Trang chủ Tu học Phổ thông Phật Pháp là thuốc trị tâm bệnh cho chúng sinh

Phật Pháp là thuốc trị tâm bệnh cho chúng sinh

79

Bởi vì để đối trị bệnh của chúng sanh nên Phật mới nói ra tất cả pháp, với mục đích dạy chúng ta học và tu. Khi tu học xong chúng ta đem pháp ấy tiếp tục chỉ dạy cho những người khác, đó là con đường hoằng pháp lợi sinh. Nói hoằng pháp lợi sinh, nhưng thực nghĩa của nó là dạy phương pháp cho chúng sanh trị lành tất cả tâm bệnh của họ thôi.


Thuốc của Phật trị cho chúng sanh hết bệnh và sống hoài không chết. Vì vậy nhập Niết bàn gọi là vô sanh, mà không sanh thì làm gì có tử? Như vậy tu theo Phật để đi đến chỗ cứu cánh là giải thoát sanh tử, vượt lên trên dòng sanh tử. Uống thuốc của Đức Phật, chúng ta sống được bao nhiêu tuổi? Vô lượng tuổi, không thể tính đếm được. Nên nói Đức Phật là vua thầy thuốc (Vô thượng y vương). Đó là nghĩa thứ nhất.


Nghĩa thứ hai, thầy thuốc thế gian trị bệnh cho người nhưng tới khi mình bệnh thì trị không được, phải nhờ bác sĩ khác trị. Đức Phật thì ngược lại, Ngài tu để trị lành tất cả bệnh của mình rồi, sau đó mới trị bệnh cho người khác. Đó là Ngài dạy pháp tu để chúng ta biết trị những tâm bệnh cho chúng ta. Nhờ trị tâm bệnh được lành nên chúng ta mới khỏi dòng luân hồi sanh tử.


Chúng ta thấy Phật dạy mình làm, dạy mình tu những gì Ngài đã đạt được. Ngài đã thoát khỏi sanh tử, nên mới dạy chúng ta tu để ra khỏi sanh tử. Rõ ràng Ngài đã tự cứu và cứu chúng sanh, còn thầy thuốc ở thế gian đã tự cứu không được, mà cứu người thì có giới hạn nào thôi. Như vậy khả năng của Phật xứng đáng là vua thầy thuốc rồi.


Phật là vua thầy thuốc, còn Tăng Ni chúng ta sẽ là gì đây? Là một người quảng cáo thuốc của Đức Phật hay là con vua thầy thuốc, cháu vua thầy thuốc? Là con cháu ông vua thầy thuốc, chớ không phải thầy thuốc thường đâu. Như vậy quý vị mới thấy tầm vóc quan trọng của một người tu.


Tôi trước kia cũng từng làm giảng sư, giảng nơi này, nơi kia. Thời từ năm 1954 cho tới 1963 là những năm chúng tôi nằm trong Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo miền Nam. Thật ra khoảng thời gian đó, chúng tôi đang học tại Ấn Quang, nhưng Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp là thầy của chúng tôi, bắt chúng tôi đi giảng khi còn học trung học năm thứ hai, thứ ba. Một năm học có ba đợt nghỉ, đợt Tết nghỉ một tháng, đợt đầu Hạ nghỉ một tháng, đợt cuối Hạ nghỉ một tháng. Mỗi tháng nghỉ đi giảng hết ba tuần, thành ra còn có mười ngày thôi. Tùy theo sự phân bổ của Ban Hoằng pháp, chỗ nào cần thì chúng tôi đi. Nhớ lúc đó bốn huynh đệ chúng tôi trong Ban Hoằng pháp, tôi là một, thầy Huyền Vi là hai, thầy Thiền Định là ba, thầy Từ Thông là bốn, thường được mời đi giảng nhất.


Thời gian đi giảng thật ra là thời gian cắm đầu học ở trường. Học xong rồi đi giảng nên không có thì giờ tu. Thưa thật ngay cả hai thời công phu cũng không tu đủ nữa. Bởi vì lo học đâu có thì giờ mà tu. Cho nên thời gian đi giảng thấy Phật tử nghe vui, mình cũng mừng. Nhưng có một lần chúng tôi giảng Phật học phổ thông khóa II ở Rạch Giá, Phật tử đông lắm. Tôi còn nhớ rõ, kỳ đó chúng tôi giảng về quả vị tu chứng của Tứ quả Thanh văn. Giảng xong, về chỗ nghỉ. Tôi và thầy Huyền Vi đang ngồi uống nước, thì có một Phật tử tới đảnh lễ hết sức tha thiết, ông nói:


– Quý thầy giảng về quả vị tu chứng của Tứ quả Thanh văn, tụi con nghe rất hay. Nhưng thưa thầy, thầy đã chứng được quả nào rồi?


Tôi ngẩn ngơ, không biết nói sao. Lúc đó thầy Huyền Vi lanh miệng hơn tôi, liền trả lời:


– Đạo hữu không biết sao, trong nhà Phật thường nói ai tu chứng thì nấy biết, như uống nước lạnh nóng tự biết, làm sao nói được?


Nghe vậy, Phật tử ấy không hỏi nữa. Nhưng kể từ đó tôi thật áy náy, không hài lòng về mình chút nào cả. Tôi thấy mình chỉ là người quảng cáo thuốc của Phật, chớ thực sự không phải thầy thuốc con.


Từ đó tôi cứ ôm ấp một nỗi buồn trong lòng. Cho tới sau này khi mở Phật học viện Huệ Nghiêm, tôi tự hứa với lòng rằng dạy một khóa cho anh em ra trường rồi, tôi sẽ xin nghỉ để tu một chút. Chớ thực ra thời gian qua vừa học, vừa đi dạy không có thì giờ tu. Nên mãn khóa của anh em ở Huệ Nghiêm và quý cô ở Dược Sư rồi, tôi xin phép nghỉ, giao lại cho thầy Bửu Huệ trông nom trường, tôi lên núi Vũng Tàu để tu.


Tôi tự nghĩ tất cả những nỗi niềm khắc khoải của mình, nói thì hay mà hỏi đến việc tu thì không biết, không có gì cả, như vậy quả tang mình chỉ là một tay quảng cáo thôi. Phật nói pháp này hay, pháp kia hay mình đều biết hết, nhưng hỏi thầy có lành bệnh chưa thì lắc đầu không dám nói. Đó là một khuyết điểm lớn mà tôi tự thấy. Nhưng vì hoàn cảnh ngày xưa, Phật pháp quá cần nên chúng tôi không dám từ chối. Mấy huynh đệ hiện nay có lẽ khỏe hơn, lúc nào học xong rồi mới đi giảng. Hoặc ai muốn chuyên tu một thời gian cũng có thể được.


Từ khi nhập thất tu và tu có được chút ít tiến, tôi mới thấy vui, thấy hài lòng phần nào. Những gì mình nói được, mình cũng biết rõ, nắm chắc không nghi ngờ nữa. Cho nên ngày xưa tôi giảng thường thôi, không ăn khách lắm, nhưng tu một thời gian rồi giảng trở lại, thì Phật tử tới rất đông. Người ta chịu nghe là đến với mình, mình biết dạy họ giáo lý và biết chỉ phương pháp cho họ tu, nên họ mới hoan hỷ. Chớ nếu nghe rồi về, khi hỏi cách tu lại không biết, như vậy Phật pháp đối với họ không hữu hiệu. Mà đã không hữu hiệu thì người ta theo làm gì nữa.


Như năm 1964 tôi có mặt trong kỳ Đại hội Phật giáo năm ấy, tôi đề nghị với quý Hòa thượng rằng, Phật giáo Việt Nam có ba tông phái chánh là Thiền, Tịnh, Mật. Nhưng bây giờ không có tông phái nào đủ cơ sở để hướng dẫn cho Tăng Ni, Phật tử tu. Vậy xin quý Hòa thượng cho thành lập Thiền viện, Tịnh viện, Mật viện; mỗi nơi có một phương pháp chuyên môn để tu hành.


Như thế khi giảng sư đi giảng, ai muốn tu Thiền thì giới thiệu tới Thiền viện, ai muốn tu Tịnh giới thiệu tới Tịnh viện, ai muốn tu Mật giới thiệu tới Mật viện. Bởi khi giảng, giảng sư chỉ quảng cáo thuốc thôi, ai muốn mua thuốc phải đến xí nghiệp sản xuất thuốc mới mua được. Chúng ta phải có chỗ để giới thiệu, hành giả muốn tu theo pháp môn nào thì đến nơi đó, sẽ được chỉ dẫn cặn kẽ hơn. Nhìn lại Phật giáo chúng ta không có chỗ nào chuyên hết. Mình nói pháp đó hay lắm, cao siêu lắm, nhưng Phật tử hỏi tu làm sao, thầy dạy cụ thể cách thức thực tập thì thầy cũng ngẩn ngơ. Như vậy có phải là một khuyết điểm lớn trong tổ chức của mình không?


Bởi vậy thời của tôi, tôi thấy rất rõ một số cư sĩ học Phật cũng kha khá như ông Nhuận Chưởng, ông Minh Đăng… các đạo hữu học cũng lâu ở Ấn Quang, có thể giảng được. Vậy mà sau này, ông Nhuận Chưởng thì theo ông Địa, bà Mẫu nào đó. Còn ông Minh Quang bỏ Phật giáo, tu theo đạo Ba Hai bên Ấn Độ. Tại sao vậy? Mới nhìn chúng ta nghĩ những người đó phản bội, nhưng sự thực không phải vậy. Vì họ đã hiểu phần lý thuyết rồi, họ chỉ cần tu thôi, nhưng ai dạy họ tu đây? Chùa nào cũng tu một cách chung chung, không có chỗ chuyên môn, không có nơi nghiên cứu và thực tập đến nơi đến chốn, thì làm sao chúng ta giới thiệu cho họ tu? Mà không có nơi tu tức là không đáp ứng được nhu cầu tâm linh của họ. Do đó, buộc lòng họ phải đi tìm nơi này kiếm nơi nọ, vô tình lạc vào những nẻo tà. Đó là một khuyết điểm lớn của Phật giáo chúng ta.


Một giảng sư chỉ nói pháp cho Phật tử nghe, hiểu nhưng bản thân chưa có điều kiện thực hành, thì tự nhiên mình chỉ là một quảng cáo viên thôi, đâu phải thầy thuốc chính hiệu. Giá trị Phật pháp sẽ được mở rộng hay bị tiêu mòn? Đó là vấn đề mà tôi muốn đặt ra cho tất cả quý huynh đệ hiểu và nghĩ tới tương lai của Phật giáo.


Chúng ta tu Phật, nhất là những thầy thuốc con phải biết những điều gì?


Một là phải biết thuốc.


Hai là phải biết bệnh.


Ba là phải biết liều lượng cho người uống khỏi bệnh.


Ngày xưa Tôn giả A Nan tuy ở gần Đức Phật, nhưng công phu tu tập vẫn chưa xong. Một hôm có  hai người đệ tử đến xin ngài hướng dẫn tu. Ngài dạy người thợ rèn quán bất tịnh, người giữ mồ mả quán sổ tức. Hai ông tu một thời gian, không có kết quả gì hết. Họ đến bạch với ngài: “Con tu lâu quá mà không có kết quả, như vậy là tại sao?”. Ngài lúng túng không biết lý do, nên cầu cứu với Phật:


– Bạch Thế Tôn, con có hai người đệ tử xin dạy pháp tu, một người con dạy quán sổ tức, một người con dạy quán bất tịnh mà họ tu hoài không có kết quả. Xin Thế Tôn dạy con phải làm thế nào để giúp cho họ tu có kết quả.


Phật hỏi:


– Người ông dạy quán bất tịnh làm nghề gì?


– Bạch Thế Tôn, họ làm thợ rèn.


Hỏi:


– Người ông dạy quán sổ tức làm nghề gì?


– Bạch Thế Tôn, họ làm nghề giữ mồ mả.


Phật nói:


– Ông dạy như vậy là sai rồi. Người giữ mồ mả ở nghĩa địa xem thấy thây ma hoài, dạy quán bất tịnh mới thành công. Còn người thợ rèn thổi ống bễ phì phịch phì phịch, dạy quán sổ tức mới thành công.


Nghe nói vậy ngài biết mình dạy sai, nên trở về dạy hai người đệ tử đúng như lời Phật dạy. Thời gian sau, hai người ấy vui mừng thưa: “Con vâng lời thầy dạy nên tu rất có kết quả”.


Đó, thầy thuốc mà không biết bệnh, trường hợp nào nên uống thuốc gì, nếu dạy sai đi thì không có kết quả. Đến trường hợp uống thuốc lậm nữa. Uống thuốc lậm là như Đức Phật dạy các thầy Tỳ kheo quán bất tịnh, khi quán bất tịnh các thầy thấy thân nhớp nhúa, gớm đến không thể sống nổi, nên huynh đệ rủ nhau cùng cắt cổ chết hết. Đến ngày bố tát, Phật thấy chỉ còn bảy tám người, Ngài hỏi nguyên do, mới hay sự việc trên. Phật liền quở:


– Ta dạy quán bất tịnh là cốt để trị bệnh đắm sắc, chứ không phải quán bất tịnh để tự tử. Tu mà tự tử là sai lầm rồi.


Vì vậy trong kinh nói sau khi quán bất tịnh, thấy nhờm gớm thân này đến rởn óc thì phải dừng, quay sang quán tịnh. Đó là trị bệnh mà uống quá liều thì cũng chết. Chúng ta là thầy thuốc phải biết thuốc, biết bệnh và biết liều lượng cho uống thì bệnh mới lành. Nếu không biết những điều đó thì chẳng những trị không lành bệnh mà có khi còn tai hại hơn nữa.


Tôi xin hỏi các thầy thuốc con ở đây, như có người mắc bệnh tham đến xin điều trị, quý vị dạy phương thuốc nào? Đó là thực nghiệm mà chúng ta phải biết. Đã là thầy thuốc thì phải biết thuốc, biết cách trị bệnh cho có hiệu quả. Khi người ta khai bệnh tham, chúng ta đừng vội dạy pháp liền. Bởi vì tham có tới năm thứ thông dụng: tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực, tham thùy hoặc tham sắc, tham thinh, tham hương, tham vị, tham xúc. Trong năm cái tham đó, dùng thuốc khác nhau hay là cùng một thứ? Điểm này thầy thuốc cần phải biết.


Nếu người tham tài muốn có tiền của nhiều, tới xin thầy dạy phương pháp tu cho hết tham thì chúng ta phải dạy pháp bố thí. Nếu người khai bị bệnh tham sắc dục thì chúng ta dạy quán bất tịnh để trị. Nếu người bị bệnh tham danh, chúng ta dùng hai phương thuốc trị mới lành. Phương thuốc thứ nhất là quán vô thường, nghĩa là danh được rồi sẽ mất chứ không còn hoài. Ví dụ như người đắc cử một chức vụ nào đó, khi mãn nhiệm kỳ bốn năm tám năm rồi cũng trở lại thường dân, chứ đâu ngồi mãi chiếc ghế đó được. Như vậy giành giựt nhau, tranh đấu nhau để có một chút chức tước, nhưng chức tước đó được rồi sẽ mất. Vì mất nên nói không lâu dài. Đã không lâu dài thì tội gì mình phải khổ, phải lo. Đó là thang thuốc quán vô thường, nhưng một thang này thôi thì chưa đủ hiệu nghiệm, phải thêm thang thuốc quán khổ nữa. Khổ là sao? Đức Phật dạy người hiếu danh khi chưa được thì chạy chọt, tìm cách cho được nên khổ. Khi được rồi thì sợ mất nên cũng khổ. Khi đã mất càng buồn rầu càng thêm khổ. Như vậy chưa được khổ, được rồi khổ và mất cũng khổ. Ba thời, trước khổ, giữa khổ, sau cũng khổ. Xét như vậy thì hết tham danh.


Nếu người bị bệnh tham ăn, chúng ta dùng thuốc gì để trị? Bệnh này rất phổ biến. Bởi vì ai cũng thích được ăn ngon, ăn nhiều. Nên muốn trị bệnh tham ăn phải dùng pháp quán bất tịnh. Tại sao phải quán bất tịnh? Vì khi thức ăn còn ở ngoài, trước mắt trước mũi, mình ngửi nghe thơm tho nhưng khi nhai nuốt tới cổ rồi thì nó còn ngon, còn thơm nữa không? Nếu tới bao tử mà bao tử không chịu chứa, bắt phải ụa ra. Khi ụa ra có gớm không? Nếu nó sạch, nó quý thì trong ngoài gì cũng sạch, cũng quý. Tại sao trong bụng mình mửa ra thì gớm thôi là gớm. Còn như tiêu hóa được, xuống dưới rồi cho ra cửa sau có gớm không? Rất là gớm. Như vậy nếu nó sạch thì trước, giữa, sau đều sạch. Đằng này chỉ một chút bên ngoài thôi, vô tới bên trong là bắt đầu nhớp nhúa, rồi khi trả ra cũng nhớp chớ đâu phải sạch. Cái không sạch mà tại sao mình tham? Đó, như vậy nghĩ tới nhơ nhớp mà bớt bệnh tham ăn. Đồng thời phải nghĩ tham ăn là gốc của khổ vô thường. Tại sao? Bởi vì nuốt vô khỏi cổ thì tất cả thức ăn mất hết, chỉ ngon có mấy phút thôi. Nói mấy phút là nhiều đó, chớ còn thật ra một miếng ăn ngon chỉ có mấy giây đồng hồ. Cái ngon đó không thật, chỉ giả tạm, qua rồi mất. Nó là vô thường, vô thường thì có gì mà mình phải tham? Như vậy nhờ quán thức ăn bất tịnh, vô thường nên trị được bệnh tham ăn.


Nếu người bị bệnh tham ngủ, dùng thuốc gì để trị? Tham ngủ là gốc của si mê, lười biếng. Nên muốn trị bệnh này phải lấy cây roi tinh tấn mà đánh nó. Nghĩa là khi nghe tiếng kẻng phải trỗi dậy liền, nếu chần chờ là lười biếng. Người như vậy rất xấu hổ, không nên, phải thức đúng giờ giấc để tu tập. Do đó phải thúc nó bằng roi tinh tấn, kêu dậy lo tu. Chỉ có tinh tấn mới đuổi được con ma tham ngủ thôi. Đồng thời trong nhà Phật cũng dạy lấy thuốc vô thường để trị bệnh tham ngủ. Bởi vì cuộc đời chúng ta không lâu dài, vô thường, không đoán định được. Bao nhiêu tuổi mất, không ai biết được. Một ngày qua tức tuổi thọ giảm một phần. Như vậy nếu để ngày này trôi qua, ngày kia trôi qua thì đời tu của mình còn có giá trị gì? Muốn sống có ý nghĩa, chúng ta phải nhớ đời là vô thường, ngày nào còn sống thì chúng ta cố gắng tu ngày ấy.


Đó là những phương thuốc trị bệnh tham.


Bây giờ có người bị bệnh sân đến xin thuốc, chúng ta sẽ dạy họ trị bằng cách nào? Trong nhà Phật dạy rất đầy đủ, người bệnh sân phải dùng thuốc nhẫn nhục và từ bi để trị. Vì khi nổi nóng thì thường nói bậy, làm khổ người ta. Nói bằng lời chưa đã thì tới tay chân. Cho nên vừa sửa soạn nói thì tự nhắc mình: “Nhịn là khôn, nói là dại”, từ từ sự nóng giận chìm xuống. Nhưng chìm xuống chứ chưa hết gốc đâu, lâu lâu nhớ lại cũng nổi giận nữa. Nên phải dùng quán từ bi để trị cho dứt gốc. Quán từ bi là thương từ người thân như cha mẹ, anh em cho tới người sơ như những kẻ lạ và cuối cùng là người thù, mình đều thương hết. Chừng nào thương được người thù thì không còn sân nữa. Đó là bứng tận gốc.
Như vậy mỗi một bệnh, chúng ta phải dùng một hoặc hai pháp hỗ tương để trị thì bệnh mới lành. Bệnh nào dạy pháp ấy, trị được lành thì bệnh nhân mới được an lạc. Còn mình dạy nhiều pháp nhưng ai muốn tu gì thì tu, chứ mình không chỉ rõ pháp nào trị bệnh ấy, thì việc tu sẽ không đến nơi đến chốn. Đó là tôi nói đại lược về bổn phận của một ông thầy thuốc.


Chúng ta thấy người truyền đạo, giáo hóa phải biết thời biết cơ, ứng dụng cho thích hợp. Như Phật dạy tùy hoàn cảnh, vua chúa Ngài nói khác, dân dã Ngài nói khác, làm sao cho người nghe thu nhặt được kết quả tốt. Như vậy việc giáo hóa mới đem lợi ích lại cho mọi người.


Mong rằng chư Tăng Ni cố gắng tìm hiểu nghiên cứu giáo lý cho kỹ, ứng dụng tu tập có kết quả nhất định, từ đó giảng dạy cho mọi người, để trị tâm bệnh cho họ. Tôi xin nhắc lại lần nữa, chúng ta là người quảng cáo đạo Phật hay là ông thầy thuốc nhỏ, đệ tử đệ tôn của vua thầy thuốc? Nếu là thầy thuốc con thì phải học thuốc, học cách trị bệnh y như cha mình, để làm sao cho mọi người được lành bệnh. Đó mới đúng là con vua thầy thuốc.