Trang chủ Đời sống Chiếc hộp đen, nỗi sợ hãi và lương tri…

Chiếc hộp đen, nỗi sợ hãi và lương tri…

93

Đời người như đám mây trôi”. Đó là tên một bài hát… Nhưng sao nó đúng vậy… Các ông với cây bút, cặp vẽ, cả cây súng nữa, tung hoành ngang dọc, trong nam ngoài bắc, chân trời góc bể… Sống đến giọt cuối cùng của tình người… Thế rồi bỗng nhiên ra đi, tựa lông hồng…


Mỗi lần lên Hội Mỹ thuật nhận tạp chí mới, lần giở trang cuối cùng. Thấy trong khung đen khi thì 1, 2, khi thì 5, 6 đồng nghiệp từ bỏ cõi thế… Có thể lúc bình thời chưa từng gặp mặt, chưa từng trò chuyện, nắm tay… Nhưng giời đã cho chiến đấu trên cùng một trận tuyến hội họa thì ngẫu nhiên đã phải có duyên với nhau rồi…


Lại có trường hợp, trong trà dư tửu hậu, hỏi ra mới biết đồng nghiệp đã “đi” từ bao giờ! Các ông ra đi lặng lẽ, không ồn ào như chính bản chất các ông và bản chất nghề nghiệp của chúng ta. Có thể đó chỉ là ý nghĩ của riêng tôi, vì tôi thấy nghề Họa mà gióng trống khua chiêng, thanh la, não bạt phèng phèng hoặc uốn éo làm duyên làm dáng, hoặc trang điểm phấn son hoặc giả bộ ngây thơ… hoặc hùng hùng hổ hổ… nghe nó kệch cỡm làm sao! Các bậc tiền bối oai hùng của chúng ta không hề như thế.


Tôi đã dự, đã nghe kể về bao nhiêu lễ đưa tiễn các ông. Có đám lặng lẽ, chân tình làm xúc động bao con tim của lớp hậu thế chúng tôi cho dù chúng tôi không được đưa tiễn ông, bằng câu nói bông đùa rất “nghệ”: “Hãy khoét 2 cái lỗ ở quan tài, thả 2 tay tôi ra để nhân dân thấy khi “đi” tôi không mang theo gì”.


Có đám đông như chảy hội của một vị nguyên là Họa sỹ, giảng viên một trường Đại học Mỹ thuật, học trò và người thân như nêm cối. Có họa sỹ lão thành thọ ngoài 90 tuổi, suốt đời ngao du, hài hước, coi đời như một tấn tuồng. Sau lần đột quỵ, tỉnh dậy, ông hỏi: “Ta ở đâu thế này?” Người nhà bảo: “Cụ đang cấp cứu ở bệnh viện”. Ông bảo: “Thế ta còn sống à? Thế thì tập họp tất cả mọi người lại đây”.


Khi mọi người tề tựu đông đủ, điểm qua một lượt, thế là họa sỹ thanh thản ra đi như một vị thánh. Có họa sỹ lúc sinh thời làm binh nghiệp, lúc ra đi được cả trung đội lính bồng súng lắp lê sáng lòa túc trực bên linh cữu. Có họa sỹ vốn thường hay vẽ đề tài bộ đội, tính tình lại hài hước.


Khi an táng tại nghĩa trang, tình cờ thế nào các ngôi mộ quanh ông lại toàn là lính, sát cạnh ông là mộ một danh hài. Tôi nghĩ, đêm xuống chắc hẳn nơi này vui lắm. Bạn tôi, nhà thơ, nhà phê bình mỹ thuật Triều Dương thì lại nhận xét về cái chết rất tỉnh bằng bài thơ sau:


Phút cận kề cái chết
Thấy đời là vô thường
Lợi quyền là vô nghĩa
Danh vọng là tai ương
Vừa bước qua Cõi chết
Về lại giữa Đời thường
Lại đắm vào Danh lợi
Lại chìm vào Tai ương
…”


Dường như.. Cõi đời rất công bằng, cho dù nó rất mênh mông. Lúc ngồi chờ trên ghế đá của các cuộc tiễn đưa. Tôi được nghe bao nhiêu là bình luận, là tâm sự của người sống với người chết… Công, tội đủ cả! Và rất Sòng phẳng.


Tôi choáng váng, bất ngờ đến sửng sốt vì sự tinh nhạy và công bằng của dư luận. Họ nói: “Có anh thoạt nhìn giống như một cao sỹ, khinh bạc, tự giễu mình… Nhưng điểm lại chả có miếng nào anh bỏ, từ phân nhà đến các giải thưởng. Có anh nổi tiếng là nhà phê bình nghệ thuật số 1 mặc dù rất sáo rỗng vì hay dùng mỹ từ pháp, uốn éo, lập lờ. Có anh… Nhưng thôi! Người đã chết rồi, chỉ nên kể công tích chứ không nên kể khuyết điểm, vả lại, mấy chục năm ở đời ai chả có khuyết điểm!


Người ngồi cạnh tôi nói: “Dào ôi! Chết là hết! Chết xong là xong! Có đông, có vắng, có khen, có chê cũng chả để làm gì. Điều đó có vẻ vô lý khi Tần Thủy Hoàng đế 2000 năm trước cất công cho người lặn lội đi tìm thuốc Trường Sinh Bất Tử khắp chân trời góc bể để khỏi chết!


Gần đây đọc báo Khoa học và Tổ quốc thấy có bài “Vì chất lượng cuộc sống”. Trong đó, đại để tác giả khuyên ta nên sống sao cho hữu ích quãng thời gian có mặt trên đời! Được hỏi thế nào là hữu ích? Có người bảo: “Được làm những gì cho người khác thích”. Người thì bảo: “Được làm những gì mình thích”. Người khác bảo: “Muốn cuộc sống có chất lượng phải có 2 thứ: Sức khỏe và tiền”…


Tôi cũng đọc được ở Văn hóa Phật Giáo có bài nói: “Đời người giống như một cuốn phim quay chậm. Tất cả được ghi vào một chiếc hộp đen (như hộp đen gài trên máy bay). Phút lâm chung, bộn bề những kỷ niệm vui buồn sướng khổ, ân oán giang hồ… đều trôi qua rất nhanh kể cả những điều tưởng đã chôn vùi từ lâu trong quá khứ. Khi hết phim, người chết sẽ trôi vào một đường hầm dài như bất tận, hết đường hầm là đến bờ sông có 1 cây cầu ngập trong sương mù…


Tôi chợt nghĩ, giá chúng ta được xem cuốn phim đó, nhưng đừng chết vội, khi sống lại chắc sẽ sống “hay” hơn, một số người sẽ đỡ “diễn” hơn. Thời nay nhiều “diễn viên” quá! Cơ quan tôi có ông, lúc nào cũng đạo mạo, mô phạm, không bao giờ bộc lộ chính kiến, không bao giờ mất lòng ai, nói một câu nghĩ nửa ngày. Rõ là chính nhân quân tử.


Mấy chục năm trời, không tiêu chuẩn đãi ngộ nào ông bỏ qua, không quyền lợi nào ông không đoạt, được phân nhà mấy lần, con cái vào cơ quan ông hết… Tóm lại là chả miếng nào ông đớp trượt.


Thế rồi như ngàn vạn người, đến tuổi ông vẫn phải về hưu. Chỉ có 2 điều mới xảy ra: Một là sau khi về hưu không ai chơi với ông nữa. Nhà ông lạnh như nhà mồ. Hai là tính tình ông thay đổi hẳn, ăn nói chả giữ gìn gì nữa, lúc vui chuyện ông còn khoe bao nhiêu là kỳ tích lăng nhăng bậy bạ xa xưa. Tôi tỏ ý ngạc nhiên. Ông bảo: “Bây giờ giữ gìn cũng chả để làm gì, gặt hái hết rồi. Còn mấy năm nữa sống thật lòng cho thoải mái, cho sướng, đúng con người mình…”.


Thế ra, cả đời ông chỉ đóng kịch. Người như ông, ngày nay hầu như ở đâu ta cũng gặp. Khi tôi đưa ông bài báo về chiếc hộp đen. Lần đầu tiên tôi thấy ông tái mặt biểu lộ sự sợ hãi.


Thì ra, đối diện với chiếc hộp đen, đối diện với lương tâm, trước giờ khai tử, những ai còn chút lương tri đều sợ hãi, và chả nhẽ, còn lại những người… không có lương tri?


Đứng trước cái Chết. Mọi âm mưu toan tính Lợi Danh, mọi vai diễn đều trở nên vô nghĩa. Cũng giống như sự hiểu biết. Càng đọc nhiều, càng thấy mình hiểu biết rất hạn hẹp. Thôi thì tặc lưỡi, coi đây như chút ít tâm tình, suy nghĩ viển vông giãi bày cùng bằng hữu, có gì thất thố thì cũng đại xá cho.