Trang chủ Thời đại Truyền thông Tết: Đề xuất câu đối Phật giáo

Tết: Đề xuất câu đối Phật giáo

88

Câu đối là một hình thức sáng tác văn học truyền thống của dân tộc, và tất nhiên, rất quen thuộc với chùa chiền.

Tư gia thì không dán câu đối vào ngày thường, nhưng trước kia, ông bà ta thường dán câu đối trước cửa vào dịp xuân về. Câu đối ngày trước hầu như đều là chữ Hán viết trên giấy đỏ.

Cùng với sự suy sụp của Hán học, câu đối đỏ ngày tết cũng dần dần không còn. Không mấy ai còn đọc được chữ Hán viết theo chiều đứng dọc trên những băng giấy đỏ, nên người dán cũng dần không quan tâm, còn người thấy câu đối thì cũng thờ ơ.

Ở miền Nam, trước năm 1975, một số gia đình vẫn còn dán câu đối tết, mà theo tôi nhớ, phần lớn là thuộc dạng in sẵn, cũng chữ Hán, nhưng chỉ còn lại vài câu khuôn sáo, sản xuất đại trà.

Một câu đối mà nhà tôi thường hay dán vào dịp tết dường như có nội dung như sau (lâu quá tôi có thể nhớ sai vài chữ):

“Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Tạm dịch:

Trời thêm tuổi trăng, người thêm thọ
Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà

Hình như một số lớn tư gia có dán câu đối đều dán câu ấy cả.

Thế rồi, từ từ, nhà dán câu đối ít dần.

Tuy nhiên, hiện nay, có một khả năng là phục hồi câu đối, đó là dùng bằng thư pháp tiếng Việt, cũng viết trên nền đỏ. Và nhà chùa, nơi còn những vị tôn đức trưởng lão tinh thông Hán học, có thể đi đầu trong việc phục hồi một tập quán đẹp ngày tết và tập quán đó gắn liền với Phật giáo, góp phần thực hiện mục tiêu Phật giáo ngày tết, như chúng tôi đã đề ra.

Thiện tín thí chủ Phật tử có thể cung thỉnh chư vị hòa thượng trưởng lão viết những câu đối bằng chữ Hán, nhưng không thể hiện bằng nguyên tự Hán văn nữa, mà thay vào đó là âm Hán Việt viết dưới dạng thư pháp, đẹp, bay bướm, nhưng đọc được dễ dàng. Nội dung của những câu đối như thế tất nhiên nói về Phật giáo và mùa xuân.

Hình thức thứ 2 là mời những nhà thơ, nhà văn Phật giáo sáng tác câu đối Phật giáo bằng tiếng Việt. Có thể báo chí Phật giáo mở một cuộc thi câu đối Phật giáo mùa xuân.

Những câu đối xuân Phật giáo như vậy có thể chọn in ấn hàng loạt, phát hành đến đông đảo Phật tử dán trước cửa nhà.

Ngày tết, cũng có một số gia đình treo cờ Phật giáo, theo sự vận động của nhà chùa, nhưng rất ít. Chúng ta có thể thông cảm, vì treo cờ Phật giáo có phần hơi “nổi”.

Thế nhưng dán những câu đối có nội dung khuyến khích trồng cây công đức, mong hưởng được phước lành cả năm, xuân về trời đất thêm đạo vị, người thêm ơn lành…, nói toàn việc thiện, việc tốt, việc công đức, việc được hưởng hồng ân, thì việc dán câu đối sẽ thích hợp hơn nhiều.

Câu đối viết bằng thư pháp, một hình thức nghệ thuật gần với đạo Phật, lại chuyển tải nội dung tư tưởng đạo Phật trong bối cảnh ngày xuân, thì khả năng khôi phục tập quán dán câu đối tết sẽ rất lớn. Câu đối mang tư tưởng Phật giáo sẽ góp phần nhất định trong việc Phật giáo hóa ngày tết, vì tết đi đâu, đến nhà ai cũng thấy thể hiện nội dung Phật giáo.

Câu đối chỉ là 2 tờ băng dài viết từ trên xuống, độ mười mấy chữ, sẽ có giá thành in ấn hạ (tương đương với kiểu lịch tháng chỉ có 1 tờ, giá thành ba, bốn ngàn đồng) nên Phật tử có thể đặt in, cúng chùa, để quý thầy tặng cho khách thập phương từ lễ Phật Thành đạo, dán lên khi giáp tết.

Câu đối xuân Phật giáo có thể thu nhỏ để treo trên cành mai. Loại câu đối nhỏ này chi phí còn hạ hơn nữa. Thầy viện chủ có thể dùng làm lộc chùa, quà lì xì, để thiện tín mang về treo trên cành mai, thể hiện tinh thần giáo lý trong trang trí ngày tết.

Đây là việc đơn giản, chi phí không cao, hy vọng sẽ sớm được thực hiện, phát hành vào dịp lễ Phật thành đạo, hay rằm tháng chạp là hay nhất để dán vào những ngày giáp tết.

Riêng câu đối thu nhỏ, treo cành mai có thể phát hành vào dịp tết, Phật tử nhận thư, nhận lộc, mang lời cầu chúc, hy vọng, tin tưởng năm mới an lạc về nhà và treo lên trang trọng trên cành đào, cành mai.

MT