Trang chủ Thời đại Truyền thông Truyền thông Phật giáo là phương tiện điều hành Phật sự

Truyền thông Phật giáo là phương tiện điều hành Phật sự

78

Trong bài viết này, chúng ta sẽ quan tâm đến khía cạnh sử dụng truyền thông đại chúng đối với việc điều hành Phật sự, xét xem những nhà lãnh đạo Phật giáo, từ những  vị chức sắc của giáo hội, đến những vị trưởng lão có uy tín trong Phật giáo, có thể sử dụng truyền thông Phật giáo như thế nào trong những Phật sự liên hệ.

1) Truyền thông Phật giáo là tập họp những báo cáo tình hình Phật giáo từ nhiều khía cạnh

Điều này cũng là việc tất nhiên, như các nhà lãnh đạo nhà nước, các chính khách, nhà hoạt động xã hội… phải thường xuyên theo dõi truyền thông đại chúng để nắm tình hình trong và ngoài nước, ghi nhận những vấn đề mới, theo dõi những vấn đề đang giải quyết, ghi nhận những ý kiến nhận định, bình luận về tình hình.

Đối với Phật giáo, truyền thông Phật giáo là một kênh thông tin về tình hình Phật giáo đối với những nhà lãnh đạo, chức sắc, giáo phẩm, có tác dụng bổ sung kênh thông tin chính thức bằng con đường hành chính giáo hội. Truyền thông đại chúng Phật giáo được nói đến ở đây bao gồm cả truyền thông chính thức, như báo in, ấn phẩm, kênh truyền hình, trang web chính thức, và cả truyền thông không chính thức đủ các dạng, như trang web cá nhân; tập thể; blog; face book; nội san; dĩa quang với các nội dung…

Truyền thông Phật giáo sẽ giúp định hình thực tế hiện trạng Phật giáo đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Truyền thông là mắt, là tai để nhìn nhận hiện tình, đánh giá hiện tình. Không có truyền thông, cái thấy, cái nghe tất yếu sẽ bị giới hạn.

Những người điều hành các hình thức truyền thông Phật giáo, phương tiện truyền thông Phật giáo và những người trực tiếp làm truyền thông Phật giáo cần chú ý đến đối tượng công chúng đặc biệt này của truyền thông Phật giáo. Làm truyền thông Phật giáo là thực hiện nhiệm vụ báo cáo hiện tình Phật giáo đến những vị tôn túc có trách nhiệm bằng một kênh đặc biệt. Vì vậy, tác dụng của truyền thông Phật giáo là rất lớn đối với Phật sự. Đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo, giá trị thông tin của truyền thông Phật giáo cũng là điều không thể bỏ qua, và nó gồm tất cả các nguồn thông tin, với các mức độ tin cậy khác biệt khi tham khảo. Các vị tôn đức lãnh đạo trưởng thượng hạn chế thì giờ tiếp xúc với truyền thông Phật giáo thì có thể cắt cử thị giả lưu tâm theo sát truyền thông đại chúng và phúc trình lại với các ngài, để sau đó các ngài tập trung tìm hiểu đến những nội dung đáng chú ý hơn cả.

Qua đây, chúng ta có thể nhìn thấy trách nhiệm của những đơn vị truyền thông quan trọng trong Phật giáo. Ở những đơn vị truyền thông như thế, việc quan tâm đến đối tượng công chúng đặc biệt kể trên cũng phải là điều hết sức được chú trọng. Hiện nay, một tỷ lệ lớn thông tin được truyền đi trên các trang mạng. Trong khi các trang mạng có ưu thế là dung lượng truyền thông không bị hạn chế như thời lượng đối với truyền hình, diện tích trang báo đối với báo in. Vì vậy, nên khai thác thế mạnh này. Có thể dành ra những mục riêng (như “Diễn đàn”, “Ý kiến”, “Thảo luận”, “Tin tham khảo”…) để phục vụ yêu cầu đưa tin, bài đa chiều, toàn diện, bao quát, với nhiều quan điểm, cách nhìn cách lý giải, phản ảnh chân thực, nhiều khía cạnh của hiện thực. Đây là một xu hướng lớn trong hoạt động truyền thông mạng hiện nay. Khi đăng tải những tin bài như vậy, người ta khoanh vùng bằng những chú thích như “Nguồn tin đang được kiểm chứng”, “Bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm Ban Biên tập”, “Bài viết thể hiện quan điểm, cách hành văn riêng của tác giả”…

Thay cho định hướng quan điểm riêng như ở báo giấy, truyền thông mạng có xu hướng trở thành những báo cáo toàn diện, bám sát tối đa bức tranh hiện thực, không để lọt mất tin tức, bình luận. Đối với chức năng mà chúng ta đang nói đây (cung cấp báo cáo thông tin thực tế hiện tình Phật giáo đến các nhà lãnh đạo Phật giáo), thì xu hướng cần được quan tâm đương nhiên là xu hướng mới, đưa tin bài theo hướng toàn diện, nhiều chiều.

Điều này không hề mâu thuẫn với tính định hướng, yêu cầu thể hiện quan điểm của đơn vị truyền thông. Vẫn có nhiều cách để nhấn mạnh việc thể hiện quan điểm của đơn vị truyền thông Phật giáo, như xây dựng các bài xã luận bám sát quan điểm truyền thông, nhấn mạnh những tin bài thể hiện quan điểm truyền thông một cách thích hợp… và rất nhiều biện pháp nghiệp vụ khác.

Nếu chỉ thông tin theo tiêu chuẩn định sẵn một cách giới hạn, thì truyền thông Phật giáo mất đi tác dụng là kênh thông tin phục vụ cho việc đề ra và thực hiện Phật sự, tức là không thể làm được vai trò mà chúng ta đang bàn luận đây của truyền thông Phật giáo.

Tất nhiên truyền thông Phật giáo phải có sự khác biệt mang tính chất Phật giáo, nhưng truyền thông Phật giáo cũng không thể hoạt động với những khác biệt căn bản so với hoạt động truyền thông nói chung. Một báo cáo hữu ích đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo đương nhiên phải là báo cáo chính xác, toàn diện, chi tiết, cụ thể, đa dạng, là cơ sở tham khảo tin cậy, trung thành với diễn tiến thực tế của tình hình cũng như ghi nhận được ý kiến nhiều chiều.

2) Truyền thông Phật giáo là phương tiện chuyển tải, phổ biến tư tưởng, mệnh lệnh, chỉ đạo từ các nhà lãnh đạo Phật giáo

Có một điều rất đáng tiếc, là trên các phương tiện truyền thông đại chúng Phật giáo, chúng ta rất ít thấy đăng các ý kiến chỉ đạo thực hiện Phật sự của các vị lãnh đạo Phật giáo, ít đăng các bài viết mang tính thời sự, tức mang đậm yếu tố báo chí, của các nhà lãnh đạo Phật giáo. Thay vào đó, các bài được đăng từ các nhà lãnh đạo Phật giáo trên truyền thông đại chúng Phật giáo thường là những bài thuyết giảng giáo lý chung chung, không đi vào những vấn đề thời sự cụ thể, không mang tính báo chí. Nói không mang tính báo chí vì những bài như thế không mang yếu tố quyết định của báo chí là thời gian tính. Thời gian sử dụng những bài giảng giáo lý là vô hạn, lúc nào cũng được, thậm chí in thành tuyển tập sách cũng vẫn thích hợp. Như thế, đương nhiên, sẽ không có tác dụng chỉ đạo thực hiện các Phật sự cụ thể.

Đây là một khiếm khuyết lớn của truyền thông Phật giáo trong việc đóng góp xây dựng ngôi nhà Phật giáo, và cũng trái với hoạt động thông thường của báo chí nhà nước cũng như của các tổ chức, đoàn thể xã hội. Một số đơn vị truyền thông Phật giáo mang tính chính thức khỏa lấp hạn chế này bằng cách thường đăng tải những văn bản hành chính như thông cáo, thông bạch, thông tư…, thành ra cơ quan truyền thông trở nên mang dáng dấp “công báo”. Đây cũng là một cách sử dụng truyền thông đại chúng phục vụ điều hành Phật sự, nhưng như thế thì hiệu quả tất yếu sẽ giới hạn.

Theo chúng tôi, để truyền thông Phật giáo phục vụ tốt hơn hoạt động Phật sự, những nhà lãnh đạo Phật giáo nên thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng với tư cách những nhà báo đặc biệt, với những bài báo mang tính định hướng quan điểm gắn với từng Phật sự cụ thể, chỉ đạo chi tiết việc thực hiện Phật sự.

Một dạng xuất hiện thứ hai mang tính chất báo chí là trả lời phỏng vấn. Các bài trả lời phỏng vấn tất nhiên phải mang tính chất chỉ đạo thực hiện Phật sự, vừa mang tính báo chí, gắn với thời sự, vừa thiết thực với những vấn đề Phật sự, vừa có giá trị chỉ đạo. Như thế thì mới là truyền thông Phật giáo thực sự, với nghĩa hẹp là báo chí. Cũng vẫn là truyền thông khi xuất bản tất cả những loại nội dung, kể cả nội dung xuất bản lúc nào cũng được (không ràng buộc thời gian). Nhưng đó, cao lắm chỉ thành “chí” mà không ra “báo”, thậm chí là từng phần của một tuyển tập sách. Nội dung “báo” là những nội dung mang tính thời gian, ràng buộc bởi thời gian, mà ý kiến chỉ đạo thực hiện các công việc cụ thể là thuộc dạng này.

Chỉ đạo thực hiện Phật sự báo chí là một chiều tương tác của báo chí tổ chức, đoàn thể. Ở đây, là ý kiến chỉ đạo của các vị lãnh đạo tổ chức đối với nhân sự thành viên. Nó là chiều tương tác với chiều thông tin, báo cáo đến lãnh đạo như chúng ta đã nói ở trên. Các nhà lãnh đạo bỏ qua chiều hoạt động này của truyền thông Phật giáo là bỏ đi 50% giá trị của truyền thông Phật giáo.

Ở đây, có thể nhấn mạnh đến các trang mạng Phật giáo trong vai trò thông tin không hạn chế dung lượng. Thuận lợi này khiến truyền thông mạng Phật giáo là phương tiện tốt nhất để truyền tải ý kiến chỉ đạo của các nhà lãnh đạo Phật giáo trong hoạt động điều hành Phật sự. Thông tin mạng còn có thế mạnh ở chỗ có thể cập nhật kịp thời, nhanh chóng, đáp ứng ngay được yêu cầu thời gian của công việc, phục vụ được số đông.

Thiết tưởng, trước mắt, những trang mạng Phật giáo chính thức, có năng lực nên xây dựng lực lượng phóng viên phục vụ cho yêu cầu này. Các trang mạng Phật giáo chính thức trước hết vừa là nơi đăng tải văn bản chỉ đạo, vừa đăng những ý kiến triển khai và quán triệt nội dung văn bản dưới nhiều hình thức, mà trên hết là bài viết chỉ đạo của lãnh đạo, ý kiến phỏng vấn lãnh đạo, tin bài về tiến trình thực hiện Phật sự, hướng dẫn giải quyết, vượt qua những khó khăn khi thực hiện, những hình mẫu cụ thể về việc thực hiện thành công Phật sự, các phản hồi khác trong quá trình thực hiện Phật sự…

Hiện nay, ở nhiều sản phẩm truyền thông Phật giáo, nếu loại đi một vài tin bài ít ỏi (ở ấn phẩm định kỳ là những trang đầu), thì sẽ trở thành những dạng tuyển tập phi báo chí. Theo tôi, đây là một trong những hạn chế lớn nhất của truyền thông Phật giáo. Vì không có tính thời sự thì không thể là phương tiện phục vụ đắc lực hoạt động điều hành Phật sự. “Sự” bao giờ cũng mang tính thời gian và gắn bó chặt chẽ với yếu tố báo chí. Vì vậy, để truyền thông Phật giáo trở thành phương tiện phục vụ điều hành Phật sự hữu hiệu, thì vấn đề cần giải quyết trước hết là tăng yếu tố báo chí, theo xu hướng hiện đại hóa trong kỷ nguyên thông tin số.

MT