiện đại

91

Hôm nay, tất cả những đệ tử Phật đồng câu hội về đây để cùng nhau luận bàn và đưa ra giải pháp trong sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XXI. Dưới ánh từ quang của chư Phật, tứ chúng một lòng đoàn kết hòa hợp cùng chung lo Phật sự, tôi xin gởi đến toàn thể chư tôn đức, quý liệt vị lời chào mừng trân trọng nhất. Kính chúc buổi tọa đàm thành tựu viên mãn.


Kính thưa Quý vị,


25 năm đã trôi qua với biết bao đổi thay của xã hội, Ban Hoằng pháp Trung ương vẫn là một trong những vấn đề tiên quyết làm cho đạo pháp xương minh, làm cho Giáo hội không ngừng phát triển trên nhiều phương diện. Nói đến hoằng pháp là nói đến sự đưa đạo vào đời bằng những phương pháp đặc thù của Phật giáo Việt Nam; và hoằng pháp được xem là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến sự truyền bá đạo pháp, đem lại sự an lạc tinh thần cho số đông bằng giáo lý giải thoát.


Như chúng ta biết, không thể có một Giáo hội ổn định và phát triển khi công tác hoằng pháp chưa được triển khai một cách đồng bộ, nhất là trong thời đại hôm nay. Ngược dòng lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận thấy các bậc tiền nhân luôn chú trọng đến công tác hoằng pháp. Phật giáo Việt Nam có những giai đoạn suy thoái, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung là công tác hoằng pháp không được xem trọng. Chính từ nhận thức công tác hoằng pháp có một vị trí đặc biệt quan trọng, các bậc tiền nhân đã dành nhiều tâm huyết để đẩy mạnh công tác hoằng pháp đến khắp mọi miền của Tổ quốc. Kết quả là Phật giáo Việt Nam từng bước được chấn hưng và phát triển toàn diện hơn như hôm nay.


Giáo hội không ngừng phát triển bền vững. Thế nhưng trong xu thế hội nhập, nền kinh tế tri thức đã, đang và sẽ chi phối đời sống xã hội, công tác hoằng pháp được triển khai như thế nào đối với một vấn đề khá nhạy cảm, đó là “truyền thống và hiện đại”. Như thế sắp tới, chúng ta phải làm thế nào để công tác hoằng pháp vừa giữ được truyền thống, vừa đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Đó là mệnh đề cần được các vị chuyên làm công tác hoằng pháp gia tâm nghiên cứu và tìm ra một giải pháp khả thi mới có thể đáp ứng một cách đầy đủ trong công tác hoằng pháp.


Khái niệm truyền thống và hiện đại hầu như quá quen thuộc với mọi Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của cụm từ truyền thống và hiện đại. Truyền thống tốt đẹp luôn là động lực, là sức mạnh từ trong tâm thức mỗi người, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Theo tôi, khái niệm truyền thống và hiện đại phải được hiểu bằng chiều sâu trong tâm hồn con người, trong nếp sống và cách ứng xử của từng người khi tham gia công tác hoằng pháp. Nếp nghĩ và nếp sống ấy có tiềm ẩn trong từng con người, và sẽ khó có thể nhận biết nếu nó không có môi trường bùng phát. Tôi xin đơn cử, truyền thống hoằng pháp là đạo tâm giải thoát, bố giáo, nhẫn nhục, tùy bệnh cho thuốc, từ bi, trầm tĩnh, tài trí, dũng cảm, phẩm hạnh vẹn toàn, luận nghị vô ngại, và điều đặc biệt là có một đạo đức thanh cao, vô ngã, tài đức song toàn, tôn ti trật tự trong đời sống phạm hạnh v.v… Thế nhưng, có nhiều vị do quá máy móc tiếp thu những tiến bộ vật chất của nước ngoài, không đủ tự hào về truyền thống của đạo pháp, dùng yếu tố bên ngoài làm chỗ dựa, trong thời giảng lại rập khuôn máy móc về những thiết chế xã hội của phương Tây, từ đó làm cho hội chúng không biết phân biệt đâu là chân đế, đâu là tục đế. Mỗi đất nước có những truyền thống và đặc thù văn hóa riêng. Chúng ta tiếp thu những cái hay của người để hòa vào dòng chảy của đạo pháp, chứ không phải hòa tan làm mất đi những truyền thống, đặc thù văn hóa của dân tộc nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Dù chúng ta có hiện đại đến đâu, nhưng truyền thống, đặc thù văn hóa của chính mình không giữ được thì làm sao để lại những dấu ấn cho đàn hậu học noi theo? Việc tiếp thu cách chọn pháp phục, cách thọ thực của một bộ phận Tăng Ni tuy được xem là hiện đại nhưng lại quá xa rời truyền thống và đặc thù văn hóa của Phật giáo Việt Nam. Truyền thống và hiện đại là hai mặt của một vấn đề xương minh đạo pháp, nếu không kết hợp một cách nhuần nhuyễn thì công tác hoằng pháp trong hôm nay và tương lai sẽ gặp không ít khó khăn.


Như chúng ta thấy, trải qua bao biến thiên của lịch sử, Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển, bởi vì các bậc tiền nhân biết cách áp dụng một cách hợp lý những yếu tố thuộc truyền thống, đặc thù văn hóa và những gì thuộc hiện đại vào các công tác Phật sự, trong đó có công tác hoằng pháp. Chỉ cần chủ quan duy ý chí về việc câu nệ truyền thống, đặc thù văn hóa, hoặc áp dụng một cách quá máy móc hiện đại vào các công tác Phật sự thì chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy lẩn quẩn, không tìm ra giải pháp phát triển đạo pháp trong thời hiện đại.


            Kính thưa Quý vị,


Truyền thống hoằng pháp của Phật giáo là mỗi hành giả xuất gia đạo tục dung thông, đem đạo vào đời bằng phẩm hạnh của một thượng sĩ xuất trần. Thế nhưng, sự nghiệp hoằng pháp hôm nay của chúng ta thì sao? Quá khứ tốt đẹp là nền tảng, là sức mạnh để chúng ta hoằng dương Chánh pháp – hộ quốc an dân – lợi đạo ích đời. Muốn làm được điều này, vị giảng sư phải hội đủ 10 đức tính khi thuyết pháp. Theo tôi, trong công tác hoằng pháp hiện nay, nếu vị giảng sư chỉ giỏi Nội minh mà không quan tâm đến 4 phần còn lại của Ngũ minh thì việc hoằng dương Phật pháp, đem sự an lạc tâm hồn sẽ không đạt hiệu quả như các bậc tiền bối đã làm. Chỉ cần chúng ta một thoáng chủ quan duy ý chí thì chúng ta sẽ bị chiếc xe lịch sử bỏ lại sau lưng những gì không phù hợp với nó.


Tôi đã tham gia công tác hoằng pháp từ thời Giáo hội Tăng già Nam Việt, nay xin chia sẻ một vài kinh nghiệm trong công tác hoằng pháp hôm nay như sau:


1. Để công tác hoằng pháp trong thời hiện đại đạt kết quả tốt đẹp, tôi đề nghị Ban Hoằng pháp Trung ương khi tổ chức những khóa bồi dưỡng cần chú trọng đến bồi dưỡng về tư tưởng, quan điểm, đạo đức cần có của một vị giảng sư.


2. Việc hoằng pháp trong thời hiện đại có thành tựu hay không, chủ yếu là tinh thần bố giáo của vị giảng sư, tức là vì pháp quên mình; không mong cầu sự cung kính; không mong muốn dễ dàng trong công tác; những nơi khó giáo hóa, vùng sâu vùng xa đều phát tâm thực hiện. Do đó, tôi đề nghị các khóa bồi dưỡng lần sau cần bồi dưỡng về tinh thần bố giáo này.


3. Để tránh tâm lý tự mãn của các giảng sư trẻ về năng lực, trình độ hiện có, nên khi thuyết pháp quên mất nhiệm vụ là truyền bá Chánh pháp để lợi mình lợi người, nội dung thời pháp quá tục đế, tôi đề nghị các khóa bồi dưỡng lần sau nên bồi dưỡng về phương pháp quan sát đối tượng nghe pháp là ai, để Chánh pháp được mọi người thấu hiểu hơn trong đời sống tụ tập.


4. Để tránh những lý luận vô căn cứ của một số thính chúng đưa ra với ý đồ quấy rầy khi giảng sư đang thuyết giảng, vị giảng sư trẻ cần phải nghiên cứu kinh điển thật sâu, thực hành giáo lý đức Phật vào đời sống thực tế, tránh tình trạng giảng kinh như trình bày một lý thuyết thay vì trình bày một thực nghiệm của chính mình. Chính điều này sẽ mang lại nhiều lợi lạc hơn trong quá trình hoằng pháp.


5. Vì sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở ngày mai, với trách nhiệm của một đệ tử Phật, tôi gởi đến quý vị những chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác hoằng pháp. Hy vọng qua tọa đàm hôm nay, Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ có định hướng mang tính chiến lược lâu dài, nhất là trong khâu bồi dưỡng giảng sư để chúng ta có một đội ngũ giảng sư với đầy đủ những đức tính cần thiết khi tham gia thuyết giảng Phật pháp. Và tôi tin tưởng rằng các vị giảng sư sẽ kết hợp một cách tốt nhất về đặc thù văn hóa truyền thống và hiện đại trong các bài pháp của mình.


Ngưỡng nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ tất cả chúng ta đầy đủ thắng duyên, đầy đủ nghị lực để hoàn thành trọng trách của người sứ giả Như Lai và làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển bền vững trong thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo.


Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, cát tường như ý; kính chúc buổi tọa đàm thành công viên mãn.