Trang chủ Tu học Phổ thông Tiến trình tu tập của người Phật tử

Tiến trình tu tập của người Phật tử

92

Giai trình thực nghiệm tâm linh này bao gồm: 1. Lòng tin, 2. Đến gần, 3. Tỏ lòng tôn kính, 4. Lắng tai, 5. Nghe pháp, 6. Thọ trì pháp, 7. Suy tư ý nghĩa, 8. Chấp nhận các pháp, 9. Ước muốn sanh khởi, 10. Nỗ lực, 11. Cân nhắc, 12. Tinh cần, 13. Tự thân chứng ngộ sự thật, 14. Trí tuệ thể nhập sự thật.

Lòng tin:  Là nền tảng của đời sống thực nghiệm tâm linh. Bạn cần đặt niềm tin vào Tam bảo, nhất là người thầy mà mình đã lựa chọn. Chỉ có bậc minh sư mới đủ khả năng khai mở tâm thức người đệ tử, giới thiệu con đường giải thoát giác ngộ mà tự thân vị ấy đã đi qua.


Đến gần: Sau khi đã có niềm tin tuyệt đối vào bậc đạo sư, bạn phải thường xuyên gần gũi thầy của mình để được hướng dẫn thực hiện quá trình chuyển hóa nội tâm đúng Chánh pháp, hợp với căn cơ của mình.


Tỏ lòng tôn kính: Tôn kính là bổn phận của người đệ tử đối với thầy, đây cũng là sự biểu hiện lòng thiết tha của bạn trong việc cầu học, cầu tu. Làm tròn bổn phận này, bạn sẽ tạo ra được tình cảm thầy trò tốt đẹp, một tâm lý tự tin trong tu học.


Lắng tai: Đây là thái độ tâm lý của người học trò cần phải thể hiện khi hầu chuyện với bậc đạo sư. Lúc thầy thuyết giảng, bạn cần phải lắng tai nghe từng câu một, ghi nhận nằm lòng từng chữ một. Bạn cần phải chú tâm tỉnh giác để tập trung tư tưởng hiểu đúng đắn vấn đề thầy muốn chỉ dạy, trao truyền.


Nghe pháp: Chính là giai đoạn thực hiện quá trình “văn-tư-tu” để hành trì. Bạn sẽ rơi vào sự lệch lạc hoặc không thực hiện đúng mục tiêu của bậc đạo sư trong quá trình tu học nếu không nghe rõ và hiểu hết ý nghĩa về những lời dạy của vị thầy. Tại đây, bạn cần huy động toàn bộ định lực để tiếp nhận các nguồn suối tâm thức mà thầy đã trao truyền.


Thọ trì pháp: Sau khi nghe pháp rồi, bạn cần phải thọ trì pháp. Giai đoạn này yêu cầu bạn phải ghi nhớ sâu sắc các pháp đã được giảng để hành trì, ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Ghi nhận một cách đúng đắn, bạn sẽ hành trì đúng pháp.


Suy tư ý nghĩa các pháp: Nhờ thọ trì đúng pháp, bạn tiếp tục suy tư các pháp đã thọ lãnh từ bậc đạo sư. Tại đây, bạn càng thẩm thấu, hiểu rõ ý nghĩa các pháp mà bậc minh sư đã trao truyền.


Chấp nhận các pháp: Giai đoạn này bạn cần chấp nhận, xác tín các pháp sau khi đã qua quá trình suy tư chín chắn, giữ vững lập trường để hành trì các pháp một cách tinh tấn.


Ước muốn sinh khởi: Chấp nhận pháp đã thọ rồi, bạn cần sanh tâm hoan hỷ, ước muốn tu học cao độ để các pháp này nhanh chóng thành tựu viên mãn.


Nỗ lực: Do tâm ước muốn sanh khởi thực thi các pháp, bạn luôn nỗ lực thực hành pháp trong mọi điều kiện có thể. Nhờ vậy bạn từng bước thành tựu những pháp đã học.


Cân nhắc:  Đến đây bạn cần có một thái độ cân nhắc kỹ lưỡng như là một thái độ tự kiểm chứng về quá trình tu tập của mình. Đó là hiệu quả của sự hành trì với những thuận duyên, nghịch duyên trong khi vận hành các pháp tu tập.


Tinh cần: Nhiệt tâm, tinh tấn hành trì không biết mệt mỏi là yếu tố cần và đủ để thực thi giai đoạn này. Cần phải kiên trì đoạn tận những vọng tâm, phóng dật khởi lên để gia tâm hành trì các pháp đã được chọn lọc và cân nhắc.


Tự thân chứng ngộ sự thật: Với sự tinh tấn nỗ lực liên tục, bạn bắt đầu thể nhập sự chứng ngộ sự thật tối thượng.


Trí tuệ thể nhập sự thật:  Đây là giai đoạn cuối cùng bạn thành tựu chánh trí, đạt được quả vị giải thoát hoàn toàn. Như vậy bạn đã trải qua 14 giai đoạn thực hiện một giai trình thực nghiệm tâm linh có điểm khởi đầu và kết thúc.


Tuy nhiên, trong sự vận hành chuyển hóa nội tâm, Thế Tôn đã  nhận ra những khó khăn, chướng ngại trong khi tu tập đến quả vị giải thoát. Vì vậy, Ngài đã giới thiệu thêm 4 Tùy pháp để bạn dễ dàng tu tập, hành trì.


* Tùy pháp thứ nhất: Bạn là người đệ tử Phật, luôn có lòng tin tịnh tín với Bậc Đạo sư là Thế Tôn và giáo pháp đã thể nhập. Ý thức được tùy pháp này, Thế Tôn là Bậc Đạo sư, mình là người đệ tử, nhờ vậy hành giả có sức mạnh hành trì các pháp.


* Tùy pháp thứ hai: Tùy pháp này khởi lên do tâm bạn tìm thấy sức mạnh trong giáo pháp của Đức Phật. Đây chính là đòn bẩy để vượt lên phía trước trong cuộc hành trình tu tập, chứng đạt giải thoát hoàn toàn.


* Tùy pháp thứ ba: Là sự phát tâm dũng mãnh của hành giả: “Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt bị khô héo…”, vẫn sẵn sàng thể nhập Chánh pháp, chứng đạt chánh trí dù cho hoàn cảnh nào xảy ra đi nữa vẫn tiếp tục hành trình đến mục đích tối hậu.


* Tùy pháp thứ tư: Bạn hãy trầm tư làm thế nào để chứng đắc một trong hai quả vị sau đây: “Chánh trí ngay trong hiện tại và nếu có Dư y chứng quả Bất lai”.


Sự tu học của bạn hiện tại chính là đã và đang thực hành giai trình thực nghiệm tâm linh này để đạt quả vị giải thoát, chứng ngộ Niết bàn. Từ địa vị phàm phu, bạn có thể trở thành bậc Thánh giữa cõi đời này nếu bạn biết dụng công tu tập. Tại đây bạn sẽ tự hóa giải tất cả các phiền não, nội kết của tự thân và những khủng hoảng tâm linh, sinh thái môi trường, đạo đức xã hội. Trong ý nghĩa đó, bạn là người hạnh phúc an lạc trong đời sống hướng nội.


(1) Bài viết này dựa theo kinh Kìtagiri, kinh Trung Bộ II