Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Tôi đã vẽ Thiền sư Tăng Hội

Tôi đã vẽ Thiền sư Tăng Hội

101

Xác pháo hồng, khói pháo mịt mờ thơm sực khi trên tam bảo đã đèn nến sáng trưng lấp lánh ánh vàng son của các tượng Phật. Tiếng chuông chùa âm vang dóng dả đổ hồi như đánh thức cả làng xóm quê hương từ tinh mơ bước vào năm mới. Sư ông, sư bà trụ trì mừng tuổi chúng tôi những đồng xu đồng mới tinh, đỏ ươm, óng ánh…


Những bức tượng trong các ngôi chùa quê tôi hình như đã khắc tạc vào tuổi thơ tôi sâu đậm đến nỗi dù làm nghề họa sĩ đã hơn nửa thế kỷ, được xem biết bao tranh tượng của loài người, đến bây giờ vẻ đẹp của các bà mẫu ở chùa quê tôi vẫn không hề kém sút. Một hôm chị Lệ Cung, Nghệ sĩ múa nổi tiếng đưa cho tôi một quyển sách “Thiền sư Tăng Hội – tác giả Thích Nhất Hạnh – Nhà xuất bản Lá Bối 1998”. Chị nói: “Anh đọc xem, có thể là một đề tài sáng tác”…


Thế là tôi đọc, đọc đi đọc lại nhiều lần và từ trong tôi xuất hiện hình tượng một nhà trí thức tài ba, một nhà Phật học; một người Việt Nam tinh thông đạo Phật, đạo Khổng Lão, giảng kinh, viết kinh, dịch kinh Phật… Và điều làm tôi ngỡ ngàng vì chính Thiền sư Tăng Hội là người Việt gốc Ấn Độ đã đưa đạo Phật sang Trung Quốc chứ không phải như tôi vẫn hiểu là Đạo Phật qua Trung Quốc rồi sang Việt Nam. Ngài chính là sư tổ của Thiền tông Việt Nam từ đầu thế kỷ 3.


Trong tôi có nhiều sự suy tưởng rất thú vị. Tôi bắt tay vào làm một số phác thảo, dựng lên những hình tượng cụ thể về Thiền sư Tăng Hội. Tôi tranh thủ xin ý kiến của các Phật tử. Các chị Chân Phúc An và Lệ Cung cùng Tổ chính niệm chùa Định Quán đã tổ chức cuộc đi thăm chùa Từ Hiếu để tham vấn của các sư trụ trì và đông đảo Tăng Ni về các phác thảo vẽ Đức sơ tổ Thiền sư Tăng Hội.


Các sư trụ trì và đông đảo Tăng Ni đã nhiệt liệt hoan nghênh và góp ý chân tình cho các phác thảo. Thượng toạ Thích Trí Mậu, trụ trì chùa Từ Hiếu cho tôi biết: “Tết này Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ về Việt Nam, thể nào cũng gặp gỡ họa sĩ và góp ý kiến cho các phác thảo.”


Sau Tết Đinh Hợi, tôi được các bạn Phật tử cho biết: Thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước bận trăm công ngàn việc từ Nam chí Bắc, tiếp kiến riêng là điều rất khó. Nhưng may quá, tôi được Ban Tôn giáo Chính phủ, anh Bùi Hữu Dược và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tận tình giúp đỡ tôi tiếp kiến cụ Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng sư bà Thích Chân Không và một vài vị Thượng Tọa, Đại đức… tại một khách sạn bên bờ Hồ Tây, Hà Nội.


Sau khi xem hai bản phác thảo, cụ Thiền sư Nhất Hạnh bày tỏ sự hoan nghênh tác giả đã sáng tác một đề tài lịch sử là vị sư tổ của đạo Phật Việt Nam ta. Cụ thiền sư nhắc đi nhắc lại đến mấy lần ý tưởng: Người Việt Nam phải thờ Phật Việt Nam trong các chùa chiền, trong mỗi gia đình…


Đi vào cụ thể, cụ Nhất Hạnh nói: “Áo tràng họa sĩ vẽ ở trong phác thảo xuất hiện chỉ từ đời nhà Đường, thời của Thiền sư Tăng Hội thế kỷ thứ 3 là áo dài kiểu áo thâm, áo the mà các cụ ta ngày xưa vẫn mặc”. Cụ lại nghiêng đầu ngắm nghía khuôn mặt Thiền sư Tăng Hội ở trong tranh rồi nói: “Họa sĩ xem có cách nào cho rõ vẻ lai Ấn Độ, vì cha của Ngài là người Ấn Độ, mẹ là người Việt Nam ở Bắc Ninh, vùng trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở thế kỷ thứ 3”.


Sau cuộc tiếp kiến tôi bắt tay ngay vào việc chỉnh sửa phác thảo.


Cũng trong cuộc gặp Sư cụ Thích Nhất Hạnh, tôi có hỏi ý kiến cụ về bài kệ của nhà trí thức Đông Ngô thế kỷ thứ 3 thời Tam Quốc, cần bố cục vào tranh vẽ về Thiền sư Tăng Hội và được cụ Nhất Hạnh gật đầu. Về nhà, tôi bố cục được toàn bài kệ vào cả hai bức tranh. Vì tôi nghĩ rằng: Là người Việt Nam thì cần thuộc bài kệ này.


Tôi nhờ cụ Nguyễn Hữu Chỉnh, nhà thi pháp nổi tiếng của Hà Nội, viết chữ Hán “Thiền sư Tăng Hội” vào bức tranh. Ngay ngày hôm sau, cụ đã viết xong, rất đẹp. Tôi nhờ Ban Tôn giáo Chính phủ giới thiệu cho một vị nào giỏi tiếng Phạn viết giúp. Tôi được trả lời: Duy nhất có một cụ, hiện ở trong thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chưa liên lạc được.


Tôi đến Đại sứ quán Ấn Độ nhờ giúp đỡ. sau một tuần lễ tận tình tra cứu và fax đi fax lại, các bạn Ấn Độ đã giúp tôi có 4 chữ Phạn Thiền sư Tăng Hội. Thế là tôi lại ngồi kẻ, vẽ từng chữ và đưa được vào tranh…