Trang chủ Thời đại Xã hội Lo cho con người là một minh triết của Phật giáo VN

Lo cho con người là một minh triết của Phật giáo VN

85

1. Gần đây Quĩ dịch thuật Phan Châu Trinh mà tôi có tham gia đã dịch và xuất bản cuốn sách Thế giới như tôi thấy (Mein Welbild) của A. Einstein. Điều rất thú vị là tôi đã đọc được trong đó những quan niệm về tôn giáo của nhà vật lý vĩ đại này. Ông cho rằng tôn giáo có ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất ông gọi là “Tôn giáo của sợ hãi”. Ở cấp độ này ông giải thích ban đầu ở nơi con người sơ khai do những cảm xúc sợ hãi mà gợi lên những biểu tượng tôn giáo (sợ đói, sợ ốm, sợ chết, sợ thú dữ, sợ tai ương thiên nhiên…).


Ở cấp độ thứ hai xuất hiện đồng thời hoặc sau đó là “Tôn giáo của xã hội và luân lý”. Tôi nghiệm rằng A. Einstein nói đúng khi cho rằng những cảm xúc xã hội về con người, về bản thể con người, về mối quan hệ con người với cộng đồng, với văn hóa – lịch sử và với thiên nhiên vũ trụ… là một nguồn suối thác rộng lớn, dạt dào, mênh mông để tôn giáo đạt tới một cấp độ cao hơn, như A. Einstein nói: “Sự phát triển từ tôn giáo sợ hãi lên tôn giáo luân lý đã tạo nên một sự tiến bộ quan trọng trong đời sống của các dân tộc”.







Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức tại VN là sự khẳng định Nhà nước VN tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên Hiệp Quốc chọn ngày tam hợp đức Phật là ngày văn hóa tôn giáo thế giới, đồng thời khẳng định Nhà nước VN luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo”.


(Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu khai mạc đại lễ Phật đản Liên hợp quốc)


Song điều đáng ghi nhận hơn, điều mà bản thân chúng tôi rất tâm đắc là cấp độ thứ ba của tôn giáo. A. Einstein gọi là “Đạo vũ trụ” (tiếng Đức là Kosmiche religionsitat). Tôi chú ý những giải thích sau đây của A. Einstein: “Những bậc thiên tài về tôn giáo của mọi thời đại đều được tôn vinh bằng Đạo vũ trụ ấy – cái đạo không hề biết đến những giáo điều cũng như không biết đến một vị Thượng đế được suy tưởng theo hình ảnh con người”.


Ông nói thêm: “Ai thấu hiểu tính qui luật nhân quả của tất cả hiện tượng thì đối với người ấy, ý niệm về một hình nhân (thượng đế) can thiệp vào diễn trình của thế giới là không thể chấp nhận được – với điều kiện là thật sự coi trọng giả thuyết về tính nhân quả”. Người ta có thể nhận định A. Einstein đã rất đồng cảm với pháp môn thập nhị nhân duyên của đạo Phật. Và chắc chắn với nhiều luận thuyết khác của Phật học mà A. Einstein đã quả quyết rằng: “Những yếu tố của Đạo vũ trụ còn mạnh mẽ hơn nhiều trong Phật giáo”.


Như thế là tôi đã mượn A. Einstein để nói cảm nhận của tôi về tính hiện đại của tôn giáo cũng như vai trò của Phật giáo trong thế giới đang được coi là đã bước vào thời kỳ của xã hội hậu hiện đại này.


2. Tiến trình văn hóa – lịch sử của VN khẳng định khi truyền vào và phát triển ở VN, Phật giáo đã tạo ra hai hệ quả. Mặt thứ nhất là Phật giáo lan tỏa, thấm sâu và trở nên một thành phần cơ bản và quan trọng của văn hóa Việt. Hệ quả thứ hai là Phật giáo cũng dần định hình bản sắc riêng mang dấu ấn bản địa làm nên một sắc thái riêng biệt của Phật học VN.


Tôi chú ý đến hai chứng ngôn của Phật học thời Lý – Trần, thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo VN. Có thể nói đó là những trực chỉ hoàn toàn mang dấu ấn của phong cách thiền. Nó tựa như sự bừng nở một bông hoa mà đã vượt qua mọi quá trình quang hợp và hấp thụ dinh dưỡng để có những dòng nhựa âm thầm và kín đáo. Nó là cách mà thiền sư Mãn Giác đã chỉ ra: “Kìa đêm qua có một bông mai nở trước sân”.


Chứng ngôn thứ nhất:
Thế nhân giai nhậm ốc,
Lậu nhân hà sở tại?


Nghĩa là người đời ai cũng ở dưới một mái nhà. Nhưng con người “dột” thì biết trú vào đâu! Câu này được trích trong tác phẩm Bảo rõ ý chỉ đạo thiền cho môn đệ của thiền sư Viên Chiếu (998-1091). Con người có thể “dột” về thân xác (ốm đau, tàn tật…), có thể “dột” về tri thức (mù chữ, dốt nát…), lại có thể “dột” về đạo đức, lối sống, nhân cách.


Điều lo lắng cho con người với một câu hỏi lớn xuyên thiên niên kỷ ấy chắc chắn là có rất nhiều ý nghĩa với chúng ta hôm nay. Điều ấy cũng gắn với một vấn nạn lớn mà Phật giáo đã chỉ ra về ba khuyết tật của con người là tham, sân, si.


Cái tham của con người, đặc biệt là tham trong hệ thống quyền lực chính trị – hành chính và tham trong hệ thống kinh tế sẽ làm băng hoại xã hội, phá hỏng môi trường sống lành mạnh của con người.


Phật giáo nói đến cái “sân” (giận dữ) mà cái “sân” lớn nhất là thói cậy quyền, cậy mạnh, trút giận lên những gì trái ý mình dẫn đến vi phạm quyền dân chủ, quyền làm người. Về cái “si” thì chính Karl Marx cũng phải than rằng người ta đã nhân danh cái dốt để gây ra biết bao tai họa.


Nhưng ta phải hỏi tại sao thiền học đời Lý lại quan tâm đến vấn đề con người đến thế? Rõ ràng quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ trong bản năng sinh tồn của mình phải tập trung giải quyết ba vấn đề lớn. Đó là vấn đề giữ gìn lãnh thổ trải rộng từ Hoan Ái lên tận biên giới Trung Hoa, vừa mới thống nhất lại chưa bao lâu. Đó là phải xây dựng một chính quyền có vua sáng, tôi hiền, tướng giỏi. Đó là phải nâng cấp và hoàn thiện văn minh Đại Việt.


Cả ba vấn đề ấy đều là sản phẩm, là công trình của con người. Vì thế chúng ta mới thấy một Lê Văn Thịnh (quan thái sư) khôn khéo đi đòi lại được đất bị lấn chiếm ở Cao Bằng.


Ta mới thấy một nhà vua ngồi trong cung ấm áp mà nghĩ thương người ta đói rét, liền sai cấp thêm khẩu phần và chăn chiếu cho tù nhân; mới thấy một vị vua khi vi hành gặp người ăn mày nằm co quắp bên vệ đường liền cởi áo bào đắp cho người ấy; mới thấy một bà hoàng phi (Ỷ Lan phu nhân) lo cho từng con trâu, từng đám ruộng của nông dân. Đó là minh triết lo cho con người mà Phật học đời Lý đã truyền lại.


Chứng ngôn thứ hai như một minh triết rất bổ ích cho nền dân chủ hiện đại của chúng ta, đó là lời của thiền sư Phù Vân can vua Trần Thái Tông (1218-1277) khi nhà vua quan niệm bỏ ngôi vua như vứt một chiếc giày rách định vào núi Yên Tử tu hành:


Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta… Phàm bậc nhân chủ (người lãnh đạo quốc gia) phải lấy lòng của thiên hạ làm cái tâm của mình, lấy ý nguyện của dân chúng làm ý nguyện của mình”.


Phật giáo đời Trần tiếp nối truyền thống quan tâm và coi trọng con người. Vì thế mà Phật giáo đời Lý – Trần đã minh chứng cho nhận định về Phật giáo như một tôn giáo vũ trụ. Mà ngày nay Phật giáo VN hiện đại phải tiếp nhận cho được truyền thống tinh hoa ấy của cha ông.


Từ một ý niệm Phật có trong mỗi con người đi tới một quan niệm làm nền tảng sâu xa cho mọi thiết chế dân chủ là một cống hiến lớn của Phật giáo Lý – Trần cho văn hóa VN. Có biết bao vấn đề từ chính sách, chủ trương đến luật pháp, đến mọi mối quan hệ của con người trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, tộc người… cần phải chiêm nghiệm thành tâm sâu sắc từ những minh triết Phật học từng được đúc kết ngót ngàn năm trước.


Hiện nay VN đang tiếp tục đổi mới, đang bước vào sân chơi toàn cầu hóa, gia nhập WTO, đang ra sức đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa – giáo dục và tiến bộ xã hội, phấn đấu để đến đầu những năm 2020 của thế kỷ 21 sẽ đạt tới trình độ một đất nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Nhưng một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề con người.


Xã hội VN đang đứng trước hàng loạt vấn đề về con người mà đạo đứclối sống đang trở thành những thực trạng và nhân tố rất đáng phải quan tâm. Nếu con người đang làm ra của cải thì con người cũng đang phá hoại môi trường sống của chính mình. Nếu những chỉ số kinh tế gia tăng thì những vấn nạn và tệ nạn xã hội cũng tăng lên không kém. Lo cho con người là một minh triết của Phật giáo VN. Vì vậy trong dịp Đại lễ Phật giáo long trọng này, chúng tôi hi vọng khi Phật giáo VN khẳng định vai trò đồng hành với dân tộc, sẽ tìm cách để đóng góp nhiều hơn cho con người ngay tại kiếp này.


Theo chúng tôi, việc làm từ thiện của tăng, ni, Phật tử giúp đỡ người nghèo, kẻ khốn khó hoạn nạn, người bị nhiễm chất độc da cam… là những công đức vô lượng. Nhưng việc quan tâm đến vấn đề đạo đức, lối sống của đồng bào lại là một vấn đề của chính bản thân đạo Phật, với triết lý:


Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng công đức cứu cho một người


Mong rằng cùng với những tôn giáo khác, Giáo hội Phật giáo VN sẽ tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng con người, tiếp sức cho từng gia đình, cho toàn xã hội có một lối sống trí tuệ, nhân ái, đức hạnh, đẩy lùi mọi chứng tham, sân, si.







Đại lễ của hòa hợp


Lần đầu tiên, một đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Phật lịch 2552) được tổ chức tại VN với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu là chư tôn đức giáo phẩm, đại diện cho Phật giáo 60 nước và các tông phái Phật giáo trên thế giới.


Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2008) tổ chức tại VN từ 13 đến 17-5-2008 là sự kiện văn hóa – tôn giáo quốc tế lớn thể hiện trên năm phương diện: tín ngưỡng (các khóa lễ tụng kinh), văn hóa (triển lãm văn hóa Phật giáo, ba đêm biểu diễn văn nghệ, cải lương, đêm nhạc giao hưởng…), khoa học (các hội thảo), tu tập (tổ chức khóa tu) và du lịch văn hóa tâm linh, quảng bá hình ảnh VN.


Nhiều hành trình tìm hiểu và khám phá về văn hóa, tâm linh, di sản và vẻ đẹp thiên nhiên của VN diễn ra ở ba địa điểm nổi tiếng: Trúc Lâm – Yên Tử với ngôi chùa đồng lớn nhất VN, vịnh Hạ Long, chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).  


TRỌNG CHÍNH


Nguyễn Thị Bìnhnguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam