Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Đau khổ sinh ra từ nơi tâm mình

Đau khổ sinh ra từ nơi tâm mình

1707

Mỗi người đều có một công việc của riêng mình, đáng để trân trọng. Mặc dù nói rằng làm việc là để kiếm tiền, nhưng toàn bộ ý nghĩa của nó không chỉ có vậy. Một cuộc sống chỉ hưởng thụ, an nhàn là một cuộc sống khiến người ta phải hổ thẹn, bởi mọi người đều tin rằng, mỗi người sống đều cần có mục tiêu, và chỉ khi ở trong quá trình vươn tới mục tiêu ấy, người ta mới có thể tràn đầy sức sống.

Bất kể mục tiêu của các bạn là kiếm tiền, là thi đạt kết quả tốt, là rước được mỹ nữ về, hay là tu tâm dưỡng tính, chỉ khi nỗ lực thực hiện mục tiêu đó, các bạn mới có thể cảm thấy tràn đầy sức sống, quyết tâm nỗ lực vươn lên, và trong quá trình ấy các bạn sẽ thu được rất nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên, mỗi một mục tiêu và lí tưởng, vừa mang đến cho các bạn những niềm vui dồi dào cả về sức khỏe lẫn tinh thần, nhưng đồng thời cũng mang lại những đau khổ vô tận. Do vậy, công việc đã trở thành nơi đong đầy niềm vui trong cuộc sống, và đó cũng chính là nơi chất chứa bao khổ não, mệt mỏi. 

Ví như, các bạn hồ hởi vui mừng mở một cửa hàng kinh doanh, nhưng trong quá trình làm ăn, các bạn lại bị buộc chặt vào những mệt mỏi sầu muộn. Tương tự, các bạn được một công ty tuyển dụng, và có được một công việc của riêng mình, đương nhiên đó là một niềm vui lớn, nhưng, những mệt mỏi trong công việc cũng theo đó mà đến. Nhân viên cấp dưới làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả khiến các bạn cảm thấy yên tâm, nhưng, khi họ kéo các bạn xuống mà leo lên, dư vị trong lòng khi ấy không thể nào diễn tả được hết chỉ với một chữ “đắng”. Nếu cấp trên là một người tài giỏi, các bạn có thể đi theo quan sát học hỏi lúc ban đầu, nhưng, sau một thời gian dài, cảm giác cứ phải đi theo sau một người giải quyết những công việc lặt vặt cũng chẳng dễ chịu chút nào.

Cộng sự 

Tất cả mọi việc đều có mặt tốt và mặt xấu của nó.          

Công việc vừa có thể giúp các bạn vui vẻ làm việc và thực hiện được ước mơ của mình, nhưng đồng thời cũng có thể mang đến phiền toái, khiến các bạn khổ nhọc khôn nguôi. Đó chính là một khoảng chứa mâu thuẫn, trong đó địa ngục và thiên đường, khổ đau và vui vẻ trộn lẫn với nhau. Khi mọi việc tốt đẹp, đó là thiên đường, khi tình hình xấu đi, nó lại trở thành địa ngục. Rốt cục điều gì quyết định sự thay đổi của công việc từ thiên đường sang địa ngục?

Nhiều người vẫn thường kể lể với tôi về những nỗi khổ của họ, thực chất, đúc kết lại tất cả họ cũng chỉ có một mục đích, đó là “tôi mong sao có thể ước gì được nấy”. Người muốn tìm việc thì mong sao có thể phỏng vấn xin việc một lần là đậu, người làm việc đủ rồi thì hi vọng có thể nhẹ nhàng rời bỏ công việc, người muốn thăng chức thì muốn được đề bạt, có như vậy mới làm họ hài lòng. Còn bây giờ, quý vị không vui vẻ, là do chuyện không được thuận lợi như các bạn mong muốn. Trong thực tế, các bạn không hợp cạ với cấp trên, cấp dưới làm chuyện không vừa ý, công việc rối tinh rối mù. Sự khác biệt giữa thực tế và mong muốn cá nhân làm các bạn cảm thấy hụt hẫng.

Thực ra, suy nghĩ thật kĩ, quý vị sẽ hiểu rằng: công sở không phải là thiên đường, cũng chẳng phải là địa ngục, đó chỉ đơn thuần là nơi ta làm việc. Chẳng qua chỉ là, đối với những kẻ muốn vào đó, đó là thiên đường, còn đối với những kẻ muốn thoát ra, đó là địa ngục. Những người không bước vào được luôn kì vọng đó là nơi tốt đẹp, tranh nhau để chen vào bên trong; trong khi những kẻ đã ở bên trong như đã bị rơi vào địa ngục, suốt cả ngày suy nghĩ xem đơn xin thôi việc nên viết thế nào sao cho đường hoàng hợp lí, để có thể “thoát thân” thuận lợi.

Không ít người tuy coi công sở là địa ngục, nhưng vì đãi ngộ tốt nên họ không thể dứt khoát từ bỏ. Cuộc sống bị bó buộc bởi đồng tiền ấy thực ra còn đau khổ hơn nữa. Công sở, chẳng qua chỉ là nơi làm việc mà thôi, cái gọi là thiên đường hay địa ngục, đều là sự đánh giá khi người ta ở vào những tâm thái khác nhau. Những người coi công sở là chốn địa ngục, ngày qua ngày đều mong muốn được trốn thoát, nhưng nếu trong khi làm việc mà mỗi phút mỗi giây đều nghĩ đến chuyện thôi việc, thì chỉ càng làm người ta cảm thấy một ngày dài như ba năm, càng thêm khó chịu mà thôi. Từ đó có thể thấy, sự phiền muộn này xuất phát từ trong tâm, chứ không phải từ công việc.

Thế nhưng, rất nhiều người lại bỏ qua vấn đề của bản thân mình, cuộc sống mệt mỏi, họ đem quy tội cho công việc. Các bạn cần phải hiểu rằng, đau khổ sinh ra từ trong tâm, nếu còn muốn tiếp tục công việc, các bạm phải thay đổi tâm thái của mình, hãy coi nơi đó là thiên đường và hãy làm việc vui vẻ; còn nếu vẫn cảm thấy không còn cách nào khác ngoài việc rời bỏ công việc, hãy coi nơi ấy là địa ngục, rồi dứt khoát ra đi. Tôi làm chủ cuộc sống của tôi, hà tất phải do dự, để rồi phải chịu đựng mệt mỏi, dày vò?

Trích từ “Thiền trong công việc” của Ven. Pomnyun Sunim