Trang chủ Văn hóa Du lịch Về Côn Sơn, thỏa nguyện tri ân "Tấc lòng ưu ái cũ"

Về Côn Sơn, thỏa nguyện tri ân "Tấc lòng ưu ái cũ"

90

Nhắc đến Côn Sơn (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), cho dù chân chưa bước đến thì tâm trí của mỗi người Việt vẫn bật lên danh sáng: Nguyễn Trãi- Ức Trai. Và khi thực sự đắm mình trong cảnh sắc nơi đây, khi rưng rưng trước ban thờ Nguyễn Trãi thì hành trình đầu xuân trở nên sâu lắng, trọn vẹn.  

Thỏa nguyện ở chốn thiêng

Về Côn Sơn, người hành hương được lễ Chùa Côn Sơn. Chùa Côn Sơn có tên chữ là Thiên tư phúc tự (chùa được trời ban phúc) tọa lạc dưới chân núi Côn, còn gọi là núi Kỳ Lân. Núi có hình con Kỳ Lân lớn quay đầu về hướng Đông Bắc để canh giữ an lành cho cả một vùng trời đất bao la.

Trước cửa chùa Côn Sơn có hai cây Đại cổ hơn 600 năm, thân gồ ghề, lá xanh thẫm, hoa vàng thơm ngát được tương truyền rằng chính tay Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi) đã trồng.

Trong đoàn người về Côn Sơn đầu Xuân có rất nhiều Phật tử. Bà Nguyễn Thị Thân (71 tuổi) ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội nói: “Người đi lễ Phật thường nghe nói tới Chùa Hương, Yên Tử nhưng lại ít người tỏ tường Côn Sơn là nơi đất Phật.”

Nguyên là một nhà giáo thông tỏ văn học và lịch sử nước nhà, bà Thân giảng giải: “Từ xưa đến nay, Côn Sơn vốn là nơi tôn quý của đất trời, chốn địa linh nhân kiệt. Chùa Côn Sơn luôn là ‘Quốc tự’ và là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của đất nước. Đó là nơi ba tôn giáo: Phật-Nho-Lão đồng quy về một mục đích: Củng cố nền tự chủ và độc lập dân tộc, nhằm quy tụ nhân tâm trong xã hội, cầu sự thịnh trị.”

Bên cạnh sự linh thiêng chốn cửa thiền, tại núi rừng Côn Sơn có một sức hấp dẫn lạ kỳ so với người luôn ngược xuôi phố xá. Đó là quang cảnh hoàn toàn thiên nhiên với cây lá xanh tươi.

Nơi đây trập trùng đồi cây, mênh mông sông nước Lục Đầu Giang, ngửa mặt lên thăm thẳm trời xanh, người hành hương sẽ thấy khoáng đạt tầm mắt, mở mang tâm hồn, cảm nhận được thanh khí thiên nhiên… Vì thế, du xuân chốn thiêng mà có không gian đủ để lắng lòng.

Chị Bùi Thị Thu Cúc đến từ phố Thành Công, Hà Nội nói: “ Đi lễ ở Côn Sơn có vừa đủ bạn đồng hành để vui bước hành hương chứ không ồn ào và lộn xộn.” Đúng là có tiếng nói cười, khấn nguyện thể hiện rõ sự đồng nguyện đồng lòng, nhưng không có chen lấn xô đẩy, không có xô bồ kiểu thị trường nơi cửa Phật, cửa đền. 

Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết: "Trung bình mỗi ngày Khu di tích đón hơn 1,5 vạn lượt du khách, những ngày cao điểm có trên 2 vạn lượt khách đến thắp hương, thưởng ngoạn tại đây. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc vừa chính thức khai hội vào ngày 7/2, tức ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Thìn."

Tri ân “Tấc lòng ưu ái cũ”

Nguyễn Trãi có câu thơ: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông.”  Tấm lòng của Ức Trai với dân với nước có từ những trang sách đầu đời của mỗi chúng ta như: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.”  Và đây là bài học luôn sáng với mọi thời.

Thế nên, về viếng đền thờ Nguyễn Trãi-người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới cũng là tâm nguyện đầu năm của nhiều người về Côn Sơn.

Đặc biệt, người về nơi đây đều là những người hiểu biết lịch sử, chung sự đồng cảm và kính phục với Nguyễn Trãi. Rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo và cả các công chức chọn về nơi đây.

Chúng ta cùng biết, Côn Sơn không chỉ là quê cha đất tổ của Nguyễn Trãi mà còn là nơi gắn bó máu thịt với cuộc đời ông, góp phần hun đúc nên tinh thần, cốt cách người anh hùng.

Bởi vậy mà về với Côn Sơn, chúng ta dường như không thấy khoảng cách gần 600 năm lịch sử. Như thể là bước chân Nguyễn Trãi vừa qua chốn này, tựa câu thơ của ông: “Ðủng đỉnh chiều hôm dắt tay/Trông thế giới phút chim bay/Ðạp áng mây, ôm bó củi/ Ngồi bên suối gác cần câu.”

Nét mới gợi đau xưa…

Mấy xuân nay về núi Côn, có thể thấy đền thờ Nguyễn Trãi nằm bên dòng suối Côn Sơn, được xây mới với kiến trúc đẹp. Từ cầu đá, cổng đá, tam quan, điện thờ cho đến chính ban có pho tượng Nguyễn Trãi đúc đồng uy nghi mà gần gũi.

Nằm phía trên cả đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Trần Nguyên Hãn là đền thờ Trần Nguyên Đán. Các đền này đều rất đẹp, uy nghiêm và hợp thành một quần thể mới hoàn toàn, hòa hợp với quần thể chùa Côn Sơn. Đến những ngôi đền trên phải vượt qua hơn 900 bậc đá xếp uốn lượn qua những đồi thông rì rào hoa bóng nắng, thoáng gió núi trong lành.

Đến Côn Sơn để tri ân bậc tiền nhân có công đức lớn lao với đất nước nhưng chúng ta cũng hiểu nỗi oan khiên năm 1442 thật quá thảm khốc… khiến người bước vào lễ đường đều không khỏi rưng rưng.

Gần đây, một số vở kịch, cuốn sách được ra mắt công chúng đã không còn tránh né, khép mở về nỗi đau của thi nhân xưa nữa. Như trong vở “Đêm của bóng tối” do nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện, người xem thấy rõ niềm đau của Nguyễn Trãi khi Vua đương thời quyến luyến người vợ yêu của ông…

Nét mờ nét tỏ về chuyện vua đến Trại Vải và bị cảm rồi băng hà khiến ba họ nhà Nguyễn Trãi bị “chu di tam tộc”… Song sử xưa và kịch nay đã gặp nhau ở điểm làm sáng nỗi oan khiên ngút trời trong thảm án, máu nhuộm đỏ nước non…

Về vụ án Lệ Chi viên, cô giáo Ngô Lan Anh, giáo viên dạy văn của Trường trung học phổ thông Trần Phú-Hoàn kiếm, Hà Nội nói: “Trước ban thờ Nguyễn Trãi-con người tâm đức, tài năng hàng đầu và chịu oan lớn nhất trong các danh nhân thời phong kiến ấy, chúng tôi đều nghẹn ngào. Để rồi bỗng câu thơ của Huy Cận hiện trong tâm trí: “Cha ông yêu mến thời xưa cũ/ Trần trụi đau thương bỗng hóa gần…”

Còn chị Nguyễn Thị Hồng, một công chức ở Hải Dương tâm sự: “Mình không phải là người thật thông hiểu văn chương, sử sách nhưng về đền thờ Nguyễn Trãi mình luôn thấy được dựa vào một con người tài đức, dù oan khiên thế nào vẫn tâm sáng lòng trong. Có lúc trong cuộc đời, gặp phải bất công, thiệt thòi mình lại tự nhủ: “Khi nào về Côn Sơn trải nguyện, tìm thanh thản tâm hồn.”/.  

 Đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng năm 2002 nhân kỷ niệm 600 năm ngày mất của Ông trên một khuôn viên gần 10.000 m2 tại chân núi Ngũ Nhạc, gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Người.


Ngôi đền biểu hiện sinh động lòng biết ơn, sự trân trọng mà toàn dân tộc giành cho Nguyễn Trãi và còn "Rửa nỗi hận ngàn thu cho Nguyễn Trãi " (Phạm Văn Đồng ).