Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật “Diệu pháp âm” – đại tiệc âm nhạc Phật giáo

“Diệu pháp âm” – đại tiệc âm nhạc Phật giáo

72

Thượng toạ Thích Minh Hiền – Trưởng ban Văn hoá – Thành hội Phật giáo Hà Nội – nói rằng: “Diệu pháp âm” là khởi duyên từ đạo pháp Phật giáo VN trên tinh thần văn hoá truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại”… Trên con đường du nhập đến VN 2.000 năm, xuất phát từ chùa Luy Lâu – Bắc Ninh, Phật giáo đã lan toả trong đời sống người Việt và trở thành quốc giáo. Một trong những độc đáo của đạo pháp Phật giáo là âm thanh. Âm thanh vang vọng, thức dậy những miền thẳm sâu của con người.

“Diệu pháp âm” được dàn dựng công phu dưới kiến thiết, chỉ huy của nhạc sĩ Đỗ Dũng – một trong những người góp phần xây dựng nền móng âm nhạc giao hưởng, hợp xướng ở VN. Những năm gần đây, sáng tác của ông hướng âm nhạc của mình đến cửa thiền, cõi Phật. Ba tác phẩm “Ngàn năm Phật giáo Thăng Long” (viết cho đơn ca, dàn hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng), “Sinh tử luân hồi” (viết cho piano và dàn nhạc giao hưởng), “Khúc cầu nguyện” (viết cho đơn ca, dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng) hoà điệu trên nền trầm ấm của thơ Ngô Minh Thơm, Tâm Xuân, Lê Anh Thư hướng người nghe đến một không gian, thời gian Phật pháp đậm đặc. Tiếng mõ, tiếng chuông đều đều, thánh thót ở hầu hết các bản nhạc nhắc nhở về một cõi tâm linh và làm thức dậy những tâm tình, tâm tính hướng thiện của cộng đồng.

Kết thúc “Diệu pháp âm”, âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Dũng một lần nữa đánh thức cõi thiền trong lòng người, hợp xướng “Khúc nguyện cầu” trong 7 chương; những tên chương: “Không từ đâu tới, mà cũng không đi đâu”, “Tiếng chuông chùa”, “Sắc, sắc, không, không”… đậm triết lý nhà Phật. Phật pháp không tách rời cuộc sống, Phật pháp hoan ca cuộc sống, khải hoàn cuộc đời. Vì thế mà có thêm “Gió ơi! Thôi đừng thổi”, “Ngời nắng ban mai”, “Con nhớ thương Hà Nội vào thu”…

“Diệu pháp âm” là sự kỳ diệu vô thường được diễn tả bằng lời và bằng âm nhạc và cả những thứ nằm ngoài âm nhạc, của cõi thiền lay động bao la.