Trang chủ Từ Thiện Xã Hội Ủng hộ xây chùa Ngôi chùa vắng ở vùng ven Đà Nẵng

Ngôi chùa vắng ở vùng ven Đà Nẵng

408

Đà Nẵng là một thành phố đang từng ngày đổi mới với những con phố  thênh thang, dày kịt những nhà cao tầng khá hiện đại. Chùa chiền ở đây cũng  đang được xây dựng lại, nguy nga, bề thế, trang nghiêm. Khó mà tìm thấy một  ngôi chùa còn nguyên nét cổ. 

Tuy nhiên, nếu những phật tử ở trung tâm thành phố tình cờ  đến  vùng ven bán sơn địa  sẽ không khỏi ngạc nhiên vì nơi đây có một ngôi chùa, mà nếu so với những chùa  ở trung tâm thì nó như một ngôi nhà thời còn chiến tranh,  quá đơn sơ, nghèo nàn đến tội nghiệp. Đó là chùa Kim Sơn thuộc địa bàn xã Khánh Sơn, phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu.

Chúng tôi đã đến chùa Minh Phước để thăm thầy Thích Nguyên Hồng, nguyên là thầy trụ trì đầu tiên của chùa Kim Sơn và nghe thầy kể về lịch sử chùa này.

Cách đây ba thế kỷ, từ thuở quan dân còn đi khai hoang mở nước, một ngôi chùa đã được xây dựng dưới tán cây cốc phật bây giờ còm xum xuê trên sườn đồi.

Thế nhưng ngôi chùa cổ đó không biết từ bao lâu đã thành phế tích, chỉ còn những viên gach, hòn đá  rêu phong.

Ngay dưới cây cốc phật đó, người ta còn nhớ được, có một ngôi chùa bằng tranh tre do ông bà tổ tiên xây dựng. 

Thế rồi một trận cuồng phong đã bứng ngôi chùa ấy  xuống triền đồi, cách cây cốc phật chừng 200 mét. 

Sau đó, ngay trên vị trí của mái tranh  mà cơn lốc đã mang tới, dân làng  xây cất một ngôi chùa tường gạch, sườn gỗ khá vững chắc.

Năm Đinh Hợi (1947), trong một trận càn quét, thực dân Pháp đã phá nát  chùa Kim Sơn, biến thành đống gạch vụn.

Năm 1972, thầy  Thích Nguyên Hồng  từ miền Nam về quê thăm song thân ở Khánh Sơn. Thấy bố mẹ tuổi già sức yếu, thầy không đành ra đi nên quyết định ở lại.

Được sự đồng thuận của nhân dân địa phương, thầy đã phát quang  vùng rậm rịt cây dại và lau lách quanh nền chùa cũ và  tái lập ngôi chùa bằng  cách  đập bỏ ngôi nhà của cha mẹ mình, mang bất cứ thứ vật liệu gì có thể mang được để dựng một ngôi chùa  bằng sườn gỗ, mái tôn, vách ván.

Thầy Nguyên Hồng đi khắp địa phương, vận động những ai đang giữ tượng Phật và đồ thờ tự trả lại cho chùa.

Nhờ đó, chính điện được bài trí khá trang nghiêm. Những năm về sau, được sự hỗ trợ của phật tử địa phương, chùa đã thay vách ván bằng tường gạch, nền lót gach hoa, trông rất sạch sẻ.

Mới nhìn bề ngoài, nếu không có tượng Phật Quan Âm trước sân, người ta lầm tưởng đây là một ngôi nhà cấp bốn bình thường như nhà của một người dân địa phương nghèo nhất, với những cánh cửa tôn ván mục nát.

Nhà có hai chái nhỏ, thầy ở chái bên trái, cha mẹ thầy hồi còn sinh tiền ở chái bên phải. Sau khi cha mẹ mất, thầy lập ban thờ ở chái phải để thờ.

Trong nhiều năm, một tay rựa, một tay xẻng, thầy Nguyên Hồng  đã khai hoang một diện tích trên 7.000 m2 , trồng được một vườn cây ăn trái , đào được một cái giếng cho nước sạch quanh năm.

Mặc dù thầy Nguyên Hồng đã  đổ mồ hôi, công sức và tâm trí rất lớn vào việc xây dựng, duy trì cơ sở, tạo thành nơi tu học tạm thời cho phật tử  địa phương, trồng trọt và  chăm bón cây cối, tuy nhiên, do phật tử địa phương quá nghèo và do địa thế ngôi chùa quá hẻo lánh, chưa được quan tâm của thập phương thiện tín, nên kết quả  còn khá khiêm nhường.

Đến năm 1986, do yêu cầu của Ban trị sự Phật giáo Đà Nẵng, thầy Nguyên Hồng được mời về trụ trì chùa  Minh Phước nằm trên đường quốc lộ, cách chùa Kim Sơn chừng 2 km về phía đông. Việc chăm sóc, quét dọn chùa Kim Sơn từ đó đến nay do chị ruột của thầy  là bà Bốn Tre ở gần chùa đảm đương. 

Được biết trong thời gian thầy đi vắng, chính quyền địa phương lập sổ nghiệp chủ đất và tạm thời để bà Bốn Tre đứng tên.

Thầy Nguyên Hồng rời Kim Sơn và giao chùa lại cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng quản lý, nhưng  từ đó đến nay nó trở nên quạnh quẽ như một ngôi chùa làng vì không có thầy trụ trì.

Mấy năm trước, bà Bốn Tre phải làm thêm nghề lượm chai bao để kiếm tiền đóng thuế đất. Nay chính quyền địa phương đã miễn đóng thuế.

Một số phật tử từ Khánh Sơn đến chùa Minh Phước thăm thầy Nguyên Hồng đang lo xây hậu liêu cùng thầy bày tỏ nguyện vọng được ban lãnh đạo Giáo hội thành phố  cử một sư thầy về trụ trì và vận động để xây dựng một ngôi chùa mới khang trang hơn làm nơi tu học cho phật tử địa phương.

Đối với luật pháp, gia đình thầy Nguyên Hồng là chủ sở hữu ngôi nhà và khu vườn này. Tuy nhiên, bà Bốn Tre  bày tỏ nguyện vọng được giao lại quyền sở hữu nghiệp chủ khi có sư trụ trì mới. Thầy Nguyên Hồng nhất trí với chị ruột của mình và sẵn sàng cùng Ban trị sự thành hội tổ chức lễ bàn giao thật trang nghiêm dưới sự chứng minh của chư vị cao tăng và sự tham dự của chính quyền và phật tử địa phương.

Xã Khánh Sơn là vùng đồi núi, dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn nhưng người dân từ bao đời nay, dù đã trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm, hoạn nạn, lúc nào cũng cố gắng tạo một  một nơi,  dù đơn sơ nhất,  để tụng niệm và thờ lạy phật.

Điều đó cho thấy tâm họ luôn luôn hướng về phật pháp. Đối với họ, làng không thể thiếu chùa vì đó là nơi  duy nhất để duy trì  giá trị đạo đức và bảy tỏ tâm hướng thiện  cho dù cuộc sống  chìm nổi vô thường.

Thầy Nguyên Hồng và bà con phật tử địa phương đều mong ước nếu được sự quan tâm, động viên hỗ trợ  của thập phương thiện tín, của các cấp lãnh đạo, tạo thành trợ duyên cho Kim Sơn tự được tôn tạo trở lại là niềm vui vô lượng đối với người dân mộ đạo ở vùng núi hiền hòa, chân chất này