Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ngôi chùa độc đáo lưu giữ 4 bảo vật quốc gia

Ngôi chùa độc đáo lưu giữ 4 bảo vật quốc gia

191

Chùa Bút Tháp ở xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) lưu giữ được bốn bảo vật quốc gia; trong đó có tượng Phật nghìn tay nghìn mắt được xem là tuyệt tác.


Chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có tên chữ là “Ninh Phúc tự”, là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ Phật được khởi dựng từ lâu đời.

Chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Vào thời Trần, ngôi chùa là nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm). Trải qua thăng trầm lịch sử, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), ngôi chùa được trùng tu, xây dựng với quy mô lớn.

Chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” với nhiều tòa ngang, dãy dọc kiểu “trăm gian”. Tổng thể kiến trúc chùa Bút Tháp được bố trí đăng đối theo thứ tự gồm: Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tích thiện am, Nhà trung, Phủ thờ, Hậu đường và hai bên là dãy hành lang, mỗi dãy gồm 26 gian chạy dài từ đầu nhà Tiền đường đến nhà Hậu đường.

Bên trái chùa, phía sau dãy hành lang là Nhà tổ, thờ các vị tổ chùa, tiêu biểu là Thiền sư Chuyết Chuyết. Ngoài ra, hai bên và phía sau công trình chính là vườn chùa với những cây tháp cổ bằng gạch và đá, trong đó nổi bật nhất là tháp Báo Nghiêm.
Trong chùa lưu giữ gần 100 pho tượng gỗ tạc trong nhiều tư thế đứng, ngồi, quỳ với nét mặt sinh động, biểu hiện nội tâm sâu sắc với ý nghĩa Phật giáo cao cả.

Cùng với điêu khắc gỗ, chùa Bút Tháp còn có trên 50 bức chạm đá phong phú hình chim thú, hoa, cây… đường nét, hình khối rõ ràng, không cầu kỳ nhưng rất tinh tế.

Với những giá trị độc đáo, chùa Bút Tháp được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1962, đến năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.

Mỗi nhóm bảo vật quốc gia có giá trị độc đáo riêng nhưng đặc sắc nhất phải kể đến pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay. Bức tượng đặt trong Thượng điện được đánh giá là tuyệt phẩm điêu khắc.

Nằm cạnh bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là hệ thống ba pho tượng Tam thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật Adiđà chủ trì quá khứ, Phật Thích ca Mầu ni chủ trì hiện tại và Phật Di lặc chủ trì tương lai.

Tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Bút Tháp – một trong ba Bảo vật Quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt tháng 1-2021. Ảnh: Dân Việt

Đặc biệt, du khách đều thấy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của tòa Cửu phẩm liên hoa vừa độc, vừa lạ. Tòa có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am.

Ngoài ra, tại chùa còn lưu giữ nhiều hương án cổ, có giá trị kiến trúc độc đáo, trong đó hương án đặt trong Thượng điện là tiêu biểu nhất, thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện và vô cùng tinh xảo của những nghệ nhân xưa. Nét độc đáo của hương án này không chỉ nằm ở sự đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các chi tiết trang trí đề tài hình tượng rồng.

Đánh giá về giá trị của ngôi chùa, ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Chùa Bút Tháp là ngôi chùa có giá trị to lớn, được ví như là bảo tàng cổ vật. Qua công tác khảo sát, nghiên cứu, các tài liệu, hiện vật trong chùa phần lớn còn nguyên vẹn từ khi khởi dựng.


Phan Nguyễn