Trang chủ Thời đại Xã hội Đổi mới công tác hướng dẫn Phật tử

Đổi mới công tác hướng dẫn Phật tử

72

Giáo lý của Đức Phật phù hợp với các điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội của con người, nên được gọi là một giáo lý khế cơ …

Phật giáo là một tôn giáo không bảo thủ, biết cởi mở và khai phóng để mở rộng chân trời tương lai.

Chúng ta không thể nhắm mắt làm theo tất cả những điều mà người xưa đã làm, lấy cớ “xưa bày, nay làm”. Chúng ta phải xét xem những điều do người xưa bày ra hiện còn có giá trị trong hoàn cảnh hiện tại hay không. Nếu còn thì chúng ta tiếp tục phát triển, nhưng những điều ấy không còn giá trị nữa thì ta phải mạnh dạn từ bỏ và tìm ra những điều khác thích hợp với xã hội hơn để hướng dẫn Phật tử trong xã hội hiện tại.

Đạo Phật không phải là của riêng của một số người ẩn dật nơi tu viện. Đạo Phật là của mọi lớp người: của thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, của lao động trí thức và lao động chân tay.

Đạo Phật chỉ có sinh lực khi nào giáo lý đạo Phật được áp dụng trong đời sống hằng ngày, trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế, chính trị,… trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống gia đình, quốc gia và xã hội.

Vì thế, Ban Hướng dẫn Phật tử phải xác định đâu là đối tượng chúng ta hướng dẫn vào đạo để trở thành người Phật tử chân chánh có ích cho đạo pháp và xã hội.

-Thứ nhất là phải hướng về quản đại quần chúng. Nghĩa là những người nông dân, bởi vì 80 phần trăm dân số Việt Nam sống ở thôn quê, chúng ta đều biết rỏ điều đó. Đại đa số Phật tử không phải là người trí thức, do đó phải làm sao giản dị hóa đạo Phật, làm cho đạo Phật dễ hiểu cho đến tận nông thôn. Nhưng giản dị và dể hiểu không có nghĩa là sai lệch, là hoang đường. Truyền bá đúng đắn đạo Phật chính là đóng góp vào công việc năng cao dân trí.

-Thứ hai là hướng về tuổi trẻ. Bởi vì 50 % dân số Việt Nam dưới 18 tuổi, đạo Phật phải là đạo Phật của tuổi trẻ, nếu muốn còn tồn tại trên dãy đất này. Đạo Phật chỉ có tương lai khi thu hút được thanh thiếu nhi, khi cảm thông được những vấn đề của tuổi trẻ, khi dùng những từ ngữ trẻ trung, khi có những sinh hoạt thích hợp với thế hệ trẻ.

– Thứ ba là hướng dẫn dựa vào cư sĩ Phật tử. Ban Hướng dẫn Phật tử là người đại diện tìm và chỉ một đạo Phật thích hợp với cuộc sống của người dân, trong điều kiện đó chính người Phật tử đóng một vai trò tích cực. Hơn ai hết, người Phật tử hiểu rõ những vấn đề của chính mình và xã hội mình đang sống trong đó. Thực tế, chư Tăng là người cố vấn, chỉ đạo cho hàng Phật tử trong vấn đề “đồng sự nhiếp”, để khỏi bị sai lệch trong đường hướng hành đạo của giáo hội và giáo lý Phật đà.

Giữa xã hội con người với nền phát triển khoa học hiện đại, nhân loại đang lâm vào tình trạng khổ đau trước cám dỗ của vật chất, đạo đức bị phân hóa, hiện thực xã hội xảy ra nhiều tệ nạn … làm phẩm chất nhân tính ở một bộ phận dân chúng xuống cấp trầm trọng, làm xói mòn lòng tin và tha hóa truyền thống nhân văn nét đẹp con người. Vậy Ban Hướng dẫn Phật tử đứng trước những tình huống đa dạng như hiện nay, làm thế nào để đối phó với những làn sóng văn minh vật chất đang tấn công con người từ nhiều phương diện khác nhau.

Thiết nghĩ, chúng ta phải thấu đời hiểu đạo để mang đạo vào đời đẩy lùi những thói hư tật xấu, nhằm xây dựng một quốc gia cực thịnh, nhưng không bị tha hóa về đạo đức, được vậy là do sự nỗ lực của ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các tỉnh thành phải phối hợp đồng bộ, về tổ chức và hành động.

Vì con người hôm nay là thế giới ngày mai, cho nên người Ban Hướng dẫn Phật tử phải làm gì để đem luồng sinh khí mới vào cuộc sống hiện đại. Thiết nghĩ, điều trọng yếu trước tiên là chúng ta phải tìm một cái gì mới, một cuộc cách tân chuyển hóa tâm linh cho con người và xã hội.

Và chúng ta phải thấy được vai trò của Ban Hướng dẫn Phật tử đối với con người và xã hội để từ đó thực hiện mọi hình thức sinh hoạt, nhằm chứng minh đạo Phật hiện hữu trên cuộc đời là vì hạnh phúc an lạc của con người và sự bình ổn của xã hội.