Trang chủ Tu học Phổ thông Tịnh độ tông – Pháp môn niệm Phật

Tịnh độ tông – Pháp môn niệm Phật

66

Phật thường dạy các hàng đệ tử phải tu theo phép lục niệm  là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiện.


Niệm Phật là nhớ đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhớ đến thập phương chư Phật đã nhập một với pháp giới tính, trí tuệ vô lượng, từ bi rộng lớn, thường thường hộ niệm cho chúng sinh, theo duyên dìu dắt chúng sinh ra khỏi sông mê bể khổ.


Niệm Pháp là nhớ đến những lời Phật dạy, những đạo lý trong các kinh điển và những phương pháp tu trì để diệt trừ vô minh lên bờ giác ngộ.


Niệm Tăng là nhớ đến các đệ tử Phật đang hoà hợp tu hành để tự giác, giác tha đi đến giác hạnh viên mãn.


Niệm giới là nhớ đến những giới đã lĩnh thụ, thà chết không chịu phạm giới.


Niệm thí là nhớ đến sự bố thí, luôn luôn tìm cách làm những việc tài thí, pháp thí, vô uý thí, giúp ích cho chúng sinh.


Niệm thiện là nhớ đến mười điều lành, luôn luôn kính cẩn vâng làm điều lành để sau này chắc chắn được lên các cõi trời. Vì thế niệm thiện cũng có tên là niệm Thiên.


Hàng Phật tử biết rằng không làm điều ác cũng là thiện, nên cố gắng tự răn mình không làm các điều ác.


Sáu niệm trên là chính niệm, người tu hành cố giữ chính niệm như thế thì mới khỏi mắc các tà niệm và mau thành đạo quả.


Pháp môn niệm Phật chủ yếu dùng cái niệm nhớ đến Phật để giữ tâm được thanh tịnh, không mắc vào tà niệm.


Phép niệm Phật còn để kết duyên với Phật, tạo ra cái nhân để tương lai được gần gũi Phật.


Kinh Lăng nghiêm có nói:


 Thập phương Như lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh thì tuy nhớ cũng không được gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con gần nhau, không trái xa nhau. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, nghĩ Phật, thì hoặc hiện tiền hoặc tương lai, chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa; thì không cần phương tiện, tự nhiên tâm được khai ngộ, như người ướp hương tự có mùi thơm”.


Cũng vì pháp môn niệm Phật có lợi ích lớn lao như thế nên không những các hàng phàm phu mà cho đến các vị Đại bồ tát cũng đều nên niệm Phật để về sau được gần gũi Phật.


Ở xứ ta, căn cứ vào kinh A Di Đà, hàng đệ tử thường niệm đức Phật A Di Đà để được vãng sinh về thế giới cực lạc của Ngài.


Trong kinh A Di Đà, Phật mô tả thế giới cực lạc là một thế giới cực kỳ trang nghiêm, trong đó có đức Phật A Di Đà hiện tại đang thuyết pháp, có các chúng Bồ tát và chúng Thanh văn vô lượng vô biên, cả cho đến những tiếng chim kêu gió thổi cũng đều thuyết pháp, nhắc nhở tu hành. Chúng sinh trong cõi đó sống lâu vô số kiếp, không cần lo việc ăn mặc, không có đàn ông, đàn bà, hàng ngày chỉ biết cúng dâng Tam bảo, tinh tiến tu trì, nên trong một đời ở Tịnh độ, nhất định sẽ chứng lên các đạo quả. Thế giới cực lạc mà Phật đã mô tả như thế, là một phương tiện hữu dư độ, trong đó có thắng ứng thân đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp độ sinh.


Trong kinh A Di Đà, Phật có dạy là không thể do nhân duyên thiện căn phúc đức ít ỏi mà được sinh về cõi cực lạc. Vì thế những người tu hành pháp môn niệm Phật cần nắm giữ thiện niệm, phát lòng tin chắc chắn đối với Tam bảo, làm nhiều điều phúc thiện và tránh các điều ác để cho đủ tư lương phúc đức mà sinh về tịnh độ.


Đường tu hành theo pháp môn niệm Phật gồm trong ba chữ là Tín, Hành, Nguyện.


1. Tín là lòng tin, tin có luân hồi, tin đạo Phật là đạo giải thoát, tin nhân quả, tin nghiệp báo, tin Tam bảo là tăng thượng duyên rất lớn và thiết thật giữ Tam quy giới, tin những đạo lý mà Phật đã dạy trong kinh điển, tin thật có thế giới cực lạc, thật có đức Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp, tin ở lòng từ bi vô lượng của chư Phật, Bồ tát, tin ở mình có khả năng tu hành thành đạo chứng quả.


Cần phải rèn đúc lòng tin cho chắc chắn. Nếu ngày nay tin theo Tam bảo, ngày mai lại tin Trời tin Thần, tin số mạng, tin có cái hồn đi xuống âm phủ… thì bị lòng bất tín ngăn cản, không thể về cõi Tịnh độ.


2. Hành là thiết thật tu hành, nhớ nghĩ đức Phật A Di Đà. Tu hành niệm Phật nói chung có hai phương pháp: một là quán tưởng, hai là trì danh.


a. Quán tưởng là chuyên tâm quán ra cõi cực lạc thế giới. Quán ra đức Phật A Di Đà và các Thánh chúng như Thập lục quán kinh đã dạy. Khi phép quán này được thành tựu, thấy được đức Phật A Di Đà, chư Thánh chúng và cõi cực lạc hiện tiền, thì sẽ được sinh về cõi cực lạc thế giới.


b. Trì danh là chấp trì danh hiệu đức Phật A Di Đà để nương theo danh hiệu mà nhớ đến Phật, nhớ mãi không thôi thì cảm thông đến Phật và được về tịnh độ.


Nhiều bộ sớ giải thường giải thích phương pháp trì danh là chuyên tâm về một cảnh để cho đắc định. Giải thích như vậy là chỉ thấy được lợi ích phép tu niệm Phật về một mặt chứ chưa thấy hết lợi ích to lớn của một mặt khác là tâm nhớ đến Phật và kết thiện duyên với Phật thì về sau sẽ được gần gũi Phật.


 Vậy hai phép quán tưởng và trì danh chủ yếu là phải nhớ nghĩ đến Phật. Chỉ có nhớ nghĩ đến Phật, nhớ đến trí tuệ giải thoát của Phật, nhớ đến Pháp tính chân như của Phật, nhớ đến đức tính từ bi hỉ xả và vô lượng công đức của Phật thì mới lần hồi trừ được phiền não mê lầm, bỏ các điều ác, tu các điều thiện, dứt trừ những lòng tham, sân, si, mạn và có đầy đủ tư lương về phúc đức và trí tuệ để được gần Phật. Nếu miệng trì danh mà tâm không nghĩ đến Phật, thì dầu có đắc định, kết quả cũng chỉ được lên các cõi trời mà thôi.


3. Nguyện là phát nguyện cầu mong về cực lạc thế giới, không sinh về các cõi khác. Muốn phát nguyện được đầy đủ, cần phải quan niệm cõi cực lạc cho đúng.


Nếu không học hỏi kinh điển, quan niệm cõi cực lạc là nơi có nhiều lạc thú ngũ dục thì dù có làm việc phúc thiện cũng chỉ lên được các cõi trời dục giới chứ không được sinh về cõi cực lạc. Nên quan niệm rõ, cái vui của cõi cực lạc là cái vui về đạo, chứ không phải là cái vui về ngũ dục. Ở cõi cực lạc không có đàn ông đàn bà, không có của riêng, không có quyền cao chức cả, hàng ngày chỉ ăn hoa và thường xuyên nghe giảng Phật pháp; chung quanh toàn là những người tinh tiến tu trì đạo Phật, chứ không có người ăn chơi trụy lạc và những cảnh phồn hoa ca hát nhảy múa.


Vậy nguyện về Tịnh độ thì phải nguyện về một cõi thanh tịnh, không có các điều ngũ dục, trong đó có đức Phật A Di Đà hiện tại đang thuyết pháp, có nhiều vị Bồ tát và A la hán dắt dìu trên con đường tu tập. Nói cách khác, ở đó có nhiều điều kiện để  tinh tiến tu hành ra khỏi luân hồi sinh tử.


Chỉ khi nào quan niệm đúng về cõi cực lạc thế giới thì phát nguyện mới đúng đắn, rồi nhờ sức phát nguyện ấy mà vãng sinh về cõi cực lạc.


Hiện nay trong thế giới chúng ta, có rất nhiều người muốn tu thành chính quả, nhưng vì hoàn cảnh không thuận lợi, thiếu thầy thiếu bạn nên sự tu hành không được kết quả mong muốn. Trong chúng ta cũng có người tiếc không được sinh trong lúc Phật còn tại thế để nhờ Phật trực tiếp dạy bảo. Thế thì hiện nay ở thế giới cực lạc Phật đang thuyết pháp, lại có rất nhiều các bậc Bồ tát,  các bậc Thanh văn hiện đang dìu dắt những người tu hành. Vậy còn gì quý hoá bằng được sinh về cõi cực lạc để phát huy khả năng tu tập của mình, đi đến thành đạo chứng quả.


Có người sợ trong lúc lâm chung không được nhất tâm bất loạn, do đó không được vãng sinh về cõi Tịnh độ. Sự thật nếu lòng tin, sự tu hành và sự phát nguyện không được đứng đắn, lúc thì tin Phật, lúc thì tin Trời, Thần, Quỷ, Vật, ngoại đạo, tà giáo. Nhớ đến Phật thì ít, nhớ đến việc thế gian thì nhiều, hoặc miệng thì trì danh mà tâm không nhớ Phật, hoặc phát nguyện một cách chung chung, không rõ cực lạc thế giới là thế giới nào thì khó được nhất tâm bất loạn.


Ngược lại, nếu Tín, Hành, Nguyện đều đứng đắn thì trong lúc lâm chung, chẳng khác gì cởi cái áo cũ và thay cái áo mới, làm sao tâm còn loạn động được. Nếu bản tâm không được vững vàng thì nên nhờ nhiều đạo hữu hộ niệm trong lúc đau ốm để tâm mình nghĩ nhớ đến Phật một cách sâu sắc, do đó được vãng sinh về cõi cực lạc thế giới.


Về cực lạc thế giới rồi, được gặp Phật, được gần gũi các bậc Bồ tát và các bậc Thanh văn, được sống lâu trong một hoàn cảnh thích hợp thì nhất định sự tu hành sẽ tiến mau và sẽ đưa đến chứng các đạo quả.


Nam mô A Di Đà Phật!