Trang chủ PGVN GHPGVN Diễn văn chào mừng kỷ niệm 25 năm GHPGVN của Hòa thượng...

Diễn văn chào mừng kỷ niệm 25 năm GHPGVN của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN

169

Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm


Kính thưa chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Quý vị Phật tử


Kính thưa chư liệt vị


Hôm nay, ngày 7-11-2006, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hân hoan đón mừng lễ kỷ niệm một sự kiện trọng đại cách đây đúng 25 năm, đó là việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đất nước được hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là một kết quả đương nhiên của ý chí thống nhất của nhân dân và đặc biệt là nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.


Trước những khó khăn của đất nước sau cuộc đấu tranh lâu dài bền bỉ của dân tộc chống lại thực dân, đế quốc, Giáo hội đã dần ổn định để rồi phát triển không ngừng theo với sự phát triển của đất nước. Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển của Giáo hội, chúng ta thấy có 4 đặc điểm nổi bật: Một là Giáo hội đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hòa hiệp Tăng già, tập hợp được khối Tăng Ni, Phật tử một lòng vì hạnh phúc của số đông. Hai là Giáo hội luôn theo đúng phương châm “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, tích cực tham gia mọi hoạt động vì nước vì dân, được Nhà nước ủng hộ và luôn luôn ủng hộ chủ trương ích quốc lợi dân của Nhà nước. Ba là Giáo hội đã thu đạt được những thành quả to lớn, xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam và góp phần xây dựng đất nước. Bốn là Giáo hội kiên trì, nhẫn nại trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương của mình và tìm mọi cách để phá tan những mưu toan, những vu khống của các thế lực và phần tử xấu; nỗ lực kêu gọi sự đoàn kết, hợp lực của tất cả những cá nhân, đoàn thể, tổ chức vì đạo Phật, vì đất nước và nhân dân.


Sở dĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nổi bật với 4 đặc điểm trên là do Giáo hội đã thấy đúng con đường lý tưởng của Phật giáo, thấy đúng hoàn cảnh, nhân duyên; nói khác đi, chúng ta có Chánh kiến. Chánh kiến là thấy đúng Tứ đế, Chánh kiến lại là chi phần đầu của Bát chánh đạo tiến đến giải thoát, Niết bàn. Trong phẩm Chủng tử của Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật có dạy: “Với người có Chánh kiến, này các Tỳ kheo, các pháp thiện chưa sanh khởi được sanh khởi và các pháp thiện đã sanh khởi được tăng trưởng, quảng đại”. Ngài còn dạy: “Người có Chánh kiến làm cho đông người xa lìa phi pháp, an trú diệu pháp. Chính người này, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời đưa đến hạnh phúc cho số đông, an lạc cho số đông, lợi ích cho số đông, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người”.


Trong kinh Đại Câu Hy La của Trung A Hàm, Tôn giả Xá Lợi Phất có hỏi Tôn giả Đại Câu Hy La về nhân, về duyên sinh ra Chánh kiến. Tôn giả Đại Câu Hy La đáp: “Có hai nhân, có hai duyên sanh ra Chánh kiến. Những gì là hai? Một là nghe từ người khác, hai là nội tâm tư duy”. Chúng ta cần học hỏi, cần nghe theo các bậc cao minh, thậm chí còn nghe cả dư luận, cả những phê phán. Kế đến, chúng ta phải tư duy trong nội tâm, chín chắn, sáng tạo, đúng hợp với chân lý và phù hợp với thực tế. Trong tinh thần đó, chúng ta vững vàng đón nhận những góp ý xây dựng, tỉnh táo trước những chê bai, thậm chí những vu khống, cũng như quyết tâm sửa đổi những thiếu sót trong khi làm Phật sự. Giáo hội chỉ mong sự thật được sáng tỏ chứ không muốn tranh cãi, phân biệt thị phi giữa các cực đoan. Đó cũng là ý nghĩa Trung đạo của Chánh kiến.


Chúng ta phân biệt rõ hữu tránh của phàm phu và vô tránh của bậc Thánh. Hữu tránh là có tranh chấp, mong cầu dục lạc hoặc mong cầu khổ hạnh, là chê bai, phân biệt thị phi, tất cả đưa đến khổ, phiền muộn, nhiệt não, ưu sầu. Vô tránh là Trung đạo, không tranh chấp thị phi, là sự tác thành nhãn, tác thành trí tự tại, thành định đưa đến tuệ, đưa đến Giác ngộ và Niết bàn.


Các Phật sự và những thành tựu trong 25 năm qua của Giáo hội khiến chúng ta có thể an tâm vì Giáo hội đã thấy đúng và làm đúng. Hiện nay, gần 40.000 Tăng Ni với hơn 15.000 tự viện, tịnh xá, tịnh thất trên cả nước cùng với quần chúng Phật tử đang chung sức xây dựng và phát triển đạo Phật, tham gia các mặt hoạt động của đất nước. Giáo hội đang hợp tác hữu nghị với nhiều tổ chức Phật giáo bạn trên trường quốc tế, đóng góp việc truyền bá Chánh pháp, xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới. Giáo hội đã đẩy mạnh hoạt động của ngành giáo dục Tăng Ni với 3 Học viện Phật giáo và đang tiến hành xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, 30 trường trung cấp Phật học, nhiều trường tạm thời quản lý các lớp cao đẳng trong khi chờ đợi việc mở trường cao đẳng Phật học; đó là chưa kể các lớp sơ cấp Phật học được mở càng lúc càng nhiều ở các thành phố, quận huyện trên cả nước. Ngành hoằng pháp được mở rộng, các khóa đào tạo, bồi dưỡng giảng sư vẫn được tổ chức đều đặn, để từ đó Phật sự hoằng pháp được thể hiện khá đều đặn tại các tự viện, thậm chí ở các tự viện, niệm Phật đường ở vùng sâu, vùng xa. Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam không ngừng tăng cường và mở rộng Phật sự nghiên cứu giáo lý, lịch sử, văn học nghệ thuật Phật giáo và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm mang tính khoa học được sự tham gia của giới trí thức, các chuyên gia, các nhà Phật học, khoa học, xã hội… Ban Từ thiện xã hội hàng năm vẫn quyên góp cả trăm tỷ đồng để thực hiện công tác cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế, nhà tình thương, nhà dưỡng lão… Bộ Đại tạng kinh Việt Nam đầu tiên đang được thực hiện, đến nay đã gần được 40 tập. Đồng thời, gần một trăm đầu kinh sách Phật giáo được in ấn phát hành hàng năm, cộng với các tạp chí, nội san, đặc san Phật giáo thường xuyên đến tay độc giả trong và ngoài nước.


Đây chỉ nêu những nét cơ bản minh họa phần nào những nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các ban ngành viện, tùy theo hoàn cảnh đều đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Đứng về mặt Giáo hội mà nói, nền tảng của Giáo hội chính là nhân dân, đặc biệt là toàn bộ quần chúng Tăng Ni, Phật tử. Các cơ sở Giáo hội khởi từ các chùa làng, đến các Ban Đại diện quận huyện Phật giáo, các Ban Trị sự tỉnh thành hội, tạo sự ổn định và phát triển của Trung ương Giáo hội, từ đó mọi Phật sự được tiến hành tốt đẹp.


Nhân ngày kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội, người con Phật lại một lần nữa un đúc quyết tâm tu tập, thực hiện lý tưởng Phật giáo. Trước hết là phải làm chủ tâm mình, khiến tâm thanh tịnh, không chao đảo trước khó khăn, không buông trôi theo dục lạc, danh lợi, thị phi… Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, Đa văn Thánh đệ tử không để tâm dẫn đi, không để tâm nhiễm trước, không để tâm tự tác. Đa văn Thánh đệ tử không đi theo tâm và khiến tâm đi theo Đa văn Thánh đệ tử”. Lại nữa, Tăng Ni luôn luôn ghi nhớ lời Phật dạy: “Sa môn, Phạm chí, bậc Thánh, bậc Tịnh dục là những vị xa lìa, dứt trừ, gội rửa sạch các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế gốc rễ của hữu trong tương lai, là sự phiền não, là mầm của khổ báo, của sanh, lão, bệnh, tử”.


Tâm hoan hỷ, thanh thản; tâm hiền từ, nhẫn nại; tâm tự tín, thành tín Tam bảo; tâm vì đạo, vì đời sẽ khiến chúng ta tinh tấn, nỗ lực hoàn thành mọi Phật sự của chúng ta.


Ngưỡng cầu Tam bảo gia hộ cho đất nước, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho chư liệt vị và cho toàn thể chúng sinh.


Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật