Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Chàng họa sĩ và khát vọng “tô hạnh phúc, vẽ bình yên”

Chàng họa sĩ và khát vọng “tô hạnh phúc, vẽ bình yên”

274

Quyết định từ bỏ tất cả để bắt đầu lại từ con số 0, họa sĩ minh họa Quang Huy (nghệ danh là Brain Huy, sống tại TP. HCM) đã tự “chữa lành bản thân” bằng những tác phẩm hội họa về Bụt.


Đi tìm câu trả lời cho bản thân

Họa sĩ minh họa Brain Huy bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa của mình ngay từ khi còn nhỏ. Đến cuối những năm THPT, Huy đã tạm gác lại đam mê này để theo học ngành thời trang. Huy từng có thời gian dài làm việc trong ngành quảng cáo nhưng anh lại cảm thấy mình không phù hợp với công việc này. Nhận thấy bản thân đang bị cuốn vào những mối quan hệ “không tốt”, Huy quyết định từ bỏ tất cả để thanh lọc lại tâm hồn mình.

Bức tranh “Ngủ ngon” của Brain Huy. (Ảnh: NVCC)

Anh bắt đầu học lại hội họa song song với việc nghiên cứu về Phật giáo như một cách “chữa lành” bản thân. Anh thể hiện tâm thái đó qua nét vẽ các vị Bụt và nó đã giúp Huy tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

Brain Huy thổ lộ: “Những kiến thức về Phật giáo đến với mình một cách tự nhiên, mình cứ đọc để hiểu nhiều nhất có thể, khi cảm xúc đến là mình bắt tay vào vẽ. Quá trình rèn luyện kỹ năng vẽ cộng với sự thu nạp kiến thức mỗi ngày sẽ làm cho sự “chữa lành” và năng lượng trong mỗi tác phẩm ngày càng mạnh mẽ”.

Đến nay, Huy đã theo đuổi việc vẽ tranh về Bụt được ba năm. Phong cách mà Huy hướng đến là sự pha trộn giữa nét vẽ trẻ thơ cùng một chút chính thống vì anh muốn các tác phẩm của mình kết nối được với nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ. Thông qua những bức tranh này, Huy mong muốn sẽ đem đến sự bình an, sự vỗ về cho những người từng vấp ngã như anh.

Mong muốn đem đến sự bình an cho mọi người

Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, đã có lúc Huy gần như “rơi” vào trạng thái trầm cảm. Sau khi bắt đầu hành trình tự “chữa lành” bản thân bằng những nét vẽ về Bụt, anh dần suy nghĩ tích cực hơn và có niềm tin tuyệt đối vào những điều tốt đẹp. Đối với Huy, việc vẽ tranh về Bụt không chỉ là công việc mà còn là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Bên cạnh vẽ tranh, anh còn thực hành về Bụt để có cái nhìn sâu hơn vào nội tâm của mình.

Theo Huy, một tác phẩm có sức mạnh “chữa lành” phụ thuộc vào nhân duyên với một vị mà họ yêu kính và tác phẩm đó phải mang đến năng lượng bình an cho mọi người. Huy khẳng định, việc vẽ tranh về yếu tố tâm linh yêu cầu người nghệ sĩ phải có thái độ nghiêm túc và tâm hồn thuần khiết.

Tác phẩm ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát do Huy vẽ.

Đối với Huy, việc vẽ Bụt, vẽ Chúa hay các vị Thánh đều có sức mạnh “chữa lành” những “vết thương tâm hồn”, miễn đó là những hình ảnh đẹp và mang lại niềm vui, sự bình yên cho mình. Hành trình vẽ tranh về Bụt của Huy đơn giản nhưng luôn tràn đầy màu sắc. Khi sáng tác, anh thường không cố ý “cài” thông điệp mà tận hưởng cảm giác bình yên khi được vẽ. Anh bày tỏ: “Chỉ cần vẽ với mong muốn đem đến hạnh phúc, an yên cho người xem là đủ. Càng nhiều người yêu quý tranh thì năng lượng yêu thương trong tranh càng trở nên mạnh mẽ”.

Khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn, Huy sẽ thực hiện triển lãm tranh về Bụt mà anh đã ấp ủ từ lâu.

Hiện tại, anh vẫn đang tiếp tục theo đuổi dòng tranh Bụt và không ngừng tìm hiểu để các tác phẩm của mình đa dạng hơn, mang âm hưởng nhiều nền văn hoá khác nhau như: Văn hóa Nepal (tranh Thangka), văn hóa Nhật – Hàn – Trung. Ngoài ra, Huy cũng rất thích dòng tranh cổ truyền Hàng Trống, tranh Đông Hồ ở miền Bắc cũng như tranh gương của miền Nam (Việt Nam).