Trang chủ Văn hóa Du lịch Thêm một kỳ quan nơi đất Phật

Thêm một kỳ quan nơi đất Phật

86

“Phật tọa dân an”

Dựa vào câu nói này của tiền nhân mà phác thảo mẫu tượng lần cuối cùng được duyệt đã thay đổi hoàn toàn so với dự kiến. Ban đầu, cả hội đồng duyệt tượng đã thống nhất chọn bức tượng Phật hoàng ở tư thế đứng, một tay chống gậy trúc, một tay chắp trước ngực. Nhưng rồi, qua vài lần duyệt, qua rất nhiều những góp ý của các nhà khoa học, những cái không “ổn” bắt đầu xuất hiện.

Ví như, để một bức tượng khổng lồ, đứng trên đỉnh núi cao tới hơn 1.000m so với mực nước biển có cho người xem cảm giác chênh vênh không? Rồi thì, cái quan trọng nhất, không có tài liệu nào miêu tả lại thần thái, trang phục của Phật hoàng lúc đó ra sao, nếu cứ áp đặt cái suy nghĩ của đời nay vào, liệu có khiên cưỡng? Rốt cuộc, phương án phóng to bức tượng Phật hoàng đang tọa thiền tại Vườn tháp chùa Hoa Yên đã được sự đồng thuận cao.

Bởi lẽ, người xưa quan niệm, trạng thái ngồi là lúc tĩnh tại nhất và cho con người ta cảm giác yên tâm nhất. Nó còn biểu hiện hình ảnh một đất nước thái bình, thịnh trị. Đặc biệt, đây là bức tượng được con trai của Phật hoàng là vua Trần Anh Tông cho tạc và thờ tại Vườn tháp chùa Hoa Yên vào năm 1309 – tức là sau một năm Phật hoàng viên tịch.

Vì thế, đây chắc chắn là tài liệu chuẩn nhất về tư thế, diện mạo và thần thái của ngài. Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Trưởng ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, thì bức tượng đồng được đúc lần này chỉ là sự phóng to của bức tượng đá kia, các tiêu chí về tư thế, diện mạo và thần thái giữ nguyên hoàn toàn, chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ cho phù hợp khi đặt ở địa hình, địa thế mới.

Những kỷ lục “lần đầu tiên”

Bức tượng Trần Nhân Tông
tại Vườn tháp chùa Hoa Yên

Điều chắc chắn, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một bức tượng đồng liền khối nặng cả trăm tấn. Đây cũng là lần đầu tiên, một bức tượng đồng được dựng ở địa hình cao tới hơn 1.000m so với mực nước biển. Hơn nữa, trong kỹ thuật thi công bức tượng, cũng có nhiều kỷ lục “lần đầu tiên”. Đó là việc thực hiện cách đúc đặc biệt. Do được đúc liền khối, lại thêm việc thi công được thực hiện trên địa hình hẹp, hiểm trở và có độ dốc lớn chắc chắn không thể cẩu lên được.

Vì thế, phương án được chọn là đúc tại chỗ – sau khi dỡ khuôn đúc ra, tượng sẽ yên vị đúng như dự kiến. Để làm được điều này, cách đây 1 tháng, một hệ thống giàn giáo lớn 5 tầng đã được xây dựng với chiều cao 15m, đủ rộng và vững để có thể đặt ở mỗi tầng 5-6 lò đồng, bễ đồng.

Việc thi công sẽ được thực hiện từng tầng một. Đầu tiên, đồng sẽ được nung chảy, rót vào khuôn đúc tầng 1, khi khuôn này đầy, sẽ đóng lại để đồng từ trên tiếp tục rót vào khuôn thứ 2, rồi cứ như thế cho tới tầng cuối cùng. Đúc tại chỗ, điều này có nghĩa, khi dỡ khuôn ra là đâu vào đấy, không thể thay đổi được nữa. Vì thế đây là lần đầu tiên có một bức tượng được đúc bởi sự phối hợp giữa thủ công và thi công hiện đại, giữa các nghệ nhân làng nghề cùng các chuyên gia tới từ Viện Khoa học Công nghệ và Viện Luyện kim màu.

“Không ảnh hưởng tới cảnh quan di tích”

Đó là khẳng định của Thượng tọa Thích Thanh Quyết. Việc thi công được thực hiện trên nguyên tắc giữ nguyên cảnh quan tự nhiên, không san gạt địa hình. Trong mùa hội năm nay, khu vực này sẽ được quy hoạch lại với hệ thống đường đi hình vòng xuyến. Song song với các tuyến bộ hành cũ, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Yên Tử đã mở thêm một số tuyến đường khác đoạn từ chùa Giải Oan lên Hoa Yên qua An Kỳ Sinh.

Mùa hội năm nay, một tuyến đường mới men theo dưới bóng cây cổ thụ bắt đầu từ An Kỳ Sinh lên tới chùa Đồng được đưa vào sử dụng. Được thiết kế như một đảo giao thông, với các lối đi xung quanh, nên việc đúc tượng sẽ không ảnh hưởng tới môi trường di tích cũng như việc hành hương của du khách trong mùa hội năm 2010. Dự kiến, sau khi hoàn thành khu vực đặt tượng sẽ có tên là Quảng trường An Kỳ Sinh.