Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Vì sao CQ Trung Quốc ủng hộ cải đạo tại Tây Tạng?

Vì sao CQ Trung Quốc ủng hộ cải đạo tại Tây Tạng?

106

Trong khi đó, trong những bài viết trước của tôi, có nội dung ghi nhận rằng Trung Quốc cũng phải đối phó với việc xâm nhập của các tôn giáo đến từ phương Tây như những vấn đề chính trị và xã hội nặng nề.

Tôi nghĩ là ghi nhận của đức Dalai Lama không có mâu thuẫn gì với nội dung mà tôi trình bày.

Trung Quốc là quốc gia nhận thức hơn ai hết hiểm họa của việc cải đạo sang những tôn giáo đến từ phương Tây.

Trung Quốc, có lẽ, là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thành lập giáo hội riêng của đạo Ca tô tách rời khỏi Giáo hội toàn cầu tại Vatican hoạt động hoàn toàn độc lập. Và từ đó họ cấm Giáo hội Vatican hoạt động.

Về mặt tình cảm, đọc những sách lịch sử Trung Quốc hiện đại, do người Trung Quốc viết, người đọc có thể nhận thấy tình cảm bài Ky tô giáo, đối kháng Ky tô giáo, khi nhìn nhận tôn giáo này là đạo của Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh và các tướng lĩnh Quốc dân Đảng.

Xem những phim phản ánh Trung Quốc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy các tướng lĩnh Quốc Dân Đảng tham ô, độc đoán, tàn ác cả với nhân dân, binh lính của mình, thường gắn với hình ảnh một nhà thờ nào đó, với việc cầu nguyện Chúa mỗi khi gặp vận đen, và sự giàu sang quý phái khi họ đi làm lễ nhà thờ, đối lập với đám người hầu và dân đen nghèo khổ, lam lũ.

Những người cầm đầu lực lượng chống chính quyền Trung Quốc khi chạy ra nước ngoài, hầu hết là đến Mỹ, thường là theo đạo Tin Lành hay cải đạo sau đó.

Vậy sao có chuyện lạ kỳ, như đức Dalai Lama nói?

Thực ra, đức Dalai Lama nói không sai. Tất cả đều nằm ở vấn đề địa tôn giáo, có liên hệ đến địa chính trị, mà chúng ta đã có dịp đề cập trong bài “Từ quyền lợi dân tộc: nghĩ đến nguy cơ từ những vùng trắng Phật giáo”.

Thực ra, Trung Quốc bản chất không phải là một quốc gia tuyệt đối thống nhất, mà là một quốc gia “Ngũ tộc liên minh” như một khẩu hiệu được nêu ra thuở Trung Quốc mới thành lập nước Cộng hòa (1912).

Ngũ tộc, đó là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng, là 5 vạch tượng trưng trên quốc kỳ đầu tiên của Trung Hoa dân quốc (thời kỳ trước Tưởng Giới Thạch) và là 5 sao trên quốc kỳ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay.

Sự thống nhất Trung Quốc luôn bị đe dọa bởi vấn đề ngũ tộc này, nên họ ra sức kêu gọi “liên minh”.

Có điều, nhìn vào đường biên giới dân tộc ở Trung Quốc, lại là đường biên giới tôn giáo, với 3 “tộc” ở phía cực Bắc và Tây Trung Quốc  (Mông, Mãn, Tạng) theo Phật giáo Lạt ma, khác với Phật giáo Hán hóa, của người Hán.

Ở Phật giáo Lạt ma, ngoài sự khác biệt với Phật giáo Hán hóa về mặt tông phái, còn có vấn đề về mặt giáo quyền. Tín đồ Phật giáo Lạt ma đều quy ngưỡng Đức Dalai Lama, một người mà chính quyền Bắc Kinh rất khó chịu.

Vì vậy, hành động tưởng chừng trái chiều, nhưng thực ra rất hợp lý, mà Đức Dalai Lama đã nói, là cố gắng xóa mờ đường biên giới tôn giáo, một đường biên giới luôn ảnh hưởng đến sự thống nhất của các quốc gia, trong đó, Trung Quốc là một trường hợp rất nhạy cảm.

Nói rất nhạy cảm vì đường biên giới tôn giáo (mà ở Trung Quốc là 2 tông phái Phật giáo) lại cũng là đường biên giới dân tộc.

Vấn đề Tây Tạng thì phức tạp đối với Trung Quốc như thế nào, chúng ta đều biết.

Nhưng vấn đề Mông Cổ ở Trung Quốc cũng nặng nề không kém. Hai bên đường biên giới Trung Quốc – Mông Cổ là chỉ một dân tộc.

Về mặt chính trị, họ tuân phục 2 chính quyền khác nhau, còn về mặt tôn giáo, họ cùng một đạo Phật Lạt ma và cùng quy ngưỡng đức Dalai Lama.

Ở Mông Cổ, Mãn Châu, không xảy ra sự kiện đối kháng như ở Tây Tạng, cho nên, đường biên giới tôn giáo có thể xóa mờ bằng việc truyền bá Phật giáo Hán hóa.

Nhưng người Tây Tạng đối với việc truyền bá văn hóa Hán, trong đó, có Phật giáo Hán hóa, lại có phần căng thẳng hơn, do những va chạm từ thập niên 1950.

Trường hợp Tây Tạng, do khó lòng mà xóa mờ đường biên giới tôn giáo trong lòng Trung Quốc bằng đạo Phật Hán hóa, nên bất đắc dĩ phải xảy ra cái việc “…người Trung Quốc tại Tây Tạng khuyến khích các vị cố đạo của quý vị cải đạo những người đồng hương của tôi” (Lời của đức Dalai Lama).

Chính quyền Trung Quốc không muốn thấy một đường biên giới tôn giáo quá sắc nét, vì vậy, họ cố pha loãng sự đậm đặc của Phật giáo Tây Tạng bằng những thứ có thể.

Nhưng, chúng ta cũng không loại trừ một nước cờ cao của chính quyền Trung Quốc.

Nước cờ đó là đưa cho những thế lực cải đạo tại Trung Quốc một nhiệm vụ khó khăn, đưa những người làm công việc cải đạo ra khỏi các thành phố lớn đến các vùng xa xôi và đối mặt với niềm tin tôn giáo vững chắc của người Tây Tạng.

Có thể, khuyến khích những người cố đạo cải đạo người người Tây Tạng chính là vô hiệu hóa họ, lưu xứ họ, đưa họ vào một nhiệm vụ, hầu như, bất khả thi?

Thế lực cải đạo ở Trung Quốc lực lượng tất nhiên có hạn. Khuyến khích họ đi lên cao nguyên Tây Tạng, đưa họ vào nhiệm vụ vùng lầy, chịu đựng sự khác biệt khí hậu, phải chăng, là cú đánh giải vây, giảm áp lực cải đạo cho Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thiên Tân, Nam Kinh…?

Ngay cả chính quyền Nga còn sợ việc cải đạo, nữa chi là chính quyền Bắc Kinh!