Thiên nhiên hay môi sinh khi ở dưới góc nhìn Pháp giới Duyên khởi thì chẳng là gì cả ngoài các duyên được kết hợp lại và bởi nhờ sự hợp nhất hài hoà của sáu bản chất. Môi trường là toàn bộ khung cảnh mà trong đó một vật đã cho làm nơi căn cứ hay một hành động đã định xảy ra, bao gồm tất cả những yếu tố vật lý, hoá học, sinh học, sinh lý học và tâm lý học.
Nói một cách đơn giản, môi trường thiên nhiên là toàn thể của những bộ phận đặc biệt gồm có mối tương quan giữa con người và các điều kiện thiên nhiên, thí dụ như đất, nước và không khí. Đây chính là bản chất đầu tiên của các pháp, tổng tưởng, trong đó con người và các điều kiện thiên nhiên là biệt tướng.
Điều này có nghĩa rằng con người và các điều kiện nhiên thiên khác biệt môi trường nhưng chúng không ly cách với nhau mà cùng liên hệ tạo thành một khung cảnh gọi chung là môi trường sống.
Nếu không có những bộ phận riêng biệt như là con người và các điều kiện thiên nhiên thì môi trường sống tự nó không thể hiện hữu. Không có con người và các điều kiện thiên nhiên thì không có môi sinh.
Vì vậy, có thể nói rằng vì có sự hiện hữu của con người và các điều kiện nhiên – đất, nước, gió và lửa mà có ra khung cảnh gọi là môi sinh.
Là những phần tử riêng biệt, nhưng con người và các nhân duyên điều kiện tự nhiên không cách rời nhau, mà chúng được liên hợp cùng tạo chung một môi trường sống.
Đây gọi là đồng tướng và cũng là nguyên lý tương tức vì con người và các nhân duyên điều kiện có tiết điệu đồng điệu nhau ngay bên trong hiện tượng môi sinh mà cả hai đã tạo ra.
Những phần tử riêng biệt, con người và các nhân duyên điều kiện đều tuỳ thuộc vào nhau nhưng sắc thái của từng phần tử thì không giống nhau, đây gọi là Dị tướng.
Thành tướng là chỉ cho sự kết hợp toàn vẹn giữa tất cả các phần tử – con người và các nhân duyên điều kiện, một quan hệ nhân quả tương thuộc của một và nhiều.
Tuy nhiên, mỗi một yếu tố trong các yếu tố khác nhau này – con người và các nhân duyên điều kiện vẫn đứng trong vị trí riêng của nó, giữ ý những biệt tướng của chúng, đây gọi là Hoại tướng.
Trong sự thảo luận ở trên, chúng ta đã xem xét mối tương quan giữa con người, một bộ phận trong thiên nhiên với chính thiên nhiên theo nguyên lý Duyên khởi của Lục tướng.
Ở đây cũng cần nên nhấn mạnh lại rằng, theo lý Duyên khởi; con người nương nhờ vào môi trường mà hiện hữu. Con người là một bộ phận trong toàn thể thiên nhiên. Đây là mối liên hệ giữa một phần hiện hữu nào đó – một ngọn cỏ, một con người, một ý tưởng – và toàn bộ sự hiện hữu.
Nói về tính xác thực, hàm ý trong mối quan hệ này là rằng khi một phần hiển thị thì tất cả đều hiển thị và dựa trên học thuyết cơ bản về Tánh không mà kinh Hoa Nghiêm đã nói khi một hữu lậu diệt thì tất cả đều diệt. Khi thiên nhiên bị ô nhiễm, con người, một bộ phận trong toàn thể thiên nhiên, cũng vì đó mà trở nên tồi tệ.
Phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên, con người do đó nên phải trau dồi tâm tôn kính sâu sắc cái đẹp và sự đa dạng của môi trường xung quanh mình. Rõ thấy tính tương nhập tương dung giữa con người và thiên nhiên chính là quà tặng của cuộc sống luôn luôn được khích lệ động viên bởi Phật giáo.
Giới luật giáo huấn đầu tiên của Phật giáo là “Không sát sinh” không chỉ là một sự ngăn cấm hợp với pháp luật mà còn tỏ rõ lòng tôn kính đối với con người và môi trường sống chung quanh. Chúng ta hãy đọc xem lời kêu gọi khẩn nài, năn nỉ của một Tăng sĩ Phật giáo nói về môi trường sống được trích dẫn trong cuốn sách tựa đề “Phật giáo và Sinh thái học” như sau:
“Tôi đã nói rồi rừng không phải chỉ là tài nguyên của quốc gia và thiên nhiên, mà còn là ngôi nhà đầu tiên của nhân loại. Ngôi nhà riêng mà con người đang sống, căn nhà mà họ yêu quý vô cùng, thực ra chỉ là ngôi nhà thứ hai.
Không có ngôi nhà thứ nhất, con người không thể có được ngôi nhà thứ hai. Tại sao con người cứ nhất định huỷ hoại rừng, phung phí và phá hoại quà tặng của rừng, tại sao lại giất con cháu của rừng, anh chị em của chúng ta một cách vô tâm đến thế?
Đối với người dân nông thôn, rừng không chỉ là ngôi nhà đầu tiên của họ mà còn là bậc sinh thành thứ hai của họ. Đất đai có thể nuôi sống họ với điều kiện là phải có nước, và chính rừng cung cấp nước cho đất, và cũng cung cấp thực phẩm cho họ.
Chính bậc cha mẹ thứ hai này, rừng, ban cho họ đời sống sau khi các bậc cha mẹ thứ nhất ban cho họ thân người. Chúng ta phải công nhận ra lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành của chúng ta là một đức hạnh cao quý.
Vì vậy, làm sao chúng ta có thể sống tệ với rừng một cách vong ơn như thế? Quả thật, một cái tâm không nhã nhặn, thô lỗ là cái tâm vô ơn đối với rừng – không có giới pháp căn bản này, làm thế nào có cái tâm giác ngộ?”( Martine Batchelor and Keny Brown, Buddhism and Ecology (Phật giáo và Sinh thái học), tr. 94
Trong Phật giáo, thiên nhiên hay môi sinh được xem là bậc cha mẹ thứ hai đã đem cho con người mọi sự an lành trong cuộc sống. Dựa trên nền tảng của thuyết Pháp giới Duyên khởi mà có ra sự tương hợp giữa lục tướng, con người và môi trường là nhân quả đồng thời, tương nhất hoàn hảo không ngăn ngại, và thật tế mục tiêu cứu cánh vốn ở nhân hành.
Có nghĩa rằng con người nên nhận thức về mối quan hệ giữa mình với thiên, để từ đó hãy sống một cách hài hoà với thế giới thiên nhiên. Đó cũng là phương cách tốt nhất để cứu lấy cuộc sống của con người và bản thân môi trường ở trên trái đất này.