Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay TT. Viên Giác: Phát huy vai trò tổng hợp ngăn chặn cải...

TT. Viên Giác: Phát huy vai trò tổng hợp ngăn chặn cải đạo

93

Buổi trao đổi ý kiến về Phật sự này đã lâu, tuy nhiên, vì Thượng tọa Viên Giác, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, trụ trì chùa Từ Tân, là một vị tăng sĩ gắn bó với Phật sự hướng dẫn Phật tử, và chùa thượng tọa trụ trì là ngôi chùa đã có nhiều tiếng vang với những hoạt động phong phú dành cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử trẻ, nên Phattuvietnam.net dành bản ghi cuộc trao đổi ý kiến này đăng tải trong bối cảnh hướng về Hội thảo Hướng dẫn Phật tử toàn quốc năm 2011.

Chắc chắn, những suy nghĩ và kinh nghiệm được Thượng tọa Viên Giác chia sẻ sẽ giúp ích cho tất cả chúng ta trong việc thực hiện một trong những mục tiêu chính của Phật sự Hướng dẫn Phật tử, là giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc.

Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Bạch Thượng tọa, gần đây dư luận trên các diễn đàn Phật giáo trên mạng quan tâm nhiều đến vấn đề cải đạo tín đồ Phật giáo bằng những cách không trong sáng, như khuyến dụ bằng vật chất, gieo rắc những thông tin ngụy tạo… Tuy nhiên, những ý kiến thảo luận trên các diễn đàn mạng hầu hết chỉ ký tên Phật tử. Vậy, ý kiến của thượng tọa ra sao về vấn đề này?

Thượng tọa Thích Viên Giác (TTTVG): Tôi xin trả lời câu hỏi của đạo hữu thành 2 ý chính:

1.    Vấn đề cải đạo tín đồ Phật giáo

2.    Thái độ và việc làm của người tăng sĩ trước vấn đề đó

Về vấn đề thứ nhất, thì quả thật việc cải đạo tín đồ Phật giáo có gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, và được một số trang web cũng như báo chí Phật giáo đề cập, là việc rất đáng quan tâm.

Nhưng trước tiên, xin cùng làm rõ vấn đề thực sự của việc cải đạo mà đạo hữu cũng đã đề cập qua. Đó là, việc cải đạo tín đồ Phật giáo chỉ thực sự làm chúng ta quan tâm khi nó được thực hiện bằng những cách không trong sáng, có tính chất lừa dối, khai thác có tính chất trục lợi trên những hoàn cảnh khó khăn của con người, nói xấu để tín đồ bỏ đạo.

Cải đạo là hoạt động bình thường của môi trường sinh hoạt tín ngưỡng có nhiều tôn giáo. Thời Đức Phật, nhiều vị đại đệ tử đã đến với Phật pháp từ cương vị những người lãnh đạo các giáo phái, thậm chí là giáo phái lớn đã có nhiều tín đồ, hoạt động mạnh trước khi đức Phật chuyển Pháp luân.

Nhưng việc cải đạo đó xuất phát từ chuyển biến trong chính nhận thức của người cải đạo, sau khi đã có sự tìm hiểu, suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn.

Trong quá trình thực hành tín ngưỡng, sau khi tìm hiểu cặn kẽ đến mức cao nhất có thể có đối với các tôn giáo đang tác động đến mình, đang hoạt động tín ngưỡng chung quanh mình, thì mọi người trong chúng ta đều có thể có sự lựa chọn và tái lựa chọn khi cần thiết.

Đức Phật cũng khuyến khích sự lựa chọn trí tuệ như vậy trong bài kinh Kalama, với tinh thần tự do, tự lập.

Điều tất nhiên, là những thúc đẩy sự lựa chọn không trên tinh thần trí tuệ, không khuyến khích một sự lựa chọn trong sáng, mà trái lại, dùng những cách thức có tính chất thủ đoạn, tiểu tâm, thì sẽ là việc những người có lương tri không thể chấp nhận, không chỉ là phía tôn giáo có những người bị cải đạo bằng những cách thiếu trong sáng.

Sự việc, mà người ta đã gọi là một vị “chân tu” cải đạo, có thể lấy làm ví dụ.

Ở đây, thầy cũng được thông báo về những sự việc cải đạo có tính chất thiếu trong sáng, nhưng thời gian có hạn, nên chỉ kể cho đạo hữu nghe một trường hợp.

Một Phật tử, vốn là một vị sĩ quan bộ đội cấp tá hồi hưu, là Phật tử của chùa Từ Tân có kể lại với thầy là những người đi cải đạo len lỏi đến từng giường bệnh trong Bệnh viện Thống Nhất, giả làm người đi thăm bệnh, cố gắng tiếp cận đến mọi người bệnh, làm như đã quen biết từ lâu, mặc dù các bệnh nhân không ai quen với họ.

Trường hợp bệnh nhân kể chuyện, người đi cải đạo là 2 cô gái trẻ đẹp. Đến giường bệnh vị cựu sĩ quan hai cô xấn vào làm quen, tỏ vẻ nhiệt tình đến mức khó có thể mà từ chối, rồi xin giúp truyền năng lượng từ thượng đế để chữa bệnh, bằng cách sờ vào người.

Sau đó các cô gái nói bệnh nhân bớt bệnh nhờ năng lượng của thượng đế (dù thực tế là nhờ sự cố gắng điều trị của bệnh viện), rồi khuyến dụ nên cải đạo, tin vào thượng đế (!)

Cách cải đạo như vậy, nếu người vì bệnh tật làm suy yếu tinh thần, bám víu vào tất cả những thứ được mang đến để mong chữa bệnh, thì cũng có thể lung lạc.

Nhưng nếu nhìn kỹ hành động đó bằng lý trí, thì mọi người đều thấy ghê tởm.

Là người làm Phật sự trụ trì, chú tâm vào công việc hướng dẫn Phật tử, thầy nghe nhiều, biết nhiều về những trường hợp cải đạo tín đồ Phật giáo bằng những cách như vậy. Trước thủ đoạn, thì ai ai cũng đều bất bình, chứ không phải chỉ tăng ni Phật tử.

Từ đó, dẫn vào ý thứ hai là thái độ của tăng ni đối với hiện tượng này.

Như thầy nói, những việc làm không trong sáng thì ai ai cũng đều bất bình, kể cả những tín đồ có lương tri, có lòng tự trọng của ở tôn giáo khác.

Đây là vấn đề quan tâm chung của cả xã hội, vì đó là hành vi thiếu đạo đức.

Có cùng một thái độ, cùng một nhận thức, nhưng cách bày tỏ, thể hiện thái độ, cách thức giải quyết vấn đề của từng người, ở từng vị trí khác nhau, đương nhiên cũng phải khác nhau.

Trong Phật giáo, tăng ni so với Phật tử, đương nhiên sẽ có những việc thể hiện nhận thức, việc bộc lộ thái độ khác nhau đối với cùng một vấn đề như chúng ta đang bàn bạc.

Các Phật tử, là người chịu tác động trực tiếp đến vấn đề, chính là số đông những người trong cuộc, nên việc lên tiếng một cách bộc trực, thẳng thắn, mạnh mẽ, rạch ròi là điều đương nhiên và cần thiết. Thậm chí, có thể còn chưa đủ.

Thầy ủng hộ việc đặt vấn đề như đạo hữu và nhiều Phật tử khác đã làm, trước hết trên trang tin Phattuvietnam.net. Thầy nghĩ rằng, không lẽ gì, mà khi đạo mình đang chịu những tác động không trong sáng, mà mình lại im lặng, không lên tiếng.

Thích hợp nhất là trong vị trí, vai trò của trang tin Phattuvietnam.net, là trang tin do các cư sĩ có tâm đạo điều hành, hoạt động tự nguyện, là một tiếng nói diễn đàn, từ tất cả mọi người.

Với vai trò và góc nhìn đó, tiếng nói của Phattuvietnam.net là đương nhiên phải có, hết sức cần thiết và cũng là hết sức trách nhiệm trước vấn đề chung này của cả xã hội, không riêng gì của Phật giáo.

Phattuvietnam.net cũng đã ghi nhận việc một số tăng ni đã lên tiếng, bằng chính pháp danh, hay dưới những bút danh mạng (nickname) và ý kiến chỉ đạo rõ ràng từ các bậc tôn túc có trách nhiệm.

Trong các cuộc hội nghị, hội thảo, vấn đề cũng đã được quý thầy quan tâm, đề cập, thảo luận, trước hết như chỉ là vấn đề giữ gìn tín đồ của riêng tôn giáo mình, không liên quan đến tôn giáo nào khác.

Riêng thầy, thầy đang đi theo hướng đó.

Lời khuyên của vị cán bộ quân đội cấp tá trong câu chuyện vừa kể ở trên đối với thầy gói gọn chỉ trong 2 chữ “giữ quân”, rất quân đội, ngắn mà đủ nghĩa.

CSMT: Bạch thượng tọa, như vậy, đối với tăng ni, tựu trung lại trọng tâm cách giải quyết vấn đề là Phật sự hướng dẫn Phật tử?

TTTVG: Đương nhiên. Và đó còn là Phật sự hoằng pháp. Và đó cũng là Phật sự của Phật tử trong sự phối hợp gắn bó với tăng ni.

Sau khi trường hợp cải đạo một vị “chân tu” Phật giáo được làm rõ, thì kiểm lại, trong nước thời gian gần đây, chưa có vị tăng sĩ nào bị cải đạo, mặc dù cố gắng nhằm vào thành phần này không phải là không có.

Như vậy, vấn đề tập trung vào Phật sự hướng dẫn Phật tử, giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc.

Nói như thế, cũng chính là chỉ nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề chỉ riêng trong nội bộ Phật giáo chúng ta, không liên hệ đến bất cứ tôn giáo nào.

Cốt lõi vấn đề nằm ở yêu cầu nâng cao tín tâm người Phật tử. Đây là việc khó, không chỉ là trách nhiệm của riêng tăng ni, mà còn là trách nhiệm của Phật tử, cùng thực hiện Phật sự trong sự phối hợp.

Thu thập thông tin, ghi nhận, trình bày vấn đề thảo luận diễn đàn, kiến  nghị lên chư tôn đức, như Phattuvietnam.net đã làm, là một hoạt động phối hợp tiêu biểu.

Về phía chư tôn đức, tăng ni, việc lắng nghe, suy nghĩ, tìm hướng giải quyết, cách giải quyết và giải quyết tích cực theo cách của mình là yêu cầu đương nhiên của việc phối hợp.

Với đối tượng chính là Phật tử, trong Phật sự hướng dẫn Phật tử, thì cần thấy sự phức tạp của nó.

Phật tử, đó có thể là người sống ngay trong chùa, công quả, tuy giữ ngũ giới, nhưng sống cuộc sống xuất gia, đã cách biệt xã hội.

Phật tử, đó cũng là những người nhiệt thành với đạo pháp, đến chùa tụng kinh mỗi ngày, tích cực đóng góp nhân lực, vật lực cho nhà chùa.

Phật tử, đó có thể là những người tu tại gia, ăn chay trường, giữ nghiêm tịnh giới.

Phật tử, đó cũng là những người tuy không xuất gia nhưng am hiểu Phật học không khác gì người tu sĩ.

Phật tử, đó có thể là những thanh niên hăng hái hòa mình vào những khóa tu, tích cực tham gia Phật sự từ thiện xã hội…

Nhưng Phật tử, cũng có thể là những người, tuy quy y thọ giới, nhưng không hiểu gì nhiều kiến thức Phật học, thậm chí không hiểu không đặt niềm tin vào nhân quả, luân hồi. Có nhiều Phật tử mỗi năm đi chùa vài ba lần.

Thậm chí có Phật tử đi chùa nhưng cúng bái, đức Phật như thượng đế, thần linh, đấng có thể cứu rỗi, chỉ trông mong, cầu xin, hay chú tâm vào các hoạt động mê tín dị đoan.

Và có người là Phật tử, nhưng cả gia đình chỉ tới nhà chùa khi hữu sự, ngoài ra, không biết gì đến việc đạo…

Mức độ đậm nhạt của tính chất người Phật tử rất khác biệt, khiến cho Phật sự hướng dẫn Phật tử, có thể nói, là Phật sự có tính chất hết sức phức tạp.

Giữ gìn người Phật tử, tức là chúng ta phải nâng tín tâm người Phật tử, nâng cao chất lượng Phật tử, hướng về đối tượng Phật tử nhạt đạo nhất.

Như vậy, đây là Phật sự chung của người Phật tử và tăng ni. Người Phật tử đi trước giúp người đi sau. Người thuần thành giúp người sơ cơ.

CSMT: Bạch Thượng tọa, quy tụ được đông đảo Phật tử đến chùa, tạo sự phong phú trong sinh hoạt tự viện như chùa Từ Tân đã làm được, được coi là cố gắng gìn giữ tín tâm Phật tử thành công?

TTTVG: Đó chỉ là một trong những phương tiện gìn giữ người Phật tử.

Trong đạo Phật chúng ta, ngoài từ “tín tâm”, có thể dịch tạm là “lòng tin”, còn có từ “Bồ đề tâm”, “Phật tâm”. Mọi phương thức giữ gìn người Phật tử đều hướng đến chỗ này. Ta thường chúc nhau “Bồ đề tâm kiên cố”, vấn đề là ở chỗ đó.

Vấn đề giữ gìn người Phật tử đã được chư Tổ đặt ra rất lâu, nên mới có mong mỏi “Tâm Bồ đề kiên cố/Xa bể khổ, nguồn mê/Sớm quay về bờ giác”. “Nguồn mê” chính là những tác động xói mòn, lay chuyển dời đổi “Bồ đề tâm” của người Phật tử.

Vì vậy, mỗi tăng ni Phật tử từ những hoàn cảnh, vai trò, vị trí khác nhau, bằng những cách thức khác nhau, hãy cùng nhau hướng về mục tiêu “Bồ đề tâm kiên cố”.

Chùa Từ Tân làm theo cách chùa Từ Tân, Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử làm theo cách câu lạc bộ, Phattuvietnam.net làm theo cách Phattuvietnam.net…, tất cả chúng ta phối hợp với nhau hướng về mục tiêu “Bồ đề tâm kiên cố”.

CSMT: Xin Thượng tọa có đôi lời nhận xét và góp ý đối với trang tin Phattuvietnam.net trước khi kết thúc buổi nói chuyện.

TTTVG: Có thể hình dung vào trang tin Phattuvietnam.net là vào “siêu thị” ý tưởng và ý kiến về Phật học và thực hành Phật giáo. Thầy tạm dùng chữ “siêu thị” để nói lên sự phong phú, dồi dào trong hoạt động cung cấp, chứ không nói đến việc mua bán. Chữ “siêu” trong từ “siêu thị” nói lên sự cung cấp vượt trội về số lượng và chất lượng.

Vào siêu thị thì chúng ta vào thế giới trùng trùng điệp điệp hàng hóa, đường ngang lối dọc, sản phẩm chồng chất, muôn màu muôn vẻ, tha hồ chọn lựa.

Thầy có cảm giác đi “siêu thị” khi vào trang Phattuvietnam.net.

Cái khác là ra khỏi trang Phattuvietnam.net thì mang về đầy ắp thông tin, ý tưởng, mà túi tiền vẫn còn nguyên!

So sánh vui như thế để thấy giá trị “siêu” của Phattuvietnam.net.

Thầy chân thành mong là Phattuvietnam.net mở rộng hoạt động của mình, cung cấp cho bạn đọc ý tưởng nhiều hơn, thông tin nhiều hơn, với chất lượng ngày càng nâng cao.

Mong Phattuvietnam.net tiếp tục có những đóng góp tích cực và hiệu quả cho mục tiêu giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc.

CSMT: Xin thành kính cảm ơn Thượng tọa đã dành thì giờ cho cuộc tiếp chuyện.

MT