Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Bàn thêm về vấn đề Phật giáo Việt Nam hiện nay thịnh...

Bàn thêm về vấn đề Phật giáo Việt Nam hiện nay thịnh hay suy

353

Trước tiên, xin cảm ơn anh Minh Thạnh đã nêu ra vấn đề “Phật giáo Việt Nam hiện nay: đang thịnh hay suy?”. Bởi đặt trong bối cảnh Giáo hội vừa tổ chức thành công Đại hội Phật giáo toàn quốc, kiện toàn nhân sự, thì không gì ý nghĩa hơn để quý Ngài có cái nhìn tham chiếu cho một nhiệm kỳ thành công hơn nữa.

Với tôi, đánh giá sự thành công (thịnh) cần phải đánh giá một chặng đường, một nhiệm kỳ, một năm, một quý cụ thể cho tổng thể cái guồng máy vận hành của Giáo hội, còn những điều tự phát về hình thức, cho dù thành công rực rỡ như thế nào, cũng chỉ là góp thêm chút gia vị cho tinh thần lạc quan của người Phật tử. Đã là bộ máy thì bản thân phải vận hành phải nhịp nhàng như cánh tay điều khiển bàn tay, bàn tay điều khiển ngón tay, và một cái đầu chịu trách nhiệm cho sự vận hành đó.

Nhà nước cũng đã phải nghiêm khắc đặt ra những vấn đề mang tính tồn vong (của chế độ), thì Giáo hội cũng không nên ngủ quên trước diễn biến phức tạp của thời đại.

1. Về số lượng, chất lượng Phật tử

Bấy lâu nay chúng ta vẫn đang tranh luận về “con số thực” của Phật tử (có quy y, tự nhận, hay chỉ có cảm tình với đạo Phật) là bao nhiêu. Các con số đưa ra giữa Giáo hội và Nhà nước là không thống nhất, thậm chí cách nhau một trời một vực. Nhưng chí ít, đối với nhà nước, đó là một cuộc tổng điều tra và thống kê có những tiêu chí khoa học cụ thể (6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số). Còn Giáo hội chưa có cuộc thống kê nào, nên cứ nói vo, làm tròn chọ gọn (45 triệu Phật tử, khoảng 85% dân số theo đạo Phật, hoặc có cảm tình với đạo Phật). Như vậy, việc cần làm của Giáo hội là bắt tay ngay cho một cuộc tổng điều tra số lượng Phật tử quy y trên toàn quốc, có thể thí điểm từ từng tỉnh, sau đó là từng miền.

Cả nước có khoảng 18 nghìn ngôi chùa và hơn 40 ngàn tăng ni. Thế gian trụ trì Tăng bảo này có ảnh hưởng như thế nào với số lượng Phật tử đã thống kê ở trên, và với người dân Việt Nam? Nhìn vào 2 con số thống kê trên là đã thấy ngay có thịnh có suy rồi, không cần phải mượn vào kinh kệ, tư tưởng thịnh suy (vốn là vậy) để “an ủi” nhau.

Khi đặt khái niệm “thịnh” là cần phải đặt ra vấn đề an lạc, hạnh phúc trong đời sống xã hội, từ đó tương quan với chất lượng sống của người Phật tử. Nhìn vào đời sống thực tế, những con số như sau có thể thống kê: tham nhũng là quốc nạn, nạn nạo phá thai hàng đầu thế giới, tai nạn giao thông hàng đầu thế giới, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, tin tức đầy chuyện cướp, giết, hiếp, các loại bệnh nan y gia tăng… Lối sống ứng xử văn hoá như lễ hội xô bồ, xả rác tuỳ tiện, ý thức xếp hàng, tham gia giao thông kém, thực phẩm nhiễm chất độc hại, ăn nhậu và giết hại động vật hoang dã (từ côn trùng đế các loài động vật có vú),… Tất cả đều đậm nhạt chỉ ra những bất ổn.

Vậy nếu nói chúng ta đang rất “thịnh”, thì chúng ta chịu trách nhiệm gì về những con số thống kê và thấy rõ hàng ngày kể trên? Một đất nước đa số là Phật tử mà như thế ư? Muốn hiểu rõ về tình trạng “cải đạo”, cũng nên nhìn vào thực tế này.

Lịch sử đánh giá thời Lý – Trần là thời đại khoan dung, nhân từ, hùng mạnh, và được miêu tả rằng “người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa”. Vậy để diễn đạt sự thịnh phát cho Phật giáo Việt Nam hiện nay bằng một câu ngắn gọn tương tự như trên, thì sẽ là gì? Xin mời!

2. Giáo hội ở tuổi 32

32 năm tuổi, cái tuổi được Khổng Tử nói một cách đầy tự hào rằng “Tam thập nhi lập”. Xây được cái nhà là quá quý rồi, còn nội thất thì từ từ hoàn tất cũng chẳng muộn. Nhưng ngôi nhà và nội thất hoành tráng, không phải lúc nào cũng báo hiệu đó là một “mái ấm” hạnh phúc. Hơn nữa, tính cách (tốt – xấu, thiện – ác) của mỗi người trong gia đình tuy khác nhau, nhưng vẫn phải có người làm chủ gia đình với đầy đủ uy đức để cầm cân nảy mực, không bị ai thao túng.

Giáo hội hiện nay là ngôi nhà chung của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo được sáp nhập vào năm 1981. Dù đứng dưới danh nghĩa Giáo hội, nhưng mỗi hệ phái đều có đường lối, tôn chỉ hoạt động riêng, đó cũng là những giá trị sơn môn còn lại, ít nhiều kế thừa tinh thần, tư tưởng của Phật giáo Việt Nam.

Chủ đề của Đại hội Phật giáo vừa qua là “Ổn định, kế thừa và phát triển”. Chắc chắn nhiệm kỳ này, sẽ thúc đẩy 3 tiêu chí mang tính phương châm kể trên. Nhưng chả lẽ 32 năm rồi mà vẫn chưa thấy “ổn định”? Kế thừa thì kế thừa từ giai đoạn nào, lịch sử 2000 năm Phật giáo, tiền thân tinh thần của những người sáng lập ra Giáo hội này, hay bắt đầu từ cái mốc 1981?

Cần phải đặt ra câu hỏi đó thì mới nhìn ra sự phát triển của Giáo hội, tức phải biết tương lai của mình sẽ đi đâu, về đâu. Những con người ưu tú đã vì sự nghiệp chung mà thành lập nên Giáo hội này họ thừa hưởng tinh thần và giá trị giáo dục nào của Phật giáo Việt Nam? Họ đã làm những gì để vượt xa chư vị tiền bối hữu công, khẳng định sự thịnh trị trong thời đại của mình?

Phật giáo Việt Nam dù thịnh hay suy, nhưng những giá trị có thể khái quát ngắn gọn đều đã được lịch sử Phật giáo soi sáng, đó là khi có giặc xâm lăng thì “Hộ quốc an dân”, lúc bất ổn nội loạn thì “Hộ giáo khai quyền”. Chúng ta đã bảo vệ dân, bảo vệ tăng ni, Phật tử trước những bất công, bất an, lo lắng về thân thể và tài sản như thế nào? Chúng ta đã góp ý (khai quyền) gì với chính quyền về một đời sống nhân bản Phật giáo cần phải được phát huy rộng rãi trong xã hội, kể cả trong trường học, thuyết phục và tạo niềm tin về một Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc?

Xin đi vào những việc cụ thể:

– Việc hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam đã làm đến đâu, bao giờ thì xong, tạng kinh nào xong trước, tạng kinh nào xong sau, hội đồng biên soạn là những ai? – Theo thông tin của anh Minh Thạnh, ở hải ngoại người ta đã hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam, dù chẳng có nhiều trường viện hoành tráng như chúng ta.

– Việc Việt hoá kinh điển, thống nhất nghi lễ (hằng thuận, tang ma…), pháp phục ai làm, đã làm đến đâu, đã lấy ý kiến rộng rãi của Tăng Ni, Phật tử cả nước chưa, hay chỉ là việc làm tự phát của các cá nhân, của mỗi ban ngành?

– Bao giờ mới chấm dứt những cuộc họp hình thức, những báo cáo tổng kết rập khuôn, những nghị quyết của ban ngành TW mà hết hội nghị nọ, đến hội nghị kia chỉ được chỉnh sửa đôi chút về nội dung? Bao giờ những thông tư hướng dẫn tố chức Phật đản mới đáp ứng mong mỏi, nhu cầu thực tiễn của tăng ni, Phật tử?

– Bao giờ mới có một quỹ ngân sách riêng của Giáo hội cho các việc họp hành, tổ chức sự kiện, mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào các cá nhân, dẫn đến phải vị nể sự phụ thuộc đó mà sắp xếp nhân sự, hay chịu sự kiểm soát của một nhóm quyền hành, làm sai lệch nhận thức tổ chức?

– Bao giờ mới thống nhất được giáo trình, giáo án giảng dạy để chuẩn hoá giáo dục ở các cấp học Phật học, áp dụng cho khắp các tỉnh thành? Bao giờ mới “kế thừa” được hệ thống giáo dục xã hội ở khắp các cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học như trước 1975?

– Bao giờ mới có một thư viện Phật học hoạt động độc lập, được chuẩn hoá, số hoá để phục vụ các giới quan tâm tìm hiểu về giá trị, văn hoá, tư tưởng Phật giáo?

– Bao giờ mới có chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ đối với những tăng ni, Phật tử dấn thân tình nguyện về phục vụ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng Phật giáo kém phát triển? Chính sách này phải đi cùng với nhận thức không bè phái, không phân biệt vùng miền, không tạo ra tình trạng cát cứ chia tách, nội bộ Giáo hội địa phương không mâu thuẫn đánh phá lẫn nhau để giành chức quyền, giành ảnh hưởng. Quy tụ mọi nguồn lực về với Giáo hội đòi hỏi những con người độ lượng, khoan dung, có tầm nhìn, biết hy sinh lợi ích cá nhân, chứ không phải những người thích thể hiện quyền lực, ôm đồm và kể cả thúc đẩy sự tham lam không giới hạn.

– Bao giờ mới có nhà xuất bản Phật giáo để xuất bản và quản lý tốt các ấn phẩm (kinh, sách, băng giảng…) Phật giáo?

– Bao giờ mới chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy trụ trì, chạy bảng hiệu chùa, chạy hợp thức hoá am cốc, chạy bằng cấp ở các trường (tức tình trạng không học, ít học mà vẫn có bằng)?

– Bao giờ Ni giới Việt Nam được hoạt động hiệu quả trong các chương trình có thế mạnh như từ thiện xã hội, giáo dục mầm non, chứ không phải là lực lượng “đầu bếp” của các sự kiện Phật giáo? Cơ chế nào để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ni giới phát triển, hay vẫn cứ lo sợ viển vông chuyện cấp con dấu cho Ni giới hoạt động?

– Bao giờ các ban ngành (Ban Hoằng pháp, Ban hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hoá, Ban Thông tin Truyền thông) mới kết hợp cùng ngồi lại với nhau cho các Phật sự chung (cụ thể như tình trạng rải tiền lẻ trong lễ hội, trùng tu phá hỏng di tích, đặt nhiều thùng công đức, đốt nhiều nhang và vàng mã…), hay mạnh ban ngành nào ban ngành đó thể hiện cái ngã của mình?

– Giáo hội kế thừa ra sao mà 50 năm kỷ niệm phong trào đòi quyền bình đẳng tôn giáo, giúp Phật giáo Việt Nam phục hưng, phát triển, có vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc, mà chưa được Trung ương Giáo hội có một văn bản nào quan tâm? Những nhân chứng sống, những người gắn bó với phong trào đó vẫn còn đây, thử hỏi còn bao nhiêu cái 50 năm nữa? Chúng ta ngồi hưởng một thành quả tốt đẹp như thế mà không thấy có lỗi, không khởi lên sự hổ thẹn nào với tiền nhân hay sao?

Đây phải là việc làm được sự chỉ đạo, thậm chí quang lâm của Đức Pháp chủ, của Ngài Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, thuần tuý tưởng niệm, nguyện cầu hoà bình trên tinh thần Phật giáo. Tại sao lại chỉ là chuyện riêng của Giáo hội tỉnh thành, hay của một Ban văn hoá cấp tỉnh?

Những năm lẻ khác chúng ta không nói, ai thích thể hiện tài cán riêng của mình thì thể hiện, nhưng năm kỷ niệm 50 năm tròn này, nhất định mọi cuộc lễ, hội thảo phải do Giáo hội Trung ương chỉ đạo tổ chức. Nhà nước cũng rất nên tạo điều kiện giúp đỡ cho Phật giáo tổ chức những sự kiện này, bởi khi ngọn cờ chính nghĩa sáng ngời của Phật giáo Việt Nam để cho những người khác họ nắm và phất lên, thì chúng ta có còn đủ lực để kế thừa tinh thần Hộ quốc an dân, Hộ giáo khai quyền của Phật giáo Việt Nam hay không?

Trên đây hoàn toàn là những vấn đề đã được đặt ra trong các cuộc họp của Giáo hội mà cá nhân tôi ghi chép lại, hay nghe quý ngài truyền đạt, nhưng chưa thấy có nhiều biến chuyển, thậm chí hết nhiệm kỳ này lại mang sang nhiệm kỳ khác bàn tiếp, một cách rất mất thời gian và tiền của cho những cuộc hội họp hình thức, thiếu chuẩn bị kỹ càng.

3. Về Hoạt động của gia đình Phật tử

Sở dĩ tôi dành quan tâm tới hoạt động của gia đình Phật tử, không phải vì bây giờ có nhiều CLB thanh thiếu niên Phật tử ra đời, “làm khó” cho gia đình Phật tử, mà bởi tôi xem việc sinh hoạt gia đình Phật tử từ khi còn oanh vũ, thậm chí lễ quy y thiêng liêng ngay từ khi mới đầy tuổi, là điều mà cả Giáo hội này phải đặc biệt quan tâm, bởi mọi sự sâu rễ, bền gốc cũng nằm chính ở đây cả. Trong bài viết trước tôi xem gia đình Phật tử là một di sản tinh thần của Phật giáo Việt Nam cần phải được bảo vệ và phát huy.

Cũng chính điểm này mà tôi thường quan tâm đặt vấn đề về giáo dục mầm non, vậy mà đến nay vẫn không có mấy người quan tâm, dù đã có một cuộc hội thảo. Hiện nay chúng ta vẫn chưa có nổi một trường mầm non đạt chuẩn cấp thành phố, chứ đừng nói đến cấp quốc gia, trong khi bên Công giáo và Tin lành thì vượt trội.

Thậm chí ở một cuộc hội thảo, có vị chức sắc của Ban Hướng dẫn Phật tử còn nói đó là vấn đề của người đời người ta làm, nhà tu làm làm gì. Trong khi thực tế rất nhiều con em gia đình Phật tử phải gửi vào trường của các xơ, học xong về đến nhà, ăn ngủ, nghỉ đều cầu nguyện và đọc kinh Thánh.

Phật giáo chúng ta vẫn tự hào là vì có nền giáo dục thai giáo. Tuy nhiên, cả một quãng tuổi thơ, nếu trẻ em không gắn bó với môi trường Phật pháp, từ chuyện đi lễ chùa, lạy Phật, lau dọn bàn thờ, sắp đặt hoa trái, ca hát…, mà mong rằng các em lớn lên đủ nhận thức thì hãy cho quy y, thì xin thưa những tác động xã hội và tình trạng cải đạo đã kéo các em rời xa gia đình tín ngưỡng truyền thống của mình rồi.

Hiện nay có nhiều các CLB Phật tử trẻ, nhưng số lượng khá dao động, cảm thấy thích, thấy vui thì đi sinh hoạt, không thấy vui thì nghỉ ở nhà. Những người vui đâu chầu đấy thì chỉ cần ở đâu vui hơn, hấp dẫn hơn là họ theo, đạo nào vui hơn, hấp dẫn hơn là họ theo… Tuy nhiên số lượng này vẫn không đáng kể so với hình ảnh những Phật tử chủ yếu là nữ trung niên ở khắp các đạo tràng. Đó là chưa kể đến tình trạng tăng cơ học trong các khoá tu, mà tính chất “trình diễn” nhiều hơn là một cuộc lễ chuyến biến nội tâm, thăng hoa tinh thần.

Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao có nhiều gia đình Phật tử duy trì hoạt động cả mấy chục năm, có khi từ trước 1975 đến nay, mà không đào tạo nổi một nhạc sĩ, một ca sĩ, một ca đoàn cho riêng ngôi chùa của mình?

Ban Hoằng pháp, Ban hướng dẫn Phật tử nghĩ gì khi một gia đình Phật tử theo đạo mấy chục năm nay mà chỉ cần một thành viên trong gia đình bỏ theo Pháp luân công, hay Tin lành là có thể về đốt hết kinh sách, dẹp hết bàn thờ Phật trong gia đình của mình một cách dễ dàng?

Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi ngoài thời gian họ đến sinh hoạt ở chùa, ở nhà họ sống ra sao, kinh tế như thế nào, có hạnh phúc an lạc không? Vị trụ trì đã tạo ra nguồn ngân quỹ nào để quan tâm đến đời sống của chính những Phật tử gắn bó với mình, mỗi khi họ bệnh tật hay gặp bất trắc trong cuộc sống?

Vị trụ trì nào đã nhận ra tố chất của Phật tử để quan tâm trợ giúp học tập, công ăn việc làm, hay đào tạo các khoá học Phật, khoá tu chuyên môn để họ thực sự trở thành những hoằng pháp viên? Trong khi một số tôn giáo, họ trực tiếp đưa các kỹ sư về nông thôn, giúp cây con giống cho tín đồ, hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu luôn sản phẩm, một thời gian sau nhà thờ mọc lên, nơi ấy trở thành vùng trắng Phật giáo, không có cách gì xâm nhập được.

Vai trò hoằng pháp của người cư sĩ Phật tử trong gia đình Phật tử Việt Nam hiện nay ở đâu? Nếu các hoạt động gia đình Phật tử không được quan tâm điều chỉnh hoạt động và đầu tư đúng mức (cả về vật chất lẫn tinh thần), thì còn viên gạch nào nữa để mà xây ngôi nhà Giáo hội bền vững. Nơi thì tích tiền của để xây chùa vĩ đại, nơi thì chùa chiền bỏ hoang, không người trụ trì, Phật tử đói pháp. Đó chính là sự phát triển mất cân bằng và thiếu bền vững.

Tôi rất tâm đắc với cách đặt vấn đề “Phật giáo Việt Nam hiện nay”, mà không phải “Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay” của anh Minh Thạnh. Vì GHPGVN hiện nay mới bước sang cái tuổi 32, còn ít trải nghiệm thử thách (sống còn) so với mấy nghìn năm lịch sử Phật giáo, gần nhất là phong trào 1963. Vả lại khái niệm “Phật giáo Việt Nam” thì bao quát được cả Giáo hội, nhưng GHPGVN thì không báo quát được Phật giáo Việt Nam. Do đó, nhìn vào Phật giáo Việt Nam hiện nay, vừa phải nhìn vào hiện thực của nó, vừa phải nhìn vào tính kế thừa (tinh thần, tư tưởng) của nó trong guồng máy lịch sử.

(Những điều tôi viết ra và thắc mắc trên đây, là thịnh hay suy, tuỳ vào từng góc nhìn của từng người. Những câu hỏi cần phải trả lời ngay, những cách đặt vấn đề thẳng thắn, cá nhân tôi đã từng quá thấm thía, từng thất vọng với cách hành xử ở những người mà chúng tôi từng tin tưởng, tình nguyện cống hiến, nhưng đôi lúc cá nhân tôi phải nhận lại những sự trả đũa có “hệ thống”. Song vẫn một nguyên tắc, tôi chỉ xin trả lời với những người có tên tuổi cụ thể, không trả lời với những cái tên ảo, vì tôi cho rằng không nên quá mất thời gian cho những cái tên thích “ném đá giấu tay” trong tranh luận ấy, bởi tôi là tu sĩ bình thường, không phải cường quyền hay thần quyền gì để ai phải lo sợ mà giấu tên. Còn với những bậc tôn túc, bằng lòng hay không cứ gọi tôi mà dạy bảo…)