Trang chủ Diễn đàn Trả lời bài “Chụp ảnh phóng to chư tôn đức với lãnh...

Trả lời bài “Chụp ảnh phóng to chư tôn đức với lãnh đạo thế quyền: nên hay không nên?”

99

Vừa qua, đạo hữu Huệ Minh Lê Minh Nghĩa có bài viết Chụp ảnh phóng to chư tôn đức với lãnh đạo thế quyền: nên hay không nên? đăng trên Phatttuvietnam.net, nêu ra 5 ý chính, trong đó có 3 câu hỏi liên quan đến vấn đề nêu trên. Tôi xin bàn luận như sau:

1.    So sánh giá trị của Phật giáo với thế quyền như bạn Huệ Minh Lê Minh Nghĩa trình bày trong bài viết của mình, tôi hoàn toàn nhất trí với vấn đề và câu trả lời rất rõ ràng là không nên gắn giá trị vĩnh hằng (Phật giáo) với “các giá trị nhất thời điên đảo, thị phị (thế quyền)”.

Điểm khác biệt nếu có ở đây, là tôi nhìn nhận vấn đề ở thêm một góc cạnh nữa. Tôi cho là không nên gắn các giá trị Phật giáo với thế quyền, đúng như bạn nghĩ, nhưng Phật giáo Việt Nam và thế giới chưa bao giờ hoạt động hoàn toàn tách rời khỏi thế quyền, tức là Phật giáo chưa bao giờ hành đạo trong một xã hội không có chính quyền, không có nhà nước.

Phật giáo ra đời trong bối cảnh xã hội đã có nhà nước và bối cảnh đó là liên tục cho đến nay. Vì vậy, mối quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền là mối quan hệ tồn tại khách quan từ thời Đức Phật cho đến hiện nay.

Tham gia vào mối quan hệ Phật giáo chính quyền, Phật giáo phải luôn giải quyết các vấn đề từ mối quan hệ đó. Trong câu hỏi dưới đây, nếu bạn chọn đáp án a, quan điểm của tôi và bạn hoàn toàn giống nhau. Nếu bạn chọn phương án khác, đề nghị giải thích lý do.

Dưới đây là câu hỏi:

Đối với mối quan hệ giữa Phật giáo với chính quyền, theo bạn cần nên phải

a.    Luôn thúc đẩy làm cho tốt đẹp
b.    Không cần thúc đẩy làm cho tốt đẹp, có thể không tốt đẹp
c.    Bỏ mặc, không cần quan tâm đến

Tôi chọn câu trả lời a, vì theo tôi đó là hướng mà Đức Phật đã chọn, thể hiện qua quan hệ của ngài với các quốc vương, vương tôn, hoàng hậu, đại thần, tể quan như kinh điển đã ghi chép lại. Mối quan hệ này tồn tại khách quan, tức không muốn có cũng không được.

2. Việc một số chùa treo ảnh các vị lãnh đạo thế quyền đến thăm nhưng khó xử vì sau đó vị ấy bị bãi chức, hay “thiếu thiện chí/ “trở mặt” với chùa” rõ ràng là điều không nên làm. Đó là truyền thông bừa bãi, thiếu chọn lọc, không tính đến hậu quả.

Theo tôi Phật giáo nên chú trọng tới việc thúc đẩy quan hệ tốt với chính quyền nói chung, không nên mưu cầu truyền thông quan hệ cá nhân, cá biệt, gặp ai quơ đó, không chọn lọc.

Vì là truyền thông, vì vậy chỉ nên xúc tiến ở người đại diện có thẩm quyền. Dù họ không tại vị nữa về sau, nhưng họ đại diện thích hợp cho chính quyền trong thời gian họ đương chức.

3.     Câu trả lời giống ở trên, là không nên làm truyền thông với những đối tượng như vậy. Với chủ doanh nghiệp lại càng không nên, vì họ nằm ngoài phạm trù chúng ta đang nói đến ở đây là chính quyền. Dứt khoát không nên làm những chuyện mà Huệ Minh ghi nhận.

4.    Bạn trích “Chư Tổ” mà không ghi rõ xuất xứ, ai nói, căn cứ tài liệu nào. Tôi xin trích dẫn rõ ràng, Đức Phật phê bình việc người xuất gia thân cận với vua quan chính quyền trong Kinh Chân Nhân, kinh thứ 85 trong Kinh Trung A Hàm, tương đương Pali là Trung Bộ Kinh, M. 113, Sappurisa Sutta. Thân cận vua quan chính quyền là điều Đức Phật không chấp nhận.

Thân cận vua quan chính quyền và có quan hệ tốt đẹp với họ là 2 việc rất khác nhau. Đức Phật là hình mẫu về việc có quan hệ tốt nhưng không gần gũi vua quan chính quyền. Quốc vương, hoàng hậu, vương tôn, đại thần, tể quan đi chùa là việc đáng hoan nghênh và Đức Phật thường xuyên tiếp kiến họ để hóa độ. Tôi cũng chỉ hoan nghênh việc lãnh đạo đi chùa, lễ Phật, kính tăng, thể hiện trọng thị Phật giáo, đương nhiên không chấp nhận việc người xuất gia xu nịnh, kết thân với quan chức vì “tự tư tư lợi” như bạn nói.

5.    Lời dạy Đức Pháp chủ đã nâng vấn đề lên một tầm cao mới. Ngài kết luận một cách rõ ràng “Khắc phục phàm tình, nồng hậu thánh tình là điều nhà Phật nên trì thủ”. Chú ý, ngài dùng cụm từ “nồng hậu thánh tình” cũng là quan tâm xây dựng quan hệ tốt đẹp ở nhận thức cao, nhận thức “thánh tình”. Tôi cố gắng sẽ có bài viết về mức nhận thức này, mức “thánh tình”, như chữ ngài Pháp chủ đã dùng.

Qua nội dung thảo luận 5 ý chính với 3 câu hỏi mà bạn Huệ Minh Lê Minh Nghĩa nêu ra, tôi thấy quan điểm của chúng ta không có gì là khác biệt nhau. Giải quyết những chỗ còn cần bàn luận thêm thì nếu xuất phát từ những điểm nhất trí này thì cũng rất dễ dàng.

Như vậy, thực ra, chẳng có vấn đề gì là khác biệt lớn cả.

Đề xuất của tôi cần được xem xét ở góc độ một kế hoạch truyền thông. Tức là có mục tiêu, yêu cầu, lựa chọn, điểm nhấn, các bước. Không nên xem đơn thuần chỉ là việc “chụp ảnh phóng to chư tôn đức với lãnh đạo thế quyền” một cách không chọn lọc, tùy tiện, thiếu cân nhắc. “Chụp ảnh phóng to chư tôn đức với lãnh đạo thế quyền” tùy tiện, bừa bãi, sẽ trở thành kỳ cục, lố bịch, phản truyền thông.

MT