Trang chủ PGVN Phật giáo Lạng Sơn: Tiềm năng cho nhiệm kỳ mới

Phật giáo Lạng Sơn: Tiềm năng cho nhiệm kỳ mới

87

Nằm trên địa bàn sơn địa, giáp biên giới với Trung Quốc, do đó tình hình hoạt động Phật giáo cũng diễn biến khá phức tạp và khó khăn, do có những quan điểm chưa đúng về Phật giáo có sự pha trộn của những tín ngưỡng không đúng theo giáo lý Phật Đà bởi có nhiều sắc tộc.

Toàn tỉnh có 07 ngôi chùa, do thiếu Tăng ni trụ trì nên Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã quản lý trực tiếp, không có sinh hoạt tín ngưỡng. Duy nhất hiện nay, các hoạt động Phật sự, hội họp lễ nghi… của Ban Đại diện Phật giáo tỉnh đều diễn ra tại chùa Thành (Diên Khánh Tự) do Đại đức Thích Quảng Truyền – Phó Trưởng ban Thường trực Phật giáo tỉnh Lạng Sơn làm trụ trì.

Chính vì thiếu chùa và Chư Tăng, Phật tử đi lễ thường đổ về các đền miếu, sinh hoạt tín ngưỡng không đúng Chính pháp.

Tuy ít tu sĩ nhưng các hoạt động các nghành của Ban Đại diện Phật giáo Lạng Sơn tổ chức khá tốt qua sự phối hợp với MTTQ tỉnh và TW GHPGVN.

Tại chùa Thành thường xuyên tổ chức thuyết giảng giáo lý (6 buổi/tháng), tổ chức khóa tu Bát quan trai cho 200 Phật tử/kỳ. Hướng dẫn giáo dục Thanh Thiếu nhi Phật tử mỗi tháng 2 kỳ.

Ngoài ra, ngành hoằng pháp còn triển khai việc thuyết giảng cho đối tượng là sinh viên, học sinh với sự phối hợp của Ban Giám hiệu các trường THCS, Cao đẳng sư phạm, xem đây là môn ngoại khóa. Ngoài ra, Chư Tôn đức còn đều đặn đến trại giam Yên Trạch để giao lưu, thuyết giảng cho các phạm nhân.

Một sự kiện tích cực vào tháng 03 năm 2011, Ban Đại diện Phật giáo tỉnh đã tổ chức quy y cùng một lúc cho 350 Phật tử. Đối với vùng biên địa, nên việc quy y tập thể này đã nâng tầm uy tín và hình ảnh Phật giáo đối với suy nghĩ và cái nhìn của nhiều người.

Dù ít Chư Tăng song tất cả các lễ hội quan trọng của Phật giáo trong năm như: Phật đản, Vu lan… đều được tổ chức trang nghiêm với các chương trình văn nghệ, thả đèn hoa đăng trên sông Kỳ Cùng, trao tặng nhà đại đoàn kết, tổ chức hoa hồng cài áo, thu hút hàng vạn Phật tử tham gia.

Ngày 15-17/10/2010, TW Giáo hội đã tổ chức lễ động thổ xây dựng chùa Phật Quang Sơn tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng dự kiến ban đầu cho việc xây Phật Quang Sơn trên 500 tỷ đồng do TW Giáo hội làm chủ đầu tư.

Riêng về công tác từ thiện xã hội, Phật giáo Lạng Sơn dù khó khăn nhưng cũng đã tích cực hoạt động với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Điều đáng suy nghĩ là tại sao một tỉnh ít Tăng ni mà lại có những thành quả Phật sự thật ấn tượng như vậy? Tại sao bên cạnh việc đánh đồng Phật giáo với các tín ngưỡng, hủ tục mà Phật giáo Lạng Sơn vẫn thoát ra và xây dựng riêng cho mình một diện mạo Chính pháp với những bước phát triển chắc chắn trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bà con Phật tử?

Đó là yếu tố đoàn kết được đặt lên hàng đầu; là sự bám sát chỉ đạo của TW Giáo hội và sự linh hoạt truyền tải ánh sáng Phật pháp đến với đời sống một cách nhuần nhuyễn. Đó còn là sự hậu thuẫn và hộ pháp lớn của hàng nghìn, hàng vạn Phật tử đã mang lại nhiều thành công trong việc tổ chức các Phật sự có tầm quy mô lớn.

Điều tồn tại và những khoảng trống cần bổ sung của Ban Đại diện Phật giáo Lạng Sơn quan trọng nhất vẫn là hoàn thiện bộ máy hạ tầng và tăng cường nhân sự bởi theo đánh giá của Ban Đại diện thì Chư Tăng muốn hành đạo tại Lạng Sơn thì lại không có chùa (do ngành văn hóa du lịch), còn đối với các huyện, thị trấn thì hầu như không có tự viện, do đó Phật tử thiếu nơi hành lễ, tu học và sẽ dễ sa vào những tín ngưỡng tập tục không đúng với Phật giáo.

Trong nhiệm kỳ mới của Ban Đại diện PG Lạng Sơn, phiên hiệu Ban Đại diện sẽ được thay đổi thành Ban Trị sự để nâng tầm hoạt động hành chính, cũng như thuận lợi hơn trong việc mở rộng hệ thống chùa chiền, huyện, thị.

Những tồn đọng này cần được TW Giáo hội và các ngành quản lý nhà nước phối hợp, giúp đỡ, điều chỉnh cũng như chuyển giao các chùa tại trung tâm tỉnh cho Ban Đại diện PG quản lý và trở thành giáo sản, trên cơ sở đó tái lập lại sinh hoạt tín ngưỡng tu học tại các chùa trên đi vào nề nếp đúng chính pháp, đồng thời thu hút nhân sự về hành đạo và trụ trì đầy đủ ở các ngôi Tam Bảo, đáp ứng việc hướng dẫn tu tập cho bà con Phật tử.

Tại các địa phương, nơi nào chưa có chùa thì tạo điều kiện xây chùa cho Chư Tăng và Phật tử hành đạo.

Một việc rất cần thiết và quan trọng nữa là TW Giáo hội nên thường xuyên cử đoàn giảng sư về tăng cường, bồi dưỡng giáo lý cho Phật tử vùng biên địa.

Tất cả những điều trên đây là nguyện vọng thiết thực của Chư Tăng, Phật tử Lạng Sơn để ươm giống chính pháp, góp phần cùng nhà nước và bà con Phật tử các dân tộc xây dựng một Lạng Sơn phát triển và phồn vinh.