Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Tại sao Phật tử dễ bị cải đạo

Tại sao Phật tử dễ bị cải đạo

114

Điều điển hình nhất của sự bành trướng và lấn áp ấy chính là việc cải đạo liên tục và bền bỉ của họ.

Việc cải đạo của các tôn giáo hữu thần được thực hiện theo những trình tự và kế hoạch nhất quán, cụ thể. Hậu quả của việc tấn công Phật giáo bằng sách lược cải đạo này theo đúng ý đồ chiến lược “vết dầu loang”.

Một người cải đạo sẽ có khả năng kéo theo một gia đình, một dòng họ cải đạo. Cứ thế tiếp tục, từ thế hệ này qua thế hệ khác, tín đồ của các tôn giáo hữu thần đã và đang tăng lên từng ngày, đồng nghĩa với việc gia tăng tín đồ của các tôn giáo ấy là sự sa sút về số lượng Phật tử một cách nhanh chóng của Phật giáo Việt Nam chúng ta.

Nếu tình trạng nguy ngập này cứ diễn tiến mà chúng ta không có kế hoặch ngăn chặn kịp thời và cụ thể, thì rất có thể trong một tương lai rất gần Phật giáo Việt  Nam cũng sẽ chịu chung số phận  như Phật giáo Nam Hàn ngày nay. Đây là một thực tế đau xót và thực tế này đã khiến cho những người con Phật khắp nơi trên thế giới cảm thấy lo lắng và đau buồn.

Đứng trước thực trạng này của Phật giáo Việt Nam, về phía Tăng đoàn, lác đác đã có một số ngài hành động bằng cách tích cực xiển dương tổ chức hoằng truyền giáo pháp theo những phương pháp hiện đại và khoa học.

Điển hình cho những thành công rất đáng được trân trọng này là đạo tràng chùa Hoằng Pháp, chùa Viên Giác tại thành phố Hồ Chí Minh, chùa Bằng (Hà Nội) và chùa Phật Quang tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Về phía gia đình Phật tử cũng có một số tiến triển khả quan như gia đình Phật tử Long Khánh, Thừa Thiên Huế và một số nơi khác. Những thành quả này là vô cùng đáng quí và đáng trân trọng, nhưng nếu so với địa bàn mênh mông của một quốc gia được cho là có truyền thống theo đạo Phật với dân số trên tám mươi triệu người thì quả thật những thành quả chưa hề tương xứng này là điều đáng để chúng ta giật mình, ưu tư và thao thức.

Việc cải đạo diễn ra khi thì âm thầm, khi thì ồ ạt, và ngày ngày xung quanh chúng ta, chúng ta từ từ chứng kiến việc những người thân, những người quen của mình, vì nhiều lý do, họ đã bỏ đạo Phật và đi theo các tôn giáo khác.

Vậy thì nguyên nhân tại sao các tôn giáo hữu thần lại dễ dàng thực hiện hành động cải đạo với tín đồ Phật giáo như vậy, trong sự hiểu biết chừng mực của mình, chúng tôi xin phép được đưa ra một vài kiến giải như sau:

Vấn đề cải đạo diễn ra và có những tác động nguy hiểm đến Phật giáo là vì hai nguyên nhân, đó là nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, hay nói rõ hơn đó chính là do tự bản thân của Phật giáo và do hoạt động hăng say ồ ạt, đầy tham vọng và có kế hoạch cụ thể của các tôn giáo hữu thần.

Những nguyên nhân  từ phía Phật giáo

Thứ nhất: những người có trách nhiệm trước sự hưng thịnh của đạo Phật thì phần đông thường giữ thái độ “mũ ni che tai”, và tự ru ngủ, trốn tránh trách nhiệm của mình bằng những luận điệu ngụy biện và cực kỳ nguy hiểm cho sự tồn vong của Phật giáo như: “Đạo nào cũng tốt”, “Phật giáo không thể nào biến mất được”, "Đạo Phật chỉ gặp người có duyên, có phúc"..v.v….

Thứ hai: Vì sự hoằng truyền giáo pháp còn quá yếu kém, chưa thực sự đi sâu vào đời chúng nhân dân. Nên có thể nói là đa số tín đồ Phật giáo chưa hiểu gì về giáo lý Đạo Phật cho nên chưa có niềm tin vững chắc và vì thế những Phật tử này rất dễ bị cải đạo.

Thứ ba: Ngoài tổ chức gia đình Phật tử hoạt động cầm chừng ra, Giáo hội chúng ta gần như bỏ rơi hoàn toàn tầng lớp thanh thiếu niên. Giáo hội không có một kế hoạch nào để đào tạo Phật pháp cho những con người này.

Tệ hơn nữa là Giáo hội không tạo ra được một không gian để thu hút giới trẻ đến với Phật pháp, và thậm chí là khi giới trẻ đến với Phật pháp rồi thì Giáo hội cũng không có một kế hoạch gì để họ ngày càng trở nên gắn bó với Phật giáo.

Từ đó, một hệ quả tất yếu là những Phật tử thanh niên đó sẽ không thấy mình có bất kỳ một sự gắn bó và một trách nhiệm tối thiểu nào với tôn giáo mà mình đang theo.

Như vậy, khi có tiếng gọi từ các tôn giáo được tổ chức bài bản và đáp ứng (hoặc hứa hẹn) được về những yêu cầu bức thiết trong đời sống tinh thần và vật chất của họ thì họ sẽ sẵn sang từ bỏ đạo Phật không một chút lưu luyến. Vì đối với những trường hợp này thì hình như đạo Phật không hề có một vai trò gì trong đời sống của họ.

Từ phía các tôn giáo hữu thần

Thứ nhất: Họ dùng mọi phương cách để làm cho Phật tử bỏ đạo của mình bằng con đường hôn nhân. Họ ngụy biện rằng, nếu muốn kết hôn với họ thì phải bỏ đạo Phật và theo đạo của họ, vì luật đạo của họ như thế.

Đây là một thứ lý luận cực kỳ rừng rú và ngông cuồng, vì nói như thế thì không lẽ chỉ có các tôn giáo hữu thần là có luật, còn đạo Phật thì không có luật gì cả. Điều này cũng chẳng khác gì khi hai nước quan hệ với nhau, nước A nói với nước B, nếu anh muốn thiết lập quan hệ với tôi thì anh phải bỏ luật của anh để theo luật của tôi!. Nói như vậy để thấy rằng, lập luận của họ là ngụy biện và thực dân đến mức nào.

Thứ hai: Khi các đạo hữu Phật tử đau ốm hay gặp khó khăn trong cuộc sống, họ thường tổ chức đoàn thể thăm viếng, tặng quà ở tại tư gia hoặc bệnh viện,với lý do là sự quan tâm mang tính chất tình làng nghĩa xóm. Việc làm này vô hình trung khiến người Phật tử phải chịu ơn những người thuộc tôn giáo khác và nếu là những Phật tử chưa có niềm tin sâu sắc vào Phật pháp thì rất dễ bị lôi kéo, sa ngã.

Thứ ba: Khi một Phật tử nghèo khổ sắp lâm chung, việc đi mời một nhà sư Phật giáo thường là khó khăn và thường bị đặt vấn đề về tiền bạc. (Không phải tất cả đều là như thế nhưng cũng không phủ nhận rằng điều này đang là một thực trạng đầy nhức nhối của Phật giáo Việt Nam).

Trong khi đó, hoàn toàn ngược lại, khi một Phật tử nghèo ở vùng sâu vùng xa sắp lâm chung, thì bóng áo đen và thập ác đã thấp thoáng đầu ngõ, với lý do là đến để chia buồn,  họ nhận lo lắng hoàn toàn miễn phí về việc ma chay, an ủi người sắp chết, khuyên giải, sẻ chia với thân quyến và nhân tiện cải đạo luôn cả người chết lẫn người sống.

Ngoài những vấn đề mang tính chiến thuật kể trên, chuyện cải đạo của các tôn giáo khác còn mang tính chiến lược dài lâu. Có những trường hợp họ giả vờ theo quan niệm “đạo ai nấy giữ”, nhưng khi chồng hoặc vợ của họ qua đời, họ lập tức quay trở về với sinh hoạt tôn giáo của họ và dùng uy tín của mình để thuyết phục con cái bỏ đạo Phật để theo đạo của họ.

Những vấn đề nêu trên đã được các tôn giáo hữu thần thực hiện kể từ khi tôn giáo này theo gót dày quân xâm lược Pháp xâm nhập vào đất nước của chúng ta.

Thiết nghĩ, những điều tôi viết trên đây là những thực trạng đau xót của Phật giáo Việt Nam. Những người con Phật chân chính không ai là không thao thức và lo lắng cho vận mệnh của đạo pháp và văn hóa dân tộc.

Nếu chúng ta không bắt tay vào hành động và có những giải pháp cụ thể, cấp thời để chấm dứt tình trạng cải đạo đầy nguy hiểm này, thì có lẽ một ngày không xa, giáo lý thậm thâm vi diệu của Đức Phật chỉ còn là một tiếng vọng mơ hồ và xa xôi đối với dân tộc và con người Việt Nam.