Trang chủ Đời sống Tâm sự Em tôi lỡ uống thuốc có thai… giả

Em tôi lỡ uống thuốc có thai… giả

99

Kính gửi Phattuvietnam.net

Tôi viết thư này gửi đến Trang tin để mong được chia sẻ và giải đáp về câu chuyện của người em họ tôi.

Em họ tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tín ngưỡng Phật giáo. Do hiếm muộn nên em họ tôi đã đi nhiều chùa cầu tự nhưng không thành. Nghe lời bạn bè giới thiệu, nó tìm đến nữ tu một tôn giáo khác ở một quận ven TPHCM xin thuốc uống và tưởng có thai thực. Nhưng có thai mà chưa sinh con.

Mới đây, báo chí phanh phui sự việc. Em tôi rất hoang mang. Xin hỏi Phattuvietnam.net  quan điểm của đạo Phật về vấn đề cầu thuốc chữa bệnh… như thế nào?

Phương Nga (Bình Chánh, TP.HCM)

Phattuvietnam.net đã chuyển thắc mắc của chị Phương Nga tới CTV Minh Thạnh. Xin chia sẻ nội dung trả lời sau đây:

 

Thưa chị Phương Nga!

Trả lời vấn đề này tuy không  phải là khó, nhưng cần cân nhắc, vì đây không phải chỉ là chuyện tôn giáo, mà mở rộng cả vấn đề tâm linh, vấn đề tập quán tín ngưỡng.

Trong tâm trạng người bệnh, trong đó hiếm muộn vô sinh cũng có thể coi là một trường hợp, người ta dễ tìm đến tha lực.

Nhưng  khi đụng đến vấn đề sức khỏe, sinh mạng con người, thì người tu hành, nếu tu hành chân chính, dù ở tôn giáo nào, cũng phải đều hết sức cẩn trọng.

Nhiều trường hợp có thể coi là mê tín, khi nó xuất phát từ phía người cầu thuốc, do nhu cầu quá bức bách, hay do một sự tin tưởng mù quáng. Trong đạo Phật ở miền quê trước đây và các hình thức tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cũng có hiện tượng cầu tự, cho bùa, luyện phép, nước tàn nhang…

Nhiều tôn giáo đến từ phương Tây cũng dung chứa trong lòng những hoạt động chữa bệnh kiểu như thế. Tiểu thuyết Bão Biển của Chu Văn có câu chuyện bà Hai Khoản lấy “nước thánh”:

Ngoài sân, trước đài lễ thánh quan thầy, mộ các thánh tử vỉ đạo, các trạm…đều có người đến viếng. Xung quanh mộ cha Xuân cũng vô số kẻ lảng vảng quyện đi quyện lại. Đây là những người có bệnh. Nghe đồn nước xác trong quan tài linh mục đã hiển thánh này có phép mầu trị được mọi tật não trên thế gian, nên khối người cất công về đây tìm “thuốc”. Mỗi người dắt trong mình một cái chai. Họ chờ đợi lúc nào vắng vẻ sẽ moi nắm đất kia lên, kín đáo lấy một chai đầy nước xác người đem về để chữa bệnh” (1).

Chính vì có người tìm thuốc, nên mới có người chế ra đủ thứ thuốc, hay có thể tự đồn nhau về những thứ thuốc kiểu như vậy.

Trường hợp người em của chị, thì sự việc cụ thể, báo chí đã đề cập. Nhưng cần lưu ý, có thai giả, bằng thứ gì đó bên ngoài hay cho mong muốn chủ quan, ngoài những tổn thương có thể có đối với phần cơ thể sinh học, có thể gây những thương tổn tâm lý (2). Đối với những thương tổn tâm lý, những người thân có thể giúp người bệnh vượt qua.

Đối với đạo Phật, bệnh tật là do nghiệp. Tiểu Bộ Kinh cho chúng ta biết, khi các thầy tỳ kheo bệnh, Đức Phật chỉ dẫn tìm thuốc ở những người thầy thuốc chuyên nghiệp và chính Đức Phật khi bệnh  cũng tìm thuốc chữa bệnh trong một phương thức như thế.

Đối với những bệnh lý của cơ thể, Đức Phật không làm “phép lạ” để chữa bệnh, cũng không bao giờ khuyên chúng ta tìm đến một cái gì khác trước khi là y học chuyên nghiệp.

Bùa, nước phép hay nước thánh… các loại đều trái với tinh thần cơ bản của đạo Phật.

Nếu người em của chị hiểu thấu đáo đạo Phật, là một Phật tử thực sự thuần thành, thì không chạy tìm những thứ thuốc như vậy.

Tuy nhiên, trong Phật giáo Đại thừa cũng có việc cầu an cho người bệnh và có Phật Dược Sư.

Khi đạo Phật là một tôn giáo, thì đạo Phật không thể không là chỗ để người bệnh nương tựa.

Cái giới hạn xa nhất mà Phật giáo Đại thừa có thể tiến đến là những đoạn có nội dung tương ứng trong một số bộ kinh như Dược Sư, Địa Tạng.

Thực hiện cụ thể, có những bình nước trong được đặt trên bàn Phật, qua những lần tụng kinh, chú nguyện. Nó có tác dụng an ủi, hỗ trợ người bệnh vượt qua nỗi đau mà bệnh tật mang lại, củng cố tinh thần chống chọi với bệnh tật khi người bệnh nhân uống nước.

Tuyệt nhiên, nước đã chú nguyện đó không phải là một thứ thuốc, có thể thay thế những biện pháp điều trị của y học chuyên nghiệp.

Nếu chỉ trông cậy vào sự cầu nguyện mà quay lưng lại với y học chuyên nghiệp, dù với bất cứ hình thức nào (ngay cả như muốn có con mà không có siêu âm để thăm dò kết quả) thì cũng hoàn toàn trái với tinh thần đạo Phật.

Đăt hết niềm tin vào sự cầu nguyện, rồi để khi không thành hiện thực , chúng ta có thể thất vọng, thối thất bồ đề tâm, quay trở lại oán trách.

Những người cho thuốc để có thai giả, thì khi bị phanh phui là giả, thì những niềm tin đã “xoay” được ở người bệnh sẽ mau chóng đổ sụp tan tành.

Riêng đối với trường hợp người em của chị, thì ngoài những an ủi, giúp đỡ về tinh thần, việc quay trở lại với y học hiện đại, để giải quyết những vẫn đề có thể có về mặt sinh lý, cũng như tâm lý.

Qua chuyện này, một lần nữa chúng ta có thể nghiệm lại giá trị của Phật pháp.

Sinh lão bệnh tử là những đau khổ thường xuyên của con người. Điều chúng ta mưu cầu là giải thoát. Chắc chắn Đức Phật chắc chắn không chia sẻ những chuyện như cầu cho có con, hay cầu con trai…, dù rằng những nguyện vọng đó có thể được nhắc đến ở một số bộ kinh Bắc tông.

Là người phàm tục, chưa đắc đạo, cũng không ai biết được phước báu mà mình đang có được là bao nhiêu. Chỉ chắc chắn một điều, phước càng lớn thì sẽ dễ dàng vượt qua tai ương, ách nạn, cũng dễ đạt được những gì mình mong cầu.

Vì vậy, điều trước hết phải ra sức vun bồi phước đức. Tìm được thuốc, cũng chỉ là một biểu hiện hình thức của phước. Ông bà ta có câu “Phước chủ may thầy”. Phước của chủ là điều trước tiên.

Hãy tránh xa ngay với những kiểu “thuốc” dạng nước thánh, nước phép, bùa ngải…dù nó đến từ tôn giáo nào.

Người bệnh có thể lựa chọn điều trị bằng y học hiện đại, Đông y hay thuốc Nam…tùy bệnh, tùy hoàn cảnh, nhưng phải là y học chuyên nghiệp, y học có thẩm quyền, chứ không phải thuốc từ chùa này, miếu nọ… bốc thì tốt, thì tin, thì hết bệnh.

Có bệnh thì phải tìm thuốc, đúng với nghĩa thuốc (tức y học chuyên nghiệp), mà ngay chính Đức Phật cũng đi tìm khi ngài có bệnh. Không nên tìm ở đâu đó, thầy tu này, tôn giáo nọ, để rồi, trường hợp thường gặp là khi bệnh đã nặng, thì việc cứu chữa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và cũng có khi đã muộn.

Nếu tu hành chân chính thì không thể đem tín ngưỡng, tiền bạc ra đánh đổi, dù là ai đó có khả năng làm phép lạ.

Nhưng đạo Phật không dạy tín đồ tin vào phép lạ. Ma quỷ cũng có thể làm phép lạ.

Xin kính trả lời.

MT

    
(1) Chu Văn: Tuyển tập, tập II, Nhà xuất bản Hà Nội, 1987
(2) Bác sĩ Hồ Mạnh Tường (Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM): Cảnh giác với việc mang thai giả – Báo Người Lao động ngày 4/1/2010