Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Đánh thức phế tích ngàn năm trên non thiêng Yên Tử

Đánh thức phế tích ngàn năm trên non thiêng Yên Tử

127
Duyên thiên định
 
Chùa Ba Vàng là một trong những ngôi chùa gắn liền với những huyền tích. Nhưng rất tiếc, do sự biến đổi dữ dội của thời gian và con người nên nó nhanh chóng trở thành phế tích sau gần 300 năm. Sau gần 3 thiên niên kỉ “ngủ vùi” dưới tán cây rừng, chùa Ba Vàng đã được phát hiện từ một người nông dân bị mất bò vào năm 1987. Trong hành trình đi tìm đàn bò của mình, người nông dân này đã lên núi Ba Vàng. Khi tìm đến độ cao nhất, người nông dân này đã phát hiện ra một mặt bằng trải rộng trên triền núi.

Ngạc nhiên và mất tập trung nên người nông dân này đã vấp ngã và bất chợt phát hiện những bậc thềm xây tam cấp bằng gạch. Thấy lạ, người nông dân này đã tìm về loan báo để dân làng biết. 
 
Nghe lời kể lạ, để chứng kiến sự thực, nhiều dân làng đã tìm lên. Và họ đã vô tình phát hiện ra những hiện vật như: Cây hương đá (thiên đài trụ) được tạc bằng đá nguyên khối. Cây hương hình chữ nhật với kích thước cao 1m45, rộng 0.29m, dày 0.25m. Trên đỉnh cây hương là hình bát sen; Bia đá được làm vào thời Lê Dụ Tông (1706) có kích thước 0.70m, rộng 0.45m, dày 0.14m dựng trên đế rùa cao 0.40m, dày 0.94m, rộng 0.70m.

Sau phát hiện của lão nông và dân làng, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã vào cuộc để tìm hiểu gốc tích của công trình này. 
 
Bằng sự tìm tòi, khai quật cùng với cứ liệu lịch sử, những phát tích trên núi Ba Vàng đã cho thấy: Vào thời Trần (thế kỷ thứ 13), vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung vàng điện ngọc về non xanh Yên Tử tu hành. Ngài đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – một dòng thiền thuần nhất và duy nhất có phát tích từ Việt Nam. Lúc này, trong quần thể Trúc Lâm Yên Tử, chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử.

Căn cứ vào tư liệu khảo cổ khai quật được từ lòng đất tại nền chùa đã chứng minh vào đời Trần, nơi đây đã từng tồn tại một ngôi chùa nhưng không rõ lý lịch cụ thể về sư tổ và ngôi chùa.
 
Theo tìm hiểu và cứ liệu lịch sử, được biết, chùa Ba Vàng có xuất xứ từ  cuộc nội chiến Nam – Bắc Triều, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Cuộc nội chiến này đã dẫn đến sự hao người tốn của, nhân dân khủng hoảng niềm tin nên họ khao khát đón nhận trở lại ánh hào quang Phật giáo. Chính lúc này, đại thiền sư Tuệ Bích đã xây dựng nên Bảo Quang Tự (1706) như thắp sáng niềm tin, nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn. 
 
 
Sống lại tích cũ hội xưa
 
Kể từ khi được phát hiện vào năm 1987, chùa Ba Vàng được sơ khai trùng tu và bình lặng chứng kiến những đổi thay của thời gian, không gian. Trong suốt khoảng lặng đó, Bảo Quang Tự không hề có bất cứ một vị sư trụ trì nào. Cứ thế, con đường dẫn lên núi lại ngày một rậm rạp, những trùng tu ngày nào của chính quyền dần dần xuống cấp. Bảo Quang Tự tựa như một ngôi chùa hoang vắng, lạnh lẽo.
 
Năm 2007, theo nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương đã tha thiết thỉnh cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh – lúc đó đang là Trưởng Ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử – về trụ trì chùa Ba Vàng. Đứng trước một ngôi chùa hoang tàn, xuống cấp, Đại đức Thái Minh thấy trong lòng dâng lên một cảm giác rất lạ và quyết tâm xây dựng lại chùa.
 
Kể từ đó đến nay, bằng sự chỉ giáo của người trụ trì cũng như sự hưởng ứng của tăng ni, Phật tử và người dân, chùa Ba Vàng đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng và xã hội mang đậm tính nhân văn và văn hóa truyền thống dân tộc. Trong những hoạt động đó phải kể đến việc nỗ lực truyền bá chính đạo, bài trừ mê tín dị đoan, tổ chức các công tác thiện nguyện, đào tạo tu dưỡng đức – trí cho tăng ni, Phật tử cả nước. Để chùa Ba Vàng được hiển tại theo chính nghĩa của mình, nhà chùa đã bắt tay xây dựng một điểm đến du lịch, tu hành “phi thương mại”. Từ đường vào đến cổng chùa đều thể hiện sự trang nghiêm, uy nghi không có cảnh xô bồ, hàng quán. 
 
Ngay từ khi nhập tự, nhà chùa đã bắt tay ngay vào các hoạt động Phật sự vì lợi ích của dân. Song song với các hoạt động bên trong khu vực nội tự chùa Ba Vàng còn tổ chức cho các sư và Phật tử đi làm từ thiện, đến các nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ trẻ em tại một số huyện nghèo trong tỉnh Quảng Ninh. Nhà chùa đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các bệnh nhân ở trại phong Chí Linh (Hải Dương), cầu siêu và phát quà cho xóm điên ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế)… Tổ chức ra đời câu lạc bộ Thiện nguyện Hương Từ Tâm với mục đích kêu gọi lòng trắc ẩn, khơi dậy tâm từ ái, đánh thức lòng yêu thương của cộng đồng đến với những mảnh đời thiếu may mắn, là cầu nối giữa những nhà hảo tâm với những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Hiện nay chùa Ba Vàng có gần 20 tiểu ban như ban trị sự, ban thư ký, ban đời sống, ban y tế, ban văn hóa, ban cây cảnh…