Trang chủ Diễn đàn Đức Phật trên sân khấu quần chúng: Nên hay không?

Đức Phật trên sân khấu quần chúng: Nên hay không?

153

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông Minh Thạnh, tôi có được xem video một trường Phật học dàn dựng tiểu phẩm sân khấu về Đức Phật, theo nội dung rút từ kinh điển, diễn viên là tăng sinh. Tôi thấy cũng hay, nhưng sao vẫn thấy cái gì ngờ ngợ, vương vướng. Tôi gửi cho ông xem vì được biết ông tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh để in ông ý kiến (1).

MINH THẠNH: Cảm ơn ông đã gửi video cho tôi xem và hỏi ý kiến. Thấy hình ảnh Đức Phật được dàn dựng trên sân khấu một cách sinh động, có lẽ người Phật tử như ông sẽ hoan hỷ. Còn cảm giác vướng mắc, mà ông chỉ “ngờ ngợ”, chưa xác định được rõ ràng, có lẽ do nhiều nguyên nhân. Có thể là do diễn viên thủ vai Đức Phật ra cúi chào khán giả với những diễn viên khác trong khi hóa trang thành Đức Phật? Có thể là do diễn viên thủ vai Đức Phật diễn xuất còn vụng, chưa thể hiện được tầm vóc nhân vật Đức Phật? Có thể do là dạng sân khấu quần chúng, không có cảnh trí, nên cảnh Đức Phật ngồi xếp bằng trên bục giảng không thể làm khán giả thoải mái? 

Vì vậy, ở trung tâm của đối thoại này, chúng ta bàn việc dàn dựng hình tượng Đức Phật trên sân khấu quần chúng, nên hay không nên?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Sao ông Minh Thạnh ở đây phân biệt sân khấu chuyên nghiệp và sân khấu quần chúng? Như việc các tăng sinh xây dựng tiểu phẩm về Đức Phật dựa theo kinh Phật trong video clip gửi cho ông, tác dụng giúp người xem tiếp nhận nội dung kinh Phật một cách sinh động, tôi không thấy hẳn đó là sân khấu?

MINH THẠNH: Khi có kịch bản (thành văn hay ứng khẩu), có việc diễn xuất trong vai các nhân vật (có đạo diễn, diễn viên), có khán giả, thì đó đã là sân khấu. Dù rằng, có thể không có cảnh trí, âm nhạc, vũ đạo, ánh sáng…

Chèo, một thể loại sân khấu quan trọng của Việt Nam, thì với một chiếc chiếu trải ở sân đình, khán giả ngồi chung quanh, các diễn viên biểu diễn tạo thành một vở diễn sân khấu.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Chèo là sân khấu chuyên nghiệp hay quần chúng? Trong vở chèo Quan âm Thị Kính, người ta cũng đã xây dựng hình tượng Phật Quan Âm?

MINH THẠNH: Trước thế kỷ XX, không có việc phân biệt sân khấu chuyên nghiệp và sân khấu quần chúng, mà các nhà nghiên cứu nghệ thuật học chia thành sân khấu cung đình (bác học) và sân khấu dân gian.

Chèo thuộc loại sân khấu dân gian. Tuy nhiên, vở chèo Quan Âm Thị Kính chỉ phản ánh quá trình tu thành Phật của một con người, không phản ánh hoạt động hoằng hóa của một vị Phật như trong video clip ông giới thiệu với tôi.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vậy, thì tại sao ông không tán thành việc thể hiện hình tượng Đức Phật trên sân khấu quần chúng?

MINH THẠNH: Thể hiện hình tượng các vĩ nhân bằng sân khấu và điện ảnh là một điều rất phức tạp, không cứ muốn dàn dựng thì cứ việc mà dàn dựng đâu.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng người ta vẫn dàn dựng đó chứ. Tôi thấy có nhiều bộ phim, nhiều vở diễn sân khấu ở nhà thờ có hình tượng nhân vật Chúa Giê su.

MINH THẠNH: Ở đây cần phân biệt những tiểu phẩm sân khấu hóa và vở diễn sân khấu. Hình tượng Chùa Giê su trên sân khấu mà ông thấy ở nhà thờ đó là hình tượng nhân vật sân khấu hóa, không có tính cách, chỉ xuất hiện như một nhân vật hình thức, minh họa, như kiểu bên Phật ta có người đóng vai Bồ tát Quan Âm trong các cuộc lễ.

Còn nhân vật Chùa Giê su như hình tượng nghệ thuật trên màn ảnh, trên sân khấu thì hết sức phức tạp. Nhiều vở diễn, đặc biệt là nhiều bộ phim truyện, đã bị Tòa thánh Vatican chỉ trích mạnh mẽ, quyết liệt, tạo áp lực cấm lưu hành. Tôi có nhớ tên một bộ phim như vậy là “Jesus Christ is a super star”, vì người dịch lúc đó dịch rất ấn tượng “Giê su Ki tô là một siêu minh tinh”!

Cho nên, ở phương Tây bây giờ, xây dựng hình tượng nghệ thuật Giê su bằng tác phẩm sân khấu, điện ảnh là điều khó. Đơn giản, đưa một nhân vật được thờ phượng lên sàn diễn, màn bạc thì sẽ bị soi ở mức tối đa. Còn đạo diễn, tác giả kịch bản trong sáng tạo thì luôn có những ý tưởng riêng. Điều này tạo nên mâu thuẫn lớn cho hoạt động sáng tạo và lưu hành tác phẩm nghệ thuật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Còn trên sân  khấu, phim truyện, vẫn có hình tượng Lê-nin, Hồ Chí Minh.

MINH THẠNH: Ông có biết những tác phẩm đó được dàn dựng thận trọng, sửa chữa kỹ càng, xét duyệt nghiêm ngặt đến mức nào không. Ở nước ta, những tác phẩm sân khấu điện ảnh có hình tượng Hồ Chí Minh, người xét duyệt chính là Tổng Bí thư đó.

Nhưng ông thấy có vở diễn sân khấu quần chúng nào xây dựng hình tượng những nhân vật đó?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có lẽ là không. Ý ông nói với đạo Phật cũng nên như thế?

MINH THẠNH: Đúng vậy. Vì sân khấu quần chúng có chất lượng nghệ thuật thấp, nên việc xây dựng hình tượng nhân vật các vĩ nhân không tránh khỏi khiếm khuyết. Đưa hình tượng Đức Phật lên sân khấu quần chúng là điều dễ dãi.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Giới làm nghệ thuật Phật giáo có nghĩ như ông không?

MINH THẠNH: Ở Phật giáo, ít có sân khấu quần chúng có kịch bản đối thoại, nên video clip mà ông gửi tôi xem có người thủ vai Đức Phật diễn xuất, đối đáp, tạm gọi là một vở diễn sân khấu quần chúng hiếm hoi mà tôi được xem.

Nhưng có điều đáng ghi nhận là làm phim chuyên nghiệp với nhân vật chính là Đức Phật, người ta cũng hết sức thận trọng. Một số nhà hoạt động Phật giáo Đài Loan, Thái Lan, qua một số ý kiến tôi đọc được, muốn thấy hình tượng Đức Phật được dàn dựng cho khán giả thiếu nhi là phim hoạt hình loại phim vẽ, không nên là phim do người thật đóng.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Chỉ là phim hoạt hình loại phim vẽ là sao? Xin ông giải thích?

MINH THẠNH: Phim hình ảnh có nhiều loại: phim vẽ (hoạt họa), phim cắt giấy, phim búp bê… Nói vậy nghĩa là không thể hiện hình tượng Đức Phật bằng búp bê.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Còn ở nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp thì được? Còn điện ảnh thì ắt  là chỉ có chuyên nghiệp mà thôi?

MINH THẠNH: Không, bây giờ với sự phổ biến của camera, phần mềm dựng phim có điện ảnh quần chúng, điện ảnh nghiệp dư xây dựng hình tượng Đức Phật trên sân khấu điện ảnh nghiệp dư, quần chúng thì có vẻ như tạo sự sinh động, phổ biến, nhưng điều không có lợi cũng rất lớn.

Còn với nghệ thuật điện ảnh, sân khấu chuyên nghiệp, thì theo tôi, cái thiêng liêng là cao hơn nghệ thuật, vì vậy không nên khuyến khích đưa nhân vật được thờ phượng lên sàn diễn, màn bạc. Đã dựng nên tác phẩm sân khấu hoặc đã quay thành phim thì nên được giáo phẩm Phật giáo Việt Nam xét duyệt cẩn thận.

(1) Trên facebook liên quan, khi viết bài này xong thì tôi không tìm được video clip này nữa.