Trang chủ Thời đại Xã hội Khi tâm hồn xơ hóa

Khi tâm hồn xơ hóa

73

Chúng ta tự hỏi liệu có còn tin vào lương tâm xã hội khi người ta vô cảm đến thế, dửng dưng đến… mức độ đồng loã cùng cái Ác đang nhởn nhơ quanh ta… Hãy thử nghĩ xem?


1. KẺ THÙ BÊN NGOÀI HAY TRONG LÒNG TA?


Cha ông ngày xưa vẫn tin rằng “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” và “bản chất đích thực, phẩm chất nguyên thuỷ của con người bao gồm lòng thương yêu, trìu mến”. (DaLai Lama – Beyond Dogmas).


Thế nhưng vì sao những người trưởng thành, những kẻ gọi là “lớn” lại có thể cư xử tàn bạo, thiếu tình thương với trẻ em đến thế?


Điều đáng buồn và xấu hổ là chung quanh còn bao nhiêu người “lớn” khác, bao nhiêu tổ chức đoàn thể khác, nhưng họ hoàn toàn vắng mặt hay không hề muốn có mặt khi cái cô Bình nhỏ bé ấy bị bức hiếp, thầy cô giáo ở đâu khi học trò mình bị dân quân bắt đi mà không gọi điện cho Công an hay báo chí?


Có người đã bi quan: “…đây là một vụ báo động đỏ về lương tâm xã hội, trăm ngàn lần còn nghiêm trọng hơn là chuyện lương tâm của đôi ba người cụ thể nào đó. Bởi cái ác thì thời nào nơi nào cũng có. Nhưng khi xã hội đã khiếp nhược đến thản nhiên, dửng dưng, im lặng rồi quay mặt đi trước cái ác thì không còn là vấn đề của từng người nữa rồi!” (Nguyên Ngọc – báo Tuổi Trẻ ngày 8/11).


Liệu có thể biện bạch rằng chúng ta đang thực hành hạnh nhẫn nhục nghĩa là “không phản ứng lại những việc sai trái mà kẻ ác gây ra cho ta mặc dù ta có đầy đủ phương tiện để phản ứng”, nhưng ở đây kẻ ác gây ra cho tha nhân, những người sống cùng với chúng ta, nên không thể gọi là nhẫn nhục được lại càng không thể gọi là tuân phục vì chúng ta có đủ phương tiện để chống lại.


Điển hình là chỉ một bà cụ Bình “bò” đơn độc dũng cảm đứng ra che chở, bênh vực dù không có tí quyền lực nào trong tay thì dư luận xã hội và pháp luật cũng sẽ phải đứng về phía công lý.


Huống chi, những kẻ ác trong trường hợp này cũng chỉ là những thường dân vô lương tâm, thiếu nhân đạo chứ cũng chưa phải là những kẻ quyền cao chức trọng gì. Vậy mà…?


Họ đã nhìn tha nhân, dù cho là những đứa bé, như kẻ thù cần trừng trị nhưng không hiểu “kẻ thù” ấy có đủ sức xâm hại đến tài sản, quyền lợi hay niềm vui của họ?


Một đứa bé tứ cố vô thân chân yếu tay mềm phải nhận những trận đòn huỷ hoại, một cậu học trò trong phút lỡ lầm thó vài ngàn bạc hay một nhóm học sinh nghịch ngợm đều không đáng bị tra khảo tổn thương trầm trọng tâm hồn và thể xác. Tất cả đều không có khả năng tấn công cướp đi hạnh phúc của ai đó để có thể xem như kẻ thù.


Vậy thì kẻ thù không phải bên ngoài mà đang ngồi trong tận đáy tâm hồn của những con người ác tâm, phôi pha nhân tính. “Sự giận dữ, hận thù, ác tâm mới chính là mầm mống huỷ diệt sự an bình nội tâm và do đó làm tiêu tan nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chúng mới chính là kẻ thù đích thực” (Dalai Lama).


Cũng chính đức Dalai Lama nhận định: “… Một người mà tâm hồn luôn bị xâu xé bởi những ngọn lửa độc hại của ác tâm hận thù, ganh tỵ sẽ chẳng thu hoạch được gì cho đời mình ngoại trừ khốn khổ cho dù họ được ở trong những tình huống tốt đẹp nhất“


Còn sự thờ ơ, vô cảm của những người chung quanh. Đấy là biểu hiện của một cộng đồng thiếu tình yêu thương, lòng nhân ái hay đúng hơn những con người ở đó đã đánh mất niêm tin vào thiên lương của con người, nơi sinh sôi những chân lý vĩnh hằng của lòng từ bi vì “Tình yêu thương thực sự đối với tha nhân sẽ được chuyển hóa thành lòng can đảm và sức mạnh.”


Vì khi càng thương yêu tha nhân, chúng ta càng cảm thấy mạnh mẽ tin tưởng vào lẽ phải, lòng nhân ái, và trở thành can đảm, và đấy chính là cội nguồn của yên vui… Như bà lão, khi đã dũng cảm hành động, tiếp nhận được sự đồng cảm tán thành của hàng triệu người và công luận cả nước.


2. TRỞ VỀ CHÍNH NGHIỆP


Đức Phật đã từng dạy:


Ai cũng sợ gươm đao
Ai cũng sợ sự chết
Suy ta ra lòng người,
Chớ giết, chớ bảo giết.
(Pháp Cú, 129)


Bất cứ hành vi nào gây tổn hại cho người khác dù là tinh thần hay thể xác, vật chất hay tâm linh đều là vô đạo đức. Đức Phật khuyên ta thực hành Chính nghiệp vì “chúng sẽ mang lại sự bất hạnh khôn lường cho ta và cho mọi người quanh ta, ở hiện tại cũng như tương lai… Vì muốn cuộc sống của mình có ích và hoà hợp, không phải để phá hoại hay chống đối, và vì ta muốn tâm được thanh tịnh, an lạc, không bị phiền não vì hối hận, ăn năn”. (Gunaratara – Bát chính đạo – Con đường đến hạnh phúc).


Khi cặp vợ chồng bán phở độc ác kia tra tấn cô bé Bình, họ có thử đặt mình vào thân phận đáng thương ấy hay khi những dân quân ra đòn vào thân thể những học sinh lớp 9 kia, họ có hình dung sẽ đau đớn thế nào nếu họ là cậu bé ấy? Chắc là không, vì họ đang chìm đắm trong ngọn lửa hận thù sân si tối ám, bị chế ngự bởi bản năng lấn át lý trí.


Chúng ta phải xây dựng lại một xã hội đề cao nhân ái, lòng bi mẫn với con người. Hãy bắt đầu với những cán bộ cơ sở vì họ sẽ là tấm gương cho nhân dân. Họ phải sống theo chính nghiệp: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm… trong đó không giết hại hay gây tổn hại, hăm doạ người khác là yêu cầu đầu tiên phải thực hiện.


Ngoài ra, họ phải phát triển lòng từ ái bằng việc bảo vệ cái tốt, cái thiện trong khu phố, làng xóm mà họ đang sinh hoạt hay lãnh đạo. Có như thế, cái ác sẽ bị đẩy lùi trước sự kiên quyết dũng cảm của những người lãnh đạo đầy nhiệt huyết và quan trọng hơn. tràn đầy thiện tâm ”… khi chúng ta kiềm chế được các pháp bất thiện, thì những mãn sương u ám trong tâm ta sẽ tan đi một ít và ta bắt đầu nhận thấy rằng chính tình thương yêu, lòng bi mẫn và độ lượng thật sự mới mang đến cho ta hạnh phúc” (Gunaratana).


Một xã hội an lạc khởi đầu và xây dựng nên từ đấy.