Trang chủ Thời đại Xã hội Đồng tính luyến ái: Sơ lược quan điểm của Ki-tô giáo và...

Đồng tính luyến ái: Sơ lược quan điểm của Ki-tô giáo và Phật giáo

178

Vấn đề không mới, nhưng trong bối cảnh Châu Mỹ La tinh, sân sau của Giáo hội Thiên Chúa La Mã, thì ý nghĩa của nó hết sức đáng lưu ý.

Bản tin nói rõ “…giới chức sắc trong Giáo hội Công giáo vẫn coi đồng tính luyến ái là một căn bệnh đáng xấu hổ”. Trong bối cảnh như vậy, thủ đô Mexico “đã trở thành thành phố đầu tiên tại Châu Mỹ La tinh công nhận hôn nhân đồng giới”.

Bản tin cũng cho biết sự kiện có giá trị biểu tượng này là sự kết thúc sự kỳ thị cao độ ở Mexico, sự kỳ thị mà mọi người đều biết rằng chủ yếu đến từ ảnh hưởng của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Căn cứ vào Kinh Thánh về câu chuyện Chúa trời tạo nên người đàn ông và người đàn bà, từ trước đến nay, nhà thờ Thiên Chúa giáo chống lại một cách cực đoan quan hệ đồng tính luyến ái, coi đó là một điều trái với ý Thiên Chúa, do vậy tạo nên thành kiến lớn lao với người đồng tính ở các nước theo đạo Thiên Chúa.

Thành kiến kỳ thị này đã ảnh hưởng đến không biết bao nhiêu thế hệ những người ở trong tình trạng này, đặc biệt là tại châu Âu và Châu Mỹ La tinh, nơi có số đông tín đồ Thiên Chúa La Mã, đẩy họ vào cảnh ngộ khổ sở, bi kịch.

Chính vấn đề đồng tính luyến ái, vào cuối thế kỷ thế kỷ XX, đã bộc lộ sự đối kháng của tín điều Thiên Chúa giáo đối với khoa học. Y học hiện đại không còn xem đồng tính luyến ái là một “bệnh”. Quan hệ đồng tính luyến ái được đưa ra khỏi danh sách nhân cách bệnh trong tâm thần học, được coi như là chuyện bình thường, như thiểu số người thuận tay trái, thay vì thuận tay phải ở đa số khác, và do đó, không lý do gì để điều trị.

Nhiều nước châu Âu đã chấp nhận hôn nhân đồng giới. Nói đúng ra là luật pháp không đề cập đến vấn đề giới tính trong hôn nhân nữa, tương tự với trường hợp ở thành phố Mexico, có điều được thực hiện trước mà thôi.

Điều đáng nói là phía Thiên Chúa giáo vẫn quyết liệt chống lại kiến giải và quan điểm nhân bản và khoa học xóa bỏ sự kỳ thị trong đồng tính luyến ái, tạo ra một tình thế đối lập giữa một bên là nhà thờ với những tính lý cực đoan, tàn nhẫn và một bên là thực tế xã hội, luật pháp và tiến bộ y học. Cuộc xung đột quan điểm kéo dài, mà kết quả là thành lũy của sự kỳ thị phi nhân bản sụp đổ từng mảng ở châu Âu, và bây giờ đến châu Mỹ La Tinh.

Tưởng cũng cần nói them là luật pháp các nước Thiên Chúa giáo ở Châu Mỹ La Tinh ảnh hưởng rất nặng quan điểm của nhà thờ Thiên Chúa giáo trên lãnh vực hôn nhân. Lần này, Hội đồng Lập pháp thành phố Mexico đã quẳng những quan điểm của nhà thờ sang một bên và lựa chọn quan điểm tiến bộ.

Bản tin của đài RFI gọi Mexico là “thành phố đi tiên phong” của châu Mỹ La Tinh. Hiển nhiên, đây là sự mở đầu của một quá trình.

Thiên Chúa giáo quan niệm đồng tính luyến ái là trái đạo đức, trái ý Chúa để rồi dẫn đến xung đột quan điểm với khoa học và cuốc lấy kết quả hiện nay như chúng ta đã thấy. Thế còn quan điểm của đạo Phật?

Nếu lý giải trên nền tảng luật nhân quả, nghiệp báo, thì đạo Phật tất yếu tương đồng với những quan điểm khoa học và xu hướng nhân bản hiện đại. Giới tính cũng là sự thể hiện của nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà một người sinh ra là nam, là nữ, với đặc điểm thông thường hay khác thường trong quan hệ ái dục.

Đối với đạo Phật, ái dục là điều cần nên xả bỏ, quan hệ ái dục như thế nào thì cũng vậy.

Nhưng tuyệt đối đạo Phật không có quan điểm kỳ thị, lại càng không có sự kỳ thị nếu đó là người bệnh, mắc phải một căn bệnh nào đó, dù thể xác hay tinh thần. Quan điểm cơ bản của Phật giáo là cứu khổ, thấy khổ là giúp. Vả lại bệnh là bản chất của cuộc đời sinh, lão, bệnh, tử. Ở đạo Phật, nói chuyện kỳ thị với người bệnh là một tội ác.

Vì vậy, cho dù y học xem đồng tính luyến ái là một loại bệnh tâm thần như trước đây hay là một điều bình thường như hiện nay, thì đồng tính luyến ái chưa bao giờ là một vấn đề trong đạo Phật (tất nhiên là những sinh hoạt không theo số đông sẽ không thích hợp và không được chấp nhận trong đời sống tập thể như xuất gia chẳng hạn).

Ái dục đồng giới hay khác giới trong đạo Phật cũng đều nằm trong vấn đề ái dục và quan điểm của đạo Phật đối với ái dục là rất rõ ràng.

Tìm hiểu so sánh quan điểm về cùng một vấn đề của hai tôn giáo, nhân sự kiện một đài phát thanh quốc tế loan tải về sự kiện liên quan, chúng tôi mong tìm đến việc hiểu đạo Phật một cách rõ ràng hơn, trong sự so sánh.

Đây là một vấn đề thời sự, có liên quan đến một tỷ lệ tuy nhỏ, nhưng vẫn ở mức đáng lưu tâm của nhân loại. Vì vậy, chúng ta có thể bàn luận thêm.

MT