Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Tượng Tuyết Sơn ở Đồng bằng Bắc bộ

Tượng Tuyết Sơn ở Đồng bằng Bắc bộ

712
Tượng Tuyết Sơn chùa Tây Phương (chất liệu gỗ phủ sơn)

Tượng Tuyết Sơn bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVII ở các chùa vùng Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam.

Trước thời điểm đó các chùa còn tồn tại đến bây giờ đều không thấy có tượng Tuyết Sơn. Chỉ có một số chùa bắt đầu xây dựng vào thế kỷ XVII – XVIII về sau mới thấy xuất hiện tượng Tuyết Sơn hoặc một số chùa được phục dựng lại. Trong đó tiêu biểu là các chùa: Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), chùa Mía, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương (Hà Tây cũ)… là những ngôi chùa có bề dày về lịch sử, văn hóa của người Việt qua các thời kì.

Khái quát hình tượng Tuyết Sơn

Trong giai đoạn thế kỷ XVII, đạo Phật có điều kiện phát triển trở lại. Nhiều chùa mới được xây dựng, nhiều ngôi chùa cũ được sửa chữa và tu bổ. Thế kỷ thứ XVII, Phật giáo đã có bước phát triển mạnh và có thể coi là đỉnh cao thứ 2 của nghệ thuật Phật giáo sau thời kỳ Lý – Trần. Kinh Phật được dịch ra tiếng Nôm để lưu hành. Triều đình nhà Lê cũng ủng hộ Phật Giáo, các sư tăng được coi trọng. Nhiều bà hoàng, công chúa và các hoàng thân bỏ tiền của, công sức huy động mọi người xây dựng, tạc tượng để thờ Phật.

Ở thời Lê Trung Hưng nhiều ngôi chùa được trùng tu, dựng lại mới trong đó có chùa Keo (Thái Bình), chùa Ngọc Khám, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Thầy, chùa Mía (Hà Tây cũ)…

Tượng Tuyết Sơn chùa Tây Phương (chất liệu gỗ phủ sơn)

Cùng với sự phát triển về tôn giáo nên việc xây dựng kiến trúc và tạo tác tượng phát triển mạnh. Đặc biệt trong chùa lúc này xuất hiện thêm nhiều pho tượng liên quan đến Phật Giáo như tượng Quan Âm, tượng Kim Cương, tượng La Hán và nhiều tượng Phật khác, đặc biệt trong đó hình tượng Tuyết Sơn cũng bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn này.

Có lẽ đây là hình tượng gần gũi đối với người dân Việt, bao năm chịu đói khổ, tuy là tạo hình một vị tu hành sắp thành Phật nhưng lúc này là giai đoạn tu khổ hạnh của ngài nên thân hình gày gò, ốm yếu. Tượng xuất hiện trong chùa thứ nhất là để ghi lại dấu ấn cuộc đời tu hành của đức Phật Thích Ca, thứ hai là để nhắc nhở nhà sư và phật tử cách thức tu hành rằng dù khó khăn gian khổ thế nào cũng không thắng được ý chí của con người, có đói khổ cũng phải giữ được thân tâm trong sạch, không để các cám dỗ vật chất làm lu mờ ý chí.

Tuy nhiên, con đường tu khổ hạnh là tự hành xác, ép bản thân phải chịu đau khổ cũng không phải là con đường để đạt tới giác ngộ. Sau giai đoạn này đức Phật Thích Ca đã tìm ra được con đường tu để đạt tới giác ngộ, giải thoát đó là con đường trung đạo. Hình tượng Tuyết Sơn xuất hiện vừa mang tính chất giáo dục, vừa mang tính chất tưởng nhớ ân đức của đức Phật Thích ca.

Về bài trí tượng Tuyết Sơn

Tượng Tuyết Sơn trong các ngôi chùa Việt thường ở trong thượng điện, ở vị trí bên phải hoặc bên trái ba pho tượng Tam thế, như ở chùa Bút Tháp tượng Tuyết Sơn được bày ở gần tượng Quan Âm Tọa Sơn phía bên tay trái từ cửa nhìn vào và thấp hơn bộ tượng Tam Thế. Còn ở chùa Keo (Thái Bình), tượng Tuyết Sơn được xếp ở gian bên phải nhìn từ cửa chính vào trong thượng điện; ở chùa Mía tượng lại không được bày trong Thượng Điện mà được bày ở nhà Hậu đường cùng với ban thờ Mẫu, Quan Công, Động Nam Hải; ở chùa Tây Phương cũng có cách bày khác hẳn so với các chùa trên, đức Thích Ca thành đạo được thay bằng tượng Tuyết Sơn.

Tượng Tuyết Sơn chùa Bút Tháp (chất liệu gỗ phủ sơn)

Thông thường, trong Phật Điện lớp thứ ba là bộ tượng Nhất Phật nhị Tôn giả gồm có tượng đức Thích Ca thành đạo ở giữa, bên trái là tổ thứ nhất Ca Diếp Tôn Giả và bên phải là tổ thứ hai A Nan Dà Tôn Giả. Như vậy có thể thấy tượng Tuyết Sơn được bày theo nhiều cách phù hợp với kích thước và kiến trúc từng ngôi chùa và được bày thấp hơn với các tượng Phật đã thành đạo và tượng Phật Tam Thế.

Tạo tác tượng Tuyết Sơn

Tượng Tuyết Sơn ở thế kỷ XVII – XVIII thường được tạo tác bằng các chất liệu quen thuộc giống với các tượng Phật Giáo thời kỳ này, thông thường giai đoạn này tượng thường được làm bằng gỗ phủ sơn hoặc là đất giã với vôi, giấy dó rồi đắp phủ sơn.

Đối với tượng gỗ phủ sơn: Tượng gỗ cổ truyền đều là tượng thờ vì thế hầu như chỉ được làm bằng gỗ mít. Các đồ thờ bằng gỗ như hoành phi, câu đối, hương án, ngai, bài vị … sau khi tạo dáng đều sơn thếp vì thế đều phải làm những loại gỗ ưa sơn như mít, giổi, mỡ… mà tuyệt đối không làm bằng các loại gỗ tư thiết (đinh, lim, sến, táu), tuy bền nhưng lại rất kỵ sơn, chỉ một thời gian ngắn sẽ làm cho sơn bong ra.

Mặt khác, có lẽ các nghệ nhân xưa chọn gỗ mít cũng vì gỗ mềm, tiện cho việc đục đẽo tạo hình mà ít bị mối mọt. Cây mít thuộc loại cây thiêng có nguồn gốc từ trong văn hóa Ấn Độ với tên gọi Para mitra, khi du nhập vào đời sống văn hóa Việt Nam được gọi tắt là mít. Gỗ mít dùng để tạc tượng, tiện khuôn đóng oản và làm nhiều đồ thờ khác. Một số ngôi chùa và đình thời Mạc (hoặc muộn hơn nhưng có dùng lại một số thành phần kiến trúc thời Mạc) thì chúng ta thường gặp gỗ mít.

Để tạc tượng gỗ, người ta thường đốn những cây mít già, ngâm vài tháng sau đó bóc vỏ rồi pha cắt theo kích thước của tượng. Nếu thân cây gỗ vừa với cỡ tượng thì người thợ chỉ việc đẽo bỏ đi những chi tiết nhô ra nhiều (như thế tay tượng Tuyết Sơn chùa Tây Phương) thì phải ghép nối cốt của pho tượng, lại gắn sơn sống vào những chỗ ráp nối cho liền khối. Có khối lượng ổn định sau đó tiến hành tạc theo mẫu: tượng tạc xong rồi mới chuyển sang khâu sơn thếp.

Đối với tượng làm bằng đất phủ sơn nguyên liệu làm tượng thường là đất sét có pha thêm các chất phụ gia là nước vôi, nhựa cây, mạt mùn cưa nhỏ, vỏ trấu, giấy bồi, rễ si hoặc dứa dại… Đất sét có ở khắp nơi, chỉ cần đào hết lớp đất canh tác là đến đất sét, tùy từng nơi mà đất sét có các màu khác nhau do tạp chất oxit sắt , oxit mangan và các chất hữu cơ. Khi đắp tượng, bột đất sét phải nhào trộn với các phụ gia. Nước vôi được lọc bỏ cặn dùng để nhào bột đất, có thể cho thêm nhựa các cây có vị đắng vào nước vôi, như thế sẽ tăng thêm độ kết dính của đất sét bột, chống được mối, lại khử được màu của các oxit làm cho đất trở nên trắng ra. Giấy bản được nhồi vào làm cho đất sét dai hơn, giữ được độ ẩm lâu hơn khi nặn tượng, khi khô lại giúp cho tượng đỡ bị nứt. Mùn cưa và vỏ trấu pha vào sẽ làm cho đất sét xốp, khi khô ít bị co nứt.

Tỷ lệ nguyên liệu làm tượng sau khi pha chế thường là 70% đất sét và 30% phụ gia. Tuy nhiên ước tính theo thực nghiệm thì không hoàn toàn chuẩn xác. Thông thường, khi đắp tượng, công việc đầu tiên là xác định khối tượng định đắp ở tư thế nào, đứng hay ngồi mà dùng tre già ngâm, chẻ thành từng thanh hay cành gỗ mít ngâm bóc vỏ, phơi khô, đan dựng thành hình bộ xương, tức là cốt tượng. Sau đó dùng hỗn hợp đất sét đã được luyện, đắp thịt vào bộ xương dần từng lớp, cho đến khi được khối hình cơ bản đứng vững tạm dừng chờ khô dần thành khối đông đặc. Ổn định phần bên trong tiếp tục đắp những khối lớn, khối phụ và các chi tiết. Xong ủ cho khô dần đều để tránh sự co ngót đột ngột gây rạn nứt. Khi tượng cơ bản đã hoàn thành, người thợ làm những công đoạn gia công cuối cùng của cốt tượng là gọt, tỉa cái chi tiết, đánh bóng mảng khối.

Cả hai chất liệu gỗ và đất để làm tượng thờ nói chung và tương Tuyết Sơn nói riêng, khi đã tạo hình xong phần điêu khắc đều được sơn son thếp vàng lên tượng. Ngoài tác dụng làm cho tượng đẹp sống động linh thiêng trong không gian chùa tượng cần được bảo quản và bảo dưỡng tốt, độ ẩm của không khí và mối mọt không tiếp cận được với lõi gỗ hay đất.

Cùng với sự liên hệ các hình ảnh cấu trúc cơ thể con người thực tế, các nhà điêu khắc đã tạc nên những tác phẩm tượng Tuyết Sơn sống động của đường nét, cấu trúc cơ khối giống với cấu trúc con người ngoài đời. Do đó có thể nhận định tạo hình tượng Tuyết Sơn giai đoạn này đều được thống nhất theo phong cách vừa hiện thực vừa loại hình hóa. Như vậy tượng Tuyết Sơn ở các ngôi chùa tiêu biểu trên, cho thấy hình ảnh vừa linh thiêng mà lại gần gũi. Có các nhân tướng của nhân vật nhưng lại là hình ảnh con người Việt ở từng vùng miền ẩn giấu trong đó.

Nguyễn Thị Thu Hương