Một số nét khái quát về Phật Giáo Nam Tông VN
Lịch sử du nhập và phát triển của Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam nói chung trải qua nhiều giai đoạn từ xa xưa đến nay.
Nghiên cứu lịch sử Phật giáo Nam Tông Việt Nam, chúng ta thấy có hai hệ phái chính: Phật giáo Nam Tông Khơme và Phật giáo Nam Tông Kinh cùng tồn tại và phát triển trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Nam Tông Khơme và Nam Tông Kinh là hai bộ phận không thể tách rời nhau tại Việt Nam. Phật Giáo Nam Tông Khơme đã có mặt tại VN từ lâu, chủ yếu phát triển ở khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long do có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và về mặt địa lý thì tiếp giáp với Campuchia nên thuận lợi cho việc du nhập.
Theo thời điểm cận đại, Phật giáo Nam Tông Kinh du nhập Việt Nam vào cuối những năm 1930 từ Campuchia, do phái đoàn truyền giáo của Hoà Thượng Hộ Tông, trong đó có các vị: Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Huệ Nghiêm. Đây là những vị Hòa thượng có mặt đầu tiên tại Việt Nam để hoằng dương chánh pháp. Thời gian này Hòa thượng Bửu Chơn tu thiền ở Nam Vang, nhưng vào mùa an cư kiết hạ, Ngài được nhóm Phật tử Nguyễn Văn Hiểu mời về Việt Nam nhập hạ và hoằng pháp.
Phật giáo Nam tông (PGNT) là một trong 9 hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có nhiều đóng góp tích cực để làm nên ngôi nhà chung của Giáo Hội. Trải qua hơn nửa thế kỷ du nhập vào VN, hệ phái PGNT đã có bước phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng cùng với các hệ phái trong hệ thống GHPGVN thực hiện phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-CNXH ”, có nhiều cống hiến trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại VN.
Lịch sử hình thành và Phát triển của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh tại Vũng Tàu
Vào thập niên 50-60 thế kỷ trước, các vị Cao Tăng tiền bối thuộc Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh, theo nhịp bước hoằng dương đã tìm đến Vũng Tàu, một vùng đất còn thưa thớt dân cư, nhưng có địa thế, phong cảnh tuyệt đẹp. Các Ngài đã nhìn thấy tiềm năng rộng lớn của Vũng Tàu nên quyết định khai mở đạo tràng nơi đây. Với đạo hạnh và trình độ Phật pháp uyên thâm của các vị Cao Tăng tiền bối, đặc biệt khi ấy Đại trưởng Lão Narada người Tích Lan, một danh tăng thế giới, một giảng sư Phật Pháp uyên thâm cũng đến Vũng Tàu truyền giáo, tạo sự ảnh hưởng lớn và tiền đề phát triển Hệ phái Phật giáo Nam Tông tại thành phố Vũng Tàu.
Sau đó, Đại Lão Hòa Thượng Narada, Đại Lão Hòa Thượng Bửu Chơn cùng với những tu sĩ, phật tử tìm đất, vận động xây dựng Chùa Thích Ca Phật Đài để Chư Tăng có nơi hoằng pháp. Địa điểm tìm xây chùa đó là khu rừng nằm bên sườn núi Lớn, chu vi khoảng hơn 6 mẫu Tây, do ông Phủ Vinh cúng đường. Nơi đây có địa thế thiên nhiên rất đẹp, phong cảnh u tịch, thật xứng với những vị chân tu sống đời phạm hạnh. Chùa Thích Ca Phật Đài được khởi công xây dựng vào năm 1962 và hoàn thành vài năm sau đó, kinh phí do các Phật tử đóng góp.
Tại Thích Ca Phật Đài, ngoài pho kim thân Phật tọa thiền uy nghi cao 6m, còn có ngôi Bảo Tháp tôn thờ 13 ngôi Xá Lợi Phật do Đại Lão Hòa Thượng Narada thỉnh từ Tích Lan mang sang cúng đường (đây là những ngôi Xá Lợi đầu tiên tại T/P Vũng Tàu). Chùa Thích Ca Phật Đài là một thánh tích tâm linh nổi tiếng của Phật Giáo Nam Tông VN nói riêng, và của Phật Giáo VN nói chung, là một trong những điểm hành hương cho Phật tử cũng là nơi các du khách tham quan các kiến trúc sử tích Phật Giáo. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Thành phố Vũng Tàu cho đến ngày nay và đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa.
Từ chiếc nôi Thích Ca Phật Đài, các tự viện khác lần lượt được các danh tăng nổi tiếng của Hệ Phái Phật Giáo Nam Tông xây dựng lên như chùa Phước Hải, do Đại Lão Hòa Thượng Bửu Chơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới, kiêm Tăng thống Hệ phái Phật giáo Nam Tông sáng lập
Chùa Bồ Đề do Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông được tín đồ Phật Giáo Nam Tông xem như vị Sơ tổ của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh, kiêm Tăng thống Hệ Phái Phật giáo Nam Tông Kinh sáng lập.
Chùa Tam Bảo do Đại Lão Hòa Thượng Giới Nghiêm, nguyên phó Chủ tịch HĐTSTW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Tăng thống Giáo hội Phật giáo Nam Tông Kinh, sáng lập. Trước năm 1975, vùng núi xung quanh chùa Tam Bảo là một "khu rừng thiền" và là một trong những trường thiền Phật Giáo đầu tiên có mặt tại Vũng Tàu (kể cả Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông). Những khoá thực hành thiền Tứ Niệm Xứ được khai mở thường xuyên, số lượng chư Tăng và Phật tử tham dự tu tập rất đông, có khi lên đến cả 100-200 người. Nhiều vị đệ tử lớn trong hàng xuất gia của các Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông, HT Bửu Chơn, HT Giới Nghiêm… cũng được đào tạo có hệ thống qui củ tại trường thiền này. Từ những khoá thiền này đã đào tạo và hình thành rất nhiều vị danh tăng của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh.
Do bối cảnh lịch sử khách quan, giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2000, hoạt động của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh tại Vũng Tàu bề ngoài hoạt động có vẻ chựng lại, nhưng vẫn tràn đầy sức sống và phát triển thầm lặng. Với phương châm "Đạo pháp-Dân tộc-chủ nghĩa xã hội” thể hiện sự đoàn kết thống nhất các tông-phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh tại thành phố Vũng Tàu luôn thực hiện chủ trương hoà nhập, đoàn kết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vượt qua mọi khó khăn, đến nay các hoạt động của Phật giáo Nam Tông Kinh tại Vũng Tàu đã khôi phục và phát triển trên nhiều phương diện như: Hoằng pháp độ sanh, từ thiện, văn hoá, nghệ thuật, xây dựng… tái lập lại không khí sinh hoạt tu tập theo pháp môn biệt truyền của hệ phái mà các bậc cao Tăng tiền bối đã dày công xây dựng.
Trong những năm gần đây, hoạt động của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh tại Vũng Tàu đã tích cực tham gia vào đời sống xã hội, luôn hướng dẫn Tăng ni Phật tử sống theo lời dạy của Đức Phật: "không làm các điều ác, làm tất cả việc lành", sống trong tinh thần hài hoà đoàn kết, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội tại T/p Vũng Tàu.
Một số vị Tăng tiêu biểu của Hệ Phái Nam Tông Kinh đương thời xuất phát từ T/p Vũng Tàu
– Hoà Thượng Thích Thiện Tâm đảm nhận nhiều chức vụ như: Uỷ Viên Thường trực Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tăng sự HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Phật Giáo Quốc tế Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo T/p HCM…
– Thượng Toạ Thích Bửu Chánh, Ủy Viên HĐTS – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Phó Ban Hoằng Pháp Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Đồng Nai.
Một số chư tăng ưu tú khác như Đại Đức Thích Giác Trí, Đại Đức Thích Minh Hạnh là Uỷ Viên BTS Phật giáo Tỉnh BRVT, Đại Đức Thích Chánh Minh Ủy Viên Viện Nghiên cứu Phật Học VN
Hiện nay, số lượng chư Tăng Hệ phái Phật giáo Nam Tông Kinh tại T/p Vũng Tàu lên đến trên 30 vị, số lượng Phật tử khá đông đảo, khoảng 10.000 người, họ là những tín đồ Phật tử thuần thành của Phật giáo Nam Tông. Các vị Tỳ khưu, Sadi và Thiện tín Phật giáo Nam Tông Kinh đều tích cực tham gia sinh hoạt tu học và các họat động từ thiện xã hội trong công cuộc xây dựng quê hương, góp phần vào việc phát triển đất nước và thành phố , tôn trọng Hiến Chương và chương trình hoạt động của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.
Hoạt động của Hệ Phái Phật Giáo Nam Tông Kinh tại Vũng Tàu
Hệ phái Phật giáo Nam Tông, gắn bó với đời sống thực tiễn xã hội, cũng như trong thiền môn. Tại Việt Nam, Phật giáo Nam Tông thiên về tu tập thiền quán, soạn dịch kinh điển, hướng dẫn Phật tử đi thẳng vào nội dung lời dạy của Đức Phật được kết tập trong Kinh tạng Pàli.
Tuy nhiên, so với các nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông khác như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka và Myanmar, các Tăng sĩ Phật giáo Nam Tông VN có cơ hội tiếp cận với nhiều hệ thống giáo lý Phật giáo khác nhau. Thực tế, nền giáo dục Phật giáo nước ta từ thấp đến cao, mọi tu sĩ Phật giáo được học cả những tư tưởng của hai trường phái chính Phật giáo. Từ đó, có thể nói rằng tu sĩ Phật giáo Nam Tông có cái nhìn tư tưởng của Phật Đà toàn diện và đa dạng hơn.
Trên cơ sở tư tưởng tiếp thu nhiều nền giáo lý khác nhau, sự hành trì của Phật giáo Nam Tông Việt Nam đã có những nét khác biệt, có cái nhìn thông thoáng và dễ dàng hòa nhập với các hệ phái khác hơn, không câu nệ vào giới tướng, hình thức như Phật giáo Nam Tông ở các nước khác. Đây là điểm đặc thù thứ hai mà chúng ta có thể thấy được, xuất phát từ nền tảng văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có truyền thống ứng phó khác nhau giữa các hệ phái, nhưng một mặt nào đó Phật giáo Nam Tông muốn phát triển thì phải hòa nhập là điều tất yếu, chúng ta thấy rất rõ điều đó qua sinh hoạt của chư Tăng Phật giáo Nam Tông hiện nay.
Từ khi Phật giáo Nam Tông có mặt tại Việt Nam nói chung, tại Vũng Tàu nói riêng chúng ta đã thấy ngay từ đầu có sự hòa hợp sinh hoạt trong ngôi nhà chung Phật giáo. Những khác biệt giữa Nam Tông và Bắc Tông là không đáng kể. Mối quan hệ giữa chư tăng, cư sĩ cả hai phái đã thể hiện tinh thần lục hòa đồng trụ một cách nhuần nhuyễn, có sự nhất trí và cùng hưởng ứng lời kêu gọi thống nhất trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trải qua thực tiễn, chúng ta đã thấy rõ, đây là một điểm mạnh mà tất cả những người con Phật cần phải phát huy. Cung cách biểu lộ sinh hoạt của Phật giáo Nam Tông Kinh từ nội dung đến hình thức có khác, tuy nhiên vai trò là một Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam được xem là bất biến, không gì thay đổi, hòa nhập trong xu hướng phát triển Phật giáo trong thời đại mới cùng với xu hướng phát triển chung của đất nước.
Hiện nay, ngoài các tác phẩm kinh kệ đã phổ biến, có rất nhiều bản dịch hay soạn phẩm do Đại đức Chánh Minh, UV Ban Văn hoá Phật giáo tỉnh BRVT biên soạn, 16 tác phẩm của Đại Đức đã đóng góp và làm phong phú hơn kho tàng học thuật Phật pháp trong Giáo Hội Phật Giáo VN.
Đánh giá chung và một số đề xuất
Phật giáo Nam Tông tại Vũng Tàu là một trong những hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong sinh hoạt xã hội, có nhiều cống hiến trong việc xây dựng và phát triển, góp phần vào những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Hoạt động của các chùa và các vị sư sãi của trong đời sống sinh hoạt tu học và các họat động có liên quan đến xã hội đã góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, đoàn kết hòa hợp giữa các tầng lớp, dân tộc theo phương châm mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đề ra.
Tuy vậy, hiện nay hệ phái Nam Tông Kinh tại Vũng Tàu cũng còn nhiều khó khăn nhất định. Các cơ sở tự viện đã cũ, xuống cấp, không được tu bổ thường xuyên, số lượng Tu sỹ cũng như các Phật tử còn chưa nhiều nên những hoạt động cũng như ảnh hưởng về tâm linh tôn giáo, tín ngưỡng, xã hội… bị hạn chế nhiều mặt. Trên địa bàn thành phố Vũng Tàu chưa có trường, lớp đào tạo Phật học theo hệ thống chính quy, nên không thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức xã hội cũng như Phật pháp cho đội ngũ Tăng ni và Phật tử. Cơ sở Nam Sơn Tự của Phật Giáo Nam Tông Khrme chưa được Chính Quyền công nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp, nên việc xậy dựng cơ sở vật chất và sinh hoạt tôn giáo gặp nhiều khó khăn cản trở… Những khó khăn trên đã cản trở hoạt động và sự phát triển hệ Phái Nam Tông Kinh tại Vũng Tàu.
Để thúc đẩy hoạt động của Phật giáo Nam Tông tại Vũng Tàu, nhân dịp Đại hội Phật giáo thành phố Vũng Tàu hôm nay, chúng tôi xin để xuất một số ý kiến sau đây:
– Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo Nam Tông tại T/P Vũng Tàu phát triển và hội nhập vào sự Phát triển Phật Giáo Việt Nam, đề nghị các cấp Chính quyền hỗ trợ tạo mọi điều kiện để các cơ sở tôn giáo của hệ phái như chùa Bồ Đề, chùa Nam Sơn, được sớm trở thành cơ sở hợp pháp (chùa Bồ Đề mặc dù Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh đã có văn bản giao trả lại cho Phật Giáo Tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục giấy tờ Pháp lý để được công nhận là một cơ sở tôn giáo hợp pháp). Để giúp cho chư Tăng và Phật tử có nơi tu học và sinh hoạt tôn giáo.
Đề nghị chính quyền và giáo hội giao trả lại khu bảo tàng trong khu Thích Ca Phật Đài để giúp Ban Quản Trị trùng tu, phát triển khu Thích Ca Phật Đài, xây dựng nơi đây trở thành khu Thánh Tích Phật Giáo Nam Tông Việt Nam nổi tiếng vừa góp phần phục vụ sinh hoạt tôn giáo, vừa góp phần phục vụ du lịch tâm linh của T/p Vũng Tàu.
Đề nghị Chính Quyền và Giáo Hội sớm công nhận và tạo điều kiện tái xây dựng chùa Tam Bảo trở thành trường thiền như trước năm 1975, vừa phục vụ đào tạo tu sĩ của Phật Giáo Nam Tông, vừa góp phần phát triển kinh tế du lịch của T/p Vũng tàu.
– Cần tăng cường phát triển lượng tu sĩ Nam Tông theo hai cách: Vận động các tu sĩ trẻ về T/p Vũng Tàu sinh hoạt và đào tạo lớp tăng sĩ kế thừa theo phương cách chính quy có hệ thống, đúng theo hiến chương Phật giáo Việt Nam và Nội quy tăng sự, để dễ hoà nhập với các tông phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
(Trích tham luận của Hệ phái Phật giáo Nam tông Vũng Tàu tại Đại hội Phật giáo Vũng Tàu nhiệm kỳ 2011 – 2016)