Trang chủ Thời đại Xã hội Lời Phật về lẽ thịnh suy của một đất nước

Lời Phật về lẽ thịnh suy của một đất nước

240

Thể chế có thể được ví như một cỗ máy mà con người là người điều khiển cỗ máy ấy. Vì vậy vấn đề vẫn nằm ở chỗ con người. Lịch sử cũng cho thấy có những thời kỳ thể chế của một nhà nước nào đó chưa thật sự hoàn bị cho lắm nhưng đất nước ấy được hưởng thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp. Đó là do lòng người thật sự hướng thiện.


Trái lại, cũng có những thời kỳ thể chế nhà nước rất tốt nhưng đất nước thì rơi vào cảnh loạn ly, dân chúng lầm than đói khổ. Vậy thì thể chế tốt không thôi vẫn chưa đủ. Thể chế tốt nhưng cũng cần phải có người điều hành có tấm lòng thật tốt thì mới đưa đất nước đạt đến thái bình thịnh vượng.


Thể chế tốt là dấu hiệu tiến bộ của một nhà nước, nhưng những người trực tiếp điều hành thể chế ấy mới quyết định đất nước có thật sự thái bình thịnh vượng hay không.


Xem ra thì cái tâm của các nhà lãnh đạo và điều hành đất nước vẫn đóng vai trò quan trọng. Bài kinh Đức Phật dạy về hiện tượng thịnh suy của một xứ sở được trích dẫn sau đây do đó rất đáng cho mọi người cân nhắc, đặc biệt là những người lãnh đạo và điều hành quốc gia:


“Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo.


Khi nào mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy các dải ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo. Khi nào các dải ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi sai quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc trái mùa, khi ấy chư Thiên bực mình.


Khi nào chư Thiên bực mình, khi ấy trời mưa không có điều hoà. Khi nào trời mưa không có điều hoà, khi ấy lúa chín trái mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy các loài người nuôi sóng với loại lúa ấy, thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh.


Nhưng khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua đúng pháp có mặt, khi ấy các vị đại thần đúng pháp có mặt. Khi nào các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành đúng pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là đúng pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo.


Khi nào mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo, khi ấy các dải ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi đúng quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi đúng quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo, khi ấy gió thổi đúng mùa. Khi nào gió thổi đúng mùa, khi ấy chư Thiên hoan hỷ.


Khi nào chư Thiên hoan hỷ, khi ấy trời mưa điều hoà. Khi nào trời mưa điều hoà, khi ấy lúa chín đúng mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín đúng mùa, khi ấy loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thọ mạng sẽ lâu dài, dung sắc đẹp đẽ, có sức mạnh và ít tật bệnh”.


Khi đàn bò lội sông, đầu đàn đi sai lạc, cả đàn đều đi sai, vì hướng dẫn sai lạc. Cũng vậy, trong loài Người, vị được xem tối thắng, nếu sở hành phi pháp, còn nói gì người khác, cả nước bị đau khổ, nếu vua sống phi pháp. Khi đàn bò lội sông, đầu đàn đi đúng hướng, cả đàn đều đúng hướng, vì hướng dẫn đúng đường. Cũng vậy trong loài Người, vị được xem tối thắng, nếu sở hành đúng pháp, còn nói gì người khác, cả nước được an vui, nếu vua sống đúng pháp.