Trang chủ Tu học Phổ thông Kỷ niệm ngày Đức Thích Ca Thành Đạo

Kỷ niệm ngày Đức Thích Ca Thành Đạo

103

Đức Thế Tôn xuất gia, sau sáu năm tu hành khổ hạnh mới thành đạo. Đó là điều đã xác quyết. Còn năm nào xuất gia, năm nào thành đạo thì có nhiều thuyết khác nhau. Các bậc Cổ đức phần lớn theo thuyết cho rằng 19 tuổi xuất gia, 25 tuổi thành đạo. Còn các nhà nghiên cứu gần đây phần lớn theo thuyết 29 tuổi xuất gia, 35 tuổi thành đạo.


Sau khi xuất gia, Người tu khổ hạnh trong 6 năm, hình thể gầy mòn mà cũng không tỏ được đạo vô thượng. Người thôi tu ép xác mà quyết định tắm rửa sạch sẽ và thụ dụng sữa được dâng. Rồi Người tới Phật- Đà- gia- ra, rải cỏ kết tường ngồi kết già phu, hướng về phương Đông, thân thể trang nghiêm, một mối chính định, lặng yên suy nghĩ, tự phát nguyện rằng:


“Từ nay, nếu không chứng được đạo Vô thượng Bồ đề, thì thà để cho thịt nát xương tan, chứ quyết không đứng dậy khỏi nơi này!” (Phương Quảng Đại Trang Nghiêm kinh)


Đức Thế tôn với tấm lòng đại bi, đại trí, với tinh thần dũng mãnh tinh tiến, ngồi tư duy 49 ngày dưới gốc cây, chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, mạn nghi… và với giặc thiên ma do Ma vương Ba- tuần chỉ huy. Người đã thắng được mọi ma chướng trong ngoài, tâm trí được khai thông.


Cuối cùng, vào đêm mùng 8/12 (tức đêm mùng 8 tháng Pao-sa – tháng 2 theo lịch Ấn), canh hai, Người chứng được quả “Túc mệnh minh”: thấy rõ được tất cả khoảng đời của mình trong tam giới.


Nửa đêm canh ba, Người chứng được quả “Thiên nhãn minh”: thấy được rõ tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó.


Đến canh tư, Người chứng được quả “Lậu tận minh”: thấy rõ nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.


 Khi sao Mai vừa mọc, Người hiểu thấu mọi pháp không gì không do duyên khởi, nhất thiết pháp duyên khởi rốt cuộc là đạo lý vô ngã.


Thế là “nảy sinh trí tuệ, nảy sinh nhận thức, định được đạo, đánh giá được pháp, cuộc đời đã hết, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, không còn trở lại kiếp người, biết được như chân thật”. (Trung A- Hàm kinh, La- ma thứ 56).


Người viên ngộ, soi tận chỗ tối tăm, trong tâm rỗng lặng, tỏ ngộ hết thảy, thành Đẳng chính giác, tự giác, giác tha, giác hành viên mãn, xưng là Vô thượng Phật Đà, các đệ tử của Người gọi Phật Đà là Thế Tôn, là Thích Ca Mâu Ni.


Đức Thế Tôn sau khi thành đạo, vui sướng vô lượng, tức thì 28 ngày liền hưởng niềm vui giải thoát dưới các gốc cây gần đó.


Bảy ngày đầu dưới gốc cây Tất- ba- la. Về sau gọi là cây Bồ đề vì Phật thành đạo dưới gốc cây đó.


Bảy ngày tiếp theo dưới cây A- du- ba- la. Thời gian này có ma vương Ba- tuần đến đề nghị người nhập diệt nhưng Người không nghe.


Bảy ngày tiếp theo nữa dưới cây Mục- chân- lân- đà. Thời gian này gặp mưa bão, rồng Mục- chân- lân- đà hiện ra dùng thân mình che chở cho Phật. Rồng này xin quy y, là đệ tử thứ nhất trong loại bàng sinh.


Bảy ngày tiếp theo nữa dưới cây La- đô- da- hàng- na. Có hai thương nhân là Đề- vi và Bà- lê- ca đi qua chỗ Phật đã cúng dàng mạch nha và quy y Phật. đây là hai Ưu- bà- tắc (cận sự nam) sớm nhất.


 


Ngày nay trong chùa, có khi cả ở tư gia, cứ đến ngày mùng Tám tháng Chạp, Tăng Ni Phật tử lại dùng các loại rau, quả, gạo nấu cháo bố thí cho mọi người, gọi là cháo mùng 8 tháng Chạp (lạp bát chúc), để làm lễ kỷ niệm ngày Đức Thích Ca thành đạo.


 


Sự kiện Đức Thích Ca thành đạo là một thiên anh hùng ca bất hủ, khải hoàn vang lên, thức tỉnh và cổ vũ loài người tự tin vào chân lý: Con người có khả năng và hoàn toàn có thể tự mình tu tập để đạt đến quả vị cao nhất của muôn loài trong vũ trụ. Và con đường tu tập đó là con đường hiện thực, hết thảy mọi người đều có thể tự mình tinh tiến, tự mình “đốt đuốc” của mình lên mà tự giải thoát.


Sự kiện Đức Thích Ca thành đạo là một thiên tình ca bất tận về tình yêu con người và muôn loài. Đức Thích Ca chiến đấu và chiến thắng, trước hết vì tình thương, một tình thương rộng lớn vô bờ bến với tất cả chúng sinh, tất cả các cõi đời. Vì sự thương tưởng muôn loài mà Người thành đạo, và Người thành đạo cũng vì sự thương tưởng đó.


Sự kiện Đức Thích Ca thành đạo và quá trình hành đạo sau này của Người đã mang đến cho muôn đời các thế hệ Phật tử niềm tin, lòng tự hào, nguồn nghị lực luôn tươi mới và bất tận trên con đường tu Phật, con đường mà Đức Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi, Đại hỉ, Đại xả Thích Ca mâu Ni Phật đã khơi nguồn và thực chứng.