Trang chủ Thời đại Xã hội Người Phật tử cần phải làm gì trước vấn nạn an tòan...

Người Phật tử cần phải làm gì trước vấn nạn an tòan giao thông?

98

Tai nạn giao thông dưới cái nhìn của Phật giáo


Theo quan điểm Phật giáo, cốt tủy của sự vận hành của đời sống là do nghiệp. Nghiệp tạo nên mọi trạng huống, sắc thái đặc thù khác nhau của đời sống. “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” (Tăng Chi II). Giàu sang hoặc nghèo đói, ngu tối hoặc thông minh, an ninh hay bất an… đều do sự hiện diện và chi phối của nghiệp.


Có những nghiệp được gây ra và chi phối bởi một cá nhân, có những nghiệp được gây ra và có khả năng chi phối bởi nhiều người. Nhìn vào thực trạng sống hiện tại của một cá nhân và rộng hơn là của một xã hội, ta có thể đoán định nghiệp riêng của họ và nghiệp chung của cả cộng đồng. Tình trạng an ninh hay bất an của một người hoặc nhiều người là do sự chi phối giữa nghiệp riêng của họ (biệt nghiệp) và nghiệp chung (cộng nghiệp) giữa họ với nhau. Do đó, nếu xét đoán một con người, một trạng huống, một bối cảnh xã hội cụ thể cũng như đưa ra một nhận định, đề xuất nào đó cần phải căn cứ vào hai yếu tố vừa nêu.


Vấn đề an toàn giao thông, căn cứ theo tinh thần Phật giáo, là sự biểu lộ sinh động cho sự giao thoa giữa biệt nghiệp của cá nhân và cộng nghiệp của toàn xã hội. Đơn cử, người tham gia giao thông muốn được an toàn, ngoài sự nỗ lực, chú tâm của cá nhân, còn cần phải kể tới sự chú tâm tỉnh táo của những người cùng tham gia giao thông. Không thể có được một sự an ninh tối đa nếu như cả hai yếu tố vừa nêu không có sự phòng hộ, tỉnh táo, ngăn ngừa. Và do vậy, căn để của vấn đề chính là sự giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa cộng nghiệp và biệt nghiệp, nếu nói theo ngôn ngữ của đời sống là phải giáo dục ý thức an toàn giao thông cho mỗi cá nhân cũng như của tất cả cộng đồng.


Trên phương diện đạo đức để nhìn nhận, gây ra nỗi khổ đau cho bản thân hay cho kẻ khác là tội lỗi. Có những lỗi có thể ngăn ngừa và “sám hối”, cũng có những lỗi mà pháp thức “sám hối”(1) rất khó có thể thực hiện được đầy đủ và trọn vẹn, vì lẽ tội lỗi được gây ra quá lớn, vượt khỏi ngưỡng “sám hối” theo nghĩa gần nhất của từ nguyên. Gây tai nạn khi tham gia giao thông là một tội lỗi. Tùy thuộc vào cấp độ gây tai nạn mà tội lỗi sẽ được nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Dẫu sao, gây tai nạn dẫn đến chết người, là một trong những tội lỗi được liệt vào hàng trọng tội theo quan điểm của Phật giáo(2).


Tuy nhiên, từ thực trạng gây tai nạn dẫn đến chết người, song nội dung sự vụ có thể phát xuất từ nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân do chính chủ thể phương tiện gây ra và cũng có những nguyên nhân do điều kiện bên ngoài đưa đến. Muốn đánh giá đúng bản chất của sự vụ, không thể dễ dàng căn cứ từ một bên mà phải có cái nhìn bao quát mới có thể nhìn nhận đúng bản chất của sự vụ.


Bởi lẽ, thứ nhất, có những con người, do bế tắc cùng đường cũng như không tha thiết với cuộc sống này nữa, họ đã chọn cho mình một sự ra đi bằng cách lao đầu vào một phương tiện vận chuyển đang hoạt động. Trong trường hợp đó, khó có thể quy trách nhiệm cho người điều khiển phương tiện gây ra. Thứ hai, có thể do phương tiện cũ kỹ, lạc hậu, điều kiện địa hình phức tạp, rối ren… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên tai nạn. Và cuối cùng là do sự lơ là không chú tâm và thậm chí mất tỉnh táo khi điều khiển phương tiện là nguyên nhân góp phần gây ra tai nạn giao thông.


Đi tìm những nguyên nhân 


 – Nguyên nhân tự thân


Với Phật giáo, tự giác hay tự ý thức là một trong những điều kiện cần của mọi khởi sự, toan tính. Trước hết, một trong những lý do dẫn đến tai nạn giao thông là chúng ta không làm chủ được suy nghĩ, hành vi của mình. Trên bình diện hiện tượng, con người thường sống trong tình trạng “phóng thể” hay còn gọi là “vong thân”. Một trong những lý do của thực trạng sống đó là do sự khống chế của rượu bia và các chất gây nghiện làm mờ dần và mất đi lý trí, đó là ngả rẽ ngắn nhất gây ra nỗi khổ đau cho bản thân, cho người thân và bao nhiêu người vô tội khác. Ở đây, là một người đang thực hành theo lời dạy của Đức Phật, thử xét lại xem, chúng ta đã áp dụng lời dạy nào của Ngài vào trong cuộc sống của chúng ta? 


Hơn đâu hết, thái độ sống chánh niệm và tỉnh giác luôn là tiêu chí hàng đầu của nhiều pháp môn trong giáo lý Phật giáo. Dù thiền tập, trì chú, tụng kinh… thì các pháp môn đó đều giúp ta tạo lập một trạng thái sống cân bằng qua lối sống tỉnh giác. Chúng ta ăn, biết chúng ta ăn, chúng ta thở biết chúng ta thở, chúng ta lái xe, biết chúng ta lái xe. Nếu như tất cả mỗi người khi tham gia giao thông đều ý thức được rằng chúng ta đang tham gia giao thông thì nguy cơ tai nạn sẽ được giảm rất nhiều.


Đơn cử, khi đang đi vào vùng địa hình phức tạp, dõi tâm chú ý thì các bảng cảnh báo, thực tế đường sá, điều kiện thực của phương tiện, tình trạng và tâm lý của những người cùng tham gia giao thông… phải luôn là những đối tượng cần được duy trì và quán niệm thường xuyên trong tâm. Với quán niệm, đây là đoạn đường nguy hiểm, người lái xe tự ý thức rằng cần phải tuân theo những hướng dẫn cần thiết của nhà chức trách và vận hành phương tiện theo hiện trạng của chúng thì tai nạn giao thông sẽ ít xảy ra.


– Nguyên nhân tha nhân


Ngay đây, sẽ có nhiều người không đồng ý và cho rằng chúng tôi tư biện, chủ quan. Vì họ cho rằng tuy chúng ta lái xe cẩn thận, an toàn; thế nhưng, nếu như có một kẻ bất cẩn nào đó lái xe đâm vào chúng ta thì thử hỏi sự chú tâm, cẩn thận của chúng ta có cần thiết hay không? 


Vì vậy, cần phải nhận ra rằng, theo lý thuyết Phật giáo, cuộc sống là một chuỗi liên hệ, duyên sinh. Có những thực trạng mà nếu như chỉ nhìn vào những nguyên nhân hiện tại thì khó có thể lý giải chu toàn. Vì lẽ, do sự trùng phùng, chu chuyển của dòng sống nghiệp thức nên chúng ta phải thọ sanh trong cảnh giới này, trong cuộc sống này và kèm theo bao tiền khiên phước, họa – di sản được đem theo từ nhiều kiếp quá khứ xa xăm.


Nhìn vào thực trạng sống, có những người tuy hiện đời không biết cúng dường, bố thí nhưng cơ nghiệp của họ vẫn giàu sang, trong khi đó có bao kẻ đầu tắt mặt tối lam lũ mưu sinh mong đổi được bát cơm, manh áo nhưng đã là một sự nỗ lực hết mình. Thực trạng đó nhắc nhở chúng ta thấy rằng, nhân quả không chỉ hiện hữu trong một đời mà dung thông liên lụy từ nhiều kiếp sống khác.


Ngay như Đức Phật, trong nhiều bản kinh BổnSanh (Jataka) Ngài đã chỉ ra rằng những quả báo mà Ngài gặp phải trong vô lượng kiếp trước khi thành Phật đều có liên hệ với những tác nhân vốn được tác tạo ở nhiều kiếp quá khứ(3). Ở đây, nhìn một cách sâu xa như vậy, chúng ta dễ dàng khởi tâm thương yêu nếu như bất cứ ai đó dẫu vô tình hay cố ý phương hại đến ta, và như vậy, lòng từ có cơ may trưởng dưỡng và suối nguồn tình thương lại bắt mạch tuôn chảy trong tâm tư và suy nghĩ của mỗi người. Từ đây, ta có thể thấy, dù người khác không chú ý hay không tập trung, nhưng dẫu sao, với một lượng người đông đảo cùng tham gia giao thông, chỉ cần một bộ phận trong số họ biết tập trung, ý thức, thì lẽ dĩ nhiên vẫn góp phần rất lớn trong việc hạn chế tai nạn giao thông.


Thứ hai, như đã nói ở phần trước, diện mạo của đời sống là do bởi sự chi phối và vận hành bởi nghiệp. Thế nhưng, nghiệp không phải là điều cố định, bất di bất dịch mà có thể thay đổi, uốn nắn, chuyển hóa tùy thuộc vào sự nỗ lực của ta. Nói cách khác, ta có thể làm chủ được nghiệp và chuyển hóa được chúng. Kinh nghiệm trong ứng xử giao thông, tỉnh táo khi vận hành phương tiện, nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do va chạm trên đường… là thực thế sinh động của sự làm chủ và chuyển hóa nghiệp.


Muốn có kinh nghiệm giao thông, ta phải học tập, trau giồi, rèn luyện. Kinh nghiệm không tự đến nếu như bản thân ta không có sự nỗ lực trau giồi. Tích lũy được nhiều kinh nghiệm tối ưu xét trên phương diện tham gia và điều khiển phương tiện giao thông, tức là chúng ta đã xây dựng cho mình một nghiệp thiện trong đời sống hiện thực này.


Dưới ánh sáng của giáo lý nghiệp, một khi ý thức được bối cảnh của tự thân, của tha nhân và điều kiện sống, chúng ta sẽ vững tin và chung tay góp sức để không những chuyển hóa nghiệp của bản thân mà còn góp phần tạo nên sức mạnh để vượt qua thực trạng rối ren của bức tranh giao thông trong tình hình hiện nay.


Đôi điều kiến nghị và suy ngẫm


Để giải quyết trọn vẹn một vấn đề, lẽ dĩ nhiên phải bắt nguồn từ gốc rễ. Căn nguyên của thực trạng giao thông hiện nay, trách nhiệm đứng đầu vẫn là nhà chức trách. Vẫn biết rằng, với thực trạng giao thông như hiện nay, các nhà chức trách hữu quan phải hao tổn rất nhiều tâm huyết, sinh lực. Trong khuôn khổ bài viết, để giảm thiểu tai nạn giao thông, theo người viết, nhà chức trách cần phải thực hiện một số động thái sau.


Thứ nhất, khảo sát toàn bộ các tuyến giao thông trọng điểm, nơi thường xảy ra tai nạn, tìm nguyên nhân chính xác và đưa ra giải pháp phòng ngừa.


Thứ hai, cần phải mạnh dạn hạn chế phương tiện giao thông hai bánh và đồng thời mở rộng phương tiện vận chuyển công cộng.


Thứ ba, khảo sát những phương tiện vận chuyển hành khách và những con người làm công tác đó. Phải có một quy chuẩn khắt khe đối với người điều khiển phương tiện cũng như phương tiện vận chuyển công cộng.


Thứ tư, tăng cường đội ngũ công an giao thông, tuần tra. Nếu như lực lượng công an giao thông, thanh tra giao thông chưa đáp ứng, có thể tạm thời vận dụng những lực lượng khác hỗ trợ như quân đội, công an vào những cung đoạn giao thông nguy hiểm vào thời điểm cần thiết như ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ… Phải ý thức rằng, an toàn giao thông như là một mục tiêu chiến lược quan trọng của thời bình.


Thứ năm, thiết lập lại cơ chế lương bổng đặc biệt phù hợp với điều kiện sống thực tế của công an giao thông, khen thưởng kịp thời và trong sạch hóa, thanh lọc hóa đội ngũ những người làm công tác điều phối giao thông. Với con số thương vong do tai nạn giao thông đang ngày càng tăng lên như hiện nay, có thể xem vấn đề an toàn giao thông là sách lược cần kíp trước mắt, là cuộc chiến lâu dài mà chúng ta cần phải chiến thắng để xây dựng con người và phát triển đất nước.


Với người tham gia giao thông, là một công dân có ý thức và tự chủ về hành vi của mình, thiết nghĩ chúng ta cần phải ý thức rõ ràng rằng sự an toàn hay nguy hiểm của chính bản thân tùy thuộc vào thái độ của chúng ta khi tham gia giao thông. Lẽ dĩ nhiên, ngoài việc phải tuân thủ luật lệ giao thông, chúng ta còn phải ý thức được rằng, mỗi người chúng ta là một thành tố để cấu thành nên sự phức tạp hay đơn giản của thực trạng giao thông.


Nhìn vào dòng người đang lưu thông trên phố, nếu như ai cũng ý thức được phương tiện, điều kiện và tuân hành theo những chỉ dẫn cần thiết thì nguy hiểm không còn rình rập và tham gia giao thông không còn là một nỗi lo sợ của bất cứ ai. Thái độ sống của người văn minh là trật tự và văn hóa. Bất cứ ai trong mỗi chúng ta đều mong rằng mình là một người có văn hóa và văn hóa cao thực sự. Và, nếu như chúng ta biết áp dụng nếp sống văn hóa trong khi tham gia giao thông thì cuộc sống này sẽ đẹp biết bao nhiêu.


Với người Phật tử, dù là Phật tử trên tên gọi hay Phật tử thuần thành, tất cả đều hiểu rõ rằng ai cũng sợ khổ đau, ai cũng sợ chết, và hơn hết, việc tôn quý mạng sống, góp phần giảm thiểu khổ đau cho bản thân, cho tha nhân như là trách vụ của người Phật tử. Với quán niệm thường xuyên như vậy, với tâm thái định tĩnh và an nhiên của người Phật tử, với mong mỏi góp phần xây dựng một quốc độ an lạc ngay bây giờ và tại đây, thế thì tại sao chúng ta nỡ vô tâm gây tạo tội lỗi cũng như nỡ vô tư góp phần gây tạo đau khổ cho người?


Thường xuyên duy trì ý thức đừng gây đau khổ cho ai thường trực trong tâm và trong tim, ý thức rõ nhịp sống hiện đại, quán niệm thường xuyên trong mỗi phút giây… là thái độ sống rất cần cho cuộc đời và rất gần với lời chỉ dạy của Đức Phật.


Chỉ cần một sự kiềm chế cần thiết, chỉ cần một sự nhún nhường kịp thời, chỉ cần một sự cân nhắc chính xác và quyết định kịp thời… sẽ là những yếu tố góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Một khi biết kềm chế, tức là chúng ta đã và đang vận dụng tinh thần của Giới, thái độ nhún nhường bình tĩnh trong ứng xử giao thông là dấu vết của sự thực hành về Định và quyết định chính xác, hợp lý là sự biểu hiện liên hệ đến Tuệ. Tuy liên hệ đó chưa chuẩn xác nhưng nó phản ánh sự vận dụng tinh thần của Phật giáo và trong thực tế đời thường.


 Hy vọng rằng, mỗi người con Phật hãy bắt đầu thiện nghiệp của mỗi ngày không phải ở đâu xa mà bằng sự chú tâm khi tham gia giao thông trên đường. Nếu được như vậy, lời dạy vàng ngọc của Đức Từ Phụ vẫn hằng tuôn chảy và sự nỗ lực thực hành lời dạy đó sẽ giúp cuộc đời giảm bớt đau khổ, góp phần xây dựng một thực trạng sống ngày càng an lạc, tiến bộ và văn minh. 


——————————————————————————–


(1) Xem thêm, HT.Thích Trí Thủ, Yết ma yếu chỉ, NXB. Tôn Giáo, 2006.
(2) Sđd.
(3) Xem thêm, Kinh Bổn Sanh.