Trang chủ Thời đại Xã hội Phật pháp và an toàn giao thông

Phật pháp và an toàn giao thông

86

Vấn đề an toàn giao thông đang là một vấn nạn chưa có lối thoát, nhất là ở các đô thị lớn thì tình trạng giao thông lại càng trở nên phức tạp vô cùng.


Thật vậy, hiện nay mật độ dân số ở các thành phố tăng nhanh, dân chúng tập trung về sống ở thành phố càng ngày càng gia tăng và lưu lượng xe cộ mỗi ngày nhiều hơn, trong khi đường sá mở rộng có giới hạn; lại thêm trên thực tế rất nhiều người sử dụng xe cộ đi lại trong thành phố mỗi ngày nhưng không hiểu luật giao thông, thậm chí không tôn trọng luật giao thông.


Vì vậy, tai nạn giao thông đã xảy ra mỗi ngày nhiều đến mức báo động và tai nạn xảy ra rồi thì hối hận không còn kịp, con người đang lành mạnh bỗng chốc trở thành tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và thảm khốc hơn nữa là gây ra tử vong, một sự mất mát lớn về tinh thần lẫn vật chất cho gia đình, cho xã hội.


Đối trước tình trạng bức xúc về sự an toàn giao thông, Tăng Ni và Phật tử thử nghĩ xem có thể áp dụng Phật pháp như thế nào để có được giải pháp thiết thực lợi ích cho bản thân mỗi người trong chúng ta nói riêng và cho cộng đồng xã hội nói chung.


Trong tất cả các kinh điển, Đức Phật luôn chỉ dạy con người phương cách sống hòa hợp, hòa bình và an lạc, cũng như cần phải quán triệt lý nhân quả. Muốn có cuộc sống an lạc, tâm của con người phải an lạc là chính yếu. Vì tâm an lạc, tức giữ được chánh niệm, không để cho bất cứ sự việc nào bức bách, thúc giục, thì chắc chắn tâm trí chúng ta luôn sáng suốt, sẽ giải quyết mọi việc tốt đẹp, đúng theo quy trình tiến hóa của nó và cũng đúng theo luật nhân quả.


Vì vậy, một trong những phương cách tốt nhất cho việc góp phần vào sự an toàn giao thông hiện nay cũng chính là thực hiện các giáo pháp mà Đức Phật đã đề ra, theo đó giúp cho tâm con người được điềm tĩnh, sáng suốt để chỉ đạo cho mọi hành động và việc làm của họ đúng đắn, mang lại lợi ích cho cá nhân và cho cả cộng đồng xã hội.


Thực tế thể hiện rõ điều này, trước nhất nếu tâm trí của người lái xe bất an và bị  hoàn cảnh thúc bách, thì họ lái xe theo cách bất kể mọi người và xe cộ chung quanh, bất kể đèn giao thông và bằng mọi cách, họ chỉ cố làm sao đi nhanh đến nơi họ muốn. Vì vậy, tâm trí điều khiển xe của họ không còn sáng suốt, họ không còn làm chủ được tay lái và tốc độ, nên đã va chạm xe khác, hoặc đâm thẳng vào xe khác và gây tai nạn là điều tất yếu phải xảy ra. Kết quả chẳng những không nhanh được, mà người gây tai nạn và cả người vô tội phải đi vô bệnh viện hay đi ra nghĩa địa.


Cả hai điểm đến bất đắc dĩ này chẳng ai ưa thích, nhưng người điều khiển xe bằng tâm trí bất ổn, bằng nhận thức sai lầm, mới bất chấp luật lệ, coi thường tính mạng của những người xung quanh, nghĩa là họ đã tạo cái nhân lầm lỗi mới dẫn đến cái quả tàn phế, chết chóc.


Đức Phật dạy rằng mọi người phải luôn bình tĩnh, sáng suốt trong đời sống hàng ngày để ứng xử với mọi việc xung quanh xảy đến đúng theo lý nhân duyên, mới có thể giải quyết một cách hợp lý hợp tình. Trong trường hợp ùn tắc xe cộ cũng vậy, nếu mỗi người bình tĩnh, sẽ thấy được rằng chỉ nhường nhau một cách hợp lý, mất một vài phút thôi, thì xe nào cũng đi được.


Thật vậy, tỉnh táo và sáng suốt một chút, thấy rõ không cần cố lấn ép nhau để đi, vì xe càng lấn tới một cách bừa bãi thì càng làm cho giao thông ùn tắc thêm, chậm trễ thêm; lúc đó, tất cả xe cộ không còn cách nào khác là phải đứng yên tại chỗ. Phải “nằm yên chết cứng” chịu đựng sự ùn tắc xe nhiều khi rất vô lý, phải lãnh đủ cái nóng của dòng xe, dòng người và thời tiết đốt cháy, phải nghẹt thở vì khói xe, cộng thêm tâm trạng nôn nóng bị trễ giờ, hỏng việc; tất cả những thứ không dễ chịu này lại càng khiến cho mọi người bực tức thêm, tâm rối loạn hơn, dĩ nhiên là chẳng ai còn bình tĩnh và sáng suốt nữa.


Từ tâm lý rối loạn trầm trọng như vậy dễ dàng dẫn đến nổi giận, đổ lỗi cho nhau, gây gổ nhau và đánh nhau, làm cho mọi người chung quanh tăng thêm phần mệt mỏi hơn nữa. Lúc đó, giải pháp duy nhất chỉ còn cách chờ cảnh sát ít nhất vài tiếng đồng hồ đến giải tỏa, thì trật tự giao thông mới tái lập được.


Riêng tôi, khi sang Ấn Độ, tuy đất nước này còn nghèo, nhưng dân Ấn hiểu được ý Phật dạy, nên tôi thấy họ rất bình tĩnh trong cách ứng xử. Có lần chúng tôi đi từ Bồ Đề Đạo Tràng về Lộc Uyển, đoạn đường này không xa nhưng bị kẹt xe trên tám tiếng đồng hồ. Tôi nhận thấy tất cả tài xế của hàng xe đậu dài dằng dặc chờ đợi mà họ vẫn bình tĩnh, vui vẻ nói chuyện tự nhiên, không tỏ ý bực bội, khó chịu. Đối với họ, đó là việc đương nhiên, không thể làm gì tốt hơn là chờ đúng tuyến đến lượt thì đi, không có cảnh lấn đường, tranh nhau đi bất chấp luật lệ giao thông như thường xuyên xảy ra ở nước ta.


Có thể nói đất nước Ấn Độ rất đông dân, nhưng tai nạn giao thông ít xảy ra, nhờ họ thấm nhuần tinh thần Phật dạy, luôn bình tĩnh sáng suốt, chấp hành luật lệ, nên dù có kẹt xe vì đường sá không tốt, cũng không tạo thêm sự căng thẳng cho mọi người. Trong khi ở đất nước chúng ta, thực tế cho thấy rất nhiều người vô ý thức, thường cố giành đường, lấn tuyến, dù biết rằng đằng trước có xe đang cản, không thể nào đi qua được, nhưng họ cũng cố tình chen tới để bít luôn đường, tạo thành sự đan xen xe cộ thật bừa bãi, làm kẹt cứng sự lưu thông của toàn bộ xe, không còn một khoảng trống cho bất cứ làn xe nào đi được cả.


Vì đường sá là tài sản chung của toàn dân, mọi người cùng sử dụng một cách hợp pháp, hợp lý để cho ai cũng hưởng được tiện nghi giao thông tốt đẹp; cho nên mỗi người cần ý thức tuân thủ luật giao thông nhằm bảo vệ tính mạng của bản thân mình cũng như không gây thiệt hại đến tài sản và sinh mạng của những người cùng đi trên đường.


Đặc biệt là Phật tử thấm nhuần tinh thần Phật dạy, tâm trí luôn bình tĩnh, sáng suốt, sẽ có cách hành xử đúng đắn, không gây hại cho mình và người khác trong mọi sinh hoạt nói chung và trong việc đi lại bằng xe cộ hàng ngày nói riêng, chắc chắn sẽ góp phần vào sự an toàn giao thông tốt hơn; nhất là chúng ta biết nhường xe khác một cách hợp lý, chẳng những tránh được các tai nạn đáng tiếc, còn giúp cho xe cộ đi lại được nhanh chóng, an toàn, không bị ùn tắc.


Thiết nghĩ pháp Phật luôn mang lại giá trị thiết thực trong mọi hoàn cảnh sống, nếu biết thể nghiệm yếu nghĩa Phật dạy, giúp cho tự thân mỗi người được an lạc, hạnh phúc trong từng việc làm và góp phần cho cộng đồng xã hội cùng sống trật tự, hài hòa, an vui, phát triển.


Và vấn đề an toàn giao thông của xã hội đặt ra hiện nay cũng không nằm ngoài mục tiêu của các pháp mà Đức Phật đã đưa ra. Sự an toàn giao thông có thể giải quyết tốt đẹp theo tinh thần Phật dạy qua rất nhiều bài pháp căn bản trong các kinh điển, sẽ giúp cho tâm mỗi người bình tĩnh, sáng suốt để chỉ đạo cho mọi hành động, mọi việc làm có lợi ích cho mình và mọi người trong từng phút giây của cuộc sống này.