Trang chủ Thời đại Truyền thông Tổ chức sự kiện Phật giáo từ trường hợp nhà sư nhất...

Tổ chức sự kiện Phật giáo từ trường hợp nhà sư nhất bộ, nhất bái

67

Về thời gian, đó là một sự kiện có thời gian kéo dài đến nhiều năm. Sự kiện này có khi lên đến cao trào khi Đại đức Thích Tâm Mẫn đi đến những thành phố lớn, mà mới đây là Hà Nội.

Đây là một sự kiện đặc biệt cũng vì nó không diễn ra tại chỉ một địa điểm, mà liên tục xảy ra trên không gian trải dài theo đường quốc lộ.

Đến nay, Đại đức Thích Tâm Mẫn đã tiến đến khá gần địa điểm hành hương hướng đến. Sự kiện đang đi vào giai đoạn chót, nhưng với nhiều sự cố mà chúng ta đã đọc được trên mạng.

Từ việc Đại đức Thích Tâm Mẫn đã hành hương nhất bộ nhất bái qua một đoạn đường dài như vậy, cùng với những vấn đề đã phát sinh, chúng ta có thể rút ra được những gì cho việc tổ chức sự kiện Phật giáo.

Điều chúng tôi lo ngại trước đây, là vì sự kiện diễn ra trên đường giao thông, kéo dài qua một thời gian rất dài, nhà sư hành hương “nhất bộ nhất bái” chỉ được bảo vệ bằng những phương tiện đơn giản (người cùng đi vây quanh, xe gắn máy đi sau rọi đèn…) cho nên an toàn là điều phải quan tâm. Nếu để xảy ra việc gì đáng tiếc, việc tổ chức sự kiện coi như đã thất bại và không những chỉ thất bại trong tổ chức sự kiện Phật giáo cụ thể này mà còn ảnh hưởng không hay đến Phật giáo nói chung. Qua đó, người ta có thể cho rằng Phật không linh thiêng chẳng hạn vì không thể phù hộ cho cuộc hành hương an toàn. Những người thiếu hiểu biết về Phật giáo có thể nghĩ vậy, nói vậy. Tác động của nó đương nhiên sẽ rất là không tốt.

Rất mừng là đến nay hành trình của Đại đức Thích Tâm Mẫn vẫn an toàn. Tuy nhiên, đây là điều luôn cần quan tâm đến khi tổ chức một sự kiện nhiều nguy hiểm như vậy. Tốt hơn hết, là tránh tổ chức những sự kiện tiềm tàng trong nó nhiều nguy hiểm.

Trong sự kiện Phật giáo mà chúng ta đang nói đến, cái yếu là hoạt động quan hệ công chúng trong sự kiện.

Công chúng ở đây gồm 2 loại. Công chúng trực tiếp nhìn thấy sự kiện trên dọc quốc lộ và công chúng gián tiếp theo dõi cuộc hành hương qua các phương tiện truyền thông. Đối tượng công chúng nào cũng cần được phía tổ chức sự kiện quan tâm ở mức tối đa. Đàng này, lại có xảy ra xô xát giữa đoàn đi theo bảo vệ nhà sư hành hương nhất bộ nhất bái với dân địa phương nơi nhà sư đi qua. Điều này, lại được thông tin rộng rãi trên truyền thông mạng. Đó là điều hết sức bất lợi đối với việc tổ chức sự kiện. Sự kiện đã không được tổ chức toàn vẹn, mà đã có vết sứt mẻ. Nó tác động xấu trước hết với người có mặt tại chỗ để đón nhà sư nhất bộ nhất bái đi qua, và tai hại hơn là tác động đó được mở rộng không giới hạn đối với công chúng theo dõi cuộc hành hương qua truyền thông.

Đây là một vấn đề cần hết sức quan tâm trong việc tổ chức sự kiện Phật giáo. Không thể chấp nhận việc xảy ra xô xát, va chạm, phá hỏng đi quan hệ với công chúng. Đó là một thất bại, mà hậu quả của nó chỉ dưới tai nạn mà thôi.

Đổ vỡ trong quan hệ công chúng dẫn đến đổ vỡ trong quan hệ truyền thông. Vì giới truyền thông là một dạng công chúng đặc biệt. Sự thất vọng, mất cảm tình ở công chúng tất yếu đưa đến điều cũng như thế đối với giới truyền thông. Hệ quả sự thất vọng, ác cảm đó sẽ được nhân lên nhiều lần với thái độ và sức mạnh của truyền thông. Như thế có nghĩa là việc tổ chức sự kiện sẽ thất bại, ít ra là một phần. Chắc chắn từ khi xảy ra sự va chạm giữa những người đi theo Đại đức nhất bộ nhất bái với người dân địa phương Đại đức đi qua, thì phía truyền thông có sự đổi chiều cơ bản với sự kiện truyền thông Phật giáo mà chúng ta đang nói đến. Sự kiện sẽ kết thúc trong thành công trọn vẹn.

Bài học ở đây chính là quan hệ đối với công chúng và truyền thông. Một sự kiện sẽ không được tổ chức thành công nếu không thực hiện tốt khâu quan hệ công chúng và quan hệ truyền thông.

MT