Trang chủ Đời sống Tâm linh Xem lên đồng ở trung tâm Hà Nội

Xem lên đồng ở trung tâm Hà Nội

685

Một tiếng trước giờ khai mạc, hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền) đã chật kín. Quan tâm đến loại hình nghệ thuật  mang nặng yếu tố tín ngưỡng dân gian này không chỉ có những người lớn tuổi mà còn hiện diện rất đông những người trẻ. Phóng viên VietNamNet xin gửi tới độc giả chùm ảnh ghi lại chương trình:

 

 

Không gian sân khấu tái hiện buổi lên đồng với dàn ca trù, thanh đồng, con nhang, phủ thờ…

Giá Đức Trần Triều do thanh đồng Lê Văn Hưu đến từ Nam Hà trình diễn

 

Thanh đồng Trần Đức Hạnh biểu diễn các giá Mẫu, giá Đệ Nhị, Ông Bảy, Bà chúa Thượng ngàn, Cô Bơ

 

Cô đồng không còn là mình khi các con nhang cổ vũ và hú họa

Giá Ông Hoàng Mười hút thuốc nghe hát chầu văn

Giá Cô Bơ Thác Hàn múa chèo qua sông

Thanh đồng Nguyễn Tiến Bình đang trình diễn màn múa đao của giá Quan lớn Tuần Tranh
Giá Cô Chín múa thêu thùa

Giá Cô Bé cửa suốt

Một điểm đặc biệt tại giá hầu Đức Trần Triều đó là tính “saman” nặng hơn khi thanh đồng dùng thanh sắt nhọn đâm xuyên qua má và xuyên qua quả cau lúc “nhập hồn”

Vỡ sân xem lên đồng tại Hà Nội

Chiều 23/2/2011, rất đông những người quan tâm đã đổ xô về Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền – Hà Nội) trước thông tin có biểu diễn hầu đồng trong cuộc tọa đàm khoa học về đề tài này.

Theo lịch của Ban tổ chức, buổi tọa đàm có tên: Lên đồng – Bảo tàng sống của văn hóa Việt khai mạc vào 17h. Nhưng từ rất sớm, bãi để xe đối diện L’Espace đã chật cứng. Rất đông những người chậm chân phải tới các bãi xe dù trên phố Nguyễn Khắc Cần, thậm chí là gửi nhờ tầng hầm của khách sạn cạnh đó với giá 10.000 đồng/xe máy.

30 phút trước khi bắt đầu, cửa vào hội trường L’Espace phải đóng chặt vì lý do an toàn. Trước tấm biển “Hội trường đã kín chỗ”, rất đông người tới dự chương trình phải dồn đống lại trong phòng chờ của L’Espace, thậm chí là chen chúc kín các bậc cầu thang. Trong số này có một số gương mặt quen thuộc của giới nghiên cứu văn hóa như GS Chu Hảo, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo (Chủ tịch Hội Mỹ thuật HN), nhiếp ảnh gia Xuân Bình… cùng nhiều phóng viên báo chí.

 

Dòng người chen chúc trước cầu thang lên hội trường

16h50, cảnh lời qua tiếng lại diễn ra khá căng thẳng trước hai cánh cửa đóng kín của hội trường. Kiên nhẫn giải thích, rồi cũng tới lúc nhân viên an ninh của L’Espace phải to tiếng trước những đám đông đang nổi nóng. “Tây hay ta cũng ở ngoài, đây là lệnh của giám đốc”. Vừa nói, anh vừa hì hục hé cửa cho diễn giả GS Ngô Đức Thịnh lách vào rồi hớt hải ập cửa. Dưới cầu thang, những người nhanh chân đã lập tức xí chỗ, ngồi bệt trước màn hình lớn được nối trực tiếp vào hội trường.

17h, buổi tọa đàm bắt đầu. 2 diễn giả, GS Ngô Đức Thịnh và TS Nguyễn Xuân Diện, cùng bắt đầu điểm lại lịch sử phát triển và những nét đặc sắc của văn hóa Đạo Mẫu tại Việt Nam. Dưới phòng chờ, một đám đông người đứng kẻ ngồi cùng chen vai một cách… rất có trật tự trước màn hình lớn đang truyền hình trực tiếp buổi tọa đàm. Lác đác có mặt một vài du khách người Pháp rất háo hức chứng kiến sự nghiêm túc và cầu thị của những người đang căng tai dán mắt vào màn hình.

17h30, trước câu hỏi của TS Nguyễn Xuân Diện về ý tưởng đề cử hầu đồng vào danh sách xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, GS Ngô Đức Thịnh lắc đầu: “Chưa nên, nếu không tự ổn định ngay ở môi trường VN trước đã. Khác với bản chất nguyên sơ là một hành vi tín ngưỡng giàu tính văn hóa, hầu đồng bây giờ lai tạp, biến tướng và bị lợi dụng vào mục đích kiếm tiền quá nhiều”. Trước đó, trong lúc chờ tới màn biểu diễn hầu đồng, một số người trong hội trường có nhu cầu ra ngoài phòng chờ để giải lao nhưng cũng đành quay vào trước hai cánh cửa đóng kín.

Rồi theo nhịp thời gian, cũng tới lúc chương trình biểu diễn về hầu đồng được bắt đầu trước sự háo hức của người xem. Hội trường vẫn đóng kín, một số khán giả đứng ngoài mỏi chân đã bỏ về. Nhưng trước màn hình tại phòng chờ vẫn còn rất đông những người chăm chú ngồi thưởng thức nghệ thuật hầu đồng. Máy ảnh và điện thoại được tận dụng tối đã để quay lại những khuôn hình đang hiện ra trên màn ảnh lớn.

Cần hiểu rõ, trước những quan điểm khá trái chiều, đây là một lần hiếm hoi mà những giá đồng tiêu biểu được mang ra trình diễn trong một trung tâm văn hóa tại Hà Nội – chứ không phải là trong những buổi lên đồng theo hình thức bán công khai. Háo hức trước một sự tò mò có thật, việc một chương trình miễn phí tại L’Espace trở nên quá tải là điều dễ hiểu…

Cúc Đường

Căn cốt của lên đồng là văn hóa dân tộc

Chương trình hội thảo và biểu diễn “Lên đồng – Bảo tàng sống của người Việt” tối 23/2 đã khiến Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) lần đầu tiên rơi vào tình trạng quá tải. Một tiếng trước giờ khai mạc, hội trường đã chật kín. TS Nguyễn Xuân Diện (Viện trưởng viện Hán Nôm) chắc sẽ không còn rơi nước mắt khi biết được rằng có hàng trăm bạn trẻ đứng theo dõi chương trình của ông qua màn ảnh lớn bên ngoài trung tâm. Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa – GS.TS Ngô Đức Thịnh thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi khi bị nghi ngờ về việc nghiên cứu lên đồng để “tiến căn trình đồng mở phủ”.

 

Không nặng nề và khô cứng, cuộc nói chuyện đầy lí thú của GS Ngô Đức Thịnh và TS Nguyễn Xuân Diện đã xóa tan khoảng cách giữa khán giả trẻ tuổi và những người am hiểu về lên đồng.
 
GS Thịnh đưa một ví dụ sinh động về thái độ với hoạt động Lên đồng hiện nay: “Lên đồng chỉ giống một đứa trẻ mới sinh ra, những kẻ "đồng đú – đồng đua" khiến đứa trẻ đó bị bẩn. Bỏ rơi đứa bé là điều không nên, hãy gột rửa cho nó như người Việt ta có câu gạn đục khơi trong mới là hành động đúng đắn”.
 
Lên đồng là một bảo tàng sống
 
TS Nguyễn Xuân Diện thu hút sự chú ý bằng lời trích dẫn của một học giả nước ngoài trước khi đưa ra lí giải: “Lên đồng có đầy đủ âm sắc của âm nhạc Việt qua hát chầu văn và dàn nhạc chầu, các điệu múa và trang phục thiêng của các vùng miền cũng được thể hiện. Rồi mỹ nghệ chế tác tinh xảo cùng nghệ thuật điêu khắc, hội họa qua các đồ dâng cúng, tranh thờ, tượng Phật… Đặc biệt hơn cả, do không phải kiêng nên lên đồng còn tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt Nam qua các sản vật của ba miền đất nước khi dâng hầu”
 
GS Đức Thịnh cho rằng: “Lên đồng là bảo tàng sống vì ba lí do. Các nhân vật lịch sử được sống lại và nhập hồn vào thanh đồng qua quần áo, điệu múa chứ không phải là bức tượng trong tủ kính. Tính đa văn hóa và bình đẳng giữa các dân tộc Việt Nam thông qua điệu nhạc nhảy múa của những giá chầu là lí do thứ hai. Và cuối cùng việc thờ đạo Mẫu như câu nói tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ là biểu hiện của nét văn hóa gia đình đặc trưng của người Việt”.

 

Giá hầu Đức Trần Triều mang tính “saman” nặng hơn khi thanh đồng dùng thanh sắt nhọn đâm xuyên qua má và xuyên qua quả cau lúc “nhập hồn”

 

Cấm người có “căn” tức là cấm họ trở lại cộng đồng !

 Với những điều tra của mình, GS Ngô Đức Thịnh đã khẳng định: “Gần 100% những người có “cơ đầy” mắc các bệnh tật sau khi trình đồng đều thoát bệnh”. Ông nhấn mạnh rằng: “Đây không phải mê tín dị đoan mà nhân tố quan trọng nhất đó chính là niềm tin vào những thứ mang tính chất siêu nhiên, những cái con người không giải thích được”.
 
Đặt ngược vấn đề vị GS cũng thẳng thắn nói: “Nếu như chúng ta cấm những người có “căn” và có nhu cầu hầu đồng để giải tỏa niềm tin tôn giáo thì liệu có giống chúng ta đã đẩy họ ra khỏi cộng đồng? Tôi thấy câu trả lời đã có khi chúng ta nhìn vào số lượng và sự quan tâm tới buổi hội thảo ngày hôm nay”.
 
Ông cũng nói thêm rằng, hiện nay có nhiều người có khả năng tìm mộ như bà Trần Ngọc Ánh (có công tìm ra phần một của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã được nhà nước công nhận) đang được tổ chức của ông kêu gọi tập hợp để nghiên cứu và giải thích một cách khoa học.
 
Chính chúng ta tự làm hỏng đạo Mẫu
 
Không thể phủ nhận, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động lên đồng “có tính chất mê tín dị đoan” bị cấm theo Nghị định 75 là từ chính những người đã lợi dụng nó cho những động cơ không lành mạnh. GS. Ngô Đức Thịnh trong buổi đăng đàn cũng đã phải thừa nhận: “Chính chúng đã làm hỏng đạo Mẫu. Không có một tôn giáo nào trên thế giới dạy con người ta làm điều xấu, chỉ có con người lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng đó làm điều xấu mà thôi.”
 
Khép lại buổi nói chuyện, GS Thịnh một lần nữa đã kêu gọi ngay chính những “ông đồng bà cốt” hãy tự chấn chính lại “ngôi nhà thánh Mẫu” để mọi người nhìn vào đó và công nhận đạo Mẫu, ghi nhận lên đồng là một hoạt động văn hóa tốt đẹp mà ông cha đã để lại.
Thanh đồng Trần Đức Hạnh biểu diễn các giá Mẫu, giá Đệ Nhị, Ông Bảy, Bà chúa Thượng ngàn, Cô Bơ
 

Buổi biểu diễn lên đồng công khai lần đầu tiên tại trung tâm Hà Nội đã được tổ chức một cách bài bản, khoa học và nghiêm túc đã “giải oan” cho một “bảo tàng sống” của văn hóa dân tộc vốn bị mang tiếng lâu nay.