Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Nữ sư thầy một tay cưu mang những đứa trẻ mồ côi

Nữ sư thầy một tay cưu mang những đứa trẻ mồ côi

660

Hơn 10 đứa trẻ mồ côi, đa số bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa được sư thầy Thích Đàm Ngoan cưu ngoan, nuôi nấng như con ruột tại chùa Hồi Long ở Thanh Hóa.


Nữ sư thầy có dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng kiên định, giàu ý chí, nguyện dành cả đời phụng sự Phật pháp và cưu mang những đứa trẻ mồ cô… Đó là những gì người ta nói về sư thầy Thích Đàm Ngoan, trụ trì chùa Hồi Long ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nữ sinh Nguyễn Thị Tâm ngày nào từng theo học các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Y dược Hà Nội, song vì nhiều lý do, bà rẽ ngang sang con đường Phật giáo, lấy pháp danh Thích Đàm Ngoan.

Tốt nghiệp Học viện Phật giáo, năm 2008, sư về chùa Hồi Long, bà nhận trọng trách phục dựng lại ngôi chùa có lịch sử hàng ngàn năm – từ thời nhà Lý, song đã bị tàn phá bởi thời gian.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa được sư thầy Thích Đàm Ngoan cưu mang

Nhờ sự giúp đỡ về tài chính của nhiều nhà hảo tâm khác, sư thầy đã phục dựng lại ngôi chùa. Với tâm niệm chùa không chỉ là nơi du khách đến dâng hương mà còn là mái ấm tình thương cho những mảnh đời bất hạnh, thầy nảy sinh ý định lập trung tâm từ thiện xã hội tại đây.

Thời điểm trước khi thành lập, sư thầy đã cưu mang nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở bên ngoài, chu cấp cho các cháu ăn học. Cho đến tháng 8/2019, khi trung tâm được thành lập, sư thầy đón các cháu về tự tay chăm sóc.

Hơn 1 năm thành lập, thường xuyên có những đứa trẻ mới lọt lòng bị đem đến bỏ trước cổng chùa. Mỗi lần như vậy, trung tâm lại đón thêm thành viên mới.

Một bé bị bệnh Down được sư thầy dành sự chăm sóc đặc biệt

Hơn 10 năm qua, đã có 18 đứa trẻ bất hạnh thầy cưu mang. Trong số đó, có 7 em may mắn được gia đình đón về. Hiện nay, mái ấm tình thương của thầy Ngoan đang cưu mang 11 bé, cháu nhỏ tuổi nhất 2 tháng tuổi, lớn nhất cũng 19 tuổi. Trong đó, 1 bé bệnh tim bẩm sinh và 1 bị bệnh Down.

Những đứa trẻ thiếu thốn hơi ấm của cha mẹ, được nữ sư thầy hết lòng chăm sóc và thương yêu. Những em bé Sâu, Su, Cà Rốt… chưa biết nói nhưng mỗi khi nhìn thấy sư thầy, chúng nhào vào lòng nũng nịu, đòi được bế bồng.

Để có tiền chăm sóc trẻ và duy trì các hoạt động thiện nguyện, sư thầy làm hương để bán

Thầy kể, ban đầu chưa có kinh nghiệm, thầy lóng ngóng học cách cho các cháu ăn, cho uống sữa. Những cháu bệnh tim, rồi Down, phải thường xuyên theo dõi và gần như đi bệnh viện như cơm bữa. Khi có đông trẻ, để chăm sóc được đủ đầy cho các bé, thầy thuê thêm các bảo mẫu.

Sư thầy tâm sự, thầy từng ước mơ đi du học về lĩnh vực Y dược, gần đây cũng đã nhận được thông báo theo học ở Hàn Quốc nhưng vì những đứa trẻ, thầy gác lại dự định riêng.

Ngoài ra, thầy trồng nấm và mộc nhĩ, làm tinh dầu sả

“Tôi muốn đi học thêm, để chăm sóc những người khác bằng chính kiến thức của mình. Nhưng điều đó đành gác lại, vì những đứa trẻ cần mình”, sư thầy nói.

Không chỉ cưu mang các cháu trong chùa, sư thầy Thích Đàm Ngoan còn tích cực tổ chức các chuyến thiện nguyện khắp nơi, hàng năm tặng hàng nghìn suất quà cho trẻ em ở Mường Lát, Quan Sơn hay các xã ven biển. Khi nghe tin bão lũ ở miền Trung, thầy ngay lập tức lên đường. Để có kinh phí, thầy tự nuôi trồng nấm, mộc nhĩ, làm tinh dầu sả, rồi các loại hương để bán.

1 năm nay, trung tâm thu được khoảng 400 triệu đồng tiền lãi từ các mặt hàng này. Sư thầy cho biết, số tiền này chỉ đủ trang trải một nửa cho các chi phí, bởi lẽ ngoài nuôi các bé, thầy phải trả lương cho các bảo mẫu, bảo vệ, các nhân viên lao động khác đang làm việc cho trung tâm.

“Trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi đang cố gắng hết sức để đảm bảo sản xuất và có nguồn thu duy trì trung tâm. Tâm nguyện duy nhất của tôi là để các cháu có một mái ấm, sau này trở thành những người có ích cho xã hội:, sư thầy nói.

Với những đóng góp tích cực cho các hoạt động thiện nguyện, xây dựng trường học, tặng quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa với kinh phí hàng chục tỷ đồng, ngày 27/11 vừa qua, sư thầy đã được Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội.


 Lương Diễn/An Ninh Tiền Tệ