Trang chủ Thời đại Xã hội Roi vọt trong giáo dục

Roi vọt trong giáo dục

173

Thương cho roi cho vọt


Một chuỗi các sự cố về việc sử dụng “biện pháp mạnh của các giáo viên rải rác khắp nơi cả nước địa làm dấy lên những phản ứng mạnh trong dư luận phụ huynh học sinh. Hầu hết đều lên án và thậm chí mời cả cơ quan pháp luật, công an, bệnh viện cùng tham dự.


Tuy nhiên, từ cô giáo Nguyệt ở Nghệ An, thầy Phong ở Bình Thạnh (TP. HCM) đến thầy Dương ở Tuy An, tất cả đều giải thích rằng vì thương nên mới đánh để các em nên người. Chúng ta nhìn nhận sự việc này dưới góc độ nào?


Người xưa vẫn nói rằng: “Giáo bất nghiêng, sư chi noạ”; ở Việt Nam, chúng ta vẫn thường nghe: “Thương cho roi cho vọt” hay đến người Anh vẫn quan niệm “Spare the rod and spoil the child”.


Thế thì, ngọn roi hay cây thước chỉ là những biện pháp răn đe và không chỉ hôm nay các thầy cô mới dùng đến mà đã từ rất lâu, cụ thể người ta vẫn gọi nhà giáo là nghề gõ đầu trẻ kia mà!


Trong tác phẩm Triết lý Giáo dục, Jean Château khi nhận định về quan điểm giáo dục của John Locke đã viết: “Chúng ta không nên chiều chuộng đứa trẻ quá lố, lấy lý do làm cho nó sống hạnh phúc. Con người hạnh phúc thật sự đó là con người đã học được cách tự ghép mình vào kỷ luật…”


Tuy nhiên, John Locke không chủ trương sử dụng những trừng phạt thể xác. Hiển nhiên là thỉnh thoảng chúng ta cũng nên sử dụng roi, nhưng mục tiêu của mọi cuộc giáo dục đạo đức vẫn là đào luyện đứa trẻ thế nào cho sự sợ hãi xấu hổ thắng thế hơn sự sợ hãi trừng phạt (Triết lý Giáo dục).


Nếu chỉ vì vài ngọn roi răn đe học trò mà thầy cô bị pháp luật trừng phạt hay buộc phải thôi dạy thì thật là một kết quả buồn cho những biện pháp sư phạm mà những người thầy vẫn nghĩ rằng khi cần vẫn vận dụng được.


Vậy là đã rõ vấn đề không phải là ngọn roi hay cây thước mà là cách phụ huynh hay là xã hội nhìn vào việc sử dụng ngọn roi ấy. Nếu tuyệt đối không chấp nhận, tôi vẫn e có gì nghiệt ngã cho thầy cô giáo, dù rằng đó gần như là biện pháp cuối cùng trong phương pháp sư phạm.


Tại sao hành vi sư phạm ấy bị lên án?


Ngọn roi trong tâm hồn


Chúng ta ai cũng nhớ câu chuyện Hàn Bá Du và ngọn roi của mẹ. Du không khóc vì đau mà khóc vì ngọn roi của mẹ không còn mạnh mẽ như xưa. Vì mẹ đánh Du với một tâm nguyện muốn Du thành người.


Phải chăng cái tâm thức của kẻ bị đánh và người đánh đòn đều đồng cảm với nhau, cùng hướng thiện, thúc đẩy bởi ý muốn khát khao của người mẹ muốn làm điều tốt cho đứa con. Thời của chúng tôi đi học cách đây 30 năm, thầy cô vẫn dùng thước kẻ đánh vào mông hoặc vào tay trong một số ít trường hợp, nhưng phần đông đứa nào cũng sợ. Vì sao?


Nói như Locke, vì nỗi sợ hãi xấu hổ trong chúng tôi lớn hơn nỗi sợ hãi trừng phạt. Chúng tôi hiểu rằng thấy cô đánh mình vì mình làm lỗi do buông mình theo ý thích cá nhân hay do sự lười biếng. Điều quan trọng là sự tôn trọng dành cho người dạy dỗ mình. Dù các thầy cô vẫn biết: “đánh đòn là một kỷ luật nô lệ làm cho tính tình trở thành nô lệ” (Locke), hay nói như Jean Château: “Quá nhiều nghiêm khắc, quá nhiều trừng phạt, sẽ đương nhiên làm cho đứa trẻ trở thành giả dối”.


Nếu thầy cô thật sự răn dạy các em xuất phát từ lòng yêu thương và trách nhiệm, ngọn roi kia nào có nghĩa gì? Một thiền sư khi cần cảnh giới các thiền sinh vẫn dùng hèo nhắc nhở nhưng có ai sinh lòng oán hận đâu? Một vị thầy khi răn dạy mang chính niệm với công việc của mình thì hành vi ấy vẫn là hành vi sư phạm đầy từ ái.


Bụt có nói tâm nhơ bẩn nên chúng sinh nhơ bẩn, tâm thanh tịnh nên chúng sinh thanh tịnh… Cái tâm của chúng sinh vốn là thanh tịnh vì vậy mà không tìm ra cái tội. Tâm của mình khi có chính niệm thì nó tịnh, nhưng khi chính niệm không phát hiện thì nó bất tịnh. Khi tâm của mình chấp ngã thì nó bất tịnh, nhưng nếu nó không chấp ngã thì nó là tịnh” (Thích Nhất Hạnh- Bồ tát tại gia, Bồ tát xuất gia).


Khi các thầy cô dùng roi vọt trừng phạt các em, các thầy cô có dám chắc rằng không vì những động cơ nào khác ngoài việc mong muốn các em trở nên tốt đẹp?


Các thầy cô có cảm thấy bị đè nén, bức xúc vì cuộc sống khó khăn, hay vì bế tắc trong lý tưởng trước những lo toan áo cơm thường nhật, hay cảm thầy bị xúc phạm vì xã hội thiếu tôn trọng…?


Chúng ta có quyền hoài nghi những động cơ chân chính khi thầy giáo Nguyễn Thế Toàn (Lâm Đồng) đánh học trò thủng màng nhĩ, cô Trần Thị Ngọc (Thái Bình) cho 32 em học sinh tát một em chấn thương nằm bệnh viện đến 10 ngày hay có người ném thước rách mắt học sinh…


Lúc ấy phải chăng thầy cô đang chấp cái “ngã” quá lớn và đang nổi lên tính “ác” trong con người mình? Xã hội có quyền chất vấn lương tâm chức nghiệp và tự hỏi đâu là thiên chức của người dẫn đạo?


Phải biết rằng “Nếu mọi người chung quanh ta quan tâm ưu ái đến ta, đối xử tốt với ta cũng như cho ta biết những thiện ý của họ, tâm hồn ta như được bồi dưỡng và cảm thấy hân hoan vui vẻ. Ngược lại, nếu tha nhân đối xử với ta một cách tệ bạc, ác độc, chúng ta sẽ vô cùng đau đớn” (Dalai Lama – Beyond Dogmas).


Đối với trẻ em, một biến cố không hay sẽ để lại những “vết sẹo” tâm hồn sâu sắc và ám ảnh mãi trong cuộc đời. Chúng ta lại càng cần phải cân nhắc. Không ai trách và không nên trách những ngọn roi nếu nó dược dùng trong một số rất ít trường hợp với tâm nguyện thiện ý của người hành xử, trong chính niệm và xuất phát từ tình yêu thương dành cho con trẻ.


Nhưng cao quý thay nếu ngọn roi ấy chỉ vạch ra khuôn thước trong tâm hồn các em để sống ngay ngắn, thẳng thắn làm người với niềm hạnh phúc đang sống trong một xã hội gồm rất nhiều những con người nhân ái và đầy thiện ý.