Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Sức mạnh tuyệt diệu của sự lắng nghe

Sức mạnh tuyệt diệu của sự lắng nghe

144

Lắng nghe vốn dĩ đã là một điều kỳ diệu, nếu như lắng nghe bằng cả con tim và khối óc thì đó mãi là điều vĩ đại.

Chia sẻ và được chia sẻ là chiếc cầu nối vô hình cho một mối quan hệ lâu dài, bền chặt và hạnh phúc. Con người có thể sống hòa hợp cùng nhau dưới mái nhà chung, cùng nhau làm việc có ích, cùng nhau vượt qua những điều tưởng chừng như không thể v.v…. chính là nhờ vào sức mạnh của sự chia sẻ. Khi chúng ta ngừng chia sẻ có nghĩa là mối quan hệ đã dần đi đến hồi kết.

Để giao tiếp đạt tới đỉnh cao của ngôn ngữ khi nó đảm bảo hai yếu tố, có người nói và có người nghe, cuối cùng cả hai thảo luận và đi đến thống nhất, chứ không phải rằng họ đang nói chuyện với một bức tường dưới hình hài của một con người với những ngôn từ “à, ừ” lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa.

Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn khi giao tiếp với người khác, phải nói năng thật hay thật lưu loát, trôi chảy, phản xạ nhanh, biểu hiện nét mặt, cử chỉ, điệu bộ chuẩn và biểu cảm, mang lại hiểu quả cao, gây ấn tượng với người đối diện.

Nhưng chúng ta quên rằng, người được chú ý nhất không phải là người nói nhiều nhất mà là người biết lắng nghe nhiều nhất. Chúng ta nghĩ những gì chúng ta nói nhưng không được nói hết những gì chúng ta nghĩ.

Biết lắng nghe giúp chúng ta tìm ra ẩn ý, ý tứ, sở thích, mong muốn, nhu cầu, tâm tư tình cảm, băn khoăn, trăn trở, lo lắng, muộn phiền, niềm vui, sự hân hoan, v.v… từ những người xung quanh. Đôi khi lắng nghe đơn giản chỉ là nghe lại tiếng lòng của chính mình ở một thời điểm, hoặc một khoảng khắc tại một không gian bất chợt nào đó.

Có thể nói rằng, nói là gieo, nghe là gặt. Nhân duyên tạo ra con người với hai cái tai để lắng nghe, hai con mắt để nhìn cuộc đời, hai cánh mũi để thưởng thức hương vị của cuộc sống, cùng đôi bàn tay khéo léo để làm việc có ích, với đôi bàn chân khỏe mạnh để đi tới đâu chúng ta muốn nhưng lại chỉ với một cái miệng để nói.

Điều đó thật tuyệt. Tất cả những điều ấy hòa quyện đan xen vào nhau tạo thành một thực thể hoàn chỉnh. Nói ít nghe nhiều, để tâm sâu lắng.

Cuộc sống này có vô vàn những điều trái khuáy và đau khổ, tuyệt vọng, rối trí, niềm vui thì ít trái ngang thì nhiều. Trong những lúc tưởng chừng như tột cùng ấy, chúng ta cần gì nhỉ? Chúng ta cần được nói, cần được chia sẻ và cần được lắng nghe. Đơn giản là thế thôi. Biết lắng nghe đã là món quá quý giá trước khi nó được tô điểm bằng những lời động viên và khích lệ.

Lắng nghe để thấu hiểu những điều người khác nói là một nghệ thuật, nghệ thuật của sự hàn gắn, xóa mờ đi nét vằn vệt, loang lổ, trầy xước, mà cuộc đời ban tặng cho mỗi người. Nghe để thông cảm hơn nỗi đau của người khác. Nghe để biết mình đang tồn tại và được sống. Nghe để thấy nỗi đau mình trải qua ít hơn nhiều những niềm vui ta được nhận. Nghe để chúng ta nhìn thế giới này một cách khách quan hơn. Nghe để cho sợi dây yêu thương giữa chúng ta thêm gắn kết và bền lâu hơn.

Có rất nhiều bạn trẻ thắc mắc, làm thế nào để tôi lắng nghe một cách hiệu quả nhất, để người đối diện biết tôi đang nghe họ nói bằng cả tấm chân thành. Băn khoăn này không mới nhưng không phải ai cũng nhớ để làm hay thực hành theo. Lắng nghe người khác nói ngay cả khi họ nói làm chúng ta phật ý, là thể hiện sự tôn trọng bản thân mình và người đối diện. Vì ít hay nhiều mỗi cá nhân đều có đều muốn được giữ “thể diện”. Giữ cho người cũng chính là giữ cho mình.

Dưới góc độ ta là người lắng nghe người khác nói, cho dù là một nhóm người hay chỉ có một vài người thì chúng ta vẫn phải thực hành bước tóm gọn và lặp lại ý mà  họ vừa nói bằng chính ngôn ngữ và biểu đạt của chúng ta, điều đó không đồng nghĩa với việc ta hoàn toàn đồng ý với quan điểm của họ nhưng đảm bảo rằng ta đang rất hiểu những gì họ nói. Đó là lắng nghe mang lại hiệu quả thỏa mãn cho cả hai bên.

Chuck Gallozzi đã bàn về việc lắng nghe như sau: “Trước khi chúng ta có thể làm lãnh đạo, chúng ta phải phụng sự. Trước khi chúng ta có thể phụng sự, chúng ta phải sẵn sàng.Trước khi chúng ta sẵn sàng, chúng ta phải học.Trước khi chúng ta có thể học, chúng ta phải lắng nghe. Trước khi chúng ta có thể lắng nghe, chúng ta phải im lặng”. Một quan điểm đúng đắn và đầy ý nghĩa.

Sự thông thái chính là tặng phẩm của một đời biết lắng nghe và im lặng đúng lúc. Chúng ta không thể đòi hỏi sự từng trải, kinh nghiệm sống của ở một người trẻ, 20 tuổi tôi cho bạn cơ hội để thử thách, được quyền sai lầm, 30 tuổi tôi muốn được nhìn thấy kinh nghiệm sống từ bạn, 40 tuổi tôi đòi hỏi sự từng trải và những thành công, 50 tuổi tôi muốn bị bạn chinh phục bởi sự chín muồi của một đời người.

Khi chúng ta lắng nghe người khác chính là lúc chúng ta khơi dậy trong họ lòng tin, sự tin cậy cần thiết, họ biết mình được tôn trọng. Thông thường, chúng ta không thể lựa cho người nói mà ta phải nghe tất cả, người ta thích cũng như người ta không thích, tưởng chừng như vô bổ nhưng nó lại mang tới rất nhiều lợi ích. Từ những lời chúng ta được nghe, tự bản thân ta đã rút ra cho mình được những bài học quý, cái gì nên cái gì không nên, điều gì cần tránh điều gì không. Thu thập và xử lý thông tin là chúng ta chứ không phải ai khác, không ai có thể chịu trách nhiệm thay ta về công việc, gia đình, bạn bè, không ai có thể sống thay ta cuộc sống này. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, làm việc và cống hiến.

Thực tế làm người biết lắng nghe rất khó. Chỉ lắng nghe radio là dễ nhất. Tại sao? Bản ngã hay cái tôi của mỗi người đếu lớn. Ai cũng muốn tôi là chính tôi, tôi không phải là cái bóng của người khác, tôi sinh ra để in dấu trong lòng người khác chứ không phải tan biến như một hạt cát vô danh. Thế đấy. Để chứng minh cho sự tồn tại cũng như khẳng định vị trí của mình ở không gian ấy, ta một nửa đang nghe nhưng một nửa lại muốn chen ngang vào câu chuyện. Nếu như nhu cầu chen ngang được chấp nhận, thì mọi việc sẽ rất dài và rất lê thê.

Trong một cuộc đối thoại gần đấy nhất mà bản thân tôi từng gặp, nó để lại cho tôi rất nhiều bài học kinh nghiệm. Sau những năm tháng làm việc ngoài xã hội, có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi mắc phải cái lưới do chính mình quăng ra. Tôi đã nói rất nhiều và người nghe cũng chỉ nghe với thái độ im lặng. Theo lẽ thường như vậy quả là rất đáng quý nhưng với cá nhân mình, tôi nhìn nhận đó không phải là là sự lắng nghe có chủ ý và mục đích, giữa người nói và người nghe không có sự tương tác qua lại, để vấn đề được cảm nhận sâu sắc hơn. Người nói cảm giác mình không được tôn trọng, còn người nghe thì khó chịu, khi sinh tâm không vừa ý thì làm sao có thể nghe và thấu hiểu hết được ý của người nói. Và đó mãi là một buổi tọa đàm thất bại.

Bất kể khi nào ở đâu, khi bắt đầu vào một cuộc thảo luận, bàn bạc, chia sẻ, tâm tình v.v…nhất thiết chúng ta phải gạt bỏ cái tôi của mình ở phía ngoài, hành trang mang theo chỉ là tấm lòng cảm thông, lí trí đủ sáng, một chút tinh ranh, hài hước để có những ý kiến hay, lời khuyên chân thành, bổ ích và đúng mực.

Có vài điều chúng ta không nên lắng nghe ví như: lời ác ý, kể xấu, kể tội người khác, bôi nhọ danh dự người khác, đánh giá người khác chủ quan theo ý kiến của mình. Chúng ta khác ở các loài hữu tình khác đó là khả năng “biết suy nghĩ” đúng sai, không ai đủ tự tin vỗ vào ngực mình mà nói rằng tôi chẳng làm sai điều gì, tôi là người tốt, tôi là người tử tế. Chúng ta có mặt trên thế gian này, để lưu truyền cái hay, cái tốt đẹp, lòng từ bi cho muôn đời sau. Thiền sư Nhất Hạnh đã từng dạy: “Hãy luôn cho đi bằng sự có mặt của chính mình”. Chúng ta có mặt ở đây để vun đắp, xây dựng tình thân ái, nối kết yêu thương giữa con người với nhau, cùng nhau làm việc có ích.

Khi tôi lắng nghe là khi tôi cho đi sự có mặt của mình và từ đó tôi cũng biết rằng mình đã nhận lại rất nhiều trong sự cho đi ấy. Cho đi để nhận lại nhiều hơn. Lắng nghe để nâng cao sự hiểu biết, cảm nhận thế giới quan, gạt bỏ cái ích kỷ, cái tôi của mỗi người. Lắng nghe để mở ra một cánh cửa mới, cánh cửa của lòng từ bi và bác ái.