Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Diệu Pháp Âm

Diệu Pháp Âm

138

"Ố trược ứ nê trần bất nhiễm
Liên chủng ô đàm khí dũ hương
"

Chỉ với hai câu thơ mà các bậc Cổ đức đã diễn tả đầy đủ thể tính của Hoa sen – gần bùn mà không bị nhiễm ô, không bị hệ lụy. Vươn lên khỏi mặt nước và tỏa ngát hương thơm là biểu hiện sự giác ngộ – giải thoát của Phật Giáo. Đó cũng chính là lời ngợi ca, tán thán về Diệu Pháp Liên Hoa – một bản kinh nổi tiếng của Phật Giáo Đại Thừa. Âm thanh mầu nhiệm và vi diệu của giáo lý Phật Đà không thể nghĩ bàn, chẳng thể so sánh của Chính Pháp – Phật Pháp.

Nhưng có những âm thanh có sức mạnh  nói lên cái không nói được, tả cái không tả được để chúng ta cảm nhận và chỉ để cảm nhận với tất cả trí tuệ và tâm hồn. Trong tuần lễ kỷ niệm Ngàn Năm Phật Giáo – Thăng Long, đã diễn ra đêm nhạc giao hưởng  "Diệu Pháp Âm" được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Đêm nhạc gồm ba tác phẩm của nhạc sĩ, nhạc trưởng –  Phật Tử Đỗ Dũng (Pháp danh Chính Hải). Mở đầu bằng bản Cantate – viết cho đơn ca, hợp ca, đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng đã đưa thính giả đến với "một chương trình Trời đất điểm lưu".

Những tiếng kèn hiệu triệu của dàn quân nhạc mở đầu Chương I "Việt Nam linh khí" như thức tỉnh tâm thức của mỗi chúng ta hướng về cội nguồn, điểm lại những mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam –  một Thăng Long – Hà Nội linh thiêng bất diệt.

Với tiêu đề "Vượng cát Thăng Long phù vân Thiên hóa", Chương II thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời bầy tỏ sự trân trọng truyền thống Ngàn năm Phật giáo Thăng Long – Hà Nội của người dân đất Việt.

Chương III "Hồn Tổ quốc trường sinh" được dàn nhạc trình tấu ở tốc độ nhanh với tính chất sôi động biểu hiện sức sống mãnh liệt của Hà Nội. Thủ đô bừng sáng, người Tràng An đắm mình trong hào khí Ngàn Năm Phật Giáo Thăng Long. Dàn đại hợp xướng nam nữ với âm thanh đồ sộ, oai hùng, một lần nữa ngợi ca Hà Nội, ngợi ca lịch sử trường kỳ của dân tộc và ngợi ca truyền thống Phật Giáo Ngàn Năm Thăng Long. Niềm tự hào vang xa khắp tinh cầu chính là bản trường ca bất hủ trên con đường dài phụng sự Đạo Pháp và dân tộc.

Điểm đặc biệt ở tác phẩm này, ngoài sự hòa quyện giữa nhạc và lời trong âm nhạc còn có sự kết hợp độc đáo giữa nhạc – lời và giọng đọc thơ, sáng tác của Phật tử Ngô Minh Thơm (Pháp danh Tâm Xuân).

Bản Concerto "Sinh tử luân hồi" dành cho piano và dàn nhạc do nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên trình tấu như sự lắng đọng của chiều sâu tâm hồn đưa chúng ta vào cõi vô thường của thân phận con người. Sau những giây phút suy tưởng – những tiếng chuông, tiếng trống phỏng theo bộ gõ mà tác giả đã nghe ở các chùa Mật Tạng phá vỡ sự yên tĩnh. Giai điệu với tiết tấu dồn dập đan xen giữa bè piano và bè dàn nhạc biểu hiện sự đau khổ bế tắc không lối thoát. Chúng ta vẫn nghe phảng phất đâu đây những âm thanh quen thuộc của quê hương, day dứt và bồn chồn. Những làn sóng trào lên trao đảo như nhắc nhở con người luôn phải tu dưỡng tâm hồn để luôn được sống hạnh phúc và an lạc.

Có lẽ tác phẩm thành công nhất của chương trình là "Requiem – Khúc nguyện cầu" – lời thơ Phật tử Lê Anh Thư (Pháp danh Chân Huệ) dành cho đơn ca, hợp ca, đại hợp xuống và dàn nhạc giao hưởng. Một nghệ sĩ có mặt trong đêm nhạc đã thốt lên: "Ôi! Phật đã độ cho âm nhạc và thi ca! Âm nhạc và thi ca đã hiển hóa Đức Phật!". Chỉ có một sức mạnh duy nhất giúp chúng ta có thể vượt ca sự bất lực của ngôn từ chính là âm thanh để mà thẩm thấu, để biểu hiện cảm xúc về sự thanh cao và thánh thiện. Nhưng âm nhạc dù được vang lên, nghe thấy nhưng vẫn còn những âm thanh khác không thể nghe thấy ở tận cùng cõi tâm của con người.

"Khúc nguyện cầu" gồm Phần mở đầu và bảy chương – "Không từ đâu tới, mà cũng không đi đâu", "Tiếng chuông chùa", "Gió ơi! Thôi đừng thổi", "Ngời nắng ban mai", "Con nhớ thương Hà Nội vào thu", "Trời đất giao hòa", "Sắc sắc, không không".

Toàn bộ tác phẩm là lời cảm niệm trước sự che trở của chư Phật, chư Lịch đai Tổ sư trong Pháp giới hoa tạng. Nhạc sĩ Đỗ Dũng – người đi tiên phong trong lĩnh vực sáng tác giao hưởng đề tài Phật giáo từ cách đây nhiều năm đã kết hợp hài hòa âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh trong bè giọng ca với chất hàn lâm kinh viện của âm nhạc giao hưởng để tạo lên một "Khúc nguyện cầu" vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đặc biệt, chương trình được thực hiện bởi các nghệ sĩ – Phật tử. Đó chính là tấm lòng của những người con Phật dâng lên Đại lễ kỷ niệm Phật Giáo Hà Thành tròn một thiên niên kỷ.

Ngàn năm cũ đã qua, ngàn năm sau chưa tới. Diệu Pháp Âm chỉ được trực nhận, trực cảm cho những ai đã đến, đã thấy vào những giây phút hiện tại màu nhiệm khi tấm màn nhung Nhà hát lớn Hà Nội khép lại.