Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Vãng cảnh Linh Mụ

Vãng cảnh Linh Mụ

62

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Cương.


Câu ca dao đã ru tôi từ thuở lọt lòng nơi quê mẹ, nay càng ru thêm bao cảm xúc…


… Dọc theo Tả ngạn, ngược dòng sông Hương, tọa lạc trên ngọn đồi là một ngôi chùa danh tiếng. Bước dần lên từng bậc cấp, hồn tôi lung linh theo những huyền thoại. Cảnh quang nhòa mất, thoáng xưa hiện về…


…Năm 1601, sau khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đi ngang qua đây, thấy cảnh quang hùng vĩ, có gò đất như đầu con rồng quay lại, phía trước là sông, phía sau có hồ, bèn hỏi cư dân. Người ta kể rằng gò này rất linh dị, đêm đêm thường thấy một bà già mặc áo đỏ quần lục, ngồi trên đỉnh gò nói: “ Rồi sẽ có chân chúa đến dựng chùa ở đây để tụ linh khí, làm cho bền long mạch!”. Chúa nghe cả mừng, liền cho xây thành chùa lớn, đặt tên là “Thiên Mụ”…


Lên hết bậc cấp, tháp Phước Duyên sừng sững soi bóng sông Hương. Do dòng nước xoáy, dần dần làm lở chân đồi, tạo vực sâu thẳm; tháp cao bảy tầng, có vị trí như thế án sơn, trấn áp cả những gì huyền bí nhất dưới đáy vực! Nguyên tháp này do vua Thiệu Trị xây năm 1844, nhân kỷ niệm Bát tuần Thánh thọ bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu (thứ phối của vua Gia Long). Trong tháp có thờ bảy tượng Phật, tọa trên đỉnh tháp là tượng đức Thế Tôn bằng vàng, nay còn đâu nữa! Và hình tháp – một biểu tượng của địa phương – được lồng vào chiếc nón bài thơ, tăng thêm nét Huế!


Hai bên tháp là nhà bia và đại hồng chung, khắc bút tích của chúa Nguyễn Phúc Chu; chữ viết càng bay bướm, giới khảo cổ càng tấp nập say mê: Năm 1710, chúa đúc cho chùa một cái chuông lớn và làm bài ký vào chuông. Chính tiếng chuông này, đêm đêm cứ vẳng ngân vang toàn xứ Huế. Còn bia lớn trên con rùa bằng đá cẩm thạch, dựng cuối năm 1715, ghi công đức của chúa trong việc chấn hưng đạo Phật.


Ngó lên cổng tam quan, bức hoành phi son thép gắn ba chữ Hán “Linh Mụ tự”, do vua Tự Đức (1848-1883), long thể bất an, không có kế tử, lại thêm chính sự rối rắm, cho rằng dùng chữ “Thiên” trong tên chùa là phạm đến trời, nên xin đổi thành “Linh Mụ”. Vách cổng có đắp nổi sáu tượng kim cang , thêm cổ kính trang nghiêm.


Vào cổng, trực diện là Đại Hùng bảo điện, thờ nhiều tượng Phật bằng đồng sáng chói. Trong điện còn nhiều cổ vật bằng sứ, bằng đồng; như cái khánh cổ đúc năm 1677, do vị quan người Quảng Trị là Trần Đình Ân, thuê Jean de la Croix – một người Bồ Đào Nha lập nghiệp ở Phường Đúc (Huế) – đúc tặng. Từ đó, tiếng khánh cũng đã ngân nga trong những ngày Sóc Vọng hay tết lễ hội…


Sau lưng điện, có án thờ hòa thượng Thích Đại Sán; một vị thiền sư người Quảng Đông, được chúa thỉnh cuối năm 1695, cùng hàng ngàn bộ kinh về chùa hoằng dương chánh pháp. Sư chùa kể thêm phần ý vị, làm khách say lòng, vọng tưởng Tây Du…


Sau khi dạo quanh chùa, khách dừng chân ở đình Hương nguyện để thưởng thức chén trà ngào ngạt… Từ trong ngôi nhà hình tứ giác nhìn ra, khách cảm như thế giới vũ trụ gói gọn trong những hòn non giả cảnh Linh Phong, những giò lan rộ nở, những chậu kiểng đủ thế nghinh phong chiếu thủy… Kìa, những giọt sương đêm còn đọng trên tán đầu bạc của rặng tùng già cỗi, thân cây loang lổ uốn hình chữ “tử” vắt ngang mõm đá; rễ cây ngoằn ngoèo chạy quanh chậu khay, chứng tỏ công phu trồng tỉa đã trải bao đời qua…


Toàn cảnh khuôn viên chùa, có cấu trúc như hình con rùa; mà phần nhỏ phía trước là đầu linh quy, đang bị tháp ấn; thân rùa là vòng thành vây quanh, điện Đại Hùng như một bảo bối! Hồ sau chùa bị đuôi rùa vung vẩy làm cạn khô, nay chỉ còn khe suối nhỏ. Tất cả đểu phủ màu huyền thoại: tương truyền ngày xưa ở đây có linh quy thường lên quấy phá; rùa tinh mệnh bạc, vừa ra khỏi động đã bị sét đánh, để lại xác vàng trên bãi cát…


Ngày nay, Linh Mụ là một điểm du lịch nổi tiếng. Thuyền rồng ngược dòng, lúc náo cũng cập bến chùa. Từng tốp khách ngoại quốc nhộn nhịp lên xuống, các cậu bé bán hàng mỹ nghệ, khuôn mặt bầu bĩnh, cứ luôn miệng “-He-lô, Zét-sơ,…” thêm phần rộn rã, náo nức…


Viếng chùa, lòng người không khỏi lâng lâng thoát tục… Ngàn liễu rung phong, nước suối thì thầm, hòa lẫn tiếng kinh chuông mõ… như đưa người vào cõi lạc, quên hết u sầu cùng những gánh nặng trên vai. Cảnh đẹp nên thơ, được dệt bao huyền thoại, mỗi lúc một hấp dẫn du khách bốn phương…


Chúng ta, bất cứ một người Huế nào, cũng không thể không tự hào về Linh Mụ, một ngôi chùa cổ, danh tiếng nhất Thuận Hóa! Đối diện với Long Thọ Cương bên kia Hữu ngạn – cùng với Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng, Quốc Tử Giám, phủ Kim Long… cảnh chùa đã quyện vào tâm tư người bản xứ, điểm nét thêm cho sông Hương núi Ngự một vẻ đẹp kinh kỳ hiếm có; góp phần xứng đáng để Di sản Văn hóa Huế có giá trị toàn cầu đặc biệt và được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại!


Riêng tiếng chuông, rung cùng âm kinh huyền diệu, làm sống động một danh lam đã được vua Thiệu Trị xếp vào Hai mươi thắng cảnh đất thần kinh, mà trong bài “Thiên Mụ chung thanh”, vua cảm được âm thanh này, ngân tận cõi xa xăm thầm kín:


“Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm,
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền!”