Trang chủ Văn hóa Du lịch Du lịch trên hành lang kinh tế Đông – Tây

Du lịch trên hành lang kinh tế Đông – Tây

66

Tiếng tăm của Tam giác vàng, vùng đất tiếp giáp giữa ba quốc gia Lào – Thái Lan – Myanmar, là lý do để tôi nghỉ phép một tuần và chi 230 đô la Mỹ cho chuyến đi (chưa kể tiền vé máy bay khứ hồi TPHCM – Đà Nẵng hoặc Huế). Nhưng trước khi đến với cái bãi bồi hình tam giác – nơi hợp lưu giữa sông Ruak và sông Khong (Mêkông) – trái tim của vùng Tam giác vàng – chúng tôi còn có nhiều điểm dừng trên quãng đường 1.700 cây số…

Trên cung đường ấy, giữa tháng Giêng Âm lịch, mùa xuân hãy còn mà trời Quảng Trị nóng ran. Cứ tưởng qua mạn Tây dãy Trường Sơn khí trời sẽ dịu, vậy mà Lao Bảo vẫn oi bức. Giữa trưa, cửa khẩu Den Savanh dẫn vào đất Lào, mặt trời chói chang như ngày hè. Cây cối hai bên đường 9 – Nam Lào xơ xác, hàng chục cây số mới bắt gặp những bản làng xiêu vẹo của người Lào chơ vơ giữa đồi trọc. Khung cảnh rừng xanh trùng trùng của mươi năm về trước trên con đường này giờ đã biến mất.

Càng đi sâu vào đất Lào, cái nóng dường như dịu bớt khi mặt trời ngả dần xuống phía trước đầu ô tô. Đến cửa khẩu Savan – Mukdahan trời đã sập tối, gió từ dòng Mêkông thổi đem lại chút hơi mát giữa lúc chờ làm thủ tục nhập khẩu ngay bên cầu Hữu Nghị 2 thơ mộng.

Suốt chặng đường dài hơn 250 cây số từ cửa khẩu Lao Bảo – Den Savanh đến Savan – Mukdahan (Lào – Thái), chúng tôi đi qua nhiều trung tâm huyện lị của tỉnh Savannakhet và không ít lần đọc được các bảng hiệu tiếng Việt, nhất là ở những ngã tư đường.

Chúng tôi nghỉ đêm ở thành phố Mukdahan bên dòng Mêkông hiền hòa. Thật lạ, mới 9 giờ tối mà chợ đêm và hàng quán đã dọn dẹp gần hết. Chúng tôi đi dọc bờ sông hóng gió và nhìn bờ kè nơi đây được thiết kế thoáng đãng với những sân chơi thể thao dành cho thanh thiếu niên mà mơ về một bờ kè cho sông Sài Gòn!

Tiếp tục cuộc hành trình dài trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây trên đất Thái. Suốt chặng đường từ Mukdahan đến Phitsanulok gần 600 cây số, đi qua năm tỉnh, chúng tôi bắt gặp rất nhiều ngôi làng có kiểu nhà sàn giống với nhà của người Chăm ở An Giang. “Nông thôn miền Đông Thái Lan còn nghèo, lúa làm một vụ”, anh hướng dẫn viên người Thái gốc Việt nói khi xe dừng ở một ngôi làng nhỏ. Anh cho biết, thanh niên nông thôn ở các tỉnh miền Đông thường đổ xô vào các thành phố lớn kiếm việc làm, ngôi làng này cũng vậy, chỉ còn lại người già và trẻ con.


Một xóm dân cư bên đường từ Mukdahan đi Phitsanulok. Ảnh: TMB

Chạy hàng trăm cây số trên địa hình bằng phẳng miền Đông Thái Lan, thỉnh thoảng bắt gặp những cụm cây thốt nốt thấy rất gần gũi với vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang), Tri Tôn (An Giang)… của Việt Nam. Nhưng từ Khon Kaen đến Phitsanulok (tỉnh cửa ngõ của miền Bắc Thái Lan) chúng tôi bắt gặp những cung đường đèo uốn lượn giữa rừng trúc bạt ngàn.

Từ Phitsanulok chúng tôi tiếp tục theo hành lang kinh tế Đông – Tây (quốc lộ 12 của Thái Lan) qua cố đô Sukhothai để đến Tak – tỉnh tiếp giáp với thành phố cảng Mawlamyine, bang Kayin của Myanmar trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương). Rồi từ Tak theo quốc lộ 1 (Thái Lan) đi lên phía Bắc, tới Chiang Rai và vùng Tam giác vàng.

Cung đường Bắc Thái đi qua nhiều đèo dốc giống với cung đường Tây Bắc của Việt Nam. Có điều, hai bên đường ở đây có rất nhiều rừng cây giá tỵ trụi lá vì khô hạn. Thế nhưng trước khi vào trung tâm tỉnh lị, huyện lị hai bên đường lại thi thoảng bắt gặp hoa bò cạp nước và hoa Tuong-kham nở vàng rực trong nắng. Và cũng không thể không nhắc đến sắc hoa bằng lăng tím khắp trên vùng đất này.

Có một điều dễ thấy là giao thông ở khu vực Đông Bắc Thái Lan tốt hơn ở Việt Nam nhiều. Và suốt chặng đường cả ngàn cây số không hề gặp một trạm thu phí nào. Đoạn đường từ Chiang Rai lên Tam giác vàng đang được mở rộng thêm nhưng không hề có nhà dân nào bị giải tỏa – chứng tỏ công tác quy hoạch rất tốt. Và một điều nữa là, trên vùng đất Phật giáo này, ngoài những ngôi chùa được xây ở những vị trí đắc địa trong đô thị thì trường học cũng rất được quan tâm. Bằng chứng là những ngôi trường dù ở nông thôn hay đô thị trên cung đường chúng tôi đi qua đều rất rộng rãi.

* * *

Nhìn từ cột mốc biên giới trên đất Thái ở Tam Giác Vàng, nhìn sang bên kia sông Mêkông là một sòng bài lớn trên đất Lào. Ảnh: TMB

Tam giác vàng giờ là một thị trấn yên bình với những dãy nhà bán hàng lưu niệm nhộn nhịp. Phía bên mũi hình tam giác của bãi bồi có những người dân vùng biên xắn quần lội qua dòng Ruak vì mực nước sông đang rất thấp… Bên dòng sông Mêkông, đối diện với đền chùa bên đất Thái là hai sòng bài lớn trên đất Lào và đất Myanmar. Tam giác vàng bây giờ cũng chẳng còn gì của một thời vang bóng – vùng đất rộng 350.000 cây số vuông trồng hoa anh túc.


Xe ngựa phục vụ khách du lịch ở thành phố Lam Pang, tỉnh Phitsanulok. Ảnh: TMB

Tượng Phật ngồi bằng ngọc bích có chiều cao hơn 1 mét tại chùa Phrathat Doi Suthep, tỉnh Chiang Mai. Ảnh: TMB

Do thời gian hạn hẹp, chúng tôi đã bỏ qua rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Đó là thị trấn Chiang Saen với nhiều di tích kiến trúc thời vương quốc Lanna (thế kỷ 14), là Lam Pang, thủ phủ của “văn hóa” xe ngựa, là Tak với nhiều danh lam… Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chiêm ngưỡng được một số đền chùa nổi tiếng trên đất Thái Lan và Lào.

Ở Chiang Rai chúng tôi thán phục trước khối kiến trúc có ngôn ngữ và mỹ thuật vừa hiện đại vừa đậm nét văn hóa Phật giáo truyền thống của chùa bạc Wat Rongkhun (mới xây dựng lại). Ở Chiang Mai, chúng tôi đã ngắm nhìn chùa Phrathat Doi Suthep được cho là linh thiêng trên ngọn núi Suthep cao 1.676 mét gần trung tâm thành phố; rồi đánh một vòng quanh khu phố cổ Kum Kam với những di tích còn sót lại xen lẫn với những kiến trúc đô thị hiện đại.

Ở Phitsanulok, chúng tôi cũng đã viếng chùa Wat Yai – một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Thái Lan. Ở ngoại ô Savan (Lào) là thánh địa Phật giáo That Ing Hang lạ lẫm.

Nhưng điểm đến đáng chú ý nhất trong suốt chuyến hành trình là di tích của cố đô Sukhothai (1238-1438) của Thái Lan. Cách thành phố hiện đại Tân Sukhothai 12 cây số, Sukhothai là một khuôn viên lưu giữ các di tích của kinh thành cũ rộng 6.600 cây số vuông. Những kiến trúc bằng đá của Sukhothai thể hiện nhiều phong cách kiến trúc thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, bao gồm: kiến trúc của dân tộc Môn, kiến trúc Khmer và kiến trúc Phật giáo Sri Lanka.


Quần thể di tích cố đô Sukhothai đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm vào 1991. Ảnh: TMB

Di tích kiến trúc Phật giáo quan trọng nhất ở đây là Wat Mahathat, rộng 160.000 mét vuông. Nó gồm một cụm 200 bảo tháp, mười phòng hội và những đền chùa khác. Các công trình này được sắp xếp theo trục Đông – Tây. Tâm của Wat Mahathat là một bảo tháp cao, bên trên cùng có búp sen, chi tiết của kiến trúc Phật giáo Thái Lan. Những tháp nhỏ hơn được xây bao quanh bảo tháp, được làm bằng gạch và trát vữa. Ở đây còn có nhiều loại tượng có kích thước bằng người thật và lớn hơn. Sukhothai đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm vào 1991.


(*) Chuyến đi do Công ty Lữ hành Vitours tổ chức nhằm khảo sát tuyến du lịch đường bộ: Đà Nẵng – Huế – Quảng Trị (Việt Nam) – Savannakhet (Lào) – Mukdahan – Kalasin – Khon Kaen – Phitsanulok – Sukhothai – Tak – Lam Pang – Lam Phun – Phayao – Chiang Mai – Chiang Rai – Tam giác vàng (Thái Lan).