Trang chủ Diễn đàn Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật...

Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật

128

Đó là việc tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật. Nếu đây là một thử nghiệm sáng tạo, có giá trị, có kết quả, thì đề nghị được thuyết giải, minh chứng, trình bày rõ quan điểm, căn cứ để thực hiện.

Còn nếu ngược lại, nếu đây chỉ là một việc làm ngẫu hứng, tự phát, tùy tiện, tùy hứng, thì bài viết này là tiếng nói để bảo vệ sự chính xác, trong sáng của kinh Phật.

Chúng tôi chất vấn việc đổi tên nhân vật qua một trường hợp cụ thể, tên “Angulimala” trong bài “Kinh chuyển hóa nghiệp chướng” (sách đã dẫn, trang 227). Trong trường hợp này, tên nhân vật Angulimala được tự ý thay đổi thành “tên khủng bố Vòng Hoa Tay Người”, chính xác là giới hạn trong cụm từ viết hoa “Vòng Hoa Tay Người”.

Trước đây, do nhược điểm phải đọc Đại tạng kinh qua Hán Văn, nên cách dùng tên người, phiên âm tên người, phải chịu sự khúc xạ của chữ Hán, xa rời nguyên bản. Ngày nay do việc tiếp xúc trực tiếp với các kinh tiếng Pali, thì các danh từ riêng, đặc biệt là tên người, xuất phát từ kinh Pali, được giữ nguyên dạng chữ viết La tinh tiếng Pali hay phiên âm La tinh với gần như nguyên dạng Pali. Việc làm này rõ ràng đã đưa người đọc kinh đến với kinh Phật ở mức chính xác cao nhất so với lời từ kim khẩu Đức Phật. Đây là môt thành tựu lớn trong việc dịch kinh Phật, giúp những danh từ riêng giữ được cách phát âm gần như trong nguyên bản kinh Phật.

Thế nhưng, trong “Kinh Phật cho người tại gia”, một bản kinh soạn dịch để đọc tụng hàng ngày, thì lại có việc đi ngược lại với thành tựu nói trên. “Kinh chuyển hóa nghiệp chướng” trong phần “phụ lục 1 xuất xứ các bài kinh” có chú thích “nguyên tác là kinh Angulimala, thuộc kinh Trung bộ thứ 86” (trang 886, sách dẫn trên). Như vậy là đã có việc đổi tên tựa đề kinh, đổi từ một danh từ riêng (Angulimala) sang một cụm từ (chuyển hóa nghiệp chướng).

Xin hỏi thượng tọa soạn dịch, tại sao phải làm như vậy, mà không giữ nguyên tác căn bản khi xử lý dịch thuật, biên tập, xuất bản kinh Phật là tôn trọng nghiêm nhặt nguyên tác, bảo tồn sự chính xác tuyệt đối kinh Phật? Tiêu chí nào là căn cứ cho việc đổi tựa đề kinh, làm người đọc tất nhiên rối rắm, lúng túng khi tra cứu.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là đổi tên nhân vật Angulimala thành Vòng Hoa Tay Người, và dùng kèm với một từ rất hiện đại là “khủng bố”.

Câu chất vấn được đặt ra ở đây là liệu đã có việc hiện đại hóa nhân vật đi xa khỏi kinh Phật hay không?

Chẳng rõ người soạn dịch hiểu từ “khủng bố” ra sao, nhưng đây là một khái niệm hiện đại.

Quyển sách có định nghĩa từ khủng bố được dịch ra tiếng Việt mới đây, quyển “Thập niên tiếp theo đế quốc và nền cộng hòa trong một thế giới đang thay đổi”, tác giả George Friedman, nhà xuất bản, Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2014 đã giải thích rõ khái niệm khủng bố như sau: “khủng bố là một hành động bạo lực mà mục đích căn bản của nó là gây ra nỗi khiếp sợ và qua đó đạt được mục tiêu chính trị”.

Tiêu chí để xác định khủng bố đó là mục tiêu chính trị, mục tiêu cao nhất của hành động. Tác giả George Friedman đã minh họa rất rõ (trang 115): “Vụ đánh bom London của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai là một trường hợp tấn công khủng bố, trong đó mục tiêu không phải là vô hiệu hóa khả năng tiến hành chiến tranh của Anh, mà là tạo ra một bầu không khí chính trị và tâm lý có thể chia rẽ công chúng và chính phủ, đồng thời buộc chính phủ phải ngồi vào bàn đàm phán. Hành động khủng bố của Palextin trong hai thập niên 1970 và 1980, từ âm mưu ám sát đến cưỡng đoạt máy bay, nhằm mục đích thu hút sự chú ý vào sự nghiệp của họ và tối đa hóa sự hiện diện của sức mạnh Palextin. Như tôi đã ra sức chứng minh, hành động khủng bố của Al Qaeda cũng nhằm mục tiêu chính trị. Vấn đề thật đơn giản: so với các nhiệm vụ chiến lược khác, nhiệm vụ chấm dứt khủng bố và hậu quả của nó cần nỗ lực ở mức nào?

Chính sách khủng bố thông thường được thực hiện thay cho hành động hiệu quả hơn. Nếu người Đức có khả năng hủy diệt hải quân Anh hay người Palextin có thể hủy diệt quân đội Ixraen, thì chắc chắn họ đã làm như vậy. Đó sẽ là một lộ trình trực tiếp và hiệu quả hơn hướng tới mục tiêu của họ. Chính sách khủng bố bắt nguồn từ sự yếu kém, đánh vào tâm lý để khiến kẻ khủng bố có vẻ mạnh mẽ hơn bản chất thực tế. Mục đích của kẻ khủng bố là muốn được coi là mối đe dọa lớn trong khi thực tế thì không phải như vậy. Đúng như hàm ý của từ “khủng bố”, kẻ khủng bố đang tạo ra một trạng thái tâm lý. Mục tiêu sau cùng của kẻ khủng bố là muốn được coi là một mối đe dọa kinh hoàng, bằng cách đó sẽ gây dựng nền tảng cho tiến trình chính trị mà kẻ khủng bố muốn khởi xướng. Một số [đối tượng khủng bố] chỉ muốn được coi là quan trọng. Al Qaeda muốn thuyết phục thế giới Hồi giáo hiểu rằng lực lượng của mình mạnh đến mức đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực nhất trong tâm trí của người Mỹ”.

Như vậy, cách hiểu. cách dùng từ khủng bố đã rất xa với Angulimala, một kẻ cướp dùng bạo lực, không phải là một người làm chính trị bằng cách gây sợ hãi.

Đọc từ “khủng bố” trong “Kinh Phật cho người tại gia”, Kinh “Chuyển hóa nghiệp chướng”, tôi cứ nghĩ là có một bản kinh mới về Angulimala, trong đó, Angulimala làm… chính trị (!).

Nhưng điều đáng nói hơn là việc đổi tên Angulimala ra thành “Vòng Hoa Tay Người”. Căn cứ vào đâu để chọn một cái tên như thế mà đổi. “Vòng Hoa Tay Người” nếu tách riêng ra khỏi ngữ cảnh thì đây là một hình ảnh đẹp, tay người kết thành một vòng hoa, như trong các điệu múa.

Rồi tại sao là vứt đi danh từ riêng Angulimala ghi rõ trong kinh Phật? Lý do để loại bỏ từ này và thay bằng một cụm từ hình tượng nhưng tùy tiện, ngẫu hứng, tự tạo, tự chế.

Cũng theo cái cách ngẫu hứng, tùy tiện, thì sau này ai đó soạn dịch kinh Phật sẽ đổi tên thành “Xâu Chuỗi Tay Người”, “Đeo Dây Tay Người”, “Tràng Hoa Tay Người”, v.v…, đủ kiểu cũng được vậy?

Một câu hỏi chất vấn nữa, là người soạn dịch có phải không chỉ đổi tên nhân vật, mà muốn đưa ra một phương pháp, một cách thức tạo hình tên mới: Nếu như vậy thì kinh Phật sẽ rơi vào tình trạng biến dạng vô cùng vô tận, không còn sự chính xác.

Trong dịch thuật, danh từ riêng là yếu tố cần được cố định triệt để. Trong tổ chức biên soạn, danh từ riêng là yếu tố cần tôn trọng tối đa. Nếu không, Nguyễn Du có thể bị đổi sang tên (viết hoa) “Người Viết Truyện Thơ”, “Tài Hoa Sáng Tác”, “Vòng Hoa Văn Học”…, tùy ý.

Tôn trọng sự chính xác trong kinh Phật dịch thuật đã là một yêu cầu rất cao. Huống nữa đây là một bộ Kinh tụng, để tụng đọc hàng ngày. Kinh văn của Phật là thiêng liêng, theo tôi không ai có quyền muốn sửa là sửa theo ý mình, dù là làm cho hoa lá, màu mè, đọc nghe kêu tai, gợi hình.

Mong rằng thượng tọa trả lời chất vấn này. Có thể, vì một lý do riêng nào đó, theo một phương pháp riêng nào đó, từ đó có thể sửa đổi kinh Phật như vậy, mà người đọc chưa được biết, qua trả lời chất vấn sẽ được làm sáng tỏ.

Còn nếu không, cũng xin giải quyết vấn đề với tinh thần hộ pháp, bảo trọng, giữ gìn sự tuyệt đối chính xác của pháp bảo, sớm đính chính, phục hồi tên các nhân vật đã đổi về lại nguyên bản Kinh Phật trong lần tái bản gần nhất.

MT