Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ngôi chùa gắn với hai nhân vật thành danh trên “đất học”...

Ngôi chùa gắn với hai nhân vật thành danh trên “đất học” Cổ Am

203

Ít ai biết rằng chùa Mét, tọa lạc tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng là ngôi trường đầu tiên của vị danh nhân văn hóa lỗi lạc ở thế kỷ XVI Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngôi cổ tự đặc biệt này được một vị tướng thời Trần có tên Trần Khắc Trang xây dựng.

“Thiên Hương tự” trầm mặc

Chùa Mét trong một buổi chiều thu đẹp đến lạ kỳ. Ánh nắng vàng rót xuống những bước tường đậm màu rêu phủ. Không gian tĩnh lặng, văng vẳng tiếng chuông chùa khiến cho ai nấy đều cảm thấy yên bình, thanh tịnh. Sau trận mưa buổi sáng, cây cối quanh khuôn viên chùa khoác lên mình màu áo xanh mới mẻ.

Năm 1407, sau khi thất bại trong cuộc giao chiến với giặc Minh xâm lược, vị tướng trong tôn thất nhà Trần là Trần Khắc Trang cùng gia đình về khu rừng Mét mai danh ẩn tích. Khi ấy khu đất này còn là rừng ngập mặn, cây cối um tùm. Trong thời gian ẩn cư, sinh cơ lập nghiệp ở đây, Trần Khắc Trang đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi chùa trên nền đất gia đình khai hoang, nên ngôi chùa này có tên Nôm là chùa Mét.

Làng Cổ Am đến nay vẫn còn truyền tụng câu thơ: “Trâu vào rừng Mét, sét không ra”, với ý nghĩa cho thấy công đức mà Trần Khắc Trang cùng nhân dân trong vùng khai hoang, xây dựng chùa Mét… là vô cùng lớn lao. Cũng vì lí do đó, Trần Khắc Trang đã được dân làng đặt khám thờ như một vị Thành hoàng trong chùa để ghi nhớ công ơn. Khi mới được xây dựng, ngôi chùa nhỏ có tên là “Hương tản tự”, sau đổi tên thành “Thiên Hương Tự”.

Các cụ cao niên thôn Lê Lợi, xã Cổ Am kể lại: chùa Mét xưa rất lớn, vườn chùa rộng hàng trăm mẫu. Gác chuông chùa cấu trúc hai tầng, 8 mái sừng sững, cao 12m. Năm tháng qua đi, chùa trải qua nhiều đợt trùng tu lớn và hiện tại, kiến trúc chùa mang hơi hướng phong cách của triều Nguyễn… Chùa vẫn tọa lạc trên nền đất cũ, có kết cấu chữ Nhất gồm tòa Phật điện, nhà thờ Tổ. Trước sân còn có khu vườn tháp mộ và các công trình sân, vườn, ao. Qua một khoảng sân rộng lát gạch bát là tới chùa chính. Chùa chính gồm 7 gian gồm Tiền đường và Thượng điện.

Theo sách “Chùa cổ Hải Phòng”, cuốn sách do Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng, Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành có ghi chép lại: “Tòa Điện phật còn khá nguyên vẹn và chắc chắn, ít được trang trí mà chủ yếu là bào trơn đóng bén, đôi chỗ điểm vài đường lá hoa cách điệu. Đặc biệt có một số bộ câu đối hình lòng máng được chạm khắc ngay trên cột cái rất đẹp. Đây là nét độc đáo trong kiến trúc chùa Mét”.

Hệ thống tượng Phật và đồ thờ quý tại chùa Mét tương đối phong phú và đặc sắc, chia làm ba ban thờ chính. Lớp tượng cao nhất là bộ tượng Tam thế, lớp thứ hai là tượng Di Đà Tam Tôn, lớp thứ ba là bộ tượng Thích Ca Tam Tôn, lớp thứ tư là Bồ tát Chuẩn Đề. Tiếp theo là bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đầu và tượng Cửu Long.

Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa Mét còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Đó là hai bức cuốn thư sơn son thiếp vàng, hai bức đại tự, bốn đôi câu đối đều có niên đại cuối thế kỷ 19; quả chuông đồng lớn được đúc năm 1851, bia đá 1875 (thời Tự Đức) và một số cổ vật khác như khám thờ, đỉnh đồng, nhang án…

Ngày nay, đến chùa, ta vẫn được chiêm ngưỡng tận mắt 5 bài vị cổ, trong đó có 1 bài vị ngài Trần Khắc Trang và phu nhân được đặt trong khám thờ.

Ngôi trường đầu tiên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Chùa Mét từng là trung tâm Phật giáo của cả vùng. Tháng 3 hàng năm, các vị tăng ni trong vùng tập trung về đây. Chùa Mét không chỉ là cơ sở tín ngưỡng đơn thuần, là thiết chế văn hoá mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt mà còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt giáo dục. Đây chính là ngôi trường đầu tiên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – Một danh nhân văn hóa của nước ta vào thế kỷ XVI. Thầy dạy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là cụ Trần Ông Sóc, nhà sư của chùa.

Các cụ cao niên thôn Lê Lợi, xã Cổ Am kể lại: chùa Mét xưa rất lớn, vườn chùa rộng hàng trăm mẫu.

Theo sử sách ghi chép lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên và được phong tước Trình Tuyền hầu nên được gọi là Trạng Trình. Ra làm quan được 7 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được trên nghe nên xin cáo quan rồi về quê ở ẩn. Ông dựng Am Bạch Vân, lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ, mở lớp học tại chùa Mét. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đào tạo ra nhiều học trò nổi tiếng có đức, có tài như Nguyễn Dữ, Thượng thư Bộ Lê Lương Hữu Khánh, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan…

Đến thế kỷ XVI, ngôi chùa xuống cấp nghiêm trọng. Không những góp công, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn vận động khách thập phương công đức tiền của trùng tu chùa, dựng cầu “Tràng Xuân” bằng đá trước cửa chùa. Ngày nay, cầu Tràng Xuân không còn nữa. Di tích còn lại là một nhịp cầu bằng đá khắc ba chữ “Tràng Xuân Kiều” vẫn được trân trọng lưu giữ tại Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo) ngày nay.

Bức tranh văn hóa – tôn giáo

Đồng chua, nước mặn, đất chật, người đông là cái duyên để người dân Cổ Am, ngoài nghề nông trồng lúa còn có một thứ nghề khác: Nghề học. Đất nghèo sinh chí học, sự giàu có với nơi đây, được cả vùng biết tiếng “Một thỏi vàng không bằng nang chữ”.

Theo Ths Phạm Minh Phương, một người có nhiều nghiên cứu về chùa Mét, hai nhân vật gắn liền với chùa là Trần Khắc Trang và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có vai trò quan trọng trong việc mang lại những diện mạo mới cho văn hóa khu vực nơi này. Việc an cư, trí sĩ hay dựng chùa, mở lớp của các bậc tiền bối này mà Cổ Am viết thêm vào trang sử mới với các sự kiện được lịch sử ghi nhận và có những minh chứng rõ ràng.

Sự di chuyển của Trần Khắc Trang vào cuối đời Trần về Cổ Am mang đến một hơi thở mới cho văn hóa vùng này. Một bức tranh văn hóa – tôn giáo đã hình thành và nó còn để lại những ảnh hưởng mãi về sau. Ta thấy có sự pha trộn và kết hợp không khiên cưỡng giữa Phật giáo (việc xây dựng chùa Mét như là một nơi hoằng dương Phật pháp) và Nho giáo (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với việc dạy học và truyền bá tri thức Nho học) và những văn hóa truyền thống lâu đời tại Cổ Am.

 

Chùa không chỉ là cảnh Phật nơi trần thế mà đã là nơi gửi gắm bao nhiều hy vọng, mơ ước của những con người

Trong quá trình tồn tại, ngôi cổ tự này đã chứng kiến nhiều sự kiện của đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở đóng quân và là nơi mở lớp tập huấn, luyện quân chính thức trước khi Nam tiến của đội vệ quốc đoàn thuộc chiến khu Đông Triều.

Thầy Thích Giác Hiệu, người trông coi chùa chia sẻ: Chùa không chỉ là cảnh Phật nơi trần thế mà đã là nơi gửi gắm bao nhiều hy vọng, mơ ước của những con người đã an trí nơi này đồng thời tạo nên nhiều lớp học trò làm rạng danh non sông.

Ấn tượng tuyệt vời nhất sau 3 năm gắn bó với chùa Mét của thầy Hiệu chính là sự ngưỡng mộ đối với nền nếp, quy củ của những dòng họ hiếu học, người có chữ tại vùng đất này. “Trước mỗi kỳ thi học sinh giỏi thành phố, lãnh đạo các nhà trường tại vùng quê này thường dẫn các cháu đến chùa để nghe giảng đạo hiếu. Ánh mắt trong veo của các con, những chủ nhân tương lai của đất nước chính là nguồn năng lượng vô tận để tôi cùng các Phật tử cố gắng, nỗ lực từng ngày gìn giữ hình ảnh đẹp từ ngôi cổ tự”.

Ngày ngày, nơi vùng quê bình yên, thầy Hiệu vẫn mong mỏi góp thêm chút công sức để nhiều Phật tử sống tốt hơn, hướng thiện hơn.

An Thi/ PL