Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Về số tín đồ Phật tử: Vài lời trao đổi cùng TG...

Về số tín đồ Phật tử: Vài lời trao đổi cùng TG Minh Mẫn

107

Thư gửi tác giả Minh Mẫn.

Tôi vừa đọc bài viết “Tín đồ PGVN chỉ còn 6.802.318 người’ của báo Giác Ngộ là thông tin ‘vu vơ’ ” của tác giả Minh Mẫn trên các trang mạng Phật giáo. Nếu bài viết này là của người khác, vốn quen với những con số báo cáo thành tích đẹp mắt, êm tai; hay của ngoại đạo với chủ đích ru ngủ Phật tử thì tôi chẳng quan tâm làm gì, đọc xong rồi thôi.

Nhưng đằng này lại là bác Minh Mẫn, một người xuất thân từ tu sĩ, khá am tường  và luôn suy tư về hiện tình Phật giáo. Sau này, khi đã cởi áo tu sống đời thế tục, bác vẫn một lòng gắn bó và nguyện trọn đời phụng sự đạo pháp. Do đó, tôi rất ngạc nhiên, bất ngờ và nói thật là rất thất vọng khi đọc xong bài của bác.

Tôi quý bác ở cách viết thẳng thắn, bộc trực, không né tránh, mặc dù có nhiều ý kiến phê bình cách viết lách của bác quá gay gắt, nặng nề. Tôi hiểu và thông cảm với bác vì biết rằng bác Minh Mẫn cũng chỉ muốn tốt cho đạo pháp, lo lắng, suy tư rất nhiều cho đạo Phật. Lần này thì khác, tôi quá thất vọng với góc nhìn vừa nông cạn, vừa thiển cận của bác.

Thật lòng, tôi không muốn, rất không muốn khi chưa đến một năm mà phải 3 lần viết bài phản hồi các bài viết vu vơ của bác. Sau khi đắn đo suy nghĩ mãi, tôi quyết định có vài lời thưa cùng bác.

Bác Minh Mẫn ạ, con số 6.802.318 người là tín đồ Phật giáo Việt Nam đối với những người thích sống trong tháp ngà, ngái ngủ trong ánh hào quang vang bóng một thời thì quả là một cú sốc rất nặng, rất khó chấp nhận sự thật.

Tôi không ngạc nhiên và bất ngờ về điều này. Điều làm tôi ngạc nhiên là con số 14.775 ngôi chùa mà bác lấy từ Bách khoa toàn thư wikipedia; trong khi đó, con số 6.802.318 người là tín đồ Phật giáo Việt Nam thì bác còn ảo tưởng “liệu việc thống kê như thế có đáng tin?” “cố tình xuyên tạc thực tế số lượng tín đồ Phật giáo VN ngày nay” cũng được wikipedia đăng tải.

Xin thưa với bác, theo thống kê dân số năm 2009 thì số tín đồ Phật Giáo là 6.802.318 người trong đó 2.988.666 tín đồ ở thành thị và 3.813.652 tín đồ ở nông thôn, địa phương tập trung đông đảo tín đồ Phật giáo nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 1.164.930 tín đồ.

Điều này đã được cơ quan Nhà nước thẩm quyền công bố chính thức trên các phương tiên thông tin đại chúng rồi bác Minh Mẫn ạ. Có lẽ nào bác không biết hay không dám chấp nhận hay phải nói theo chủ ý của người khác? http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4n_gi%C3%A1o_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam

Thật là khập khiễng khi so sánh tình hình Phật giáo hiện tại với thời Pháp thuộc và 9 năm dưới chế độ nhà Ngô.

Thật là chủ quan khi nhận định “bối cảnh Việt Nam hiện nay và bối cảnh Nam Triều Triên sau đệ nhị thế chiến khác xa”.

Thực sự, các Mục sư năng nổ hoạt động truyền đạo tại Việt Nam và Hàn Quốc cũng chẳng khác nhau là mấy. Sự linh hoạt truyền đạo của họ bước đầu đã có kết quả là một mùa gặt bội thu.

“…Từ miền Trung du vào đến Tây nguyên Nam bộ, mức độ phát triển của Tin Lành, các chi Hội chánh thức và các Hội không chính thức, sinh hoạt rất năng động, lượng số tín đồ như nấm mọc sau cơn mưa…” (1)

Tôi nhớ không lầm là đã có lần bác viết “…Sau 1975, Tin Lành tạm lắng đọng đến sau 1990, một số công nhân hợp tác lao động ở Nam Triều Tiên đem về Việt Nam thêm một hệ phái mới rất ư linh hoạt, đó là Hội Thánh tại gia. Nhóm nầy không cần cơ sở, họ có thể sinh hoạt tại các nhà tín đồ, và mỗi tín đồ cũng có thể trở thành một  vị truyền giáo theo khả năng và đức tin của mình. Một số truyền bá mạnh vùng Tây nguyên và cao nguyên phía Bắc…” (2)

“…Đaknong là vùng vừa thành lập, 10 buôn sóc thì hết 8 buôn thuộc Tin Lành và công giáo chăm sóc tinh thần cho họ” (1)

Bác Minh Mẫn đã thấy được sự năng nổ, nhiệt tình của các tôn giáo tây phương đó chứ. Tác giả Minh Mẫn thấy như vậy mà cho là‘Tín đồ PGVN chỉ còn 6.802.318 người’ của báo Giác Ngộ là thông tin vu vơ” thì thật là lạ và khó hiểu!?

Người ta thì “mỗi tín đồ cũng có thể trở thành một  vị truyền giáo theo khả năng và đức tin của mình”, Phật giáo có được như vậy không???

Bác nhận xét  “Theo Minh Thạnh thì số liệu nầy đã giảm 1/3 con số trước đây, chỉ vài năm mà giảm như thế thì liệu 10 năm nữa có lẽ Phật giáo đứng ngoài lề xã hội?

Theo tôi, hiện tại Phật giáo Việt Nam đã là thiểu số rồi, không cần phải chờ đợi 10 hay 20 năm nữa làm gì. Có lẽ bác hay ai đó sẽ bảo rằng làm gì đến mức đó, làm gì mà bi đát đến vậy…

Xin thưa, chúng ta hãy nhìn vào quy mô lễ Phật đản và lễ Noel sẽ rõ sự khác biệt. Số người dự lễ Phật đản cấp quận, huyện còn thua một giáo xứ làm lễ Noel. Số người tham dự lễ Phật đản kể cả chính quyền, khách mời, tôn giáo bạn… có kín được sân chùa đâu. Là người thường đi Phật sự đó đây, bác có đồng ý với tôi điều này không?

Rồi bác cho là “…Trung bình mỗi tự viện như thế có vài trăm tín đồ, thì trên 14.000 tự viện sẽ là bao nhiêu? Riêng Đạo Tràng Pháp Hoa của HT. Thích Trí Quảng đã ngoài ngàn vị.

Chưa nói đến những cơ sở tu học lớn như chùa Hoằng Pháp một tháng có nhiều khóa tu cho nhiều thành phần khác nhau, mỗi khóa từ 3.000 đến 6.000  người.

Tỉnh thành nào cũng có những cơ sở tu học cho hàng ngàn Phật tử; các chùa đều làm lễ quy y hàng tháng, mỗi lần quy như thế trên dưới 50 người. Komtum quy y cho đồng bào sắc tộc mỗi lần 4.000 người…

Ở đây, tôi xin trích dẫn lại nguyên văn “góc nhìn” của bác trong dịp “Đất nước cuối năm” năm 2009.

Từ miền Trung du vào đến Tây nguyên Nam bộ, mức độ phát triển của Tin Lành, các chi Hội chánh thức và các Hội không chính thức, sinh hoạt rất năng động, lượng số tín đồ như nấm mọc sau cơn mưa. Công giáo tuy có chậm hơn Tin Lành, nhưng phẩm chất sâu đậm vững chắc hơn. Trong năm 2009, Công giáo rửa tội trên 10.000 đồng bào sắc tộc Tây nguyên, thì Tin Lành đã có trên 20.000 người theo đạo các vùng sâu vùng xa. Trong lúc đó, Phật giáo Kontum tổ chức quy y cho 4.000 người sắc tộc, thực tế độ 500 người, mà số đó, đức tin của họ tồn tại tùy thuộc vào sự giúp đỡ vật chất theo thời gian; Nhà nguyện, nhà thờ có mặt rất đều tại buôn làng thì đến nay, Tây nguyên hầu như chưa có ngôi chùa hay Niệm Phật đường nào có mặt để đồng bào khỏi vượt hàng chục km ra phố dự lễ. ..” (1)

“…Phật giáo tự nhận đồng hành cùng dân tộc qua 2500 năm, nhưng mỗi năm dân tộc đã có vài chục ngàn người bỏ Phật giáo theo tôn giáo bạn. Trách nhiệm nầy do ai??? Phần lớn quý thầy tự an phận và ru ngũ chính mình giữa nhóm Phật tử sủng ái, mà không chịu nhìn cái tổng thể…” (1)

Sao chưa đến 3 năm mà “tầm nhìn” của bác thay đổi nhanh thế? Ngày trước, Bác trách quý Thầy “tự an phận và ru ngủ chính mình giữa nhóm Phật tử sủng ái, mà không chịu nhìn cái tổng thể”. Bây giờ, chính bác lại tự ru ngủ và ru ngủ người khác khi cho những người lên tiếng báo động là “nhận định vu vơ”, thông tin không thực tế, mang tính kích động“, là “tưởng tượng phỏng đoán nêu lên những chuyện giật gân như “cải đạo”. “tôn giáo mới”…để câu khách cho các web ế khách!!!”.

Tôi quá bất ngờ và thất vọng.

Phải chăng những thông tin này của bác đưa ra là không thực tế  và là nhận định vu vơ???

Tôi cho rằng con số 6.802.318 người là còn nhiều và không đúng. Thực tế, còn thấp hơn nữa rất nhiều.

Bác chỉ tính các đạo tràng có hàng ngàn, hàng trăm người mà lại quên đi các đạo tràng chỉ hơn chục cụ già tụng kinh mỗi ngày. Các đạo tràng chỉ có vài chục cụ già mới thật sự nhiều, chiếm áp đảo, đi đâu cũng gặp. Còn các chùa nổi tiếng thu hút nhiều thanh niên đến tu học đông đảo, trong cả nước cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều này không khó để kiểm chứng.

Bác có biết rằng: nhiều người tham gia nhiều đạo tràng cùng một lúc, sáng ở chùa này, chiều sang chùa khác nên nhìn vào số lượng Phật tử các chùa có vẻ đông nhưng thực tế con số thật không bao nhiêu.

Bác cũng như một số người chỉ tính số quy y vào đạo nhưng không kể đến số lượng người cải đạo, bỏ đạo và những cụ già ở tuổi xưa nay hiếm, như ngọn đèn cạn dầu, không biết tắt lúc nào.

Bác có biết rằng “…Ngay cả miền Tây Nam bộ, các vùng người Khmer cũng được các mục sư đến chuyển hóa cải đạo cạnh chùa Miên; Các ông Lục đứng nhìn những con cháu tín đồ của mình ra đi một cách dứt khoát, họ trả lời khi các sư hỏi tại sao bỏ đạo Phật, họ đáp: Chúng tôi nghèo quá, Phật giáo không giúp được gì cho chúng tôi. Mà chúng tôi còn có bổn phận cúng dường nuôi lại các sư năm nầy qua tháng nọ…”  (1)

Thế đấy, người Khơ me nổi tiếng gắn bó với đạo Phật, có một thời gian vào chùa tu học mà còn bị các mục sư đến chuyển hóa cải đạo cạnh chùa Miên. Các ông Lục đứng nhìn những con cháu tín đồ của mình ra đi một cách dứt khoát. Người Khơ me còn vậy nữa là thanh niên người Kinh, người Hoa…

Bác có biết rằng: từ lâu rồi, người ta đã vạch ra kế hoạch cải đạo cho giới trẻ, thanh niên bằng cách cải đạo qua hôn nhân. Chuyện này quen thuộc đến nỗi trở thành chuyện ngày thường ở huyện, ai cũng thấy. Ai trong chúng ta cũng dễ dàng thấy điều này trong bà con, bạn bè của mình.

Những chuyện này có vu vơ không hả bác? Có cần phải tưởng tượng, phỏng đoán làm gì cho mệt phải không bác? Là độc giả nghiêm túc, tôi không bao giờ khó chịu khi đọc những bài cảnh báo nguy cơ cải đạo, xâm hại Phật giáo từ nhiều phía. Ngược lại, tôi rất lấy làm khó chịu khi nghe những báo cáo tốt đẹp, những con số hoa mỹ để ru ngủ mọi người mà thực tế thế nào, ai cũng rõ. Hãy sống trong thực tế chứ đừng ảo tưởng.

Những ví dụ, con số mà bác và nhiều người đưa ra thật đẹp nhưng thực tế thì sao? Có những đạo tràng đông thật nhưng hầu hết là các cụ già (trẻ lắm cũng ngoài 50) như lá vàng mùa thu. Chỉ cần cơn gió vô thường thổi qua thì đã lìa cành, lá rụng về cội. Hiện tình Phật giáo Việt Nam ngày nay lá vàng thì nhiều, chồi xanh thì ít nhưng lại bị sâu hại ồ ạt tấn công.

Nếu chỉ nhìn thấy và hài lòng với số lá vàng trên cây mà không nghe lời cảnh báo và có biện pháp thích hợp thì chẳng mấy chốc cái cây này cũng theo lá vàng trở về cát bụi. Bác có đồng ý với tôi điều này không?

Không biết có bao nhiêu người có suy nghĩ giống bác “…Những ai đến lễ chùa, cho dù chưa quy y, vẫn được xem là tín đồ Phật giáo…” và “…Tín đồ đơn giản là người tin Phật chứ không nhất thiết phải quy y mới là người tin Phật…”. Đó là bác nghĩ, chứ người ta và các tôn giáo khác không nghĩ như vậy.

Vậy thì xin hỏi, những người đi lễ chùa nhưng cũng ghé luôn vào quán nhậu trước cổng chùa làm chén chú, chén anh có là tín đồ Phật giáo không? Những chức sắc tôn giáo bạn sang chùa dự lễ Phật đản, Vu lan… có được bác tính là Phật tử không?

Những tín đồ ngoan đạo của tôn giáo khác vào chùa lễ Phật là phụ; còn phát tài liệu, tuyên truyền, mời mọc các đạo hữu đi nghe truyền giảng, chịu ơn cứu chuộc… là chính, có được gọi là Phật tử không hả bác?

Những người đi chùa lâu năm, tiếng là Phật tử nhưng không ngớt lời ca ngợi, viết lách quảng bá cho Thanh Hải “Vô thượng sư”, hay “đạo sư” Duy Tuệ có phải là Phật tử không hả bác?

Bây giờ thiếu gì Phật tử, thậm chí cả Tăng Ni cũng nô nức mừng Noel, hát Thánh ca trong chùa nữa… Thật là nguy hại hết sức nếu không nhờ những ngòi bút lên tiếng cảnh báo phải không bác?

Trong quá khứ đã có một Nguyễn Huệ Nhật là “nhà sư” Phật giáo tin Chúa rồi bôi bác, xuyên tạc đạo Phật. Một Thanh Hải sau khi quy y thì trở thành “Vô thượng sư”. Một Duy Tuệ sau khi học thiền một thời gian trở thành “Đạo sư” phỉ báng đạo Phật không ngớt lời…

Quá khứ đã như thế, hiện tại và tương lai ai dám chắc không có chuyện một tu sĩ, hay một cư sĩ nào đó âm thầm “trở lại đạo”, trở thành “nội trùng” viết bài đánh phá Phật giáo một cách tinh vi, nguy hiểm hơn trước. Những chuyện này toàn thực tế cả, đâu có gì là giàu tưởng tượng, phỏng đoán, giật gân để câu khách phải không bác?

Là người có kinh nghiệm viết lách và tầm nhìn xa rộng, hết lòng vì đạo pháp, bác có đồng ý với tôi những điều trên không? Mình không hết lời cảm ơn những người lên tiếng hộ pháp thì thôi chứ sao lại nặng lời phê phán “Ngay cả viết lách ngồi trong tháp ngà như Minh Thạnh còn tưởng tượng phỏng đoán nêu lên những chuyện giật gân như “cải đạo”, “tôn giáo mới”…để câu khách cho các web ế khách” hay “nhát ma quần chúng”, “làm cho quần chúng sợ bóng sợ gió”.

Riêng  “tôn giáo mới”, tôi đã có lần phản hồi bác rồi mà bác vẫn không thấy những nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến Phật giáo sao?

Phật giáo sẽ đi về đâu nếu cứ ngái ngủ, thờ ơ và sống trên mây với những giấc mộng đẹp vang bóng một thời? Tôi xin nhấn mạnh: Phật giáo Việt Nam đã là thiểu số rồi, không cần chờ vài năm nữa.

Cuối cùng,  tôi xin mượn lời của cư sĩ Phạm N. Trân ở Hoa Kỳ gửi đến tác giả Minh Mẫn một năm trước: xin học hạnh lắng nghe, nghe nhiều nói ít; trước khi soi chiếu người khác, hãy tự soi xem kính của mình có trong sáng không, có thể phản ảnh đúng như thực không. Hãy kiểm chứng và suy xét thật kỹ trước khi nhận xét điều gì, bác Minh Mẫn ạ.

Vài lời dông dài trao đổi cùng bác, tôi xin dừng ở đây. Chúc bác nhiều sức khỏe, luôn minh mẫn tỉnh táo để có cái nhìn xa rộng, thấu đáo vấn đề; có nhiều bài viết hay, soi chiếu các sự việc khách quan, như thật để hộ pháp như bấy lâu nay bác vẫn làm.

Hy vọng bác không làm tôi thất vọng.

TPHCM, ngày 3/11/2012

Minh Ngọc

 

 

(1) Đất nước cuối năm http://sachhiem.net/MINHMAN/Tongiao/MinhManTG47.php

(2) Phát triển và truyền giáo. http://sachhiem.net/MINHMAN/Tongiao/MinhManTG49.php