Trang chủ Diễn đàn Báo Phụ nữ TP.HCM gây phương hại hoạt động từ thiện xã...

Báo Phụ nữ TP.HCM gây phương hại hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo

87

Trong loạt phóng sự “Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội”, số thứ sáu, 8/3/2013, báo Phụ nữ – Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, có đăng bài kỳ 5: Trẻ “bỏ rơi” nơi cửa Phật của “Nhóm phóng viên”.

Bài báo không đưa ra một kết luận gì rõ ràng, dứt khoát. Nhưng với cách trình bày mập mờ, nhiều ẩn ý của tác giả, bài báo chắc chắn sẽ gieo vào lòng bạn đọc những nghi ngờ, thắc mắc. Việc này chắc chắn sẽ gây phương hại cho hoạt động nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, nơi bài báo đề cập đến.

Thông qua một cách trình bày nước đôi, hai mặt, hiểu sao cũng được, cùng với một số thông tin, ra vẻ như nhìn tận mắt, nghe tận tai, sắp xếp cũng theo cách làm cho hiểu lập lờ như trên, bài báo như cố truyền đến người đọc sự hoang mang.

Chưa một lần đến chùa Bồ Đề Hà Nội, chúng tôi không dám bình luận về sự chân thật đối với thông tin của bài báo. Chúng tôi chỉ muốn trình bày ý kiến cảm nhận của người đọc đối với bài báo đối với cách thông tin của tác giả.

Tác giả bài báo làm như ra vẻ khách quan, nhưng kỳ thật, vẫn lộ rõ sự chủ quan của mình, trong cố gắng lèo lái nhận thức người đọc.

Không đi tới một kết luận gì, nhưng cách trình bày tựa đề của bài báo cố ý làm người đọc hiểu là nhà chùa nằm trong đường dây “kinh doanh” con nuôi. Nguyên văn tựa bài báo là “Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội – Kỳ 5 Trẻ “bỏ rơi” nơi của Phật”. Trong chỉ khoảng 20 âm tiết, dấu ngoặc kép được sử dụng 2 lần ở từ “kinh doanh” và cụm từ “bỏ rơi”. Lập lờ là ở chỗ này.

Với dấu ngoặc kép nhay nháy, người đọc muốn hiểu sao cũng được, kể cả cách hiểu nhà Phật “kinh doanh” con nuôi, còn những cháu bé thì không phải là “bỏ rơi”. Tác giả đã có dấu ngoặc kép rào đón.

Không chỉ ở đoạn mở đầu bài báo, tác giả cũng làm cái cách như thế trong lập luận sau đó. Tác giả chỉ ghi lại lời đồn (“rỉ tai”), nhưng lại “sốc”. Chỉ như thế, mà không đưa ra kết luận: “Cũng như nhiều người, tôi từng kính phục sự nhân ái của sư trụ trì trong việc nuôi dưỡng hàng chục em bé mồ côi bị bỏ rơi ở cổng chùa. Nhiều công ty, tổ chức trong ngoài nước và bạn bè tôi đã đến đây làm từ thiện, chia sẻ khó khăn với nhà chùa để nuôi dưỡng các cháu. Nhưng, khi thực hiện loạt bài này, tôi đã “sốc” trước những lời rỉ tai rằng nơi đây như một “kênh” cung cấp con nuôi. Hiện có đến gần 200 trẻ mồ côi được gom về từ nhiều nguồn khác nhau, đang sống lay lắt ở chùa Bồ Đề…

Tác giả không nói gì, chỉ nghe “rỉ tai” rồi “sốc”. Cái kiểu thuật lại như thế là kín kẽ, nhưng thái độ tiêu cực với hoạt động từ thiện xã hội ở chùa Bồ Đề của tác giả lộ hẳn ra: Đó là mục tiêu muốn gieo những hình ảnh méo mó, lệch lạc về hoạt động từ thiện xã hội ở chùa Bồ Đề.

Nội dung bài báo khá dài, nhưng tác giả cũng không đưa ra bình luận gì trừ một hai câu như “lần đầu tiên tôi thấy quyền lực của một bảo vệ trong chùa lại “to” đến thế”, không thể gọi là bình luận sự việc được.

Không kết luận, bài báo chỉ trình bày toàn những câu chuyện với… những người được nhà chùa thuê nuôi trẻ và bảo vệ. Đó là những người không có thẩm quyền phát biểu về điều gì. Suy nghĩ sâu một chút, bài báo không đáng tin cậy, vì hầu hết chỉ là thuật lại những cuộc đối đáp với người bên ngoài được thuê vào giữ trẻ (bài báo gọi là ôsin) và bảo vệ. Vì thế, tác giả, lại một lần nữa, làm ra vẻ khách quan, nhưng bằng câu chuyện chỉ chủ yếu với ôsin và bảo vệ.

Không rõ việc đến chùa tìm hiểu vụ việc gặp Ôsin, bảo vệ để viết bài là vô tình hay cố ý, nhưng tác giả (trong bài là ngôi thứ nhất số ít, nhưng dưới bài ghi là nhóm phóng viên, không thể xác định cụ thể) lại xoáy vào những việc mơ hồ, không rõ ràng, cũng để hình thành nghi vấn nơi người đọc. Đáng chú ý nhất là xuất xứ các cháu bé. Bài báo viết: “Nhàn cũng như nhiều người mẹ khác, không rõ chính xác những đứa trẻ mồ côi đến từ đâu. Chỉ thỉnh thoảng thấy các sư trong chùa mang vào khu nuôi một cháu, giao cho các mẹ. Họ dặn phải nói tất cả trẻ con ở đây đều là trẻ bị vứt ở cổng chùa”. Đoạn sau đó lại lặp lại: “Trước một em bé sơ sinh còn đỏ hỏn, tôi hỏi: “Em bé này bị bỏ rơi ở đâu?, người mẹ nuôi em đáp: “Người ta gọi điện cho sư bác đi nhặt ở đâu về tôi không rõ lắm. Giao cho mình tôi ba đứa còn đỏ hỏn thế này, vất lắm cô ạ. Nhàn nháy người “mẹ” vừa nói chuyện với tôi, nhắc lại không dưới năm lần câu: “Ở đây đều là trẻ người ta đem đến bỏ rơi ở cổng chùa cả đấy chị ạ”.

Đến một đơn vị để tìm hiểu một việc lớn, được miêu tả là “Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội”, nhưng rồi bài báo chỉ là những mẫu đối thoại với ôsin và bảo vệ, thì quả là có dụng ý. Họ cũng không nói rõ điểm gì, những bài báo làm được cái là gây ở người đọc sự hoài nghi, thắc mắc, ngờ vực. Một bức tranh hư hư thực thực hiện ra, mang đến đủ mọi cách hiểu, kể cả cách hiểu xấu nhất về nhà chùa. Đó là điều tác giả muốn.

Ngờ vực, hoang mang, thắc mắc… Nếu như vậy thì làm sao người đã đọc bài báo có thể tiếp tục ủng hộ tài chính cho việc nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề? Hệ quả đó của bài báo là tất yếu. Đó là chưa nói đến trong box, bài báo tế nhị nhắc đến pháp luật.

Nếu như thế quả thì là tàn nhẫn quá mức!

Một vài ôsin nuôi trẻ có thể vô cảm, thiếu trách nhiệm, chăm sóc trẻ không đúng mức, có cháu bị ghẻ lở… Những chi tiết đó nếu phân tích một cách chính xác, công bằng, không thể tạo ra một bức tranh đầy nghi vấn cho hoạt động nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề. Nhưng qua bài báo người ta đã cố ý vẽ nên một bức tranh như vậy bằng sự lập lờ cố ý, khác hẳn với việc nêu những khuyết điểm để nhà chùa rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn công việc từ thiện xã hội của mình.

Họ muốn một cái gì đó rất tiêu cực?

Nếu không có nỗ lực của chư ni chùa Bồ Đề trong việc tiếp nhận nuôi nấng trẻ mồ côi, thì có bao nhiêu bào thai sẽ bị phá, bao nhiêu trẻ sơ sinh nằm trong bụng mẹ bị giết chết một cách tàn nhẫn, vô tâm. Người ta đã không kể gì đến điều đó, mà căng thẳng ở vài cháu bị chết (vì HIV), cháu khóc đến tím ngắt, cháu bị ghẻ, cháu đang ngủ ngon bị kéo xềnh xệch…, rồi rất lạnh lùng, miêu tả sư thầy với xuất xứ không rõ ràng của trẻ nhận vào nuôi, chỉ qua lời ôsin và bảo vệ (mà tìm hiểu kỹ, thì đó cũng đều là trẻ bị bỏ rơi mà thôi).

Nhận nuôi trẻ bỏ rơi là truyền thống từ bi của Phật giáo Việt Nam, xuất phát từ tinh thần Quan Âm Thị Kính ngời sáng nét đẹp nhân văn dân tộc.

Góp tay vào công việc từ thiện xã hội là góp phần vào việc chung, ích nước lợi dân, cũng là điều đáng khuyến khích.

Chùa Bồ Đề từ lâu đã có tiếng tốt trong việc nhận nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Báo chí đã nhiều lần đề cập. Cả nước đều biết đến. Cũng đã có nhiều vị lãnh đạo Đảng và nhà nước đến thăm, động viên, khuyến khích chư ni chùa Bồ Đề trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi, bất hạnh.

Nếu nhà chùa có khiếm khuyết trong việc chăm sóc các cháu ở một số trường hợp nào đó, phải đề cập trên báo chí, thì cần sự rõ ràng và với tinh thần xây dựng. Không nên cố ý gieo vào người đọc sự hoang mang, nghi vấn, ngờ vực, để từ đó dẫn đến trở ngại trong hoạt động từ thiện xã hội của nhà chùa.

Mong rằng Ban Biên tập Báo Phụ nữ nên thận trọng trong việc cho đăng tải những bài báo sẽ gây tác động như vậy.

Mong rằng cơ quan có chức năng và thẩm quyền của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Phật giáo Thành phố Hà Nội, tìm hiểu sự việc, kịp thời có ý kiến với báo chí, hạn chế tác động tiêu cực đối với hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo do những bài báo trình bày vấn đề lập lờ như thế gây ra.

Mong rằng các nhà báo nên có cái nhìn công tâm và toàn diện đối với hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo. Tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc hơn một trăm bảy mươi cháu mồ côi (con số trong bài báo) như chùa Bồ Đề đang làm, bằng kinh phí vận động xã hội hóa, là một công việc hết sức khó khăn, nặng nề, không tránh khỏi thiếu sót. Phía Phật giáo chắn chắn chờ đợi ở quý vị sự hợp tác tích cực, từ tâm, thông cảm, chia sẻ. Việc trình bày có tính chất mơ hồ, gây khó hiểu, hoang mang trong dư luận không đem lại lợi ích cho sự nghiệp nhân đạo, từ thiện.

MT