Trang chủ Thời đại Xã hội Từ bi của đạo Phật và án tử hình

Từ bi của đạo Phật và án tử hình

76

Trong kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề thi hành án tử hình được thảo luận đến nhiều lần.

Rõ ràng, yếu tố nhân đạo, từ bi trong quan điểm của Quốc hội nói riêng, của cả xã hội nói chung, đã gia tăng với vấn đề này. Vì như thế, nên mọi chuyện không để y như cũ, mà được đem ra thảo luận nhiều lần.

Trước đây đã lâu, một vị Chủ tịch nước, vào thời gian cuối nhiệm kỳ đã nói lên mong ước rồi nước ta không còn án tử hình.

Tiếp đó, Quốc hội đã quyết định giảm một số tội danh có hình phạt tử hình.

Vị Chủ tịch nước đương nhiệm cũng cùng mong mỏi với vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, thể hiện sự tiếp nối và cố gắng cho mục tiêu nhân đạo.

Hiếu sinh là một truyền thống lớn của dân tộc ta. Tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện trong Bình Ngô Đại Cáo đúc kết rõ điều đó: “Thần vũ không nỡ giết hại” “Thể lòng trời ta mở lượng hiếu sinh”

Đến hôm nay, Quốc hội lại dành nhiều thời gian thảo luận đến vấn đề án tử hình. Hướng đến việc bỏ án tử hình là một xu hướng, nhưng tất nhiên phải có tiến trình.

Báo Người Lao động thứ bảy ngày 21/11/2009 có bài cho biết, một số đại biểu đã đề xuất một hình thức thi hành án mới. Trong số những đại biểu tán thành, có đề cập đến khái niệm “giai đoạn quá độ, tiến tới có thể bỏ án tử hình ở nước ta như nhiều nước trên thế giới” (Báo Người Lao động số dẫn trên trang 3).

Đến ngày 27/11/2009 Báo Tuổi Trẻ lại đưa tin “đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) đề xuất một phương án “mới toanh” là thay vì tước đoạt sinh mạng thì nên giam giữ người bị kết án tử hình đến cuối đời, không giảm án, không đặc xá” (Báo Tuổi Trẻ số dẫn trên trang 3, Thời sự).

Thêm một tiếng nói nữa chan chứa lòng từ bi nhân đạo.

Chúng tôi nghĩ rằng Phật giáo chúng ta nên bày tỏ sự ủng hộ với những ý kiến đậm màu sắc nhân đạo, từ bi của các vị lãnh đạo Nhà nước và đại biểu Quốc hội đối với vấn đề án tử hình.

Đạo Phật là đạo từ bi. Do vậy, Phật tử chúng ta mong Quốc hội tiến đến mục tiêu bãi bỏ án tử hình càng sớm càng tốt. Và hình thức “cứu mạng” cho những phạm nhân bị kết án tử hình do đại biểu Trần Bá Thiều nêu ra thật là đáng quý.

Đạo Phật nhìn cuộc đời trong quan điểm từ bi và vận động. Một người phạm án đến nỗi bị tử hình có thể là do nhiều hoàn cảnh khác nhau. Không hẳn là cứ giết người là phải đền mạng. Tòa án trong khi xử cũng luôn chú ý đến hoàn cảnh cụ thể của việc phạm tội, với các tình tiết giảm nhẹ có thể. Phật giáo cũng quan niệm như vậy. Quan điểm nhìn cuộc đời trong sự chuyển biến tích cực vẫn hướng đến khả năng người phạm tội hoàn lương phục thiện.

Trường hợp Angulimala trong Phật tích là một dẫn chứng điển hình. Kẻ giết người không gớm tay này sau khi được Phật cải hóa đã trở thành một vị sa môn đạo hạnh, tu hành tinh tấn và chứng quả.

Đúng là có những tội phạm không thể không xử tội chết. Nhưng rõ ràng có một cái gì đó còn vướng víu khi đưa tử tội ra pháp trường, dù là rất thích đáng. Đó là điều mà báo chí thuờng gọi là áp lực tâm lý của người thi hành án. Trong tất cả chúng ta đều có Phật tính, đều có tâm từ, đều có lòng nhân.

Dù biết tử tội là đáng chết nhưng khi giết họ, thì không ai có thể dửng dưng, nhất là người dân Việt, kế thừa từ ông bà tổ tiên lòng hiếu sinh quảng đại.

Khi dẫn ra pháp trường những thanh niên, thiếu nữ tuổi còn trẻ măng, mặt mũi sáng láng, thì ai không thể không động lòng. Kẻ thì giết người trong một phút ghen tuông, kẻ thì ít học, thất nghiệp bị chúng bạn lôi kéo đi buôn ma túy, rồi dấn sâu vào lúc nào không biết…

Người viết có nghe kể, riêng đơn vị thi hành án tử hình của một tỉnh nọ không bịt miệng tử tù. Trước khi thi hành án cho người thanh niên tử tội nói lời cuối cùng. Người tử tội xin được hát và hát một bài với nội dung từ biệt mẹ, rồi kêu lên “mẹ ơi!” trong tiếng nấc, những người hiện diện đều xúc động nhưng tất nhiên án phải thi hành.

Một trong những hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm là giúp đỡ người bị tù tội. Thiết tưởng đã đến lúc Phật giáo chúng ta góp phần vào tiếng nói mà một số vị đại biểu Quốc hội đã mở lời, cứu mạng những người phạm tội chết.

Thiết nghĩ, những vị đại biểu Quốc hội là tu sĩ Phật giáo, nếu không là người đầu tiên nói lên tiếng nói “cứu mạng” như đại biểu Trần Bá Thiều, thì cũng phải góp phần ủng hộ mạnh mẽ phương án đó, tạo thuận lợi để có thể thực hiện.

Người chết vì đền tội đã đành. Nhưng còn nỗi đau người sống, là mẹ, là cha, là vợ, là chồng, là con, là em…người vừa bị thi hành án. Đó là những nỗi đau mà những người Phật tử tu tâm từ bi không thể không thấu hiểu, chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Trần Bá Thiều có lẽ không phải là một nhà tu hành, nhưng ông quả có từ bi tâm Bồ tát khi nêu lên những phương án cứu mạng tử tội.

Những trở ngại để bỏ án tử hình là sự dè dặt tội ác gia tăng một khi hình  phạt răn đe giảm nhẹ. Điều này hợp lý. Nhưng luật pháp nằm trong tay Quốc hội. Nếu bỏ hẳn án tử hình hay thực hiện phương án cứu mạng như Đại biểu Quốc hội Trần Bá Thiều đề xuất mà tội phạm gia tăng, thì việc tái thực thi án tử hình là khả năng trong tầm tay các nhà lập pháp. Còn nếu tội phạm không gia tăng mà nhiều người đựơc cứu mạng thì thật là phúc đức cho xã hội.

Nhân đây, người viết nghĩ rằng, vì hạnh từ bi, lòng nhân đạo, các chùa có thể góp phần xoa dịu nổi đau người sống, an ủi vong linh những người chết vì lầm lỡ bằng cách tổ chức cầu siêu.

Người viết có lần đến thăm nơi chôn cất tạm thời của những người bị tử hình (nằm cạnh một khu du lịch ở Quận 9, TPHCM) ngay trường bắn. Nơi đó là những ngôi mộ đất xiêu lệch vùi lấp vội vàng, với nhiều tấm bia nguyệch ngoạc, năm sinh, năm chết phần nhiều chỉ cách nhau trên dưới 20 – 30 năm, dưới ghi “mẹ lập mộ”, “chị lập mộ”…, và không ít những nấm mộ hoang, nhìn kỹ qua những lùm cỏ cao mới thấy.

Chắc chắn những vong linh đã chết thèm lắm những câu kinh Phật siêu độ cuộc đời bất hạnh, lỗi lầm.

Còn những tử tù còn sống thì chắc chắn từng ngày mong tiếng nói của những vị sư từ diễn đàn Quốc hội góp vào lời đề nghị cứu mạng họ mà một vị đại biểu từ tâm đã nêu ra.

MT